Sunday 16 October 2022

ĐIỀU TRẦN : TRUMP THỪA NHẬN THUA BIDEN VỚI CHÁNH VĂN PHÒNG MEADOWS (Người Việt Online)

 



NỘI DUNG :

 

Điều trần: Trump thừa nhận thua Biden với Chánh Văn Phòng Meadows    

Người Việt

.

Eric: Đảng Cộng Hoà không còn nữa, mà là đảng Trump!

Người Việt

.

Phiên điều trần cuối cùng: Ông Trump có ra khai trước Quốc Hội?

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ

 

===========================================

.

.

Điều trần: Trump thừa nhận thua Biden với Chánh Văn Phòng Meadows    

Người Việt 

October 16, 2022

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/trump-thua-nhan-thua-bau-cu-voi-chanh-van-phong-meadows/

 

WASHINGTON, DC (NV) – Ủy Ban 6 Tháng Giêng của Hạ Viện Hoa Kỳ hôm Thứ Năm, 13 Tháng Mười, tổ chức phiên điều trần thứ chín và có lẽ cũng là cuối cùng, tập trung vào những bằng chứng mới được phát hiện từ cuộc điều tra và kết luận của ủy ban, theo nhật báo The Washington Post. 

 

Những chi tiết mới đưa ra trong lần điều trần này cho thấy cựu Tổng Thống Trump:

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/10/TS-trump-admit-losing-1-1536x1024.jpeg

Quang cảnh buổi điều trần của Ủy Ban Điều Tra 6 Tháng Giêng. (Hình: Anna Moneymaker/Getty Images)

 

-Cố tính tuyên bố chiến thắng trong đêm bầu cử 3 Tháng Mười Một, 2020, dù chưa có kết quả chung cuộc.

 

-Thừa nhận thua cuộc bầu cử với Chánh Văn Phòng Mark Meadows.

 

-Ủng hộ các nhóm bạo loạn.

 

Ngoài ra, qua buổi điều trần cuối cùng này, bằng chứng đưa ra cho thấy các cơ quan an ninh liên bang đã được mật báo về các âm mưu bạo động có thể gây tử vong.

 

Cuối cùng, là Ủy Ban 6 Tháng Giêng bỏ phiếu quyết định gửi trát đòi cựu tổng thống ra điều trần.

 

1-Trump cố tình tuyên bố thắng cử dù bầu cử chưa hoàn tất

 

Chủ đề chính của phiên điều trần hôm Thứ Năm là quan điểm của ông Donald Trump trước vụ bạo loạn 6 Tháng Giêng, 2021.

 

Ủy ban cáo buộc rằng tuyên bố đắc cử vào đêm bầu cử của ông Trump là một hành động đã được lên kế hoạch trước.

 

Trong lời khai được ghi âm, ông Greg Jacob, một phụ tá hàng đầu của Phó Tổng Thống Mike Pence, nhận định rằng việc này dường như chắc chắn sẽ xảy ra, đến mức các phụ tá khác của ông Pence phải bàn cách để giải quyết tình huống đó.

 

Ông Jacob kể lại rằng ông Marc Short, một phụ tá khác của ông Pence, “phải nghĩ ra cách để giúp vị phó tổng thống không phải công khai đồng tình với tuyên bố của ông Trump.”

 

Ủy ban điều tra cũng trình bày một email từ ông Tom Fitton, lãnh đạo nhóm bảo thủ Judicial Watch, gửi đến hai phụ tá Tòa Bạch Ốc là ông Dan Scavino và bà Molly Michael.

 

Email này được gửi hôm 31 Tháng Mười, 2020, vài ngày trước ngày bầu cử, có câu: “Chúng ta có một cuộc bầu cử hôm nay – và tôi đã thắng.” Điều này cho thấy có thể đề nghị ông Trump nên tuyên bố phiếu “đã đếm xong trong ngày bầu cử” cho thấy ông đã đắc cử.

 

Một email khác được gởi sau đó, vào ngày 3 Tháng Mười Một, cho thấy ông Fitton có nói chuyện với ông Trump về vấn đề này, với hàng chữ: “Vừa nói chuyện với ông ấy [Trump] về bản nháp dưới đây.”

 

Đây là một tuyên bố lố bịch, vì hạn chót đếm phiếu không nằm trong ngày bầu cử do tiến trình đếm phiếu bầu thường tốn rất nhiều thời gian.

 

Nhưng gần như tất cả mọi người đều biết rằng số phiếu bầu trực tiếp từ cử tri ủng hộ ông Trump trong ngày bầu cử chắc chắn sẽ vượt qua ông Joe Biden, do phần lớn cử tri ủng hộ ông Biden chọn bỏ phiếu gián tiếp qua đường bưu điện và số phiếu này được đếm sau.

 

Như vậy, việc tung tin rằng có hạn chót để đếm phiếu rất dễ gây hiểu lầm và tạo ra sự bất hòa.

 

Dân Biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ-California), một thành viên của Ủy Ban 6 Tháng Giêng, khẳng định rằng đây là một kế hoạch được lập ra từ trước để thuyết phục nhóm người ủng hộ ông Trump rằng ông đã đắc cử.

 

2-Thêm bằng chứng cho thấy Trump biết mình thua cuộc

 

Đây là một cáo buộc được ủy ban trình bày trong các phiên điều trần trước đó, nhưng vào hôm Thứ Năm, họ bổ sung rằng rằng chính ông Trump cũng nhiều lần tự nhận rằng ông đã thua cuộc.

 

Trong một đoạn băng ghi hình chưa từng được công bố, cô Cassidy Hutchinson, một cựu phụ tá Tòa Bạch Ốc và là nhân chứng chủ chốt trong cuộc điều tra, kể lại rằng sau khi Tối Cao Pháp Viện bác bỏ đơn kiện của ông Trump phản đối kết quả bầu cử, cô chứng kiến vị tổng thống nói với ông Mark Meadows, chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc lúc đó, rằng: “Tôi không muốn mọi người biết tôi đã thua, ông Mark à. Điều này thật đáng xấu hổ. Hãy mau tìm cách đi. Chúng ta phải tìm cách khác. Tôi không muốn mọi người biết rằng tôi đã thua.”

 

Cô Hutchinson bổ sung rằng có thể cô không trích dẫn đúng từng chữ câu nói của ông Trump, nhưng đây là chủ đề chung của cuộc trò chuyện.

 

Ngoài ra, ông Meadows cũng nói với bà rằng: “Ông ấy biết ông ấy đã thua. Nhưng chúng ta sẽ tiếp tục cố gắng. Chắc chắn phải có cách nào đó.”

 

Bà Alyssa Farah Griffin, một cựu phụ tá Tòa Bạch Ốc khác, cũng đưa ra lời khai tương tự.

Ủy ban điều tra cũng tiết lộ rằng vào hôm 11 Tháng Mười Một, 2020, ông Trump ký lệnh rút quân khỏi Somalia và Afghanistan trước ngày 15 Tháng Giêng, 2021, trước khi ông Biden nhậm chức.

 

Hành động này cho thấy vị cựu tổng thống hiểu rõ rằng ông đã thua và đang tìm cách hoàn thành những việc còn sót lại.

 

Dân Biểu Liz Cheney (Cộng Hòa-Wyoming), phó chủ tịch Ủy Ban 6 Tháng Giêng, khẳng định rằng chẳng có chứng cứ nào cho thấy ông Trump thực sự nghĩ rằng ông đã đắc cử.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/10/TS-trump-admit-losing-2-1536x1024.jpeg

Cô Cassidy Hutchinson, phụ tá cựu Chánh Văn Phòng Mark Meadows, trong phiên điều trần tại Quốc Hội. (Hình: Andrew Harnik-Pool/Getty Images)

 

3-Thêm chứng cứ cho thấy ông Trump ủng hộ nhóm bạo loạn

 

Trước đây, Dân Biểu Jaime Herrera Beutler (Cộng Hòa-Washington) cho hay Dân Biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), trưởng Khối Thiểu Số Hạ Viện, kể lại rằng khi ông yêu cầu ông Trump kiểm soát nhóm người bạo loạn, vị cựu tổng thống chỉ đáp lại rằng: “Ông Kevin à, có lẽ những người này thấy bực tức về cuộc bầu cử hơn là ông đấy.”

 

Tuy ông McCarthy rất kín tiếng về cuộc đối thoại này, ông Mick Mulvaney, cựu chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, xác nhận thông tin này.

 

“Tôi đã trò chuyện với ông Kevin McCarthy sau vụ bạo loạn,” ông Mulvaney cho biết. “Cuộc đối thoại rất giống với lời kể của bà Jamie.”

 

Ủy ban cũng trình bày rằng có vẻ vị cựu tổng thống cảm thấy rất hào hứng với khung cảnh bạo loạn tại tòa nhà Quốc Hội.

 

Thượng Nghị Sĩ Ben Sasse (Cộng Hòa-Nebraska) từng công khai kể rằng ông Trump “đi dạo xung quanh Tòa Bạch Ốc và thắc mắc vì sao mọi người không thấy háo hức như ông ấy.”

 

4-Các cáo buộc về Sở Mật Vụ

 

Vào cuối phiên điều trần, ủy ban đưa ra một số thông tin mới mà họ thu thập được về Sở Mật Vụ (USSS) kể từ phiên điều trần trước.

 

Dân Biểu Adam B. Schiff (Dân Chủ-California) chỉ ra nhiều tài liệu cho thấy, trước đó một tuần, nhiều nhân viên USSS bày tỏ sự lo ngại về buổi mít tinh hôm 6 Tháng Giêng.

 

Theo những đoạn tin nhắn nội bộ của USSS, nhiều nhân viên bàn tính về các bài đăng mạng xã hội mà trong đó một số người tham gia mít tinh tuyên bố sẽ mang theo vũ khí.

 

Ông Schiff nhận xét rằng thông tin này chứng minh rằng ông Trump đã được thông báo về rủi ro bạo lực nhưng vẫn kêu gọi đoàn biểu tình tiến đến tòa nhà Quốc Hội – một cáo buộc được cô Hutchinson xác nhận.

 

Không chỉ vậy, nó còn tạo ra nghi vấn về lời khai trước đó của một số nhân chứng thuộc USSS và Tòa Bạch Ốc rằng họ không nhận được bất kỳ thông tin nào cho thấy những viên chức mà họ bảo vệ có thể gặp nguy hiểm.

 

Ủy ban trình chiếu đoạn video trong đó ông Trump khen ngợi USSS trong bài phát biểu hôm 6 Tháng Giêng, 2021, tại sân cỏ The Ellipse, phía sau Tòa Bạch Ốc.

 

Dân Biểu Jamie Raskin (Dân Chủ-Maryland) phỏng đoán rằng có lẽ một số thành viên USSS đã quá thân cận với ông Trump – một kết luận được thể hiện phần nào qua việc ông Pence kiên quyết từ chối bước vào xe của USSS vào hôm bạo loạn.

 

Dân Biểu Pete Aguilar (Dân Chủ-California) nhấn mạnh rằng ủy ban sẽ tiếp tục điều tra USSS dựa theo các tài liệu mới thu thập được. 

 

5-Ủy ban quyết định gửi trát điều trần cho Trump

 

Quyết định này được toàn bộ chín thành viên của ủy ban bỏ phiếu chấp thuận.

Rất có thể ông Trump sẽ từ chối ra khai trước ủy ban, có nghĩa là ủy ban phải tốn thời gian để buộc ông chấp hành.

 

Như vậy, rất có thể ủy ban sẽ không kịp đưa ra báo cáo trong năm nay như đã dự tính.

Điều này mang lại rủi ro rằng ủy ban có thể bị giải tán nếu đảng Cộng Hòa thắng cử vào ngày 8 Tháng Mười Một và nắm quyền đa số tại Hạ Viện. (MPL) [đ.d.]

 

====================================================

.

.

Eric: Đảng Cộng Hoà không còn nữa, mà là đảng Trump!

Người Việt

October 16, 2022

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/eric-dang-cong-hoa-khong-con-nua-ma-la-dang-trump/

 

PALM BEACH, Florida (NV) – Ông Eric Trump, con trai thứ của cựu Tổng Thống Donald Trump, hôm Thứ Sáu, 14 Tháng Mười, khẳng định trên đài truyền hình bảo thủ Newsmax rằng: “Đảng Cộng Hoà không còn nữa,” và nhấn mạnh tổ chức bảo thủ quyền lực này bây giờ được định hình theo khuôn mẫu của cha mình đặt để.

