Tuesday 12 July 2022

DỮ LIỆU ẢNH VỆ TINH TIẾT LỘ QUY TẮC VẬN HÀNH ĐẬP THỦY ĐIỆN THƯỢNG NGUỒN SÔNG MEKONG (Anh Vũ / Tia Sáng)

 



Dữ liệu ảnh vệ tinh tiết lộ quy tắc vận hành đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong    

Anh Vũ  -  Tia Sáng 

07/07/2022

https://tiasang.com.vn/doi-moi-sang-tao/du-lieu-anh-ve-tinh-tiet-lo-quy-tac-van-hanh-dap-thuy-dien-thuong-nguon-song-mekong/

 

Thiếu những dữ liệu chi tiết về những đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, không ai có thể kiểm chứng được chính xác là liệu chúng có phải là nguyên nhân chính dẫn đến hạn hán, khô kiệt ở hạ nguồn hay không.

 

https://tiasang.com.vn/wp-content/uploads/2022/07/Anh-tin-song-Mekong.jpg

Đập Nọa Trát Độ trên sông Lan Thương (Mekong) ở Phổ Nhĩ, Vân Nam, Trung Quốc. Nguồn: landee.cn

 

Để làm sáng tỏ điều đó, một nhóm các nhà nghiên cứu Việt Nam là Vũ Trung Dũng (ĐH Công nghệ và Thiết kế Singapore), Đặng Đức Thành (ĐH Nam Florida, Mỹ) và đồng nghiệp quốc tế đã thực hiện nghiên cứu và xuất bản công bố “Satellite observations reveal 13 years of reservoir filling strategies, operating rules, and hydrological alterations in the Upper Mekong River basin” (Các quan sát vệ sinh tiết các chiến lược tích nước hồ chứa, các quy tắc vận hành và những biến đổi thủy văn trên lưu vực thượng Mekong) trên tạp chí Hydrology and Earth System Sciences.

 

Trên thực tế thì việc chứng minh những lời chỉ trích các đập thủy điện thượng nguồn của Trung Quốc là đúng cũng đầy thách thức vì thiếu dữ liệu một cách đầy đủ và chi tiết. Trung Quốc thường không mấy công khai với cộng đồng quốc tế dữ liệu vận hành các đập thủy điện hay chế độ thủy văn của chúng. Những thông số này rất quan trọng bởi “sông Mekong chảy trong biên giới Trung Quốc hơn 2.000 km và tạo ra một thứ quyền lực tự nhiên phi đối xứng với tất cả các quốc gia ven sông”, các nhà nghiên cứu viết như vậy trong công bố. Mặt khác, dù chỉ có 11 trên hơn 100 đập thủy điện ở thượng Mekong nhưng các đập của Trung Quốc lại có dung tích lưu trữ khổng lồ và kiểm soát một cách khá lớn lưu lượng dòng chảy. “Hiểu biết về những quyết định trong quản lý đóng vai trò quan trọng với các quốc gia hạ nguồn sông”, TS. Stefano Galelli (ĐH Công nghệ và Thiết kế Singapore), tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ trên trang web của trường. “Ngành công nghiệp năng lượng Lào có thể sử dụng dữ liệu này để vận hành các đập tốt hơn, nhất là trong các đợt hạn hán. Nông nghiệp, một lĩnh vực kinh tế quan trọng khác ở Campuchia và Việt Nam, cũng có thể sử dụng những dữ liệu này”.

 

Vì vậy, với bài toán này, các nhà nghiên cứu quyết định sử dụng các hình ảnh vệ tinh (Landsat 5, 7 và 8), mô hình độ cao kỹ thuật số (DEM) và các mô hình thủy văn có độ phân giải cao, vốn là những công cụ hữu hiệu để các nhà khoa học có được dữ liệu theo thời gian. Từ đó, họ đã thử ước tính cách nước được tích lại trong hồ chứa và xả trong một tháng trong từng đập trong suốt một thập kỷ, từ năm 2008 đến năm 2020.

 

Những gì họ thu được là 11 đập của Trung Quốc được xây dựng trên dòng chảy chính của sông Mekong, trong đó đáng chú ý là đập Tiểu Loan và Nọa Trát Độ, có năng lực lưu trữ khoảng 42 km3, tương đương 55% lưu lượng chảy hằng năm ở Bắc Thái Lan và Lào. Khả năng lưu trữ nước của các đập này dao động hằng năm, theo các mùa khô và mùa mưa, dạng khí hậu phổ biến của vùng nhiệt đới gió mùa. Theo các nhà nghiên cứu thì đây chính là điểm thú vị: kết quả phân tích chỉ dấu là sự vận hành của các đập không hề thay đổi ngay trong thời kỳ hạn hán ảnh hưởng đến cả vùng vào năm 2019-2020.

 

Nhận xét về phát hiện này, TS. Galelli cho biết “chúng tôi đã tự hỏi là liệu việc xả nước khẩn cấp của các đập thượng nguồn này có giúp làm giảm bớt tác động của hạn hán hay không”. Khi các đập quyết định lưu trữ nước trong các hồ chứa, lượng nước chúng giữ lại khá lớn, ví dụ trong khoảng hai năm, hai đập Tiểu Loan và Nọa Trát Độ, được xây dựng lần lượt vào năm 2009 và 2012, đã hoạt động ổn định nhờ giữ lại 15% đến 23% lưu lượng hàng năm. Do đó, nếu các đập này tích nước thì lưu lượng hạ nguồn sẽ  bị giảm sút.

 

“Việc khám phá ra mẫu hình tích nước đem đến những thông tin bổ sung rất quan trọng, vì 65 km3 nước khác trên sông Mekong đã được lập kế hoạch tích trữ”, TS. Vũ Trung Dũng, tác giả thứ nhất và là một nghiên cứu sinh của trường ĐH Công nghệ và thiết kế Singapore, nói. “Việc hiểu về các chiến lược tích nước có thể giúp các quốc gia hạ nguồn chuẩn bị cho tình trạng khan hiếm tạm thời”. Và sau đó, hỗ trợ cho câu hỏi có thể làm gì để cải thiện cách quản lý nước trên sông Mekong.

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats