Saturday, 1 August 2020

LIỆU TRÍ THỨC CÓ MÔI TRƯỜNG TỰ DO SÁNG TẠO TRONG THỂ CHẾ VIỆT NAM HIỆN NAY? (RFA)



Liệu trí thức có môi trường tự do sáng tạo trong thể chế Việt Nam hiện nay?

RFA
2020-07-31

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-the-intellectual-have-an-environment-of-creative-freedom-in-the-present-institution-07312020141455.html

 

Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc vừa có phát biểu nhấn mạnh về việc ‘Kiến tạo môi trường tự do sáng tạo cho trí thức’.

 

Ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tuyên bố vừa nói tại buổi gặp mặt 203 đại biểu đại diện cho hơn 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ... vào chiều ngày 30 tháng 7 năm 2020.

 

Từ Sài Gòn hôm 31 tháng 7 năm 2020, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Bỉ và Việt Nam, nhận định với Đài Á Châu Tự Do:

 

“Tôi đồng ý với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là môi trường sáng tạo phải có không khí tự do. Và Thủ tướng có ý đó cho điều kiện căn bản cho sinh hoạt khoa học, sinh hoạt của nhân tài, trí thức... đó là một điều tốt. Nhưng vấn đề là làm sao thực hiện, tôi nghĩ đầu tiên là phải có chính sách cho các nhân tài, trí thức ở và sinh hoạt tại Việt Nam, và qua họ có những minh chứng rõ rệt là có những thay đổi về chính sách của chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.”

 

Người đứng đầu chính phủ Hà Nội cho rằng, hiện nay đất nước đã thống nhất, hòa bình, nên các nhà khoa học, trí thức có điều kiện thuận lợi để sáng tạo, nghiên cứu, góp phần làm Việt Nam luôn tăng hạng trong Bảng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, những năm gần đây.

 

Theo Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hôm 24 tháng 7 năm 2019, Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế. Trước đó vào năm 2018, Việt Nam cũng tăng 2 bậc so với năm 2017.

 

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này cho rằng, muốn đánh giá việc tạo điều kiện, khuyến khích sáng tạo tại Việt Nam, cần phải xem xét nhiều khía cạnh:

 

“Cái này phải phân biệt nhiều mặt, ví dụ về khoa học kỹ thuật thì cơ bản có những khuyến khích để người ta sáng tạo. Bởi vì việc ấy gắn với việc sản xuất kinh doanh, mà sản xuất kinh doanh ở Việt Nam bây giờ trừ một số doanh nghiệp của nhà nước, thì tuyệt đại bộ phận là của tư nhân và của người nước ngoài. Hay nói cách khác, khu vực tư nhân có nhu cầu và có khuyến khích như vậy để người ta đổi mới sáng tạo vì mục đích kinh doanh, tức là có động lực đấy. Tuy nhiên môi trường bản thân nền kinh tế Việt Nam, và nhất là quy định về sở hữu trí tuệ chưa được chặt chẽ cho lắm. Cho nên do môi trường thực tại của Việt Nam, việc đấy không được phát huy như người ta mong muốn.”

 

Còn đối với những sáng tạo về mặt xã hội, về mặt tổ chức... Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng rất quan trọng, riêng trong khu vực tư nhân, làm sao để cải thiện tổ chức công ty thì cũng được khuyến khích tại Việt Nam, vì bản thân những người chủ khuyến khích việc đó.

 

Tuy nhiên ông nói tiếp:

 

“Nhưng sáng tạo về mặt xã hội, để tổ chức lại các tổ chức xã hội, các đảng phái... cái chuyện đấy là cấm chỉ ở Việt Nam, chỉ có đảng cộng sản Việt Nam là độc quyền. Cho nên ý kiến ông Phúc nói như thế phải đi từng mảng, từng khía cạnh thì mới có ý nghĩa. Mặt khác, ông Phúc là người sính từ ngữ, nào là ‘chính phủ kiến tạo’... đang trong quá trình đấu tranh khốc liệt cho đại hội tới thì tất nhiên ông ấy phải nói những ý tưởng, có thể cũng chẳng phải của ông ấy mà do học mót ở đâu đấy, để tâng cái công của ông ấy lên, để đánh bóng tên tuổi của ống ấy, có thể có khía cạnh ấy trong lời phát biểu của ông ấy.”

 

Khẳng định của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng không phải là không có cơ sở, ông đưa ra dẫn chứng, trong đại dịch Covid-19, các nhà khoa học đã kịp thời nghiên cứu thành công kít xét nghiệm, sáng tạo phần mềm khai báo y tế, truy vết người nghi nghiễm... những đóng góp này góp phần đưa Việt Nam thành một trong những nước đầu tiên thành công trong chống chọi đại dịch.