 

Trên đoạn video clip trích cuộc phỏng vấn của ông Eric Trump với đài Newsmax do ông Ron Filipkowski, cựu biện lý liên bang và thành viên đảng Cộng Hoà, đưa lên Twitter cho thấy người con trai thứ của cựu tổng thống tuyên bố: “Cha tôi thay đổi đảng này ngay từ nền tảng. Không còn Đảng Cộng Hòa nữa, mà là ‘đảng Trump.’”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/10/TS-eric-trump-1536x1024.jpeg

Ông Eric Trump, con trai thứ của cựu Tổng Thống Donald Trump. (Hình: John Moore/Getty Images)

 

Đây không phải là lần đầu tiên ông “Trump con” đưa ra nhận định “xoá sổ” đảng của Abraham Lincoln và Ronald Reagan.

 

Trong một lần khác xuất hiện trên đài Newsmax trước đây, hồi Tháng Tám, khi thảo luận về việc đảng Cộng Hoà loại bà Liz Cheney trong vòng bầu cử sơ bộ tại Wyoming, ông Eric cũng đã đưa ra nhận xét tương tự.

 

“Chẳng cần phải hỏi vì sao. Đó không còn là đảng Cộng Hoà nữa. Thực tế bây giờ đã thành  ‘đảng Trump.’”

 

Dân Biểu Liz Cheney, vốn sinh trưởng trong gia đình Cộng Hoà truyền thống khi là con gái của cựu Phó Tổng Thống Dick Cheney, người đã phục vụ các đời tổng thống Cộng Hoà từ thời ông Richard Nixon cho đến ông George W. Bush (Bush con). 

 

Bà Cheney bị ứng cử viên Harriet Hageman, người tán dương luận điệu “bầu cử gian lận” của cựu tổng thống và được ông này hậu thuẫn, đánh bại trong cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang Wyoming hồi Tháng Tám vừa qua.

 

Trong các cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua, 92% những ứng cử viên, cổ vũ luận điệu “bầu cử gian lận,” được ông Trump ủng hộ, đã giành được chiến thắng, theo Ballotpedia.

 

“Cha tôi thực sự lột xác đảng Cộng hòa của tầng lớp ‘RINO’ thành một đảng hoàn toàn mới,” ông Eric Trump phân tích. “Thực tế phơi bày rằng cha tôi đã tạo một đảng hoàn toàn mới, đại diện cho những gì hoàn toàn khác so với đảng Cộng Hòa ngày trước từng ủng hộ. Cha tôi thực sự đã định nghĩa lại đảng này là gì, thể hiện quan điểm thế nào cho các cử tri.”

 

RINO (Republican in name only), là thuật ngữ mà cựu Tổng Thống Trump dùng để bài xích những người Cộng Hoà trung kiên không a dua theo luận điệu tuyên truyền “gian lận bầu cử” của ông.

 

Tại cuộc phỏng vấn trên đài Newsmax hôm Thứ Sáu vừa qua, ông Eric Trump cho rằng công chúng không chú ý đến các phiên điều trần của Uỷ Ban 6 Tháng Giêng vì đó chỉ là “thủ đoạn đánh lạc hướng” của đảng Dân Chủ.

 

Tuy nhiên, trái với nhận xét của con trai cựu tổng thống, các phiên điều trần của ủy ban đã thu hút sự quan tâm đáng kể, với các phiên điều trần trên truyền hình từ mùa Hè có trung bình 13.1 triệu người xem, trong đó buổi điều trần đầu tiên thu hút khoảng 20 triệu người. 

 

Một cuộc thăm dò của hệ thống truyền thanh công cộng PBS từ Tháng Bảy cho thấy 50% dân Mỹ đồng ý rằng cựu Tổng Thống Trump phải bị truy tố vì xách động cuộc bạo loạn tại Quốc Hội hôm 6 Tháng Giêng, 2021. Tuy nhiên, chỉ 28% tin rằng ông Trump thực sự bị truy tố. (MPL)

-----------------------------------------------------------

.

.

Phiên điều trần cuối cùng: Ông Trump có ra khai trước Quốc Hội?

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ

13 tháng 10, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/phien-dieu-tran-cuoi-cung-ong-trump-co-ra-khai-truoc-quoc-hoi/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/GettyImages-1243948573.jpg

Hôm thứ Năm 13-10-2022 Ủy ban Hạ viện điều tra vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng 2021 quyết định gửi trát đòi cựu Tổng thống D. Trump phải ra khai trước Ủy ban về hành vi của ông ta trong sự kiện lịch sử đó. Ủy ban đã thu thập 1,000 cuộc phỏng vấn, xem xét hơn 140,000 tài liệu và sẽ có báo cáo cuối cùng trong thời gian tới. Ảnh Kent Nishimura / Los Angeles Times via Getty Images

 

Kết thúc phiên điều trần công khai kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ chiều Thứ Năm 13 Tháng Mười, Ủy ban Lựa chọn của Hạ viện điều tra vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng 2021 tấn công trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ (gọi tắt là Ủy ban) đã bỏ phiếu hoàn toàn đồng ý với quyết định gửi trát (subpoena) đòi cựu Tổng thống Donald Trump ra khai báo hữu thệ trước Ủy ban về vai trò “trung tâm” của ông trong sự kiện lịch sử đó.

 

“Ông ta chính là người ở trung tâm của câu chuyện về những gì xảy ra ngày 6 Tháng Giêng. Ông ta phải chịu trách nhiệm. Ông ta phải trả lời cho các hành động của mình,” Dân biểu Bennie Thompson, đảng Dân Chủ bang Mississippi, Chủ tịch Ủy ban thông báo sau cuộc bỏ phiếu, trong đó cả chín ủy viên của Ủy ban đều bỏ phiếu thuận.

 

 

-Phiên điều trần thứ nhất: Donald Trump là kẻ đốt lửa

-Phiên điều trần thứ hai: Sự thật về lời nói dối lớn

-Phiên điều trần thứ ba: Ông Mike Pence thoát chết trong gang tấc

-Phiên điều trần thứ tư: Ép quan chức bầu cử, tấn công nền dân chủ

-Phiên điều trần thứ năm: Bộ Tư Pháp hỗn loạn dưới sức ép của ông Trump

Phiên điều trần thứ sáu: Những tiết lộ giật mình từ bên trong Tòa Bạch Ốc!

Phiên điều trần thứ bảy: Trump kích động đám đông tấn công Quốc Hội

Phiên điều trần thứ tám: 187 phút vô trách nhiệm của ông Trump

 

 

Dân biểu Liz Cheney, đảng Cộng Hòa, bang Wyoming, Phó Chủ tịch Ủy ban, nói rằng công việc điều tra của Ủy ban sẽ không hoàn thành được nếu không nghe câu trả lời từ “tay chơi trung tâm của sự kiện 6 tháng Giêng”.

 

 Theo quyết định, ông Trump phải ra trình bày lời khai chính thức, có tuyên thệ. Nhưng hầu hết giới quan sát đều cho rằng, yêu cầu này của Ủy ban sẽ rất khó thực hiện vì nhiều lý do. Một là vì trong lịch sử Hoa Kỳ chưa từng có tiền lệ một người đứng đầu nhánh hành pháp (là tổng thống hoặc cựu tổng thống) phải ra điều trần trước nhánh lập pháp (Quốc Hội). Việc đòi ông Trump ra khai trước Hạ Viện do vậy là chuyện mới, chưa từng được minh định trong Hiến pháp và hệ thống luật pháp quốc gia. Hai là, ông Trump luôn từ chối hợp tác với Ủy ban mà ông coi là một tổ chức phi pháp, mang nặng tính đảng phái. Và ba là, trong trường hợp ông Trump từ chối hợp tác, việc trát đòi sẽ phải trải qua một tiến trình kiện tụng và tranh cãi pháp lý hết sức phức tạp và kéo dài, có thể kéo đến tận năm sau. 

 

Nếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 6 Tháng Mười Một sắp tới, đảng Cộng Hòa giành được đa số ghế trong Hạ Viện và bắt đầu thực thi quyền của đa số từ Tháng Giêng 2023 thì khi ấy Ủy ban chắc chắn sẽ bị giải tán, việc đòi ông Trump ra điều trần sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Những nỗ lực chính thức của Ủy ban truy cứu trách nhiệm gây ra vụ tấn công trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ cũng sẽ chấm dứt.

