Tuesday 12 July 2022

NHÀ XUẤT BẢN GDVN LÃI "ĐẬM", LƯƠNG THƯỞNG LÃNH ĐẠO CAO NGẤT NGƯỠNG, NÊN VUI hay BUỒN? (Giáo Dục Việt Nam)

 



NXB GDVN lãi “đậm”, lương thưởng lãnh đạo cao ngất ngưởng, nên vui hay buồn?    

GDVN

11/07/2022 06:42

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nxb-gdvn-lai-dam-luong-thuong-lanh-dao-cao-ngat-nguong-nen-vui-hay-buon-post227935.gd

 

GDVN- Phải chi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin, có tính toán giá thành, chi lương thưởng hợp lý, giảm lãi, chia sẻ gánh nặng với người dân.

 

TIN LIÊN QUAN

·         Chưa tăng học phí, kiểm soát chặt giá sách giáo khoa

·         Cần cấm bán SGK kèm sách tham khảo đi đôi với bình ổn thị trường sách

·         Sự quyết liệt của Bộ trưởng minh bạch hoạt động NXBGDVN và nỗ lực giảm giá SGK

·         Cung ứng SGK kèm sách tham khảo có sự "tiếp tay" rất nhiệt tình của nhà trường

 

Vấn đề sách giáo khoa theo chương trình mới 2018 tăng giá cao gấp 2-3 lần khiến dư luận bức xúc, nhiều gia đình gặp khó.

 

Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có những giải pháp để giảm giá sách giáo khoa, nghiêm cấm các trường bán sách giáo khoa kiểu “bia kèm lạc”,…

 

Nhưng, thực tế là các em học sinh học theo chương trình mới năm nay tiếp tục sẽ phải mua sách giáo khoa với giá cao, khó có thể dùng lại sách năm trước vì nhiều lý do khác nhau.

 

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi “đậm”, chi lương đội ngũ lãnh đạo cao ngất ngưởng

 

Giữa tâm “bão” giá sách giáo khoa tăng cao, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) công bố lãi tăng cao trong năm qua khiến nhiều gia đình có con em đi học càng thêm bức xúc, mong giảm bớt giá thành để được tiếp cận sách giá rẻ, mong Nhà xuất bản giảm bớt tiền lời từ kinh doanh sách, chia sẻ gánh nặng với những gia đình khó khăn.

 

Theo thông tin được công bố, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi “đậm” đa phần nhờ kinh doanh sách giáo khoa. Theo các báo cáo, năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi nhận doanh thu hơn 1.828 tỉ đồng, trong đó nguồn thu từ hoạt động phát hành sách (sách giáo khoa, sách tham khảo, xuất bản phẩm khác...) chiếm tới 97%, phần còn lại thuộc về nguồn thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.

 

Với doanh thu cao, đơn vị này cũng gặt hái được lãi ròng sau thuế tới 287 tỉ đồng, tương đương cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch được Bộ Giáo dục và Đào tạo (cơ quan chủ quản) giao cho. Đây cũng là mức lợi nhuận cao, vượt qua con số dao động bình quân 120 - 150 tỉ đồng của những năm trước.[1]

 

Bên cạnh đó, ngày 30/6/2022, trên website của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã công bố Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức năm 2021; Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội năm 2021; Báo cáo tình hình đầu tư tại các công ty con năm 2021 và Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021.[2]

 

https://photo-cms-giaoduc.zadn.vn/w700/Uploaded/2022/haotgs/2022_07_10/anh-2-1956.jpg

Bảng số 3 : Tiền lương, thưởng và các khoản thu nhập khác trong năm 2021

của lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt nam (Ảnh chụp từ website của NXB Giáo dục Việt nam)

 

Theo “Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức năm 2021” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chúng ta thấy mức thu nhập từ tiền lương, tiền thưởng của các lãnh đạo đơn vị này khá cao.

 

Cụ thể: ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên nhận mức lương 544.320.000 đồng/năm, cộng với khoản 120 triệu đồng tiền thưởng và thu nhập khác. Như vậy, tổng thu nhập năm 2021 của ông Nguyễn Đức Thái khoảng 664.320.000 đồng.

 

Người có tổng thu nhập đứng ở vị trí thứ hai tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là ông Hoàng Lê Bách - Ủy viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc, với gần 620 triệu đồng. Trong đó, tiền lương là 538.070.400 đồng và 80 triệu đồng tiền thưởng và thu nhập khác.

 

Các Ủy viên Hội đồng thành viên khác gồm: ông Phạm Vĩnh Thái nhận mức lương 425.040.000 đồng tiền lương; ông Phạm Văn Thắng có mức lương 173.880.000 đồng;

 

Ông Phạm Gia Thạch (vừa chức danh Ủy viên Hội đồng thành viên kiêm Kế toán trưởng có tổng thu nhập hơn 508.480.000 đồng); bà Nguyễn Thị Thu Hằng (360 triệu đồng); ông Ông Thừa Phú (340 triệu đồng).

 

Các Phó Tổng Giám đốc gồm: ông Lê Hoàng Hải (tổng thu nhập hơn 540 triệu đồng); ông Nguyễn Chí Bình và bà Phùng Ngọc Hồng có cùng mức thu nhập là hơn 530 triệu đồng; ông Lê Thành Anh là 225 triệu đồng,...[2]

 

Đáng nói, ngày 27/4/2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có thông cáo báo chí về giá sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 như sau: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà xuất bản đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu. Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện, chúng tôi đã tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để có giá bán sách giáo khoa phù hợp với mức chi phí của đại đa số các gia đình có con em đi học”.

 

Có thể nói cả nước đang trong giai đoạn khó khăn, lo ngại lạm phát tăng cao, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, doanh nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý công bố lãi sau thuế tăng cao, lương thưởng của chủ tịch, các phó chủ tịch,…cao ngất ngưởng khiến nhiều người càng thêm bức xúc.

 

Vì sao thông tin Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi cao gấp 2,5 lần, lương chủ tịch cao lại gây bức xúc?

 

Theo lẽ thường, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có lãi càng cao thì đóng góp thuế cao, góp phần chung vào bức tranh kinh tế phát triển.

 

Doanh nghiệp kinh doanh lãi cao, trả lương cho chủ tịch và hội đồng thành viên cao,…là điều hợp lý nếu mặt hàng kinh doanh không phải sách giáo khoa, mặt hàng mà bắt buộc người dân từ khá giả đến nghèo khó đi học đều phải có.

Sẽ không có gì đáng bàn nếu hàng triệu người dân trong đó có nhiều gia đình khó khăn phải vay mượn tiền để mua những bộ sách giáo khoa với giá cao gấp 2-3 lần so với chương trình cũ nhưng Nhà xuất bản lại lãi cao, lương, thưởng của chủ tịch và cộng sự cao ngất ngưởng.

 

Giá sách giáo khoa, học phí đều tăng, phụ huynh khó khăn liệu có kham nổi?

 

Theo suy nghĩ của người viết, do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp, nên những khoản lương, thưởng của chủ tịch, cộng sự, nhân viên và những khoản lãi, thuế,…chủ yếu dựa vào việc sản xuất, kinh doanh, trong đó có sách giáo khoa, mặt hàng thiết yếu mà hàng triệu gia đình học sinh phải có, phải chịu mua với giá cao thời gian qua.

 

Phải chi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin, có tính toán giá thành hợp lý, chi trả lương thưởng hợp lý, giảm lãi, chia sẻ gánh nặng với người dân,...sẽ không khiến người bức xúc, nhiều dân nghèo sẽ bớt khổ, bớt kêu than về gánh nặng sách giáo khoa thời gian qua.

 

Trong năm 2022-2023 này, chương trình mới được tiếp tục ở lớp 1, 2, 3, 7, 10 với giá sách giáo khoa tăng cao gấp 2-3 lần so với chương trình cũ và vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sự giảm giá sau nhiều chỉ đạo, giải pháp của các cấp có thẩm quyền, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết sách cụ thể để giảm giá sách giáo khoa ngay trong năm học này.

 

--------------------------

Tài liệu tham khảo:

 

[1] https://tuoitre.vn/nha-xuat-ban-giao-duc-lai-rong-287-ti-dong-phu-huynh-mong-muon-giam-gia-sach-giao-khoa-20220703225556433.htm

 

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nam-2021-nxbgdvn-lai-cao-ong-nguyen-duc-thai-huong-luong-thuong-ra-sao-post227740.gd

 

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

 

Minh Khôi

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats