Wednesday 20 July 2022

KINH TẾ PHÁT TRIỂN ở VIỆT NAM: ẢO GIÁC hay HIỆN THỰC?  / PHẦN 4 (Phạm Thanh Giao)

 



KINH TẾ PHÁT TRIỂN ở VIỆT NAM: ẢO GIÁC hay HIỆN THỰC?  

PHẦN 4 : KHU MUA SẮM, KHU GIẢI TRÍ, KHU VUI CHƠI và ĂN UỐNG  

Phạm Thanh Giao  

20-7-2022 07:19  

https://www.facebook.com/giao.pham.127/posts/pfbid02tVzGLAnWnkKqoG5teVNZuabjbVcpSDsyGovH82RrNQgSE6bx38wgCu8oBb2PtuH2l

 

Vào cuối năm 1986 chính quyền Cộng Sản Việt Nam, bắt đầu tung ra chính sách mới cho đất nước, sau gần chục năm đói rách tả tơi, qua khẩu hiệu: Đổi Mới Kinh Tế. Thế nhưng kinh tế bị Mỹ cấm vận và cô lập nên Việt Nam vẫn ì ạch, không ngóc đầu lên nổi. Đa số người dân vẫn phải sống trong nghèo đói và thiếu thốn cùng cực, không có đủ để ăn qua ngày của cuối thập niên 1970s mà người dân trong nước gọi nó là “Thời Bao Cấp”.

 

Mãi đến năm 1993 sau khi tổng thống Bill Clinton gỡ bỏ cấm vận ở Việt Nam, sự phát triển về kinh tế từ đó mới bắt đầu chuyển hướng và đi lên, không còn đói khát và cơ cực như những năm sau ngày “giải phóng” hay sau ngày “mất nước” tùy theo cái nhìn của từng người nữa. Thời điểm của 10 năm kế tiếp, tính từ 1995 đến 2005, kinh tế của Việt Nam tuy đã phát triển ở nhiều mặt, nhưng chưa có gì gọi là Bùng Nổ cả.

 

Thế nhưng, sau năm 2005, những nhà đầu tư ở khắp nơi, nhất là ở những quốc gia giàu có quanh Việt Nam như Nhật Bản, Nam Hàn, Singapore, Úc Đại Lợi, Mã Lai và Thái Lan bắt đầu nhìn ra được “tiềm năng” của guồng máy lao động trẻ khổng lồ và rẻ mạt ở Việt Nam, có nhiều khả năng thay thế được nguồn lao động bắt đầu đắt đỏ của Trung Quốc. Thế là những khối tiền hàng trăm tỷ đô la, được ngoại quốc đổ vào Việt Nam để đầu tư, hầu như trên tất cả mọi lãnh vực.

 

Mãi đến cuối năm 2010, các công ty lớn về may mặc, giầy dép và sản xuất của Hoa Kỳ, mới bắt đầu nhảy vào vòng chiến, lúc này đã được coi là trâu chậm rồi, mặc dù … nước cũng chưa … đục gì cho lắm. Từ đó, nền sản xuất (GDP) của Việt Nam, tăng đều đặn trung bình khoảng hơn 6% mỗi năm. Hoạt động sản xuất phát triển, tạo cho nền kinh tế và thu nhập bình quân của người Việt trong nước cũng tăng theo mỗi năm.

 

                                                      *****

Những năm gần đây, khi không còn phải cật lực vất vả để lo cho miếng cơm manh áo, do vậy, sau khi ăn nên làm ra, có chút của dư của để, người dân trong nước mới bắt đầu tìm cách hưởng thụ. Thế là hàng loạt những “dịch vụ” nhằm phục vụ cho giới có tiền bắt đầu nổ ra và mọc lên như nấm ở khắp nơi:

 

- Quán nhậu hạng sang. Ở những thành phố lớn, giờ đây, gần như hết hẳn những quán rượu đốt đèn dầu, với 3 con khô và vài trái cóc. Thay vào đó, những quán nhậu sang trọng với bia nhập và với các loại rượu nhập đắt tiền được xây lên khắp nơi. Cần một điếu xì gà thứ thiệt từ Havana ư? Cứ búng tay cái là có, mà hàng xịn 100% chứ không phải hàng đểu nha. Từ loại cigar Partagas Serie D, No. 5 với giá gần chục đô, cho tới thứ đắt tiền Cohiba Behike BHK 56 với giá gần 40 đô ... cũng có tuốt. (Sao biết hay vậy? Đến rồi, mặc dù ... chưa thử vì đắt quá).

