Saturday, 9 July 2022

QUYỀN LỰC LỚN, NĂNG LỰC NHỎ, LÀM VIỆC NHỎ CŨNG GÂY HẠI LỚN (Phạm Đình Trọng)

 



Quyền hạn lớn, năng lực nhỏ, làm việc nhỏ cũng gây hại lớn

Phạm Đình Trọng

09/07/2022

https://vietbao.com/p112a312711/quyen-han-lon-nang-luc-nho-lam-viec-nho-cung-gay-hai-lon

 

Gần đây trong nước Việt Nam có nguồn tin là các bia mộ liệt sĩ còn ghi là Vô Danh đều phải khắc lại là “Liệt Sĩ Chưa Xác Định Được Thông Tin”. Thực chất đây chỉ là một trong muôn vàn những lệnh ngu xuẩn của một nhà nước không vì nhân dân ban xuống, nhưng đối với nhà phản biện Phạm Đình Trọng thì đấy chính là biểu hiện của một “Quyền hạn lớn, năng lực nhỏ, làm việc nhỏ cũng gây hại lớn.” Cái hại lớn mà ông Phạm muốn nói đến chính là cái hại văn hóa để lại muôn đời sau. Việt Báo trân trọng giới thiệu (VB).

 

                                                                         *

 

Liệt Sĩ Vô Danh không phải chỉ là hàng chữ vô hồn ghi trên tấm bia mộ xi măng trong nghĩa trang để những hiểu biết nông cạn, những tâm hồn thô thiển muốn tuỳ tiện vứt bỏ, thay đổi hàng chữ đó thế nào cũng được.

 

Liệt Sĩ Vô Danh là lời thì thầm, nghẹn ngào, xót xa, ngẩn ngơ, thảng thốt của mọi người Việt Nam khi đứng trước hàng hàng, lớp lớp những tấm bia rưng rưng hàng chữ Liệt Sĩ Vô Danh trong nghĩa trang Liệt Sĩ Trường Sơn, nghĩa trang Liệt Sĩ Đường 9, nghĩa trang Liệt Sĩ Vị Xuyên, nghĩa trang Liệt Sĩ trên đồi 82, Tân Biên, Tây Ninh…

 

Liệt Sĩ Vô Danh là lời sâu thẳm của hồn nước Việt Nam. Là lời vang vọng, bền bỉ và da diết của lịch sử Việt Nam.

 

Lịch sử Việt Nam được viết bằng máu của lớp lớp thế hệ người Việt đánh giặc giữ nước. Khi ngã xuống có người đầy đủ hồ sơ nhân thân nhưng nhiều người không để lại một cái tên. Thơ Lê Anh Xuân:

 

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường.

 

Những người Việt đánh giặc giữ nước ngã xuống, máu của những người có tên và máu những người lịch sử chưa biết tên đều thấm vào đất đai làm nên sức sống, làm nên hồn thiêng sông núi, làm nên dáng đứng Việt Nam. Nhưng nấm mộ mang hàng chữ Liệt Sĩ Vô Danh tạo cho người tưởng niệm cảm xúc mạnh mẽ hơn để nhận ra cuộc sống có ý nghìa cao cả, rộng lớn, thăm thẳm hơn.

 

Có danh là một con người cụ thể, hữu hạn. Vô danh là con người trừu tượng, khái quát, là số nhiều, là thầm lặng quên mình, là khái niệm về cái lớn lao, cao cả, như khái niệm về Tổ Quốc, về Nhân Dân, về sự vô cùng, vô tận.

 

Trước nấm mồ liệt sĩ có danh, người đang sống mắc nợ với một nghĩa cả. Trước nấm mồ Liệt Sĩ Vô Danh, người đang sống mắc nợ với muôn vàn nghĩa cả. Nghĩa trang Liệt Sĩ thành phố Đà Lạt được phủ một loại cỏ cũng có tên là Cỏ Vô Danh. Năm 1981, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ khi viếng nghĩa trang Liệt Sĩ thành phố Đà Lạt, viết:

 

Người vô danh, cỏ cũng vô danh

Nhưng tôi biết suốt đời tôi mắc nợ

 

Liệt Sĩ Vô Danh có từ trong xa thẳm lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam. Có từ trước khi có chữ Việt Hán Nôm do Hàn Thuyên sáng tạo. Có từ trước khi các giáo sĩ phương Tây tạo ra chữ Việt La tinh để hôm nay trên bia mộ có hàng chữ Việt La tinh Liệt Sĩ Vô Danh

 

Những người lính chết vùi xác dưới đáy sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, dưới đáy sông Lòng Tàu ở Rừng Sác, Cần Giờ, Sài Gòn, dưới đáy biển Gạc Ma, Trường Sa... Trên sóng nước không thể có bia mộ tất nhiên không có tên tuổi nhưng những hồn thiêng trên sóng nước mãi mãi tồn tại trong lịch sử, trong tâm khảm, trong thương nhớ của mọi người Việt Nam với tên gọi: Liệt Sĩ Vô Danh.

 

Ở nhiều nước trên thế giới không phải chỉ có bia mộ khắc chữ Liệt Sĩ Vô Danh mà còn có tượng đài mang hàng chữ vàng Liệt Sĩ Vô Danh, quảng trường đắp nổi hàng chữ đá Liệt Sĩ Vô Danh với ngọn lửa vĩnh cửu như hồn thiêng của Liệt Sĩ Vô Danh mãi mãi tồn tại cùng quê hương, đất nước.

 

Bất kì đâu trên thế giới có chiến tranh là có Liệt Sĩ Vô Danh. Từ trong xa thẳm lịch sử nhân loại, hàng chữ Liệt Sĩ Vô Danh đã khắc vào bia đá ở Việt Nam, đã khắc trên tượng đài, khắc nơi ngọn lửa vĩnh cửu, khắc trong tình cảm, trong trái tim con người trên khắp thế giới. Liệt Sĩ Vô Danh đã là từ ngữ ổn định bền vững có giá trị lịch sử, giá trị văn hoá, giá trị tâm linh trong ngôn ngữ Việt Nam và ngôn ngữ nhiều dân tộc trên thế giới.

 

Nay bỗng phải ngày trái gió trở trời người dân Việt Nam phải sững sờ nhận một tin hãi hùng từ truyền thông:

 

Các bia mộ liệt sĩ còn ghi là Vô Danh đều phải khắc lại là “Liệt Sĩ Chưa Xác Định Được Thông Tin”. Năm 2023 phải hoàn thành việc điều chỉnh thông tin này.

 

“Liệt Sĩ Chưa Xác Định Được Thông Tin” là sự lủng củng, ngớ ngẩn, trần trụi của ngôn ngữ làm mất đi sự lung linh, huyền ảo sử thi của sự cống hiến, hi sinh. Mất đi cái trang trọng của lòng thành kính. Mất đi vẻ đẹp cổ điển của từ ngữ Liệt Sĩ Vô Danh.

 

Liệt Sĩ Vô Danh gây xúc động, mở ra giá trị cuộc sống lớn lao, cao cả bao nhiêu thì “Liệt Sĩ Chưa Xác Định Được Thông Tin” của ngôn ngữ vô hồn làm cho giá trị cuộc sống cũng tầm thường bấy nhiêu. “Liệt Sĩ Chưa Xác Định Được Thông Tin” hữu hạn đến nhỏ bé. Liệt Sĩ Vô Danh mở ra sự vô hạn, vô cùng.

 

Với lệnh ban ra từ cấp Chính phủ, từ nay trên cả nước những tượng đài tưởng niệm những linh hồn sống mãi với non sông đất nước mang hàng chữ sử thi lung linh huyền thoại Liệt Sĩ Vô Danh sẽ phải bỏ hàng chữ cao cả Liệt Sĩ Vô Danh thay bằng hàng chữ chỉ để đưa thông tin vụ việc tầm thường: “Liệt Sĩ Chưa Xác Định Được Thông Tin”.

 

Ai ban cái lệnh quái gở phải đổi Liệt Sĩ Vô Danh thành “Liệt Sĩ Chưa Xác Định Được Thông Tin?” Thì ra là lệnh của ông Bộ trưởng xuất thân từ tổ chức đoàn thanh niên đã bị báo chí cả nước bêu tên trong vụ lùm xùm mờ ám thi cử khi anh cán bộ đoàn ham hố, bon chen quyền lực phải thi tuyển vào trường Hành chính Quốc gia kiếm mảnh bằng để hoàn chỉnh hồ sơ của quan chức cấp nhà nước. Mờ ám thi cử không chỉ là bộc lộ của nền tảng văn hoá mà còn là nhân cách.

 

Văn hoá và nhân cách đó leo lên đến Bộ trưởng rồi lệnh cho cả nước phải gấp gáp thay bia Liệt Sĩ Vô Danh thành bia “Liệt Sĩ Chưa Xác Định Được Thông Tin” thì càng lòi ra nền tảng văn hoá hạn hẹp, kiến thức xã hội nông cạn của ông Bộ trưởng xuất thân từ tổ chức đoàn, tổ chức cánh tay của đảng. Cánh tay thì chỉ là cơ bắp, phải có người cầm tay chỉ việc. Văn hoá và nhân cách đó, ông Bộ trưởng không nhìn ra việc, không làm được những việc đúng tầm có ích cho dân cho nước, chỉ thấy những việc sự vụ, quẩn quanh, chỉ làm những việc có hại.

 

Thay bia Liệt Sĩ Vô Danh bằng bia “Liệt Sĩ Chưa Xác Định Được Thông Tin” chỉ là việc nhỏ, nhưng ở tầm quốc gia nên gây hại vô cùng lớn cả về kinh tế và văn hoá. Thiệt hại kinh tế chỉ nhất thời. Thiệt hại văn hoá mới vô cùng lớn lao và sâu xa.

 

– Phạm Đình Trọng





No comments:

Post a Comment

View My Stats