Bỏ
phiếu trắng ở Liên Hiệp Quốc, Việt Nam có lo mất Biển Đông?
Bình luận của Hoàng Yên Trần
2022.10.18
Màn hình tại Đại hội
đồng LHQ hôm 12/10/2022 chiếu kết quả bỏ phiếu cho nghị quyết lên án Nga sáp nhập
các tỉnh của Ukraine.
Cộng đồng thế giới
lên án Nga
Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine đã bước sang
khúc quanh mới sau bảy tháng chiến sự. Cuối tháng 9, chính quyền Putin quyết định
sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine, đây là một quyết định vi phạm nghiêm trọng luật
quốc tế.
Ngày 30/9, một dự thảo nghị quyết lên án hành
động này của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bị bác bỏ với
lá phiếu phủ quyết của Nga. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết lên án Nga một lần nữa
lại được đệ trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ).
Trước thềm cuộc bỏ phiếu tại ĐHĐ LHQ ngày
12/10, đã có nhiều dự đoán không mấy lạc quan rằng nghị quyết có khả năng chỉ đạt
được từ 100 đến 140 phiếu thuận, có nghĩa là ít hơn nhiều so với nghị quyết đầu
tiên ngày 2/3 lên án Nga xâm lược (141 phiếu). Theo nhiều nhà quan sát, sự sụt
giảm số lượng nước ủng hộ sẽ tác động không nhỏ đến tính “chính đáng” của các nỗ
lực hậu thuẫn Ukraine từ phía các quốc gia đồng minh, đối tác. Nhiều cuộc vận động
ngoại giao để thu hút sự ủng hộ nghị quyết đã diễn ra và cuối cùng cũng đã nhận
được 143 phiếu thuận (5 phiếu chống và 35 phiếu trắng).
Trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng, 19 quốc
gia đến từ châu Phi, bao gồm cả Nam Phi. Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông
dân nhất thế giới, cũng bỏ phiếu trắng, cùng với Pakistan, Cuba và Việt Nam.
Trước đó, ngày 2/3, ĐHĐ LHQ từng thông qua cuộc
bỏ phiếu với 141 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng để yêu cầu Nga ngừng
bắn ngay lập tức, rút toàn bộ quân và bảo vệ dân thường. Ngày 24/3, ĐHĐ bỏ phiếu
chỉ trích Nga với 140 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 38 phiếu trắng. Cuộc bỏ phiếu
ngày 7/4 về việc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền của LHQ nhận về kết quả thấp
hơn nhiều, với chỉ 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và có tới 58 phiếu trắng.
Nghị quyết năm 2014 khẳng định sự toàn vẹn
lãnh thổ của Ukraine và tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân dẫn đến việc Nga sáp nhập
Bán đảo Crimea là bất hợp pháp đã được thông qua bằng một cuộc bỏ phiếu có kết
quả 100 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 58 phiếu trắng.
Mặc dù Nghị quyết của ĐHĐ LHQ không mang tính
ràng buộc pháp lý, nhưng điều này cũng cho thấy thái độ của cộng đồng quốc tế
trước quyết định vi phạm này của Nga.
Nga vi phạm gì?
Nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là một
nguyên tắc quan trọng hàng đầu của luật quốc tế. Điều 2 (4) của Hiến chương
Liên hợp quốc quy định rằng: “Các thành viên phải kiềm chế trong quan hệ quốc tế
của mình, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc
độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc theo bất kỳ cách nào khác không
phù hợp với Mục đích của Liên hợp quốc.”
Một văn bản quốc tế quan trọng khác đề cập đến
sự toàn vẹn lãnh thổ là Hiệp ước Helsinki (được thông qua vào ngày 1 tháng 8
năm 1975), quy định như sau: “các quốc gia tham gia phải kiềm chế trong các
quan hệ quốc tế của họ nói chung, không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực
chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ Quốc gia nào.”
Như vậy, Hiệp ước Helsinki lên án việc sử dụng
vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ: sử dụng vũ lực bên ngoài hoặc đe dọa sử
dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc
gia.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: “Toàn vẹn lãnh thổ
là trụ cột trung tâm của Liên hợp quốc và việc sử dụng bạo lực của Nga thể hiện
sự khinh thường đối với nguyên tắc này, cụ thể là đối với biên giới và chủ quyền
quốc gia của Ukraine không thể và sẽ không được chấp nhận. Bằng cách thông qua
nghị quyết này, các quốc gia tập hợp đã nói rõ: họ sẽ không dung thứ cho bất kỳ
quốc gia thành viên Liên hợp quốc nào nhằm chiếm đất bằng vũ lực.[1]
Nhà ngoại giao Mỹ Thomas-Greenfield cũng khẳng
định: “Nghị quyết gửi một tín hiệu cực kỳ quan trọng tới Moscow và cho tất cả mọi
người: Không quan trọng bạn là một quốc gia lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, cũ hay
mới. Nếu bạn là một quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, biên giới của bạn là
của riêng bạn và được luật pháp quốc tế bảo vệ..Chúng không thể được vẽ lại bởi
bất kỳ ai khác bằng vũ lực”.[2]
VIDEO :
VN “thấu hiểu giá trị hòa bình” nhưng bỏ phiếu trắng
cho Nghị quyết chống Nga sáp nhập đất Ukraine
Oct 13, 2022
Theo dõi YouTube: http://bit.ly/11PGb33
Sự nguy hiểm đối với
Việt Nam
Cách thể hiện thái độ của Việt Nam về vấn đề
này có rất nhiều điều mâu thuẫn.
Ngày 6/10, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt
Nam khẳng định: “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan nối lại đối thoại, giải quyết
vấn đề bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của
luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn
lãnh thổ của các quốc gia.”[3]
Trước đó, Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng
Giang đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp
Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có việc không can
thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan
hệ quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế theo luật pháp quốc tế,
và đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của
các quốc gia.[4]
Hành động sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của
Ukraine vào đất Nga là một tiền lệ rất xấu, đặc biệt đe doạ tới những quốc gia
nhỏ và vừa như Việt Nam, có thể bị một cường quốc thực hiện tương tự. Tuy vậy, Việt
Nam lại chọn cách theo Trung Quốc bỏ phiếu trắng trước sự vi phạm trắng trợn
nguyên tắc cốt lõi của LHQ và luật pháp quốc tế về chủ quyền và toàn vẹn lãnh
thổ.
Cần phải nhắc lại, nguyên tắc chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ là một nguyên tắc hàng đầu của LHQ và của luật pháp quốc tế
nói chung.
Mặc dù Campuchia là một nước nhỏ và rất thân
thiết với Trung Quốc, nhưng Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng đã thẳng thắn ủng
hộ nghị quyết lên án Nga, và ông còn phát biểu: “Việc cưỡng bức sáp nhập các
khu vực từ một quốc gia có chủ quyền là vi phạm rõ ràng Hiến chương Liên hợp quốc
và luật pháp quốc tế, điều này không thể chấp nhận được.”[5]
Sự xâm lược của Nga tại Ukraine sẽ là một bài
học tuyệt vời cho Trung Quốc. Sự phản ứng của cộng đồng quốc tế sẽ là một trắc
nghiệm cho Trung Quốc trước âm mưu gia tăng việc chiếm đóng trên Biển Đông để
thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông. Rất có khả năng Trung Quốc trong thời gian
sắp tới sẽ ra các quyết định sáp nhập các khu vực trên Biển Đông vào trong lãnh
thổ của Trung Quốc như Nga đã làm với Ukraine. Trong trường hợp đó, Việt Nam sẽ
làm gì để kêu gọi sự ủng hộ của thế giới?
___________________
Tham khảo:
[1] https://by.usembassy.gov/un-general-assembly-resolution-condemning-russias-attempted-annexation-of-ukraines-territory/
[2] https://www.seattletimes.com/nation-world/nation/intense-lobbying-ahead-of-un-vote-on-russian-annexations/
[3] https://vietnamnet.vn/viet-nam-neu-quan-diem-khi-nga-sap-nhap-4-tinh-ukraine-2067406.html
[4] https://tuoitre.vn/viet-nam-phan-doi-su-dung-vu-luc-xam-pham-chu-quyen-lanh-tho-cac-nuoc-20221013115015883.htm
[5] https://www.washingtonpost.com/world/intense-lobbying-ahead-of-un-vote-on-russian-annexations/2022/10/12/2e55326c-4a63-11ed-8153-96ee97b218d2_story.html
———————————————————————
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự
Do
No comments:
Post a Comment