Tăng
giá 15 lần, rau chợ thành rau chất lượng cao trong siêu thị
Bình luận của Lê Minh
2022.10.16
Rau mua ở vườn, chợ không nhãn mác và xuất xứ, vô
siêu thị thành rau VietGAP, tăng giá 15 lần.
Rau củ quả Trung Quốc ở biên giới hay các chợ
đầu mối nông sản đều có bao bì ghi rõ xuất xứ và nơi nhập khẩu. Thương nhân Việt
Nam mua về đóng qua bao bì của họ, ghi nguồn gốc Đà Lạt.
Vô số dự án “nông nghiệp sạch” ngốn hàng ngàn
tỷ đồng được dựng lên khắp cả nước, chiếm hàng ngàn ha đất ở khắp các địa
phương. Trồng được vài cây, xây vài tòa nhà, cắt băng khánh thành rồi bỏ hoang.
“Quyết tâm” chỉnh đốn việc sản xuất nông sản của
các cơ quan chức năng liệu có là quyết tâm thật sự?
Không, tôi không tin.
Cơn bão trong tách
trà
Cách đây mấy tuần, một sáng ra bà con Sài Gòn
(một ít bà con Sài Gòn) giật nảy mình vì một dòng tít trên báo Tuổi Trẻ: ” Rau
sạch “dỏm” biến hình vào Winmart, Tiki Ngon”.
Winmart là chuỗi cửa hàng tạp hóa tiền thân là
Vinmart của ông Vượng Vin. Tiki Ngon thì là nhánh bán thực phẩm của Tiki, sàn
thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và có tiếng bậc nhất ở Việt Nam,
chuyên bán online, giao hàng tận nơi thực phẩm được dán nhãn “sạch”.
Phóng viên báo Tuổi Trẻ cho biết họ đã tận mắt
chứng kiến rau củ quả, nấm không rõ nguồn gốc mua từ chợ đầu mối về được nhân
viên của công ty TNFood sơ chế, chia nhỏ và đóng bao dán nhãn rau VietGAP, xuất
xứ Đà Lạt. Số rau củ quả này sau đó được chở đến bán cho người tiêu dùng ở hệ
thống cửa hàng Winmart, Tiki Ngon và cả Bách hóa xanh.
Úi chà chà chấn động! Ngành chức năng phản ứng
mới ghê chứ. Bộ Nông nghiệp họp khẩn cấp, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản
và Thủy sản đánh công văn khẩn cấp gửi khắp các Ban quản lý an toàn thực phẩm
TP HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh và sở Nông nghiệp các tỉnh thành trực thuộc trung
ương yêu cầu điều tra và xác minh thông tin. Bộ Công thương yêu cầu kiểm tra khẩn
cấp. Địa phương nơi có doanh nghiệp phù phép rau sạch lập tức kiểm tra. Trong
vài ngày, người tiêu dùng lên cơn sốt lo lắng tức giận… như một cơn bão.
Nhưng, nó là cơn bão trong tách trà
Bởi vì, chuyện này
cũ xì
Từ tận cách đây tám năm, báo Tiền Phong đã có
loạt bài điều tra về rau an toàn dỏm, do người phân phối mua từ chợ và vườn bất
kỳ rồi bán vào siêu thị với giá gấp ba, bốn lần. Tại siêu thị, chúng được chính
nhân viên phù phép thêm lần nữa bằng cách gán từ “an toàn” vào phía sau rồi tiếp
tục tăng giá lên gấp 4-15 lần. Đó là cái giá mà người tiêu dùng phải bỏ ra để
mua được sự an tâm (giả mạo) này.
Lúc đó các cơ quan chức năng cũng sôi sùng sục
như lần này. Cũng lớn tiếng kiểm tra, khẩn cấp, quy trách nhiệm đủ các kiểu.
Ấy thế mà chục năm sau, báo chí và xã hội Việt
Nam lại tưởng như khám phá ra châu Mỹ, phát hiện động trời rau sạch dỏm biến
hình vào siêu thị.v.v như kể trên.
Doanh nghiệp ai cũng biết chuyện này. Bên lề
cuộc tọa đàm mang tên Vấn đề kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối thương
mại thực phẩm" do Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) và CLB Phóng viên
kinh tế nông nghiệp (thuộc Hội Nhà báo TP HCM) tổ chức ở TP HCM, nhiều thương
nhân hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm tươi sống nói như vậy.
“Từ chục năm nay tôi không bước chân vào chợ
hay siêu thị, mặc dù tôi ở chung cư, siêu thị ngay dưới nhà và rất nhiều chuỗi
cửa hàng thực phẩm khác. Tôi chỉ mua ở một người mà tôi biết rõ và tin tưởng,
gia đình chị này có các thạc sĩ, tiến sĩ học nước ngoài về, rồi cả nhà mua đất
tự canh tác, rất khoa học, rất lương thiện” - bà Nguyễn Thị Thanh
Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ ở TP HCM, chia sẻ trong tọa đàm một cách rất
căng thẳng.
Bà Thúy có nhiều khẳng định về mối liên hệ trực
tiếp giữa tiêu dùng thực phẩm thiếu an toàn, tồn dư nhiều thuốc bảo vệ thực vật,
hoặc bị kích cho mau lớn, ra lá, ra quả to và bóng đẹp (gọi là kích phọt) với
tình trạng bệnh ung thư tăng cao ở người Việt Nam nhiều năm gần đây.
Hàng Trung Quốc đầy
đủ truy xuất nguồn gốc, hàng Việt thì toàn bao bì trắng
Bất ngờ cho không ít người Việt Nam luôn đổ tội
cho hàng Trung Quốc là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội
Thực phẩm minh bạch. Bà Minh nguyên là Thứ trưởng Bộ Thủy sản trong 13 năm và
đã về hưu khoảng bảy năm nay.
Bà Minh cho hay bà đã đi làm việc với chợ nông
sản đầu mối Hóc Môn và Thủ Đức. Bà cho biết:
“Hàng Trung Quốc tại biên giới hay như tôi
đi khảo sát tại các chợ đầu mối đều có bao bì ghi nguồn gốc xuất xứ, nhà cung cấp
rõ ràng. Hàng Việt Nam thì toàn bao bì “trắng” trống trơn, không ghi thông tin
gì.”
“Chính chủ”, ông Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng
quản lý an toàn thực phẩm và môi trường chợ đầu mối Hóc Môn liệt kê: Tỏi Trung
Quốc chiếm trên 90% lượng tỏi trên thị trường TP HCM. Việt Nam chỉ có tỏi có Lý
Sơn, Phan Rang, Nha Trang nhưng củ nhỏ và ít. Tất cả tỏi bông sen, tỏi thơm, tỏi
mồ côi củ to đều là hàng Trung Quốc. Hành tây thì chỉ Đà Lạt có vào gần mùa tết,
củ nhỏ xanh xanh, còn mùa này cũng nhập của Trung Quốc hết.
Cải thảo, xúp lơ cũng vậy. Nấm bào ngư xám,
bào ngư trắng, nấm rơm là 100% hàng Việt Nam, trồng ở Đồng Tháp, Tây Ninh. Còn
nấm đùi gà, nấm kim châm đều nhập khẩu vì Việt Nam không trồng được. Ở chợ đầu
mối đều có tên công ty nhập khẩu. Nhưng về chợ lẻ thì không biết được.
Nho Trung Quốc (có xuất xứ) cũng được đổi tên
thành nho mẫu đơn Hàn Quốc bán lề đường đầy rẫy, nhưng nho mẫu đơn Hàn Quốc thật
thì giá tiền triệu chứ không rẻ như thế.
Hóa
ra, cứ đổ vấy cho Trung Quốc âm mưu hãm hại dân ta bằng thực phẩm “bẩn”, nhưng
chính quân ta mới là kẻ hãm hại quân mình.
Tuy nhiên, sẽ không có mặt hàng lừa đảo nào
vào được siêu thị, được dán nhãn an toàn, có truy xuất nguồn gốc thậm chí cả
VietGAP, nếu không có sự đồng lõa của chính những người cấp giấy chứng nhận
VietGAP, người quản lý/sở hữu siêu thị/chuỗi cửa hàng phân phối đó.
Trên báo Tuổi Trẻ, phóng viên đi gặp một số
công ty có chức năng cấp Giấy chứng nhận VietGAP để bán rau vào siêu thị và được
họ hứa chỉ cần gửi giấy phép kinh doanh và tiền. Còn lại, từ mẫu đất, nước, đến
mẫu nông sản, họ tự lo được để tất cả đều qua truông. Ví dụ, mẫu rau thì họ bày
cách cho doanh nghiệp mua rau trong siêu thị rồi gửi cho họ (thay cho mẫu thật
của doanh nghiệp đang xin chứng nhận). “Mẫu đó an toàn”-các đơn vị này khẳng định!
Đánh giá vùng trồng thì đánh giá online (!) chứ
chẳng ai đi xuống vườn cả-vẫn trên báo Tuổi Trẻ, bên cấp giấy chứng nhận cho biết.
Ở đây có một điểm cực kỳ hài hước. Chúng ta
hãy hình dung nếu các doanh nghiệp mà họ định lấy mẫu (giả) trước đó cũng đưa
rau vào siêu thị bằng cách này!
Vào Co.op, mỗi
khâu mỗi tiền
Đại diện chuỗi siêu thị Co.op mart Việt Nam,
bà Võ Thị Bích Thủy – Phó giám đốc Phòng Quản lý chất lượng cho biết Co.op kiểm
định nguồn hàng rất cẩn thận, có xe kiểm nghiệm được trang bị như một phòng thí
nghiệm nhỏ để đi đến tận các vùng trồng thực hiện kiểm nghiệm tại chỗ.
Vẻ như doanh nghiệp muốn đưa hàng vào Co.op
mart cũng khó thật. Nhưng nếu đúng như vậy thì đây là sự khó tính cần thiết.
Về phía doanh nghiệp, nhiều người cho biết cản
trở họ vào Co.op lại không phải là chất lượng hàng hóa.
Không phát biểu chính thức, ông N, một doanh
nhân trong lĩnh vực sản xuất thịt và trứng gia cầm tại vùng ven TP HCM, nói ông
đã bỏ hàng cho chuỗi Co.op Mart từ chục năm trước, nhưng vài năm gần đây, khi một
đầu mối của ông đang giữ vị trí lãnh đạo trong Co.op chuyển công tác thì ông cũng
không cung cấp hàng vào Co.op được nữa.
“Tại vì cái gì cũng tiền hết. Mỗi khâu là mỗi
tiền. (Nhân viên) bảo vệ mà còn chặn xe hàng của mình không cho xuống (hàng) được.
Mà chở đi xa đâu phải lúc nào cũng đúng giờ được đâu, có lúc kẹt xe nữa. Nhưng
hễ xe mình lệch giờ chút là bảo vệ không cho xuống hàng, kêu đi về đi.”-
ông N nói.
Bà Minh bồi thêm một chi tiết bất ngờ: “Tôi gặp công ty Vĩnh Hoàn (công ty Cổ
phần Vĩnh Hoàn, một trong những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra, cá
basa hàng đầu của Việt Nam, có rất nhiều mặt hàng xuất đi Mỹ). Chị ấy nói có
nhiều sản phẩm muốn bán cho dân Việt Nam mình mà không thể đưa được vào siêu thị.
Vì chi phí lớn quá, rồi còn bắt giảm giá, khuyến mãi… nhiều khi chiếm tới 50%
giá thành”.
Nhà nước khẩn cấp…
hết lần này đến lần khác
Nhưng cuộc chiến thực phẩm không an toàn không
chỉ là giữa người sản xuất hoặc nhà phân phối điên đầu vì lợi nhuận, với một
bên là người tiêu dùng. Đó, trên hết phải là trách nhiệm của Nhà nước.
Nhìn lại quá trình tuyên chiến với thực phẩm
không an toàn nhiều năm nay, ngoài việc nó phồng xẹp từng lúc theo các biến cố,
thì dường như việc thực thi chính sách của Nhà nước… không có gì thay đổi!
Thậm chí có những dấu hiệu thể hiện đó là cuộc
làm ăn ngấm ngầm mà công khai, giữa những gian thương và một số cá nhân có quyền
và có ảnh hưởng trong việc điều chỉnh chính sách, ít nhất là ở cục bộ.
Cách đây khoảng gần chục năm, trong xã hội và
truyền thông Việt Nam dấy lên một cơn cuồng phong về phân định thực phẩm sạch
và bẩn, gắn liền với con số bệnh nhân và nỗi sợ hãi bệnh ung thư. Trên truyền
thông của chính quyền, mạng xã hội đều vô số bài viết gắn liền tỷ lệ mắc ung
thư với tiêu thụ thực phẩm “bẩn” (không có truy xuất nguồn gốc, không được kiểm
nghiệm tồn dư chất bảo vệ thực vật có hại…). Các chuỗi phân phối, cửa hàng “thực
phẩm sạch”,“thực phẩm hữu cơ”mọc ra như nấm, bán nông sản đắt gấp chục lần loại
“không hữu cơ”.
Thế nhưng, nhắc lại hình ảnh cơn bão trong
tách trà. Chỉ năm phút, trà nguội, cơn bão tan đi như chưa hề xuất hiện.
Vô số dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
có vốn đầu tư hàng trăm tỷ, sau khi lấy được đất và tiền đầu tư thì bị bỏ hoang
nhiều năm nay. Như dự án nông nghiệp công nghệ cao FLC được cấp trên 240 ha đất
ở Hà Tĩnh, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 300 tỷ đồng, thời gian hoạt động dự
án 50 năm. Dự án Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao có số vốn đầu tư 100 tỷ đồng
tại Thái Nguyên. Dự án Chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Đức (Quảng
Ngãi), diện tích gần 21 ha, tổng vốn đầu tư trên 114 tỷ đồng. Một trong những dự
án bỏ hoang lớn nhất là Dự án khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai được
Chính phủ quyết định thành lập từ năm 2016, mục đích nghiên cứu, ứng dụng công
nghệ sinh học, phát triển khu đô thị công nghệ cao và thu hút các dự án đầu tư
vào ngành nông nghiệp. Tổng vốn 638,5 tỷ đồng. Đến nay, bò của dân quanh vùng
vào ăn cỏ thay cây trồng vật nuôi và nhân viên nghiên cứu. Thế nhưng đến năm
2021, địa phương này tiếp tục đề xuất chuyển thành khu công nghệ cao Đồng Nai,
mở rộng thêm 250 ha đất.
“Tôi nhiều lần yêu cầu Nhà nước phải tạo điều kiện hỗ
trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang làm thực phẩm an toàn, cho
họ ra ánh sáng, bằng cách hỗ trợ họ tham gia các hội chợ thương mại, đưa dòng sản
phẩm này có mặt tại thị trường. Có thị trường thì mới phát triển được. Nhưng đều
không nhận được trả lời. Đây là rất bất cập về mặt chính sách” - bà Nguyễn Thị Hồng Minh nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong buổi tọa
đàm nói trên.
Với quyền lực tối thượng về tất cả các mặt như
quản lý, luật pháp, chính sách, nguồn vốn và hệ thống kiểm soát/trừng phạt, lẽ
ra Nhà nước phải có quy hoạch vùng trồng/nuôi nông sản thực phẩm, quy định rõ
trách nhiệm về an toàn thực phẩm với các điều kiện và tiêu chí rõ ràng cho người
sản xuất và nhà phân phối. Nhà nước tạo điều kiện bằng chính sách, pháp luật và
hỗ trợ vốn cho nông dân và doanh nghiệp làm ăn tử tế, đồng thời trừng phạt những
người vi phạm.
Nhà nước chính là bộ máy được sắm ra chỉ để thực
hiện những điều đó.
Thế nhưng tại sao sau ít nhất tám năm từ khi
công luận phanh phui vụ rau chợ được phù phép bán vào siêu thị với giá gấp mười
mấy lần, đến tận giờ các cơ quan Nhà nước vẫn rối rít “khẩn cấp” khắp nơi như
người tối cổ? Còn người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải ngậm đắng khuyên nhau “làm
người tiêu dùng thông thái”, bằng cách tự cung, tự cấp, “trồng rau sân thượng”,
như vẫn ở trong thời đồ đá vậy?
____________
Tham khảo:
https://nhadautu.vn/hoang-phi-nhieu-du-an-nong-nghiep-sach-cong-nghe-cao-d26512.html
https://vnexpress.net/bo-truong-le-minh-hoan-phai-chuan-hoa-nong-san-trong-nuoc-4514705.html
https://tuoitre.vn/rau-sach-dom-bien-hinh-vao-winmart-tiki-ngon-20220919045250979.htm
https://tuoitre.vn/tp-hcm-tong-kiem-tra-hoat-dong-kinh-doanh-rau-cu-qua-20220922122808083.htm
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment