Thursday, 16 March 2023

NHỮNG CHIẾC LÁ TRE TRÊN ĐẠI DƯƠNG (Nguyễn Thảo Dân, RFA)

 



 

NỘI DUNG :

 

Những chiếc lá tre trên đại dương

Bình luận của Nguyễn Thảo Dân
.

Tàu Trung Quốc 'nhan nhản' trên vùng biển Việt Nam

RFA

.

========================================================

.

.

Những chiếc lá tre trên đại dương

Bình luận của Nguyễn Thảo Dân
2023.03.16

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/bamboo-leaves-at-sea-03162023132551.html

 

Chú thợ trẻ co chân nhảy một cái roạc từ ghe lên cây cầu bến de ra biển trong khu nhà anh L. rồi lúi húi kéo dây, tròng vô đầu cột xi măng ở góc cho chiếc ghe tấp sát, nằm dài kế bên cầu bến. Hai người bạn đi ghe mở nắp hầm thay nhau bưng thành quả của một tuần đi biển lên cho người làm công của anh L. đếm và tính tiền. Còn anh L., anh Y. chủ ghe và mấy người khách tình cờ thì đã ngồi vòng quanh trên chiếc chiếu trải ngay gần đó, ở giữa có mấy dĩa muối ớt, ly nước đá chặt cục bự, một thùng bia đang ướp lạnh. Cái bếp than bén hồng, nướng mớ cá, tôm, mực thơm chảy nước miếng. Mùi thơm lừng lan theo gió biển còn đang rao rao mát - khung cảnh hoàng hôn thần tiên giữa trời biển lồng lộng.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/bamboo-leaves-at-sea-03162023132551.html/@@images/8ddd6bf1-b6fa-4bc4-8405-6c78dbbc19b1.jpeg

Công nhân lựa cá đánh bắt được tại đảo Lý Sơn (minh hoạ).  AFP

 

Ghe nhỏ quần nát vịnh Thái Lan

 

Gần như chiều nào anh L. cũng làm một chiếu nhậu ngay cầu bến như vậy. Ngồi cùng vợ chồng họ thường là mấy chủ ghe đã có “hợp đồng” bán trọn hải sản sau mỗi chuyến ghe như anh N. Có bữa thì có thêm mấy chủ vựa cấp hai mua lẻ từ anh L. rồi bán lại cho mấy quán ăn đông khách du lịch trên đảo. Anh L. cũng có một chiếc ghe lớn hơn, chuyên chở hải sản từ hòn đảo họ đang sống vô tận đất liền bán lại.

 

Trước, anh L. cũng đi biển. Cũng đóng cái ghe nhỏ như của anh Y., dài chừng 7m,  thuê thêm hai bạn (người đi biển thuê được gọi là “bạn”), nữa là ba người, đi biển chừng một tuần thì vô. Nhưng hải sản ngày càng cạn kiệt, ghe nhỏ nhỏ cỡ của các anh “nhiều như lá tre, quần cái vịnh Thái Lan nát ngướu”.

 

Đang loay hoay khó khăn thì anh trai của anh L. ra tay cứu. Ông cho mượn số vốn lớn, chỉ cách cho em đứng ra làm vựa mua hải sản thẳng từ các tàu nhỏ, chở vô tận đất liền bán lại. Nhà anh cắm chân xuống biển, thuận lợi cho tàu ghé tận cầu cảng.

 

Ông bà nói đúng, phi thương bất phú. Chỉ ít năm mua đi bán lại, nhờ chăm chỉ siêng năng hết mực và cái nết xởi lởi dễ gần, vợ chồng anh L., đã giàu có hơn hẳn ngày còn ôm cái ghe cá nhỏ đi biển.

 

Ít lâu sau, quần đảo họ đang sống bùng nổ du lịch nội địa. Anh xây luôn một khu phòng nghỉ cho khách du lịch thuê, giao vợ quản lý. Tưởng bèo bèo mà cuối cùng nhà anh luôn kín phòng cho tới tận sáu tháng sau.

 

Tuy nhiên, số người may mắn như anh không nhiều. Như anh Y. chẳng hạn, ngồi nhậu thảnh thơi đây một lúc rồi lại phải nhảy xuống tàu, lo cụ bị gạo, rau, dầu, đá… tiếp tục trở ra biển đêm nay. Nếu may mắn trúng cá thì có lời, nếu không họ phải vay mượn để lại ra biển cầu may. Như tháng này, anh Y. mới chỉ trúng được một chuyến, hai chuyến huề vốn.

Giờ dư sức để đóng tàu lớn, làm ông chủ ngồi nhà thuê người đi khơi xa đánh bắt, nhưng anh L. tuyên bố đã giã từ nghề đi biển. Anh chỉ làm dịch vụ.

 

Hỏi tại sao, anh L. nhấc ly bia lên khà một ngụm, cười dài: “Đói! Đóng ghe lớn là đói chắc, mà mang nợ nữa. Cá đâu mà đánh, càng ra biển càng lỗ tiền dầu”.

 

Thiệt! So với hai ba chục năm trước thì bây giờ hải sản Việt Nam đã cạn và kiệt đi  không tưởng tượng nổi.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/bamboo-leaves-at-sea-03162023132551.html/000_32gx8y7.jpg/@@images/3a4a94ff-28b2-48ec-9f04-8dc4a6708cc1.jpeg

Ngư dân thu hoạch cá ở đảo Lý Sơn. Hình: AFP

 

.

Biển đã nghèo

 

Khỏi nhìn đâu xa. Bạn ghe của anh Y. đang đưa cá trong hầm lên kia. Hồi trước ghe về, cá phải chất trong cần xé thiệt lớn, xỏ cái đòn tre đực dày cho hai người đàn ông lực lưỡng khiêng mới nổi. Cá nhiều tới nỗi mang làm mắm, cá nhỏ nhỏ cỡ hai ngón tay thì mang nấu cho heo ăn hết. Giờ, đi cả tuần mà tôm cá không ra mẻ, lác đác ít ỏi như trò chơi, mỗi thứ chỉ đựng vô mấy chiếc khay nhựa vuông vuông chừng 2-5 ký là tối đa.

 

Cá ngon cũng vô cùng hiếm. Hồi trước cá xanh xương chỉ là cá thông thường, giờ thì nó thành đặc sản; anh L. còn viết hẳn “thông báo” nguệch ngoạc lên tấm carton bìa thùng gắn vô thanh tre đóng bên bìa cái cầu bến “Hôm nay có cá xanh xương”.

 

Những loại lừng danh như chình biển, bò hòm… có khi cả năm chỉ có vài lần.

 

Hiếm cá ngon đã chớ, cá đánh được cũng chỉ là loại… chưa mở mắt, size … mini! Những con cá cỡ vài chục ký tới gần tạ, mỗi con nằm gác ngang cái thúng để hai người gánh đi gần như không còn thấy.

 

Giá cả ngày càng đắt đỏ. Cá ngon có giá vài triệu đồng/kg đã là quá bình thường.

 

“Cá nục kích cỡ đánh bắt trưởng thành phải cỡ cổ tay, nhưng hiện nay mới chỉ lớn cỡ ngón tay đã bị đánh bắt tận thu. Một tấn cá nục cỡ nhỏ này, nếu trưởng thành có thể đánh bắt với sản lượng gấp hàng chục lần”- năm 2020, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) nói trong hội nghị tổng kết năm.

 

Số liệu từ Viện Nghiên cứu hải sản, Tổng cục Thủy sản cho biết trong giai đoạn 2011 - 2015, trữ lượng trung bình các nhóm nguồn lợi hải sản chủ yếu ở biển Việt Nam ước tính trung bình khoảng 4,36 triệu tấn. Nhưng đến 2016 - 2019, trữ lượng ước tính chỉ khoảng 3,95 triệu tấn, giảm hơn 9,4%, tương đương 410 ngàn tấn. Giảm nhiều nhất là nhóm nguồn lợi hải sản tầng đáy (18,4%); nhóm cá nổi nhỏ giảm 7,3% và nhóm cá nổi lớn giảm 8,8%. Ở vùng biển khơi, trữ lượng nguồn lợi giảm 8,76% so với giai đoạn 2011-2015.

 

Nhà nước đã yêu cầu không cấp phép, không đóng mới cho thuyền thúng và tàu cá nhỏ từ 20 mã lực trở xuống nữa, vì đội tàu này chuyên khai thác gần bờ và tận diệt nguồn lợi thủy sản. Khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ sắt đi xa bờ. Thế nhưng thực tế các vùng biển đều như anh L. mô tả, tàu nhỏ vỏ gỗ vẫn nhiều như lá tre.

 

Đó là một cái vòng luẩn quẩn: ngư dân nghèo, không có tiền đóng tàu lớn nên chỉ đi loanh quanh gần bờ-đánh bắt ít, tận diệt nhiều - nguồn lợi nhanh chóng tụt giảm - chủ ghe không có tiền… Biết vậy, nhưng nhiều ngư dân không biết làm cách nào để thoát ra.

 

Nhiều người nói nhà nước đuổi chỗ này thì họ chạy chỗ khác làm tiếp, chứ không biết làm nghề gì khác.

 

Học nghề mới thì không còn đủ quyết tâm và mục đích để theo đuổi. Mặt khác các trung tâm dạy nghề cho ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp cũng không sát sao trong việc tìm ra nghề nghiệp phù hợp nhất với lực lượng lao động này nên không đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó và quan trọng nhất là ông ngư dân già sắm cái thúng, chiếc ghe nhỏ tí ti đi ven bờ vẫn có thể mang về mỗi ngày vài trăm ngàn đồng, đủ chi phí sinh hoạt cho cả gia đình.

 

“Cột mốc sống trên biển”

 

Tuy vậy, hai năm dịch cộng với giá nhiên liệu tăng đã khiến khoảng 50% trong tổng số gần 92.000 tàu cá cả nước phải nằm bờ (con số đầu năm 2022, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Chủ tàu phải bỏ tàu đi làm thuê. Bạn thuyền-những ngư dân trẻ không còn nhiều mặn mà với cái nghề bấp bênh, cuộc sống xa gia đình và xã hội, thu nhập không ổn định nên cũng đi học nghề khác hoặc vào làm công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đến nỗi nhiều địa phương biển lại phải lo lắng tìm chính sách kêu gọi ngư dân trở lại bám biển.

 

Với Nhà nước, sự có mặt của ngư dân trên vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam hoặc ngư trường chung quốc tế lại không đơn giản chỉ để mưu sinh. Chẳng biết từ đâu hay từ ai, họ được gọi là “cột mốc sống trên biển”.

 

“Ra biển không chỉ để hiện diện dân sự, làm kinh tế mà ngư dân còn thực hiện chủ quyền dân sự trên nền tảng các hoạt động kinh tế, có sứ mạng tham gia bảo vệ Tổ quốc” - ông Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam đặt lên vai những ngư dân chất phác một cái gánh không thể nói là nhẹ.

 

Báo chí Việt Nam nhiều lần đưa những vụ tàu Trung Quốc cố tình đâm va tàu cá Việt Nam khiến tàu Việt bị nước tràn nặng hoặc chìm, ngư dân Việt và nhiều trang bị vật dụng trên tàu rơi xuống biển. Các cơ quan chức năng Việt Nam phản đối rất nhanh chóng và kịch liệt. Nhưng hình như không nhiều người nhận ra trong gần như tất cả các vụ việc đó, tàu Việt Nam bị đâm hư hỏng hầu hết là tàu vỏ gỗ cũ kỹ, còn tàu Trung Quốc đều là tàu vỏ sắt, thép. Khoan nói đến công lý và luật pháp, khi đụng nhau trực diện trên biển, phần thua về ai đã quá rõ.

 

“Tàu vỏ sắt 67” là cụm từ chứa rất nhiều đau thương của ngư dân Việt. Cách đây tám năm, Nhà nước ban hành nghị định 67 hỗ trợ ngư dân vay ngân hàng để đóng mới tàu cá hiện đại, thay vỏ gỗ bằng vỏ sắt, công suất lớn để có thể đi biển xa dài ngày. Do phải có vốn đối ứng với ngân hàng nên người được duyệt cho vay cũng phải là ngư dân lão luyện, tự tin với khả năng theo luồng cá và đã sở hữu được một số tài sản chục tỷ đồng. Nói gọn là người giàu. Nhiều ngư dân lão luyện đã dồn tiền bạc, vay mượn ngân hàng đến hàng chục tỷ đồng để đóng tàu theo chính sách này. Nhưng chỉ ngay sau khi hạ thủy, nhiều người đã vỡ nát giấc mơ vì rất nhiều lý do: tàu đóng không phù hợp hoặc sai hoàn toàn với thói quen và kỹ thuật đánh bắt của từng nghề lưới, máy móc chất lượng tồi tàn, thậm chí là hàng giả nhưng bị hét giá trên trời nên hư hỏng liên tục. Mỉa mai hơn, nhiều tàu có vỏ thép bọc tàu là loại thép kém chất lượng nhập từ… Trung Quốc, khiến chỉ trong thời gian ngắn đã rỉ sét rất nhiều.

 

Người lãnh hết hậu quả đau đớn, không ai khác vẫn chính là ngư dân. Tàu hỏng phải nằm bờ, tiền sửa lớn hơn tiền đánh bắt cá, số nợ hàng tháng không trả được phình to nhanh chóng khiến nhiều chủ tàu đang từ ông chủ có khối tài sản hàng chục tỷ đồng phải bán sạch sành sanh nhà cửa đất đai để trả nợ ngân hàng nhưng vẫn không đủ, những trụ cột gia đình bỏ tàu đi làm thuê đủ thứ nghề tạm bợ để kiếm tiền ăn. Chỉ vài tháng không trả được lãi và gốc theo hợp đồng với ngân hàng, nhiều người trong số họ đã bị kiện ra tòa.

 

Giàu cũng chết, nghèo cũng chết. Ngư dân Việt Nam cũng giống nông dân Việt Nam, được phong tặng rất nhiều mỹ từ và trọng trách, nhưng hầu hết thực tế vẫn chỉ là họ tự bơi, tự lo trong hành trình mưu sinh của mình.

 

 

Huống chi là bắt họ phải gánh thêm trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo… Đó là công việc nguy hiểm, đòi hỏi phải được đào tạo chuyên nghiệp, có phương tiện chuyên dụng, vũ trang đầy đủ… mà những người ngư dân bình thường không thể kham nổi. Họ là những người cần được bảo vệ, không phải lực lượng bảo vệ.

 

“Những cột mốc sống”- cụm từ mới nghe thì thấy đầy vinh quang, nhưng nghĩ kỹ, tôi thấy rùng mình.

______________

Tham khảo:

 

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-3-lam-gi-de-ngu-dan-quay-ve-voi-bien-tiep-theo-va-het-656570

 

https://vnexpress.net/nhung-nguy-co-khi-ngu-dan-bo-bien-4484493.html

 

https://baogialai.com.vn/nhan-dang-tau-ca-trung-quoc-ky-1-da-phan-la-tau-vo-sat-post90622.html

 

-------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

====================================================

.

.

Tàu Trung Quốc 'nhan nhản' trên vùng biển Việt Nam

RFA

2023.03.16

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/chinese-ships-swarming-vietnamese-waters-think-tank-says-03162023162615.html

 

*Một tàu khảo sát 2.600 tấn của Trung Quốc cũng được nhìn thấy trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam - một tổ chức nghiên cứu địa phương cho biết.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/chinese-ships-swarming-vietnamese-waters-think-tank-says-03162023162615.html/@@images/d993854b-d93c-4a67-b0e5-f99f2da86181.jpeg

Các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đi trong vùng biển mà cả Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Ảnh chụp ngày 15/5/2014. Việc Trung Quốc triển khai một giàn khoan dầu ngoài khơi bờ biển Việt Nam đã gây ra một cuộc đối đầu căng thẳng trên biển đồng thời dẫn tới các cuộc bạo loạn chống Trung Quốc tại Việt Nam.    Hậu Đình/AP Photo

 

Tiếp sau sự vụ ở Philippines, nhiều tàu dân quân biển và tàu cá Trung Quốc đã xuất hiện và tụ tập thành đoàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông - một tổ chức nghiên cứu của Việt Nam sử dụng dữ liệu theo dõi tàu thuyền cho biết.

 

Dự án Đại Sự ký Biển Đông (SCSCI) cũng đưa tin một tàu khảo sát nặng 2.600 tấn của Trung Quốc, tàu Hải Dương Địa chất 4, cũng đã lảng vảng bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và điều này cho thấy có thể đã có “một hoạt động nào đó" tại đây. 

 

Theo SCSCI, số lượng tàu Trung Quốc trong khu vực EEZ của Việt Nam đã tăng đáng kể trong hai tuần đầu của tháng ba năm nay, gần gấp ba lần số lượng quan sát được vào cuối tháng hai. Vùng đặc quyền kinh tế cho phép một quốc gia được độc quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển và đáy đại dương.

 

Dữ liệu này thu thập được từ tín hiệu của hệ thống nhận diện tự động (AIS) truyền của những con tàu này.

 

“Các tàu Trung Quốc cũng đã hoạt động sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Quảng Ngãi chỉ 60 hải lý (111km)” – bà Vân Phạm, người quản lý của SCSCI nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA).

 

Các tàu đánh cá và tàu dân quân biển thường được Cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống.

 

Tàu khảo sát Trung Quốc

 

Trong khi đó, hôm thứ tư (15/3/2023), tàu nghiên cứu và khảo sát Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc đã có mặt nhiều giờ trong vùng biển do Việt Nam kiểm soát trước khi đi vào khu vực có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. 

 

Việt Nam, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền đối với một số phần của tuyến đường thủy chiến lược nhưng cho đến nay, Trung Quốc là nước có yêu sách chủ quyền lớn nhất. 

 

Trung Quốc và các nước láng giềng thỉnh thoảng có những bất đồng về hoạt động thăm dò dầu khí của Bắc Kinh trên biển.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2-hai-duong-dia-chat-4-track.jpeg/@@images/aaf6f2f0-ab4a-48ce-8e73-637045e2e50d.jpeg

Theo dõi hải trình của tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa chất 4 cho thấy tàu này xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 15/3/2023. Ảnh: Marine Traffic

 

Theo trang theo dõi tàu Marine Traffic (Giao thông Hàng hải), tàu Hải Dương Địa chất 4 đã ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn 17 tiếng đồng hồ trong ngày 15/3.

 

“Có vẻ như con tàu này đang tiến hành một hoạt động ở đây" - tổ chức SCSCI cáo buộc.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hiện chưa có bình luận về vấn đề này.

 

Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc các tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và gọi các hoạt động này là “vi phạm chủ quyền của Việt Nam”.

 

Vào năm 2019, một cuộc biểu tình đã diễn ra ngay trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội vì tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã hoạt động nhiều tháng trong vùng biển do Việt Nam kiểm soát.

 

Ngay sau đó, năm 2020, cũng chính con tàu này đã tham gia vào một cuộc đối đầu kéo dài một tháng với một tàu thăm dò dầu khí của Malaysia .

 

Cuộc đối đầu lớn nhất từ trước đến nay giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề thăm dò dầu khí ở Biển Đông diễn ra vào năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam.

 

Vụ việc này có sự tham gia của hàng chục tàu chấp pháp của cả hai nước và dẫn đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam. 

 

Cuối cùng, Trung Quốc đã rút giàn khoan dầu ra khỏi vùng biển của Việt Nam sau 2.5 tháng.

 

Các chiến dịch vùng Xám

 

Trung Quốc đã và đang tiến hành cái gọi là "các chiến dịch vùng xám", sử dụng các lực lượng phi truyền thống như dân quân biển để đạt được các mục tiêu kinh tế và an ninh.

Philippines, một quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, gần đây cáo buộc các tàu dân quân biển Trung Quốc đã tràn vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này. 

 

Trong một diễn biến mới nhất, các tàu dân quân biển của Trung Quốc ngoài khơi đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát đã phân tán sau khi tập trung tại đảo này vào hồi đầu tháng ba năm nay - ông Ray Powell, Trưởng dự án Myoushu (Biển Đông) tại Đại học Stanford ở California cho biết.

 

Ngày 4/3/2023, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines cho biết đã phát hiện thấy hơn 40 tàu dân quân biển được nghi là của Trung Quốc trong khu vực ngoài khơi cách đảo Thị Tứ (hay còn gọi là Pag-asa của Philippines) 4,5 đến 8 hải lý.

 

“Bằng cách định kỳ phân tán lực lượng của mình, hạm đội dân quân [biển] của Trung Quốc dường như cố ý làm cho các cơ quan thực thi pháp luật của Philippines khó khăn hơn khi theo dõi các chiến thuật kéo bầy đàn của họ" - ông Powel nói với RFA.

 

Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc phần lớn được tổ chức bởi các công ty đánh cá lớn của nước này.

 

Nghiên cứu của Andrew Erickson và Conor Kennedy vào năm 2016 cho biết: Ước tính duy nhất về quy mô của lực lượng dân quân biển Trung Quốc là từ một nguồn xuất bản năm 1978. Theo đó, nhân sự của lực lượng này vào thời điểm đó là 750.000 người, hoạt động trên khoảng 140.000 tàu. Con số này có khả năng đã tăng lên đáng kể kể từ đó.

 

Trong Sách trắng Quốc phòng năm 2010, Trung Quốc tuyên bố rằng họ có 8 triệu dân quân trên toàn quốc, bao gồm cả dân quân biển.





No comments:

Post a Comment

View My Stats