Friday, 1 July 2022

KHAI MẠC TẬP TRẬN HẢI QUÂN RIMPAC DO MỸ CHỦ TRÌ VỚI SỰ THAM GIA CỦA 25 QUỐC GIA ĐỐI TÁC (Trọng Thành / RFI)

 



Khai mạc tập trận Hải quân RIMPAC do Mỹ chủ trì với sự tham gia của 25 quốc gia đối tác

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 30/06/2022 - 16:02

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220630-rimpac-m%E1%BB%B9-25-qu%E1%BB%91c-gia-%C4%91%E1%BB%91i-t%C3%A1c

 

Cuộc tập trận Hải quân RIMPAC (Vành đai Thái Bình Dương) hai năm một lần khai mạc hôm qua, 29/06/2022. RIMPAC được coi là một trong những cuộc tập trận hải quân lớn nhất trên thế giới. Cuộc tập trận lần thứ 28 năm nay, có sự tham gia của 26 quốc gia, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây với Trung Quốc và Nga gia tăng.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/493a4556-f872-11ec-8c19-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/AP20121144193016.webp

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson tham gia chiến dịch RIMPAC 2018 ở ngoài khơi đảo Hawaii. AP - Petty Officer 1st Class Arthurgwain Marquez

 

Cuộc tập trận mang tên “Năng lực, Thích ứng, Đối tác” (Capable Adaptive Partners) diễn ra tại quần đảo Hawai (Hoa Kỳ) và khu vực phía nam California từ ngày 29/06 đến ngày 04/08. Theo trang mạng của bộ Quốc Phòng Mỹ DVIDS, 38 chiến hạm, 4 tàu ngầm, lực lượng trên bộ đến từ 9 quốc gia, với khoảng 170 máy bay và hơn 25.000 binh sĩ, nhân viên sẽ tham gia các cuộc huấn luyện, diễn tập. Chương trình tập trận năm nay sẽ bao gồm “các bài tập về pháo binh, tên lửa, chống tàu ngầm và phòng không, cũng như các hoạt động đổ bộ, chống cướp biển, rà phá bom mìn, xử lý vật liệu nổ, lặn và cứu hộ”.  

 

Tham gia cuộc diễn tập, ngoài bốn quốc gia Bộ Tứ Ấn Độ - Thái Bình Dương (Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc), còn có năm quốc gia ven Biển Đông, bao gồm Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines và Singapore, trong đó có bốn quốc gia có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc. Tám trong số 26 quốc gia RIMPAC là thành viên NATO - Canada, Colombia, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hà Lan, Anh Quốc và Mỹ. 

 

Giới quan sát đặc biệt chú ý đến sự tham gia lần đầu tiên của Tonga, một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương. Việc Tonga tham dự tập trận RIMPAC diễn ra trong bối cảnh thế đối đầu Mỹ - Trung gia tăng tại Nam Thái Bình Dương, khu vực mà Bắc Kinh trong thời gian gần đây muốn mở rộng ảnh hưởng.  

 

Hàn Quốc cũng tham gia cuộc diễn tập năm nay, với nhiều tàu chiến, tàu ngầm, máy bay tuần tra và khoảng 1.000 thủy thủ, mức kỷ lục kể từ năm 1990. Theo DVIDS, lần đầu tiên, chuẩn đô đốc Hàn Quốc Sangmin An giữ vai trò chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp (CTF) 176, lực lượng đặc nhiệm đổ bộ của RIMPAC. 

 

Dân chúng địa phương phản đối tập trận RIMPAC phá hoại môi trường, tăng nguy cơ chiến tranh 

 

Về phản ứng của dân chúng địa phương, theo trang mạng Foreign Policy in Focus, của Viện tư vấn Institute for Policy Studies, có trụ sở tại Washington, trung tuần tháng 6 vừa qua một số tổ chức dân sự ở Hawaii, như các tổ chức nữ quyền Women’s Voices, Women Speak đã ra tuyên bố lên án tập trận RIMPAC “tàn phá sinh thái, gây bạo lực đối với người dân bản địa và kích thích nạn sùng bái súng đạn. Việc đánh chìm tàu, thử tên lửa và nổ ngư lôi của RIMPAC phá hủy hệ sinh thái trên đảo và làm xáo trộn cuộc sống của sinh vật biển”.  

 

Báo Honolulu Star Advertiser, tờ báo duy nhất phát hành trên toàn bang Hawaii, hôm 14/06 đăng tải ý kiến của ba nhà hoạt động nhân quyền Philippines, ủng bộ yêu sách của người dân Hawaii, lên án tập trận RIMPAC có nguy cơ kích động chiến tranh, đồng thời kêu gọi ưu tiên “hợp tác toàn cầu để giải quyết các mối đe dọa của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học; để hướng tới xây dựng hòa bình, cuộc sống và sự chung sống”. 

 

--------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

NHẬT BẢN - HOA KỲ - TẬP TRẬN

Lần đầu tiên Mỹ-Nhật tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông

 

PHÂN TÍCH

Cuộc tập trận RIMPAC 2020 vẫn có lợi ích chiến lược với Mỹ dù quy mô bị hạn chế





No comments:

Post a Comment

View My Stats