 

Tuy nhiên tại buổi gặp gỡ, Giáo sư Nguyễn Trung Việt thuộc Đại học Thủy lợi cho biết nhiều nhà khoa học, trí thức đang gặp khó khăn để phát huy năng lực vì vướng cơ chế... Theo ông Việt, dù đã có chủ trương ‘khoán’ nghiên cứu khoa học tới sản phẩm cuối cùng nhưng việc nghiên cứu các đề tài vẫn phải bám theo các định mức chi tiêu, tạo gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền cho nhà khoa học.

 

Vấn đề Giáo sư Nguyễn Trung Việt nêu lên trong nhiều năm qua cũng đã được nhắc đến, vì ngày càng nhiều du học sinh, các nhà khoa học đi tu nghiệp, không muốn quay trở lại Việt Nam để làm việc.

 

Minh chứng rõ nhất là trong số 17 quán quân ‘Đường lên đỉnh Olympia’ đi du học Úc, chỉ 2 người chịu về nước.

 

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, nhận định:

“Những học sinh giỏi ở Việt Nam khi đi học ở nước ngoài thì tỷ lệ quay trở lại Việt Nam là thấp, đã được thừa nhận. Lý do thì có thể thứ nhất là tiền lương cho người trí thức quá thấp. Cũng có những người thì sẵn sàng chấp nhận tiền lương thấp, họ vẫn sẵn sàng làm việc, nhưng lý do thứ hai có thể nghiêm trọng hơn, đó là khả năng phát triển và phát huy kiến thức và tài năng của họ là thấp. Có những trường hợp những người tiến sĩ đó về không được phân công, không được tận dụng, không được cho phát huy năng lực... Thứ ba, là điều kiện vật chất cũng như điều kiện nghiên cứu chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu của họ. Phòng thí nghiệm thì chưa được trang bị đáp ứng nhu cầu, còn tài liệu và cách tiếp cận thông tin, khả năng đi dự các hội thảo nước ngoài, tiếp xúc các hội nghị quốc tế cũng còn nhiều mặt hạn chế.”

 

Tiến sĩ Phạm Thị Liên, giảng viên cao cấp Trường Đại học Công nghệ Sydney, Úc, đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2019, có đối tượng tập trung là các du học sinh trở về nước. Nghiên cứu của Bà đã kháo sát 440 du học sinh, trong đó phỏng vấn sâu hơn 48 người gồm 21 du học sinh và các thành viên gia đình, đồng nghiệp của họ, để xem mức độ thỏa mãn của họ với công việc hiện tại ở Việt Nam so với những kiến thức, kỹ năng mà họ học được tại nước ngoài, cũng như kỳ vọng của họ khi du học.

 

Công bố kết quả sau khảo sát với báo chí, Tiến sĩ Phạm Thị Liên cho biết 100% du học sinh đều mong muốn ở lại nước họ đến học để làm việc, dẫu gia cảnh của họ có thể là khá giả hoặc họ đang có việc làm tại Việt Nam.

 

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, nên có những chính sách tử tế với trí thức phản biện. Bởi vì xã hội phải có phản biện, chính sách phải có phê phán và góp ý của người trí thức, thì mới có thể kiện toàn và đi đến tối ưu. Ông nói tiếp:

 

“Vấn đề đầu tiên là nên tránh có những phát biểu, có những hành động, phương án đặt những trí thức phản biện ở vị trí đối nghịch. Nên khuyến khích và tạo điều kiện để những lời phản biện tâm huyết, chính đáng, những lời phản biện xây dựng có thể có chỗ để phát biểu trên những phương tiện truyền thông chính thức, ngay cả những lời phản biện nhiều khi trái tai. Nếu có được môi trường đó, nếu phương tiện truyền thông đại chúng Việt Nam mà có những hành động cởi mở đó, thì tự nhiên người ta thấy môi trường có thay đổi.”

 

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng cho rằng, nếu làm được như vậy, những trí thức ở nước ngoài, những nhà khoa học có tâm huyết với Việt Nam, sẽ hướng về đất nước, hoặc có thể những trí thức này sẽ trực tiếp tham gia góp phần phát triển đất nước.

 

                                                        ***

 

Tin, bài liên quan

·         Việt Nam đứng thứ 6 các nước có nhiều du học sinh tại Mỹ

·         Thứ trưởng Bộ Nội Vụ: con tôi đi du học nước ngoài không về

·         Vì sao du học sinh không quay về phục vụ đất nước?

·         Còn đâu nguyên khí quốc gia!

·         Còn đâu nguyên khí quốc gia!

·         Còn đâu nguyên khí quốc gia!

·         Việt Nam chi hàng tỷ đô la cho nhu cầu du học

·         Thái Lan – điểm đến mới của du học sinh VN

·         Thái Lan – điểm đến mới của du học sinh VN

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats