Thursday 16 March 2023

VIỆT NAM SẼ TỤT HẬU NẾU ĐI THEO TRUNG QUỐC KIỂM DUYỆT AI TRÊN MẠNG? (RFA)

 



Việt Nam sẽ tụt hậu nếu đi theo Trung Quốc kiểm duyệt AI trên mạng?

RFA
2023.03.16

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-vietnam-lag-behind-if-it-follows-china-to-manipulate-online-ai-03162023104204.html

 

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligent, viết tắt là AI) đang nổi lên như một công nghệ mới có thể thay đổi đời sống con người ở nhiều lĩnh vực chủ chốt. Gần đây, Chat GPT, một sản phẩm AI trên mạng của công ty Open AI, thu hút được sự chú ý của người dùng internet toàn thế giới với những lợi ích mới mẻ mà nó mang lại. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-vietnam-lag-behind-if-it-follows-china-to-manipulate-online-ai-03162023104204.html/@@images/ae1c6e87-28d3-41d8-9555-875851a95eb5.jpeg

Hôm nay 16/3/2023, Công ty Baidu của Trung Quốc ra mắt Ernie Bot cạnh tranh với Chat GPT. Theo Financial Times, cổ phiếu Baidu giảm vì Ernie Bot gây thất vọng.

 

Các cơ quan chức năng ở Việt Nam hiện mới chỉ phản ứng với những trò đùa của người dân bằng cách hỏi Chat GPT những câu hỏi chính trị gây cười để cho ra những câu trả lời gây cười. Trên báo Điện tử Chính phủ, một chuyên gia của Việt Nam cho rằng cần khai thác “mặt tích cực” của AI và cũng đưa ra một giải pháp với hy vọng có thể điều khiển những nội dung do AI tạo ra để hạn chế “mặt trái”. 

 

Trung Quốc từ lâu đã sử dụng công nghệ AI phục vụ cho hệ thống kiểm duyệt khổng lồ của mình. Và theo nhiều chuyên gia quốc tế theo dõi tình hình Trung Quốc, họ đã đi tới giai đoạn thao túng nội dung do AI có thể tạo ra, từ đó dẫn tới nguy cơ bóp méo môi trường internet toàn cầu. Một nước đang phát triển như Việt Nam không dễ có thể "copy" được hệ thống kiểm duyệt gắt gao của Trung Quốc, và nếu Việt Nam cố gắng làm như vậy, điều đó có thể dẫn Việt Nam tới nguy cơ tụt hậu, trở thành ốc đảo giữa một thế giới đang phát triển công nghệ mới AI.

 

RFA trao đổi với ông Kian Vesteinsson, chuyên gia cao cấp tại Freedom House, một think tank ở Washington DC, về vấn đề này. Một trong những vấn đề Kian Vesteinsson chuyên nghiên cứu là mối quan hệ giữa dân chủ và các công nghệ mới.

 

                                                  ***

 

RFA: Chúng ta đang bước vào thời đại mà Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, viết tắt là AI) ngày càng đi sâu vào đời sống hàng ngày, kinh tế, an ninh, quân sự. Và chúng ta cũng chứng kiến hiện tượng kiểm duyệt bằng công nghệ AI. Người ta lo AI sẽ lấy mất công việc của nhiều nhóm nghề nghiệp. Và ở Trung Quốc có một điều bất ngờ là AI bắt đầu lấy mất nghề của cán bộ kiểm duyệt.  Xin ông cung cấp một bức tranh tổng quan về hiện tượng này.

 

Kian Vesteinsson: Chúng ta biết rằng các công ty trên khắp thế giới sử dụng hệ thống học máy (machine learning) để quản lý nội dung trên nền tảng (platform) của họ. Và đó là một thực tế đơn giản về quy mô hoạt động của Internet ngày nay. Có một số lo ngại lớn về việc áp dụng các nội dung và hệ thống tự động, chẳng hạn như vào việc kiểm duyệt, vì vậy, điều quan trọng là các công ty không dựa vào các hệ thống tự động này để xóa nội dung mà không được con người xem xét trực tiếp một cách cẩn thận. 