 

Và cuối cùng, cho dù ông Trump phải ra khai trước Ủy ban, ông ta vẫn có thể từ chối trả lời các câu hỏi bằng cách viện dẫn Tu chính án thứ Năm, cho phép không đưa ra câu trả lời có thể sử dụng để tự buộc tội. Đã có 30 quan chức là cộng sự gần gũi của ông Trump viện dẫn quyền im lặng này; và hai cố vấn cao cấp của ông đã từ chối chấp hành trát đòi của Ủy ban: Ông Stephen K. Bannon bị kết tội coi thường Quốc Hội hồi Tháng Bảy và ông Peter Navarro sẽ ra tòa vào tháng tới với tội danh tương tự.

 

Tuy trát đòi có thể không thực hiện được, nhưng Ủy ban vẫn bỏ phiếu tán thành quyết định, vì theo lời Chủ tịch Thompson của Ủy ban, đây là một “nghĩa vụ”, giúp bảo đảm “một vụ tấn công giống như ngày 6 tháng Giêng sẽ không xảy ra trong tương lai”.

 

                                                      ***

Phiên điều trần hôm nay Thứ Năm 13 Tháng Mười, là phiên thứ chín, và cũng có thể là phiên cuối cùng, đã trình bày một số thông tin mới, đồng thời đúc kết lại những nội dung đã được trình bày trong tám phiên điều trần công khai trong Tháng Sáu và Tháng Bảy. Nội dung chính được nhắc đi nhắc lại là: Cuộc bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng 2021 là kết quả trực tiếp và có thể dự đoán được từ sự lựa chọn của ông Trump sau khi ông thất bại trong cuộc tái tranh cử tổng thống năm 2020.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/GettyImages-1243948146.jpg

Tại phiên điều trần cuối cùng, Ủy ban cho trình chiếu trích đoạn các thư điện tử của Mật Vụ báo động về khả năng xảy ra bạo động khi đám đông ủng hộ Trump kéo về thủ đô Washington “có vũ trang và đông hơn cảnh sát, không thể ngăn chặn họ được”. Ảnh Kent Nishimura / Los Angeles Times via Getty Images

 

Dựa chủ yếu vào lời khai của các phụ tá và đồng minh của ông Trump, cuộc điều tra của Ủy ban chứng tỏ ông Trump đã nhiều lần được thông báo rằng ông ta đã thất bại, nhưng ông ta vẫn bám chắc vào các thuyết âm mưu và thông tin xuyên tạc để từ chối thực tế. Ông ta đã gây áp lực buộc các quan chức của đảng Cộng Hòa, các cơ quan chính phủ kể cả Bộ Tư pháp và thậm chí cả phó tổng thống của ông phải làm những việc chưa từng có tiền lệ và có khả năng vi phạm pháp luật để giúp ông tiếp tục giữ chức vụ tổng thống.

 

Một trong những thông tin mới được trình bày chiều nay là một văn bản nội bộ cho thấy kế hoạch để ông Trump tuyên bố cuộc bầu cử bị gian lận nếu ông bị thua phiếu là một chiến lược đã được tính toán và chuẩn bị từ trước khi cử tri bắt đầu bỏ những lá phiếu đầu tiên.

 

Ủy ban cũng cung cấp chứng cứ mới chứng tỏ ông Trump hiểu rằng cử tri sẽ không bầu ông một nhiệm kỳ thứ hai nên ông ta vội vã ra lệnh rút ngay lập tức quân đội Hoa Kỳ khỏi Afghanistan và Somalia, chỉ bốn ngày trước khi các cơ quan truyền thông đồng loạt thông báo ông Joe Biden mới là người chiến thắng.

 

Ủy ban đã trình bày nhiều thư điện tử và tin nhắn thu thập được từ các sĩ quan đặc nhiệm của Nhà Trắng liên tục cảnh báo ông Trump về khả năng xảy ra bạo lực trong ngày 6 Tháng Giêng do hàng ngàn ủng hộ viên của ông kéo về thủ đô Washington, một số người trang bị vũ khí để phản đối Quốc Hội chứng nhận kết quả bầu cử, nhưng ông ta vẫn cương quyết đòi tham gia đám đông tới bao vây Điện Capitol vào chiều hôm đó như mọi người đã biết.

 

Phần gây xúc động mạnh trong phiên điều trần chiều nay là những đoạn video cho thấy các nhà lãnh đạo Quốc Hội, từ nơi trú ẩn an toàn khi đám đông tràn vào Điện Capitol, đã hoảng sợ như thế nào, đã liên tục gọi điện thoại cho các cơ quan công lực, cho quân đội và khẩn khoản yêu cầu Vệ binh Quốc gia bang Virginia đến ứng cứu ra sao.

 

“Không có điều gì trong chuyện này là bình thường, là chấp nhận được hoặc hợp pháp trong nền cộng hòa của chúng ta,” Dân biểu Liz Cheney nói.

                                                           

                                                            ***

 

Tuy vậy, trong nền chính trị bị “vôi hóa” và phân cực sâu sắc của xã hội Mỹ, cử tri gắn chặt với quan điểm của đảng mình và từ chối dữ kiện thực tế, cuộc điều tra và chín phiên điều trần công khai với những thông tin đáng kinh ngạc đã gần như không làm thay đổi nhiều xu hướng của dư luận.

 

Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri cho thấy một bộ phận dân chúng Mỹ vẫn ủng hộ ông Trump, không theo dõi các phiên điều trần được chiếu công khai trên hầu hết các mạng truyền hình lớn và không thay đổi quan điểm so với trước khi cuộc điều tra vụ bạo loạn diễn ra.

 

Một cuộc thăm dò tháng trước của Đại học Monmouth ghi nhận 29% người Mỹ vẫn tin rằng ông Joe Biden thắng cử nhờ gian lận phiếu bầu – một tỷ lệ không đổi so với cuộc thăm dò hồi Tháng Sáu, trước khi diễn ra phiên điều trần công khai đầu tiên. Có đến 61% đảng viên Cộng Hòa nghĩ như vậy. 

 

Sau các cuộc điều trần, có 38% số người được hỏi ý kiến nói ông Trump “phải chịu trách nhiệm trực tiếp” về vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng, giảm so với tỷ lệ 42% hồi Tháng Sáu.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/10/GettyImages-1243948326.jpg

Dân biểu Liz Cheney, Cộng Hòa, Wyoming, Phó Chủ tịch Ủy ban, nói tại phiên điều trần rằng những kẻ lập kế hoạch lật đổ cuộc bầu cử và đưa đến bạo lực cũng phải bị truy cứu trách nhiệm. Ảnh Kent Nishimura / Los Angeles Times via Getty Images

 

Tuy vậy, những người quan sát chính trị cho rằng, với khối lượng thông tin khổng lồ từ hàng ngàn cuộc phỏng vấn hữu thệ, tài liệu và chứng cứ hết sức chi tiết, cuộc điều tra của Ủy ban đã đặt một nền tảng quan trọng buộc Bộ Tư pháp phải hành động. Hàng trăm kẻ tham gia bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng đã bị bắt và xét xử và các công tố viên của Bộ này đã bắt đầu âm thầm triển khai cuộc điều tra của riêng họ đối với ông Trump và các phụ tá cao cấp của ông từ vài tháng nay. 

 

Kết thúc phiên điều trần cuối cùng hôm Thứ Năm 13 Tháng Mười, Ủy ban cho biết họ sẽ công bố báo cáo cuối cùng về cuộc điều tra trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào tháng tới, và tỏ dấu hiệu cho biết Ủy ban sẽ xem xét có quyết định đề nghị cơ quan tư pháp điều tra hình sự vụ việc hay không sau khi cuộc bầu cử kết thúc.

 

“Đất nước chúng ta không thể chỉ trừng phạt những binh nhì chân đất tràn vào Điện Capitol. Những kẻ lập kế hoạch lật đổ cuộc bầu cử và đưa chúng ta đến bạo lực cũng phải bị truy cứu trách nhiệm. Với mỗi nỗ lực biện hộ hoặc tha thứ cho hành vi của cựu tổng thống, chúng ta lại xói mòn một chút nền móng của nền cộng hòa. Những hành vi không thể bảo vệ đã được bảo vệ. Hành vi không thể tha thứ đã được tha thứ. Không truy cứu trách nhiệm, tất cả đều trở thành bình thường và sẽ tái diễn,” bà Liz Cheney, Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên bố khi kết thúc phiên điều trần thứ chín và cũng là phiên cuối cùng.

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats