Sunday, 31 July 2022

TỪ CHUYỆN 'NƠI SINH' TRÊN HỘ CHIẾU, NGHĨ VỀ NĂNG LỰC (Trân Văn)

 



Từ chuyện ‘nơi sinh’ trên hộ chiếu, nghĩ về vấn đề năng lực

Trân Văn

31/07/2022

https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%AB-chuy%E1%BB%87n-n%C6%A1i-sinh-tr%C3%AAn-h%E1%BB%99-chi%E1%BA%BFu-ngh%C4%A9-v%E1%BB%81-v%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%81-n%C4%83ng-l%E1%BB%B1c/6680928.html

 

https://gdb.voanews.com/09680000-0a00-0242-e890-08da7173d3e6_w650_r1_s.png

 Việt Nam hiện lưu hành hai mẫu hộ chiếu, mới (xanh tím than, trái) và cũ (xanh lá cây) cùng lúc.

 

Nói cách khác, ông Tô Lâm chính là người trực tiếp chỉ đạo việc thay đổi mẫu hộ chiếu cho phù hợp với xu thế của “cuộc cách mạng công nghệ 4.0”.

 

                                                            *

 

Thêm sự kiện hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam bị Đức từ chối tiếp nhận và giải quyết nhu cầu nhập cảnh vì thiếu yếu tố “nơi sinh” (1) cho thấy, ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam có vấn đề về năng lực.

 

                                                          ***

 

Hạ tuần tháng 5 năm 2019, trước Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa 14 (nhiệm kỳ 2016 – 2021), ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Đại biểu Quốc hội khóa 14, kiêm Bộ trưởng Công an, chính thức giới thiệu Dự luật về Xuất nhập cảnh (XNC). Theo đó, Bộ Công an sẽ phát hành hộ chiếu mẫu mới. Hộ chiếu mẫu mới có hai loại để công dân lựa chọn, loại có chip điện tử hoặc không. Sở dĩ có hộ chiếu mang chip điện tử vì đó là... “xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay” (2).

 

Nói cách khác, ông Tô Lâm chính là người trực tiếp chỉ đạo việc thay đổi mẫu hộ chiếu cho phù hợp với xu thế của “cuộc cách mạng công nghệ 4.0”. Hơn ba năm sau – tháng 7 năm 2022 – thời điểm Bộ Công an bắt đầu phát hành mẫu hộ chiếu mới, công dân nào muốn chọn loại hộ chiếu có chip điện tử thì không được cấp hộ chiếu theo mẫu mới vì Bộ Công an chưa làm được loại hộ chiếu này, Bộ Công an đã cố gắng nhưng chưa theo được “xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0”. Điều đó mặc nhiên đồng nghĩa với việc Bộ trưởng Công an có hạn chế về khả năng quản trị và điều hành hoạt động của Bộ Công an trong lĩnh vực XNC.

 

Ngoài hộ chiếu theo mẫu mới gặp trục trặc không đáp ứng được cam kết trước Quốc hội, trước công chúng, việc thay đổi căn cước công dân (CCCD) cũng vậy. Thay đổi CCCD là một phần trong “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (do tên của đề án quá dài dòng nên được Bộ Công an chủ động gọi tắt là “Đề án 06”). Giống như hộ chiếu theo mẫu mới, “Đề án 06” cũng do ông Tô Lâm khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo thực hiện, ông tuyên bố đó là “mệnh lệnh chiến đấu và kỷ luật công tác” (3).

 

Cả chính phủ lẫn Bộ Công an không cho biết cụ thể việc triển khai “Đề án 06” ngốn bao nhiêu tiền nhưng tính chất (xây dựng, duy trì kho dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030)cũng như qui mô của việc thực hiện “Đề án 06” (đối với toàn dân trên toàn quốc) chắc chắn phải tính bằng ngàn tỉ. Thượng tuần tháng này, một Thứ trưởng Công an mới phân bua với Quốc hội, việc cấp phát CCCD không như hứa hẹn vì... “có nhiều lỗi” (3)...

 

Trước nay, thiên hạ luôn dùng hiệu quả hoạt động của một cơ quan, tổ chức làm thước đo năng lực của cá nhân lãnh đạo cơ quan, tổ chức đó. Đó cũng là lý do cá nhân lãnh đạo cơ quan, tổ chức bị buộc phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức mà họ quản trị, điều hành. Dựa vào tiêu chí ấy và kết quả của việc triển khai cấp phát hộ chiếu mẫu mới cũng như CCCD theo các loại kế hoạch, đề án có tính chất pháp lệnh, rõ ràng ông Tô Lâm có vấn đề về năng lực.

 

                                                       ***

Ngoài những hạn chế về năng lực quản trị - điều hành hoạt động Bộ Công an, còn có thể tìm thấy những biểu hiện khác liên quan đến sự chủ quan của ông Tô Lâm trong chính các sự kiện liên quan đến chỉ đạo – giám sát lĩnh vực quản lý XNC mà không cần phải dụng công tìm kiếm thêm ở các lĩnh vực khác. Ví dụ đầu tiên nằm ở việc thiếu “nơi sinh” trong hộ chiếu theo mẫu mới.

 

Trước nay, “nơi sinh” hay “Place of birth” luôn là một trong những yếu tố cấu thành dữ liệu giúp nhận diện cá nhân để tránh những sai sót khi vận hành bộ máy quản lý hành chánh nhằm bảo vệ trật tự, trị an (4). Đó cũng là lý do mà gần như quốc gia nào cũng muốn xác định một cá nhân sinh ở đâu và ghi chú rõ ràng “nơi sinh” của đương sự trên tất cả các loại giấy tờ tùy thân. Việt Nam không khác phần còn lại của thiên hạ cho đến khi... sáng tạo mẫu hộ chiếu mới.

 

Trong hộ chiếu theo mẫu mới, Bộ Công an Việt Nam chủ động thay “nơi sinh” bằng mã số định danh với 12 chữ số. Từ “sáng kiến” của Bộ công an Việt Nam, khi kiểm tra “nơi sinh” của công dân Việt Nam, nếu đương sự có hộ chiếu Việt Nam theo mẫu mới, các viên chức hữu trách phải biết và phải có danh sách nơi sinh đã được “số hóa” để tra cứu xem đương sự sinh ở đâu - nhóm ba chữ số đầu trong 12 chữ số định danh (5). Danh sách “nơi sinh” đã được... “số hóa” theo kiểu này dài bảy trang.

 

Khi Bộ Công an Việt Nam quyết định như vậy, các viên chức hữu trách trong hệ thống công quyền của Việt Nam không muốn cũng phải tra hoặc học thuộc lòng danh sách đó nhưng thiên hạ thì không.

 

Buộc các viên chức làm việc trong hệ thống quản lý hành chánh – quản lý di trú của tất cả các quốc gia trên thế giới phải tìm danh sách xác định “nơi sinh” mà Việt Nam đã “số hóa”, rồi phải tra hoặc phải học thuộc lòng danh sách ấy chỉ để xác định yếu tố “nơi sinh” của những đương sự là công dân Việt Nam không chỉ vô lý mà còn bất khả thi. Không phải tự nhiên mà các cơ quan ngoại giao Đức loan báo, Đức không thể chấp nhận hộ chiếu Việt Nam theo mẫu mới và đừng dùng hộ chiếu theo mẫu mới đến Đức (6).

 

Chưa biết sau Đức sẽ còn những quốc gia nào từ chối giải quyết nhu cầu đi lại, di trú (thăm thân nhân, du lịch, du học, tìm kiếm cơ hội mở rộng sản xuất - kinh doanh, định cư) của công dân Việt Nam chỉ vì “sáng kiến” bỏ “nơi sinh” và thay bằng mã số định danh nên ngoài việc cấp hộ chiếu theo mẫu mới, Việt Nam phải cấp thêm “Giấy chứng nhận nơi sinh” nhưng có thể dựa vào chính “sáng kiến” đó để nhận định, ở vị trí người có quyền lực cao nhất trong Bộ Công an, ông Tô Lâm không thể thoái thác trách nhiệm khi phê duyệt “sáng kiến”... hết ý này!

 

Áp dụng “sáng kiến”... hết ý ấy có khác gì buộc hệ thống công quyền các quốc gia phải tổ chức “tập huấn” cho tất cả viên chức hành chánh – di trú của họ để giải quyết nhu cầu đi lại, di trú của riêng công dân Cộng hòa XHCN Việt Nam?

 

Riêng trong lĩnh vực quản lý XNC, sự chủ quan của ông Tô Lâm ở vị trí Bộ trưởng Công an còn thể hiện qua nhiều sự kiện khác. Ví dụ việc không nhìn ra để gỡ bỏ ngay lập tức những rào cản trong quản lý XNC – ngăn chặn công dân Việt Nam hồi hương giữa đại dịch, tạo điều kiện cho thuộc cấp câu kết với viên chức của những ngành khác (ngoại giao, y tế, giao thông – vận tải) “nhận hối lộ” từ hàng ngàn “chuyến bay giải cứu”...

 

Hay sự bất cập về chính sách visa (các qui định liên quan đến việc cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam cho người ngoại quốc) khiến ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung không thể phát triển, đặc biệt là hết sức khó khăn dù muốn hồi phục sau đại dịch. Ai cũng biết, chính sách visa phụ thuộc vào năng lực bảo vệ trật tự, trị an của Bộ Công an mà năng lực này lại phụ thuộc vào năng lực cá nhân của ông Tô Lâm.

 

Tại sao những quốc gia khác không ngừng thay đổi chính sách visa của họ theo hướng thông thoáng hơn để kích thích du lịch, thúc đẩy kinh tế phát triển mà vẫn bảo vệ được trật tự, trị an tại xứ của họ mà Việt Nam thì không? Chỉ có một câu trả lời, đó là ông Tô Lâm không thể suy tính và Bộ trưởng Công an không thể đưa ra ý tưởng nào nhằm cải thiện chính sách visa theo hướng tích cực hơn mà vẫn bảo vệ được trật tự, trị an như các đồng nhiệm ở những xứ khác đã làm cũng như đang làm.

 

Theo thông lệ quốc tế, chính sách visa của tất cả các quốc gia trên thế giới hình thành trên cơ sở “có đi, có lại”. Khi Việt Nam đặt ra đủ loại hạn chế trong việc xem xét cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam cho công dân những quốc gia khác thì chính phủ những quốc gia đó cũng sẽ áp dụng những hạn chế tương tự đối với công dân Việt Nam. Đó là lý do giá trị sử dụng (mà nhiều cơ quan truyền thông chính thức của Việt Nam thường gọi nôm na là “ mức độ quyền lực”) của hộ chiếu Việt Nam thua xa hộ chiếu của nhiều quốc gia.

 

---------------

Chú thích

 

(1) https://thanhnien.vn/vi-sao-co-quan-noi-vu-duc-chua-chap-nhan-ho-chieu-mau-moi-cua-viet-nam-post1482412.html

 

(2) https://laodong.vn/thoi-su/bo-truong-to-lam-cong-dan-co-quyen-chon-ho-chieu-gan-chip-hoac-khong-736050.ldo

 

(3) https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/thu-truong-bo-cong-an-cham-tra-can-cuoc-cong-dan-cho-nguoi-dan-do-nhieu-loi-199327.html

 

(4) https://en.wikipedia.org/wiki/Place_of_birth

 

(5) https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/tu-van-phap-luat/32813/ma-so-dinh-danh-ca-nhan-va-06-dieu-nguoi-dan-can-biet

 

(6) https://thanhnien.vn/vi-sao-co-quan-noi-vu-duc-chua-chap-nhan-ho-chieu-mau-moi-cua-viet-nam-post1482412.html





No comments:

Post a Comment

View My Stats