 

Nhưng nói chung, những loại hệ thống tự động này là một phần của mọi nền tảng truyền thông xã hội nhưng những hệ thống này cũng có thể là cái định hướng, để hạn chế sự biểu đạt của người dân trên mạng. Ví dụ kinh điển ở đây là hoạt động kiểm duyệt do AI điều khiển đã trở thành trọng tâm trong quy trình kiểm soát nội dung trực tuyến của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Và chắc chắn, những hệ thống tự động này là một cách hiệu quả về chi phí để kiểm soát sự biểu đạt của người dân Trung Quốc trên quy mô lớn.

 

Bây giờ tôi muốn nói thực sự rõ ràng ở đây. Các công ty như Alibaba, Tencent và Baidu là những công ty hàng đầu trong ngành về công nghệ kiểm duyệt và họ đã thực sự đạt đến trình độ tinh chỉnh, tinh vi về cách sử dụng các hệ thống tự động để nhắm mục tiêu và hạn chế có chủ ý nội dung chính trị, nội dung xã hội và các hình thức biểu đạt quan trọng khác.

Và sau đó họ bán những hệ thống tương tự cho các công ty Trung Quốc khác và khách hàng nước ngoài trên khắp thế giới. Họ đang làm điều này một phần vì chính phủ yêu cầu các trang web được lưu trữ tại địa phương, các nền tảng truyền thông xã hội và các công ty công nghệ khác phải chủ động giám sát và xóa một lượng đáng kể nội dung và tài khoản bị hạn chế. Những công ty này có thể phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc nếu họ không tuân thủ. Vì vậy đối với tôi, vấn đề ở đây là, kiểu kiểm duyệt tự động tinh vi này là một sự đáp ứng tuấn thủ chính sách của ĐCSTQ đối với việc kiểm soát ở mức độ tuyệt đối Internet Trung Quốc. Và kết quả là, quyền của những người Trung Quốc viết bài trên mạng đã bị khống chế.

 

*

RFA: Việt Nam có xu hướng học theo những gì Trung Quốc làm. Nhưng Việt Nam nhỏ và năng lực thấp hơn Trung Quốc ở mức độ đáng kể. Về mặt công nghệ, áp dụng AI vào kiểm duyệt nội dung chính trị trên mạng có phải là việc dễ làm đối với một nước đang phát triển như Việt Nam? 

 

Kian Vesteinsson: Có một điều tôi sẽ nói ở khía cạnh này, đó là ngay cả khi nói đến môi trường Internet truyền thống, chỉ có những cách kiểm duyệt truyền thống, thì bức tranh về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam đã ảm đạm rồi. 

 

Các bạn biết đấy, chúng tôi đã thấy trong năm qua, Chính phủ của các bạn đã xóa nội dung trực tuyến với tốc độ ngày càng tăng, kết án các nhà báo và người viết blog với án tù dài hạn. Từ thời điểm hiện tại này, đầu năm 2023, có vẻ như hoạt động kiểm duyệt này sẽ càng trở nên tệ hơn trong năm tới, với các quy định mới, để cụ thể hóa việc thực thi Luật An ninh mạng, có hiệu lực từ tháng 10 năm 2022. Và những quy định này sẽ mang lại cho chính phủ những con đường mới để ngăn chặn và xóa nội dung trực tuyến.

 

Sau đó, vào tháng 11 năm ngoái, Chính phủ các bạn đã thông báo rằng họ sẽ thắt chặt các yêu cầu đối với các công ty truyền thông xã hội trong việc xóa những bài đăng mà chính phủ cho là sai lệch. Và cũng trong khoảng thời gian đó, ĐCSVN đã đưa ra các quy định mới nhằm cấm quảng cáo trực tuyến trên một số trang web. Tôi nói tất cả những điều này bởi vì những diễn biến này cho thấy rằng người Việt Nam sẽ còn phải đối mặt nhiều hơn với sự kiểm duyệt trực tuyến nhằm hạn chế hoạt động báo chí độc lập và những tiếng nói bất đồng chính kiến trong năm tới. 

 

Điều đó có thể dẫn tới hậu quả là Việt Nam loại bỏ những tiềm năng chuyển đổi to lớn và tích cực mà những công cụ do AI có thể tạo ra.

 

Còn về năng lực công nghệ của Việt Nam, vâng, tôi nghĩ rằng sẽ rất khó để đánh giá trước mức độ mà ĐCSVN có thể sử dụng các công cụ này theo cách giống như ĐCSTQ đã làm, và một phần là do nó đòi hỏi năng lực kỹ thuật cần thiết ở mức độ cao.

 

Các bạn biết rằng sự kiểm soát mà ĐCSTQ trên Internet là bao trùm tất cả. Để làm được điều này, họ đã làm được một điều rất khó là tạo ra một mức độ ảnh hưởng khổng lồ, mở rộng tầm kiểm soát của mình tới mọi nơi, từ các công ty công nghệ cơ sở hạ tầng Internet cho đến tận cuộc sống của những người bình thường sử dụng Internet. Nói một cách đơn giản, điều này khó. Thực sự rất khó để tái tạo Vạn lý Tường lửa (the Great Firewall) của Trung Quốc, bởi vì điều này đòi hỏi phải làm việc ở nhiều cấp độ, cấp độ pháp lý, cấp độ chính sách, cấp độ kinh tế và kỹ thuật.

 

Chúng ta biết rằng ĐCSTQ thực sự đang gửi lực lượng đi thuyết phục các chính phủ khác trên thế giới theo đuổi mô hình chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số của mình. Nhờ đó, các công ty Trung Quốc đang bán những công cụ giám sát và kiểm duyệt tinh vi cho các khách hàng trên toàn thế giới. Và điều đó có thể cho phép các chính phủ khác tái tạo một số phần trong hệ thống kiểm soát của chính phủ Trung Quốc đối với Internet, thông qua việc mua các công cụ này từ các công ty đó.

 

*

RFA: Vậy nếu Việt Nam sử dụng các công cụ kiểm duyệt bằng AI của Trung Quốc thay vì sử dụng công nghệ AI theo tiêu chí Phương Tây, rủi ro cho an ninh quốc gia của nước này là gì? 

Kian Vesteinsson: Tôi xin để vấn đề đó cho các nhà phân tích về an ninh quốc gia, đó không phải là lĩnh vực chuyên môn của tôi. Vì vậy, tôi nghĩ tốt hơn là tôi không nói về điều đó. Nó thực sự phức tạp. 

 

*

RFA: Trung Quốc là một quốc gia có dân số lớn nhất và có lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới. Việc ĐCSTQ kiểm soát mạng lưới Internet có lượng người dùng lớn nhất thế giới có ảnh hưởng tới nội dung do những công cụ AI, ví dụ như Chat GPT, tạo ra hay không? Ý tôi muốn nói là phạm vi ảnh hưởng có vượt ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc mà lan ra cấp độ toàn cầu hay không.

 

Kian Vesteinsson: Vâng, đó thực sự là một câu hỏi sâu sắc. Tôi muốn tiếp cận vấn đề như thế này. Những công cụ Học máy này phản ánh dữ liệu mà chúng được đào tạo. Và vì vậy, nếu một công cụ Học máy chủ yếu lấy thông tin từ Internet tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Việt, thì kết quả đầu ra của nó sẽ phản ánh những gì mà ĐCSTQ và ĐCSVN phát tán bao gồm cả những thành kiến của họ, những thông tin họ tuyên truyền. Nó sẽ truyền tải cái bầu không khí tinh thần mà chúng ta thấy trên mạng Internet của Trung Quốc và Việt Nam.

 

Điều đáng chú ý ở đây là các hệ thống AI này cũng có thể phản ánh sự kiểm duyệt, do sự can thiệp của con người đối với nội dung do máy tạo ra này. Một ví dụ ở đây là các phiên bản đầu tiên của chương trình chuyển đổi văn bản thành hình ảnh ERNIE-ViLG của Baidu đã giới hạn các tham chiếu đến hình ảnh Quảng trường Thiên An Môn, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, hạn chế các thuật ngữ như “cách mạng” hoặc “vượt tường lửa”. Vì vậy, tôi nghĩ điều này rất có khả năng là cái trạng thái thực tại của mạng Internet này sẽ khuôn định các công cụ sáng tạo bởi AI, vốn là cái dựa trên nền tảng Internet ấy.

