Tuesday, 22 August 2023

TRÍCH TIỀN THU HỒI QUA THANH TRA : MỘT HÌNH THỨC CHIA CHÁC TIỀN THAM NHŨNG? (RFA)

 



Trích tiền thu hồi qua thanh tra: Một hình thức chia chác tiền tham nhũng?

RFA
2023.08.21

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/extracted-30-percent-recovered-through-inspection-a-form-of-corrupt-money-distribution-08212023121748.html

 

Thanh tra Chính phủ mới đây đề xuất được trích “cứng” 30% tiền thu hồi qua thanh tra trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 100 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% đối với số nộp từ trên 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% với số nộp từ trên 200 tỷ đồng/năm.

 

Các khoản tiền được trích, theo đề xuất của Thanh tra Chính phủ, gồm các khoản tiền thuộc ngân sách nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng không đúng quy định của nhà nước hoặc bị thất thoát do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra đã được thu hồi vào ngân sách nhà nước; các khoản tăng thu ngân sách nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật đã nộp vào ngân sách nhà nước; các khoản chi ngân sách nhà nước sai chế độ đã nộp lại vào ngân sách nhà nước.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/extracted-30-percent-recovered-through-inspection-a-form-of-corrupt-money-distribution-08212023121748.html/@@images/e17c6780-8c55-4ee4-90a7-c0c746ae3278.jpeg

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam  (AFP)

 

Kinh doanh trên công việc của mình

 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập nhận định vấn đề này với RFA:

 

“Theo tôi, đây là điều không hợp lý. Thứ nhất tất cả những khoản tiền mà Chính phủ thu hồi được từ tham nhũng phải đưa vào ngân sách của quốc gia. Chia chác cái tiền đó là điều không đúng bởi các thanh tra họ đi làm công vụ và công vụ đó đã được trả bằng lương của họ rồi. Bây giờ lại có tiền “thưởng” như thế thì hóa ra là khuyến khích các thanh tra phanh phui rất nhiều sai phạm để các thanh tra có khoản thu nhập nhiều hơn. Điều đó có thể dẫn đến việc các thanh tra không làm đúng công tâm của mình.

 

Ví dụ một vụ đấu thầu từ ngân sách là 500 tỷ, họ đẩy lên 700 tỷ gây thiệt hại cho ngân sách thì khi thu hồi được phải trả hết vào ngân sách. Không thể trích cho thanh tra vì thanh tra làm công vụ chứ không phải kinh doanh trên công việc của mình.

 

Nó sẽ tạo ra hiệu ứng gọi là bới lông tìm vết để có thu nhập. Nó có thể đưa đến tình trạng làm sai công vụ. Như thế nó lại là tham nhũng của tham nhũng.”

 

Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

 

 

Không chống được tham nhũng

 

Theo đề xuất trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị số tiền trích lại trên tổng số tiền đã thực nộp vào ngân sách nhà nước tăng gấp đôi (từ 50 tỷ theo quy định hiện hành tăng 100 tỷ/năm với phần trăm trích tối đa là 30%)…

 

Việc trích tiền thu hồi như thế bị nhiều người cho là vô lý. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói với RFA suy nghĩ của ông:

 

“Thứ nhất, đây là những khoản tiền cần thu hồi nộp về cho ngân sách nhà nước. Nhưng dưới mắt của thanh tra Chính phủ thì họ đang biến nó trở thành một thứ doanh thu. Đó là điều rất nguy hiểm bởi họ sẽ chỉ biết chạy theo doanh thu mà thôi vì thu được nhiều thì được trích nhiều mà. Như vậy các nơi bị thanh tra sẽ rất mệt mỏi để đối phó bởi họ có thể không cần căn cứ vào luật pháp, không cần căn cứ vào các quy định về tài chánh, kinh tế nữa. Họ chỉ cần biết doanh thu mà thôi

 

Đây sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu bởi không chống được thất thu ngân sách, không chống được tham nhũng.

 

Cái thứ hai, khi chạy theo doanh thu như vậy nó sẽ tạo ra một cái xung đột và nghịch lý giữa chế độ lương chính thức và thu nhập phụ trội. Mà ở đây, thu nhập phụ trội chắc chắn sẽ chiếm phần lớn so với chế độ lương chính thức. Anh đi thanh tra là công vụ của anh, là trách nhiệm của ngành thanh tra chứ không phải đi buôn bán, bán nhiều thì lời nhiều. Như thế nó không còn ra một cái nhà nước nữa.”

 

Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chính phủ đề xuất, Thanh tra Chính phủ được sử dụng khoản kinh phí được trích từ tiền thu hồi sau thanh tra để chi hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra; khen thưởng, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… Lý do được đưa ra là trong thực tiễn, có nhiều khoản chi phí các cơ quan thanh tra phải trả nhưng không nằm trong dự toán ngân sách Nhà nước cấp.  

 

Báo cáo được Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 16 tháng 8 năm 2023 cho thấy, giai đoạn 2018-2022, các cơ quan thanh tra được trích hơn 1.900 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 12% trên tổng số tiền thu hồi đã nộp vào ngân sách Nhà nước. Với mức trích “cứng” là 30% như đề xuất, nếu thực hiện theo chính sách mới được đề xuất thì kinh phí hàng năm trích cho các cơ quan thanh tra ước tính sẽ tăng thêm 45 tỷ đồng nữa, có nghĩa ngân sách Nhà nước mất thêm hàng chục tỷ đồng.

 

Tuy số tiền được trích lại lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng người dân không tìm đâu ra giải trình công khai số tiền này được chi như thế nào, kể cả truyền thông chính thống cũng “im hơi, lặng tiếng” với những thông tin về con số thực “thu-chi” của ngành thanh tra nhà nước.

 

Trong vụ án “chuyến bay giải cứu” vừa diễn ra, nhiều người bất bình với khoản tiền thu hồi vào ngân sách Nhà nước. Khoản tiền này được cho là sử dụng không đúng quy định của nhà nước hoặc bị thất thoát do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra. Thực tế đây là số tiền của các nạn nhân, tức người dân trong các chuyến bay giải cứu. Nếu Thanh tra Chính phủ được trích lại từ khoản tiền này, khác gì tiền từ túi dân chảy vào túi quan chức một cách hợp pháp qua những quy định do Chính phủ ban hành?

 

---------------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

Ông Chu Ngọc Anh không bị truy tố tội nhận hối lộ: Dung túng cho tham nhũng?

 

Tiền từ dân, sao Tòa xử bảo nộp Nhà nước?

 

Đề xuất định tội vụ ‘chuyến bay giải cứu’ đáng thất vọng’!

 

Chống tham nhũng trong mối quan hệ với phát triển kinh tế tại Việt Nam

 

Lại chuyện ‘hạ cánh an toàn’ đối với quan chức, cán bộ sai phạm





No comments:

Post a Comment

View My Stats