 

Quán lớn, sang trọng cho đại gia, không hề bán hàng đểu, bởi giá có đắt cỡ nào, cũng không thành vấn đề đối với họ. Mà nếu nói về nhậu nhẹt, thì số lượng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam, thuộc loại có số má trên thế giới, nên không cần bàn nhiều. Những bàn nhậu ở các quán nhậu sang trọng hiện nay ở Sài Gòn và Hà Nội, dân nhậu chi trả vài chục triệu (vài trăm đô) hoặc vài trăm triệu (vài ngàn đô) cho một bữa nhậu là chuyện không còn hiếm thấy như trước đây.

 

- Công ty du lịch. Trước thời đại dịch Covid, các công ty du lịch ở Việt Nam cũng mọc lên như nấm. Các dịch vụ du lịch trong nước không nói làm gì. Các dịch vụ du lịch đi Âu Châu, Mỹ Châu, Úc Châu và các nước ở Á Châu cũng được tổ chức nhiều lắm, gần như tuần nào cũng có chuyến, với giá rất “khủng”, từ vài chục triệu đến vài trăm triệu cho một chuyến đi dưới 10 ngày, được quảng cáo khắp nơi. Đi 2 người, bay cha nó hơn chục ngàn đô chứ ít gì.

 

Năm 2016, lần đầu tiên tôi thấy một công ty du lịch ở Sài Gòn tổ chức 1 chuyến du lịch ở các quốc gia tận mãi bên Phi Châu (Africa). Thành công đến độ, chỉ một năm sau, đã thấy lên lịch 2-3 chuyến khác và không ngừng từ đó đến nay. Người ta đã đi du lịch quá nhiều nơi, nên phải tổ chức những chuyến du lịch đi xa hơn, ngầu hơn và nhiều “trải nghiệm” thú vị hơn, mới hi vọng làm bùng lên “những đam mê du lịch” của giới có tiền ở trong nước.

- Nhà hàng, quán ăn, khách sạn, resorts, những khu giải trí vui chơi, từ đó cũng được phát triển ở nhiều nơi trên toàn lãnh thổ. Càng ngày những nơi này càng được xây dựng to lớn hơn, vĩ đại hơn và sang trọng hơn.

 

Những dịch vụ làm đẹp và massage cũng được cải tiến hơn và có bài bản hơn chứ không còn “bát nháo và rẻ tiền” như ngày xưa. Ở những khu resorts sang trọng, giá làm mặt (facial) và giá đấm bóp (massage) giờ đã lên trên dưới một trăm đô cho một lần phục vụ.

 

Ở Sài Gòn và Hà Nội, giờ đã thấy nhan nhản những tiệm ăn, những chuỗi nhà hàng lớn, nổi tiếng trên thế giới xuất hiện. Ngay cả Starbuck Coffee hoặc tiệm bán thức ăn nhanh như McDonald hay Popeye Chicken, menu ở Việt Nam, có giá cao hơn ở Mỹ nhưng khách hàng cũng vẫn đông nghẹt. Một ly cà phê ở Starbuck có bèo cũng phải 2-3-4 đô la, vậy mà khách hàng chẳng hề tư lự so đo. Tương tự với McDonald hay Popeye Chicken, một bữa ăn hơn chục đô là chuyện thường.

 

- Các dịch vụ mang hơi hướm ngoại quốc có giá cắt cổ, vẫn không thiếu khách hàng. Chẳng hạn như các trường giáo dục tư thục mang tên "International Education hay American Education" có giá vài trăm đô cho học phí mỗi tháng, cha mẹ vẫn ghi danh không có vấn đề.