 

Một điểm khác, tôi sẽ trình bày ở đây về chủ đề này, đó là tôi nghĩ có một câu hỏi quan trọng là: điều gì có thể xảy ra với người dùng? Ai sử dụng các công cụ Học máy này để tạo nội dung mà các nhà lãnh đạo chính trị muốn nắm bắt? Vì vậy giả sử ai đó ở Việt Nam sử dụng một bài viết được Chatbot tạo ra có nội dung chỉ trích ĐCSVN và sau đó đăng ảnh chụp màn hình của sản phẩm đó lên mạng xã hội, người đó có thể phải đối mặt với những hình phạt nào từ các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam? Và điều gì xảy ra với công ty cung cấp những nền tảng đó? Vì vậy, đây là một câu hỏi thực sự lớn mà tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ chỉ thấy câu trả lời mở ra khi những công cụ này trở nên khả dụng hơn đối với người dân nói chung.

 

*

RFA: Đứng trước năng lực của Trung Quốc trong việc bóp méo nội dung do AI tạo ra như vậy, với tư cách là đảng cầm quyền ở Việt Nam, ĐCSVN phải đối diện với những vấn đề lớn hơn thế về mặt lợi ích quốc gia mà họ có trách nhiệm phải gánh vác. Tôi lấy ví dụ, Trung Quốc tranh chấp với một số nước ASEAN về chủ quyền lãnh thổ quốc gia ở Biển Đông. Trước khi có AI, họ đã huy động một số lượng lớn các học giả sản xuất tràn ngập các bài báo phát tán quan điểm sai trái của Trung Quốc một cách tinh vi. Họ áp đảo các học giả chân chính về mặt số lượng. Nay họ còn có thêm công cụ AI. Liệu AI sẽ tác động thế nào đến địa chính trị trong vùng?  

 

Kian Vesteinsson: Vâng đó là một câu hỏi thực sự hay, và thực tế là chúng ta sẽ không biết câu trả lời, do vấn đề còn phụ thuộc vào cách mà các công cụ AI này được thiết kế. Ví dụ, bạn biết rằng Baidu đang phát hành Chatbot Ernie của họ. Tôi nghĩ nó sẽ ra mắt trong tuần này. Các sản phẩm của Baidu và nhiều sản phẩm khác tương đương với nó trong bối cảnh quốc tế không minh bạch, người dùng hệ thống không rõ các mô hình học ngôn ngữ lớn này được đào tạo bằng những dữ liệu nào, và không rõ mức độ can thiệp của con người đối với quá trình đó. 

 

Vì vậy, trong ví dụ mà bạn đã chia sẻ này, sẽ rất khó để người dùng công cụ của Baidu, sẽ ra mắt vào tuần này, có thể đánh giá mức độ mà sản phẩm đầu ra của nó bị thao túng để phục vụ lợi ích của chính quyền. 

 

Đó là lý do tại sao điều thực sự quan trọng là các công ty phát triển những công cụ này phải tích hợp các nguyên tắc nhân quyền mạnh mẽ, các tiêu chuẩn cao về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình công khai, khi họ phát hành chúng. Điều đó thực sự đã bắt đầu với các công ty lớn ở bên ngoài Trung Quốc để thiết lập tiêu chuẩn cho các công ty khác, không thuộc Trung Quốc. 

 

*

RFA: Trung Quốc không chỉ sử dụng AI để kiểm duyệt, bây giờ thì họ có thể kiểm duyệt luôn cả AI, tức là bóp méo những gì mà AI có thể tạo ra theo ý muốn của họ. Ở trình độ này, họ có thể làm biến dạng mạng lưới thông tin toàn cầu hay không? Điều đó liệu có thể chia thế giới này làm đôi, tức là chia các nhà hoạch định chính sách, các công ty công nghệ và người sử dụng Internet làm hai nhánh, đi theo hai hướng, trên phạm vi toàn cầu hay không?

 

Kian Vesteinsson: Vâng, điều này hoàn toàn đúng. Hệ thống kiểm duyệt của ĐCSTQ đối với Internet Trung Quốc đã làm biến dạng hoàn toàn mạng internet toàn cầu. Tôi chỉ xin nêu một vài ví dụ về một số chủ đề lớn bị kiểm duyệt nghiêm ngặt mà chúng tôi đã thấy trong năm qua, ý tôi là chỉ vài tháng trước, cuối năm 2022, khi người dân khắp Trung Quốc đã vận động một phong trào biểu tình phản đối không chỉ các chính sách Zero COVID mà còn nhiều chính sách kiểm soát chính trị hà khắc của chính quyền. Điều này đã phát triển mạnh mẽ trên Internet trong một số ngày trước khi hệ thống kiểm duyệt hoạt động, xóa và hạn chế những nội dung đó. Nó diễn ra cùng một cách mà chúng ta thấy trong đại dịch COVID-19 khi chính phủ Trung Quốc kiểm duyệt thực sự gay gắt. 

 

Lúc đó người dân chỉ trích việc phong tỏa hà khắc hoặc chia sẻ thông tin liên quan đến COVID. Loại biện pháp kiểm duyệt này thực sự đã trở thành một phần xu hướng mà chúng ta thấy trên khắp thế giới: xu hướng các chính phủ đang chia mạng Internet toàn cầu mở thành từng khu vực đàn áp chắp vá.

 

Nói chung, họ đang làm như vậy để cách ly về mặt kỹ thuật số cộng đồng của chính họ nhằm kiểm duyệt và giám sát người dùng theo những cách sâu hơn. 

 

Và như vậy, chính phủ Trung Quốc đã thực sự đi “tiên phong.” Cách tiếp cận này là xây dựng các đường biên giới kỹ thuật số, bên cạnh các đường biên giới lãnh thổ quốc gia. Điều đó thực sự tồi tệ đối với người dùng Internet và nhân quyền của họ.

 

Các công cụ học máy phản ánh dữ liệu mà chúng được đào tạo. Do đó, chúng có xu hướng phản ánh những thành kiến được nhúng trong những dữ liệu đó. Các mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo trên internet Trung Quốc, nơi bị ĐCSTQ kiểm duyệt gắt gao, có nguy cơ sao chép phiên bản internet bị thao túng đó trong kết quả đầu ra của họ. Điều này có thể ảnh hưởng đến các mô hình được xây dựng bởi các công ty có trụ sở bên ngoài Trung Quốc, không phải tuân theo các chỉ thị kiểm duyệt của ĐCSTQ. Điều quan trọng là các công ty xây dựng các mô hình này phải đặt ra tiêu chuẩn cao về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trước công chúng để những người sử dụng chúng biết được những giả định nào có thể được đưa vào quá trình xử lý của hệ thống học máy.

 

*

RFA: AI là một công nghệ có thể tạo ra những chuyển đổi to lớn mà những nước đang phát triển như Việt Nam không nên bỏ lỡ. Nhưng hệ thống kiểm duyệt của nước này tác động thế nào đến các công ty công nghệ mới trong lĩnh vực này khi họ muốn xem xét đầu tư vào một môi trường như Việt Nam? Ở trên ông nói hoạt động kiểm duyệt gắt gao trên diện rộng có thể dẫn tới hậu quả là Việt Nam loại bỏ những tiềm năng chuyển đổi to lớn và tích cực mà những công cụ do AI trên mạng có thể tạo ra. Xin ông giải thích. 

 

Kian Vesteinsson: Vâng, tôi xin đặt vấn đề như thế này. Những công cụ học máy AI này thực sự có khả năng biến đổi mọi lĩnh vực đời sống. Tôi nghĩ chúng sẽ thay đổi cách thức hoạt động của Internet. Và như với tất cả các công nghệ có khả năng tạo ra sự chuyển đổi tương tự, điều đó có khả năng mang lại nhiều lợi ích kinh tế, nhiều tăng trưởng và đổi mới cho những người đang xây dựng các công cụ này,  xây dựng các hệ thống mới này và những người biết cách sử dụng chúng.

 

Tuy nhiên, khi một chính phủ nào đó áp đặt các hệ thống kiểm duyệt ở quy mô lớn thì chính phủ ấy cũng đang cắt giảm thông tin phục vụ cho quá trình sáng tạo đổi mới đó, cắt giảm những lợi ích kinh tế mà ngành công nghiệp mới này có thể tạo ra. 

 

Khi các công ty công nghệ mới này tìm hiểu nơi họ nên đầu tư, nơi họ nên khai thác thị trường mới và tổ chức những hoạt động mới, một trong những việc họ sẽ phải làm là phân tích hai mặt lợi ích và chi phí. Trong đó, đối với họ, việc tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt và giám sát thực sự là việc khó khăn. Và vì vậy, để trả lời câu hỏi bạn đặt ra, tôi có thể nói rằng việc kiểm duyệt gắt gao trên diện rộng của chính phủ sẽ tạo ra những chi phí rất thực tế cho các công ty đang xem xét đầu tư vào một môi trường nhất định.

 

*

RFA: Như vậy nếu một nước đang phát triển như Việt Nam thực hiện một hệ thống kiểm duyệt chặt chẽ đối với sản phẩm do AI tạo ra trên Internet, điều này rốt cục sẽ khiến nước này có thể sẽ không nhận được đầy đủ lợi ích từ công nghệ mới này do không thu hút được đầu tư của các công ty? Đó có thể là một khả năng không? 

Kian Vesteinsson: Vâng, đó chắc chắn là một khả năng.

RFA: Ở trên ông đã nói về tính minh bạch như là một điều kiện cần thiết để công nghệ AI có thể tạo ra sự chuyển đổi tích cực cho kinh tế xã hội. Xin ông giải thích chi tiết hơn tại sao tính minh bạch lại quan trọng đối với công nghệ mới này và với các quốc gia muốn tham gia vào làn sóng mới này?

 

Kian Vesteinsson: Vâng. Khi đề cập đến tính minh bạch, tôi nói về tính minh bạch ở một mức độ rất rộng. Tôi muốn nói về tính minh bạch khi đề cập đến hệ thống kỹ thuật, cách thức vận hành, chính sách, cũng như tính minh bạch trong toàn bộ cách thức hoạt động của các công ty. 

 

Điều này thực sự quan trọng vì một số lý do khác nhau. Tôi muốn nói rằng nó quan trọng không chỉ đối với các công ty như Open AI đang triển khai các công cụ học máy này, mà còn cả các công ty như Meta và Google trên các nền tảng nền tảng này. Tính minh bạch trao quyền cho người sử dụng hiểu điều gì đang xảy ra trên những nền tảng mà họ đang dành cả cuộc sống cho nó, phải không? Những công cụ này, bao gồm cả Chat GPT, đang đóng một vai trò phi thường trong cuộc sống của mọi người. Do đó điều thực sự quan trọng là những người đang giao tiếp với hệ thống biết rằng họ có cơ hội, có điều kiện để hiểu được điều gì đang thực sự xảy ra ở mặt sau.

 

Một lý do khác khiến tính minh bạch thực sự quan trọng là điều này giúp xây dựng những quy định, những chế tài một cách thông minh và có chủ đích. Chúng ta đang ở thời điểm mà các chính phủ trên khắp thế giới đang tìm cách điều chỉnh lĩnh vực công nghệ. Và trong nhiều trường hợp, các chính phủ đang làm điều này với những hiểu biết và thông tin còn hạn hẹp. Và vì vậy, ở những tầng bậc mà chúng ta đã nói đến, tính minh bạch thực sự là chìa khóa để thúc đẩy quá trình hoạch định chính sách một cách thông minh. Như một điểm khởi đầu, các cơ quan quản lý trên khắp thế giới nên tìm kiếm cơ hội để thực thi các yêu cầu minh bạch đối với những công ty này, để từ đó chuẩn bị xa hơn nữa cho những chính sách hẹp và có chủ đích mà chúng ta muốn đạt tới trong tương lai

 

*

RFA xin cảm ơn nhà nghiên cứu Kian Vesteinsson và Freedom House đã dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. 

 

----------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam: kế hoạch một đàng, thực tế một nẻo

 

Tổ chức Ân xá Quốc Tế gặp 2 nhà hoạt động cho Dân chủ và Nhân quyền

 

Ân Xá Quốc Tế kỷ niệm 50 năm hoạt động

 

Phiên tòa nhạo báng công lý





No comments:

Post a Comment

View My Stats