 

Bên cạnh đó, ngày nay ở Việt Nam cũng đang bắt đầu phát triển về các … dịch vụ phục vụ cho thú cưng (chó mèo) nữa đấy nhé. Ở Việt Nam, ngành nhậu thịt chó ngày càng co cụm và chết dần, nhường chỗ cho các dịch vụ chăm sóc thú cưng tới bến luôn. Khi đi du lịch, dễ dàng thấy đây kia, người ta ôm chó mèo hun hít và thổn thức nói lời từ giã trước khi cho chúng vào những cái lồng ấm cúng, rồi trao tận tay cho nhân viên hàng không … để rồi thấp thỏm suốt chuyến bay cho tới khi đoàn tụ ở … điểm đến, mừng rỡ đón chó như đón … mẹ về chợ ... Thật luôn ...

 

- Những cái shopping malls, những cửa hàng bán đồ trang sức, hàng hiệu xịn, nổi tiếng trên thế giới và những tiệm bán mỹ phẩm đắt tiền cũng đã góp mặt ở Sài Gòn và Hà Nội hàng chục năm qua. Những loại “phụ kiện” cho phụ nam phụ nữ, đều có mặt và không thiếu một món hàng đắt tiền nào, như những loại ví, bóp, giầy, dép, túi, dây nịt lưng và các loại đồ trang sức đắt tiền như Hermes, Channel, Burberry, hay Louis Vouiton với giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn đô đều luôn có sẵn. Người có tiền giờ chỉ cần nhấc phone gọi đến tiệm, lấy hẹn, đặt giờ là tức khắc sẽ được như ý.

 

Ở Sài Gòn và Hà Nội hiện nay còn có những cửa hàng bán đồng hồ … tiền tỷ.

 

Ai là khách hàng ở những nơi này? Chắc chắn không chỉ có con ông cháu cha hay các đại gia bán ruộng rẫy rồi ... Người ta thường nói, các đại gia phất lên là nhờ bán đất. Trên thực tế, đất ở Việt Nam 99% là đất canh tác và ruộng nương, đất này bán ai mua? Hỏi có mấy ai có đất dư ở những thành phố lớn, vùng ven biên hay gần khu trung tâm du lịch? Con số này, phải nói thật là nhỏ ...

 

Chẳng phải người ta thường nói “Dư Ăn Dư Để Mới Nghĩ Đến Chuyện Hưởng Thụ Đó Sao?”

 

Khá đông người dân Việt trong nước giờ đã dư ăn dư để, không còn phải lo chạy gạo từng ngày, người ta chỉ cần nhìn vào những thứ “sinh hoạt bên lề” kia là đủ thấy rất rõ.

 

Kết luận: Theo như con mắt nhận xét của tôi, thì sự kiện Kinh Tế Việt Nam Phát Triển Mạnh Mẽ và Sẽ Tiếp Tục Phát Triển là Chuyện Không Thể Phủ Nhận.

 

*** Đến đây, là hết loạt bài: KINH TẾ PHÁT TRIỂN Ở VIỆT NAM.

 

*** Loạt bài kế tiếp: MẶT TRÁI CỦA SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ “BỘC PHÁT và ĐỐT GIAI ĐOẠN” Ở VIỆT NAM.

 

 

Hình :

https://www.facebook.com/photo?fbid=8368349303179032&set=pcb.8368350299845599

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=8368349666512329&set=pcb.8368350299845599

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=8368350003178962&set=pcb.8368350299845599

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=8368350193178943&set=pcb.8368350299845599

 

 

4 BÌNH LUẬN  

.

-------------------

.

KINH TẾ PHÁT TRIỂN ở VIỆT NAM: ẢO GIÁC hay HIỆN THỰC? /PHẦN 1 / PHẦN 2 / PHẦN 3 (Phạm Thanh Giao)

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats