Saturday, 1 July 2017

AI SẼ LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI ? (Đào Văn Bình - Nhật Ký Biển Đông)




01/07/2017

Ngày 19/6/2017 chương trình Good Morning America cho biết, Peter's Clam Bar ở Island Park, Nữu Ước đã chào tạm biệt con tôm hùm tên Louie tuổi đời 100 năm. Cụ tôm hùm này đã chào mừng và trêu ghẹo khách của nhà hàng đã 20 năm, nhưng nay ông chủ là Butch Yamali nói với Đài ABC là ông quyết định kiếm cho cụ mái nhà mới. Chúng tôi thật không muốn bán con tôm hùm này và cũng không thể ăn thịt vì thịt cụ quá dai cho nên đã thả cụ về với biển. Cụ ở đây giống như một con thú cưng (pet) của chúng tôi vậy.”

Đây là hành vi phóng sinh rất đáng khen ngợi. Giữa tin vui và biết bao nhiêu chuyện buồn, chuyện nhức đầu, chuyện lo, chuyện nhiêu khê của nước Mỹ, Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Sáu ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:

Tình hình thế giới:

- AP ngày 15/6/2017: “Đức và Áo lên tiếng công kích nghị quyết của Thượng Viện Hoa Kỳ gia tăng cấm vận Nga khiến ảnh hưởng tới thương mại của Âu Châu liên quan tới việc đường dẫn ống khí đốt. Trong một tuyên bố chung, thủ tướng Đức và thủ tướng Áo nói rằng chúng tôi không chấp nhận đe dọa bất hợp pháp từ ngoài lãnh thổ Âu Châu chống lại các công ty của Âu Châu. Bà Merkel còn nói rằng nếu Tổng Thống Donald Trump ký ban hành đạo luật này, Đức sẽ nghiên cứu biện pháp trả đũa. ” Còn theo AFP, Tổng Thống Putin lên án hành động cấm vận mới là chẳng đi tới đâu và xuất phát từ nội tình chính trị Hoa Kỳ và lịch sử của Tây Phương muốn kiềm hãm Nga.”

- AP ngày 15/6/2017: “Theo giới chức của Tòa Bạch Ốc, Ngũ Giác Đài sẽ gửi thêm gần 4000 quân tới A Phú Hãn để phá vỡ thế bế tắc của cuộc chiến đã qua tay ba đời tổng thống. Đây là đợt triển khai binh sĩ lớn nhất ở những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống của Ô. Trump.”

Cuộc chiến A Phú Hãn kéo dài đã 16 năm. Ô. Bush Con gửi 30,000 binh sĩ tới đây (chưa kể quân đồng minh). Tháng 7, 2016, để hỗ trợ cho cuộc bầu cử tổng thống, Ô. Obama tuyên bố tình hình A Phú Hãn đã “khả quan” tuyên bố giảm quân và chỉ còn giữ lại 8400, nay Ô. Trump phải tăng thêm 4000 quân nữa. Chưa biết tăng quân có giải quyết được cuộc chiến này hay không mà vào ngày 13/4/2017 Hoa Kỳ đã phải sử dụng tới loại bom “Mẹ Của Các Loại Bom” với sức công phá ghê gớm gần giống như một quả bom nguyên tử cỡ nhỏ. Nếu đợt tăng quân này không giải quyết được cuộc chiến thì Ô.Trump cũng sẽ sa lầy như các Ô. Bush Con, Ô. Obama mà thôi. Dường như các cuộc chiến của Hoa Kỳ ở các quốc gia Ả Rập và Trung Đông sẽ là “bài học nhớ đời” cho các tổng thống và chiến lược gia Hoa Kỳ sau này. Điều đó có nghĩa là “Vào thì dễ như trở bàn tay, nhưng rút ra thì không được, và không bao giờ có chiến thắng”. Theo tôi nghĩ, nếu không có một giải pháp chính trị cho A Phú Hãn, cuộc chiến ở nơi đây còn kéo dài nhiều thập niên nữa, kéo lê qua nhiều đời tổng thống. Các ứng cử viên sẽ “tố” nhau để giành ghế, đắc cử rồi lại sa lầy như người tiền nhiệm. Theo kinh nghiệm lịch sử, những cuộc viễn chinh, sau chiến thắng phải rút ngay và trao lại cho chính quyền bản địa, nếu ở lại như một đạo quân chiếm đóng sẽ thất bại. Sự hiện diện của quân ngoại bang đóng lan tràn, hành quân, bỏ bom, bắn giết trên bất cứ một quốc gia nào cũng sẽ khơi mào cho một phong trào yêu nước, kháng chiến. Khi phong trào kháng chiến đã bắt rễ vào trong lòng quần chúng thì sẽ là sức mạnh vô địch.

- AP (Tokyo) ngày 16/6/2017: “Bảy thủy thủ mất tích và một bị thương sau khi khu trục hạm USS Fitzgerald của Hải Quân Hoa Kỳ đụng phải một thương thuyền mang quốc tịch Phi Luật Tân ngoài khơi Nhật Bản. Đoạn phim ngắn của hệ thống truyền hình Nhật Bản NHK cho thấy tàu bị hư hại nặng ở bên hông. Phát ngôn viên của Hạm Đội 7 cho biết việc kiểm kê số thủy thủ bị thương đang được tiến hành.”

Đây là chuyện thật lạ đời! Hải quân Hoa Kỳ được coi như tân tiến và hùng mạnh nhất thế giới, đặc biệt đối với một khu trục hạm có khả năng phát hiện và tiêu diệt chiến hạm địch cách xa vài trăm hải lý. Thế mà một tàu chở dầu đến gần, đâm vào cạnh sườn mà không ai hay biết. Có lẽ cả thủy thủ đoàn và hạm trưởng đều ngủ quên hoặc thức nhưng mải coi phim ảnh nhảm nhí trên các máy điện tử, hoặc buồn quá chơi “games” để “quên đời”. Theo tin mới nhất, thuyền trưởng tàu buôn nói rằng chiến hạm đã không có hành động né tránh hoặc đáp ứng khi có sự cảnh báo bằng đèn chớp và tiếp tục tiến tiến tới, chặn ngang đầu tàu chở dầu.

- AP (Moscow) ngày 18/6/2017: “Bộ Ngoại Giao Nga vừa chỉ trích Tổng Thống Donald Trump về quyết định làm chết cứng sự căng thẳng với Cuba và những lời lẽ tấn công những vị lãnh đạo của đảo quốc này. Bộ Ngoại Giao Nga cũng nói rằng Ô. Trump đang quay lại với những lời lẽ tuyên truyền kích động của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.”

Theo ý kiến của tôi việc Ô. Trump đảo ngược quyết định giải tỏa cấm vận Cuba của Ô. Obama do nhu cầu chính trị muốn kiếm phiếu của cộng đồng Cuba lưu vong hơn là quyền lợi thiết thực của Hoa Kỳ. The Hill ngày 21/6/2017 cho rằng việc Mỹ “đóng cửa rút cầu” với Cuba, tạo cơ hội tốt cho Nga nhảy vào giống như thời Chiến Tranh Lạnh.

- AP ngày 20/6/2017: “Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo bộ tham mưu của Ô. Trump là nếu Hoa Kỳ thoái thác can dự vào những vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối phó thì vị trí của Hoa Kỳ sẽ bị thay thế và đó không phải là điều tốt cho Hoa Kỳ hay cho thế giới. Ô. Guterres nói rõ với các phóng viên trong buổi họp báo đầu tiên kể từ khi đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo LHQ từ ngày 1 Tháng Giêng 2017 là…đề nghị cắt giảm tài trợ cho LHQ của Hoa Kỳ sẽ là thảm họa và tạo nên khó khăn không sao giải quyết được cho LHQ. Nhưng Ô. Guterres nhấn mạnh rằng ông không sợ đối đầu với Tổng Thống Donald Trump khi ông hài ra sự chống đối của các lãnh đạo thế giới khi Hoa Kỳ rút lui khỏi Thỏa Hiệp Biến Đổi Khí Hậu Paris. Ông còn nói thêm rằng việc động viên các công ty Hoa Kỳ và xã hội dân sự hỗ trợ cho việc đối phó với khí hậu biến đổi là dấu hiệu của hy vọng mà chúng tôi vô cùng khuyến khích.”

Chúng ta còn nhớ khi LHQ biểu quyết lên án Do Thái tiếp tục chương trình định cư nơi đất của người Palestine, Ô. Trump đã nói rằng Liên Hiệp Quốc chỉ là chỗ vui chơi và đe dọa cắt đứt tài trợ cho LHQ để chiều lòng Do Thái.

- AP ngày 24/6/2017: “Áp lực gia tăng lên Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ sau khi một số thượng nghị sĩ kêu gọi mở cuộc điều tra về báo cáo nói rằng các thẩm vấn viên của quân đội Hoa Kỳ đã làm việc với Ả Rập Sê-út để tra tấn các người bị giam giữ tại Yemen. TNS. John McCain- Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện và TNS Jack Reed của Dân Chủ đã gọi báo cáo này là hết sức lo ngại. Cùng ngày, hai thượng nghị sĩ nói trên đã viết một bức thư cho Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis yêu cầu tiến hành việc duyệt xét lại bản báo cáo về những vi phạm và quân đội Hoa Kỳ được biết những gì. Cho dù Hoa Kỳ bỏ qua việc tra tấn do một quốc gia hợp tác với Hoa Kỳ làm, điều đó gây tổn hại tới tiêu chuẩn đạo lý mà tiêu chuẩn đó làm cho chúng ta và kẻ thù khác hẳn nhau, và đây là niềm tin mà mọi người coi đó là căn bản của nhân quyền. Chúng tôi tin rằng ông bộ trưởng sẽ coi những lời đồn đại này là hết sức lo ngại như chúng tôi lo ngại vậy.”

Theo AP cùng ngày, chính quyền Yemen được quốc tế công nhận đã ra lệnh tiến hành cuộc điều tra về báo cáo cho rằng đã có sự vi phạm nhân quyền khi tra tấn người giam giữ.

- Washington Post ngày 26/6/2017: “Theo một cuộc thăm dò được công bố ngày hôm nay, nhiều người Nga vẫn coi Joseph Stalin là nhân vật nổi bật/xuất sắc (outstanding) trong lịch sử thế giới hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào khác, trong khi đó Tổng Thống Putin đứng thứ hai và được coi như hơn hẳn những người khác vì đã phục hồi uy tín của Liêng Bang Sô-viết.”

Tâm lý của người dân thật kỳ lạ. Một nhà lãnh đạo mở mang bờ cõi, nâng cao uy tín của đất nước trên trường quốc tế, biến quốc gia thành một đất nước hùng mạnh, tuy độc tài nhưng vẫn được người dân đời sau ngưỡng mộ. Trong khi đó một nhà lãnh đạo nhân đức, nhưng làm cho đất nước suy yếu hay đưa đất nước vào vòng nô lệ thì vẫn bị đời sau kết án. Nói tóm lại, sự hùng mạnh của một quốc gia vẫn là thước đo vị trí của nhà lãnh đạo trong lịch sử.

- Reuters ngày 26/6/2017: “Cả chục ngàn người bỏ trốn qua Gia Nã Đại để tránh cuộc trục xuất di dân bất hợp pháp của Tổng Thống Donald Trump khiến cho vấn đề pháp lý trở nên tiến thoái lưỡng nan vì gánh nặng di dân đè lên hệ thống người tỵ nạn, tìm công ăn việc làm khó khăn, nhà ở cho họ cũng như cho con em đi học.”

- Reuters (26/6/2017): “Tổng Thống Donald Trump và Thủ Tướng Ấn Độ Modi hội kiến lần đầu tiên để tìm kiếm mối bang giao nồng ấm cho dù có những khác biệt về ngoại thương, chính sách di dân và Thỏa Hiệp Biến Đổi Khí Hậu Paris. Cuộc họp thượng đỉnh không ồn ào để làm mạnh thêm thỏa hiệp hợp tác chiến lược (Strategic Partnership) những mục tiêu chung chỉ là khởi đầu và làm quen với nhau. Trong lúc họ gặp nhau, Ngũ Giác Đài cho biết Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã chuẩn y việc có thể bán cho Ấn Độ một máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 giá khoảng 366 triệu Mỹ Kim.”

Trong khi Ô. Obama và Ô. Putin tiếp đãi Ô. Modi một cách trọng thể, thì dường như Ô. Trump coi nhẹ vai trò của Ấn Độ trên chính trường quốc tế mà chú trọng tới vai trò của Trung Hoa qua việc tiếp đãi vô cùng trọng thể Ô.Tập Cận Bình. Nếu Hoa Kỳ coi nhẹ mối bang giao Ấn-Mỹ thì Ô. Trump sẽ đẩy Ấn Độ vào tay Nga.

- Tổng Hợp ngày 30/6/2017: Hoa Lục vừa hạ thủy một khu trục hạm khổng lồ trang bị hỏa tiễn đạn đạo thuộc Thế Hệ Mới có tên Hạng O55, trọng tải 10,000 tấn có thể bắn hạ mục tiêu cách xa 2000km đang trở nên một thách thức cho các cường quốc hải quân như Hoa Kỳ.

Tình hình Syria:

- Good Morning America ngày 18/6/2017: “Một phi cơ chiến đấu của Hải Quân Hoa Kỳ đã bắn hạ một máy bay của chính phủ Syria khi máy bay này ném bom vào phe phiến quân đang chống Nhà Nước Hồi Giáo. Trong một bản công bố, liên quân do Hoa Kỳ cầm đầu nói rằng họ tập trung vào việc chống Nhà Nước Hồi Giáo và không chống chính phủ Syria hoặc Nga, nhưng sẵn sàng bảo vệ thành viên của liên minh nếu họ bị tấn công.” Còn Bộ Quốc Phòng Nga ra tuyên bố nói rằng họ sẽ coi các máy bay đồng minh của Mỹ như là mục tiêu chống Nhà Nước Hồi Giáo khiến vào ngày 20/6/2017 Úc phải ra lệnh đình chỉ các chuyến không kích vào lãnh thổ Syria vì sợ đụng chạm với Nga. Theo AFP ngày 19/6/2017, “Ba Tư đã phóng sáu hỏa tiễn đạn đạo từ miền tây vào những mục tiêu của phe thánh chiến ở Syria để trả đũa vụ tấn công vào quốc hội tại Thủ Đô Tehran, nhưng hành động này dường như còn nhắn gửi một tín hiệu xa hơn cho các đối thủ trong vùng kể cả Hoa Thịnh Đốn. Những hỏa tiễn này được nói là đã bắn trúng đài chỉ huy của Nhà Nước Hồi Giáo tại Deir Ezzor.”

Trước những diễn biến mới này, cuộc chiến Syria có thể ngả sang một hướng khác mà không ai biết sẽ ra sao. Trong khi đó Thượng Nghị Sĩ Tim Kaine (ứng cử viên phó tổng thống cho Bà Clinton) nói rằng hành động Hoa Kỳ bắn rơi máy bay của Syria là hoàn toàn bất hợp pháp (completely illegal) (Có thể là do không được quốc hội cho phép). Còn Tổng Thống Pháp Macron trong cuộc gặp gỡ Tổng Thống Nga Putin ngày 21/6/2017 nói rằng, “Chúng ta cần sự trợ giúp của Nga để chống lại Nhà Nước Hồi Giáo và Ô. Assad có thể ở lại. Ô. Assad do Nga và Ba Tư hỗ trợ không phải là kẻ thù của Pháp.” (We need Russia's help fighting ISIS, Assad can stay.) Lập trường của tân tổng thống Pháp về Syria hoàn toàn trái ngược với cựu Tổng Thống Hollande trước đây

- Reuters ngày 22/6/2017: “Hoa Kỳ vừa cho Thổ Nhĩ Kỳ biết họ sẽ thu hồi vũ khí cung cấp cho nhóm chiến binh người Kurd YPG ở bắc Syria sau khi đã đánh bại Nhà Nước Hồi Giáo hầu trấn an lo sợ của Thổ về việc vũ trang cho lực lượng người Kurd nằm ở phía nam Thổ.”

Theo tôi, lời hứa này tuy đẹp về mặt ngọai giao nhưng “đâu vẫn hoàn đó”. Sau khi chiến thắng Nhà Nước Hồi Giáo, dại gì mà lực lượng YPG giao nạp hết vũ khí cho Hoa Kỳ? Họ sẽ cất giấu hoặc Hoa Kỳ bội ước thì làm sao? Lúc đó Thổ Nhĩ Kỳ kiện ai? Giao vũ khí cho một lực lượng vũ trang ở một vùng đất rộng mênh mông không thuộc quyền kiểm soát của mình mà đòi thu hồi…thì đúng là chuyện “mò kim đáy biển”.

Tình hình Biển Đông:

- The Vox ngày 24/6/2017: “Chẳng bao giờ là dấu hiệu tốt lành khi lãnh đạo một quốc gia trong nhiều thập niên áp chế, xuất hiện trong bộ đồ nhà binh, đứng bên cạnh một nhóm các ông tướng, đưa ra những lời đe dọa mờ mờ ảo ảo cho các đối thủ chính trị là - cái lưỡi của các ông là nguyên do của chiến tranh. Nếu các ông vẫn còn đưa ra lời thóa mạ và đe dọa giết thì các ông nên chuẩn bị mua hòm là vừa. Thủ Tướng Hun Sen trong ngày 21/6/2017 nói rằng để bảo vệ hòa bình cho nhiều triệu người, nếu cần thiết cũng cần loại trừ 100 hay 200. Xin quý ông nghe cho cẩn thận…bất cứ ai đe dọa nền hòa bình sẽ nhận được những gì mình muốn. Nhà lãnh đạo Campuchia đã nói như vậy trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày mà ông quyết định rời bỏ hàng ngũ Khmer Đỏ và thành lập lực lượng đối kháng, cuối cùng đánh bại chế độ diệt chủng Pol Pot.”

Cũng trong dịp này Ô. Hun Sen đã qua thăm Tỉnh Bình Phước (Lộc Ninh) nơi ông gặp lại các cựu chiến binh Việt Nam lúc ông mới 25 tuổi, kể lại nhiều kỷ niệm không thể nào quên của thời gian khổ, những giây phút chôn cất vũ khí, gặp người dân và được ăn cơm với những món ăn Việt Nam. Tại đây ông được các tướng Nguyễn Chí Vịnh (Thứ Trưởng Quốc Phòng) và tướng Bùi Văn Nam (Thứ Trưởng Bộ Công An) tiếp đón. Sau đó ông trồng “Cây Đoàn Kết Việt Nam “ để lưu niệm.

Ông Hun Sen là một nhà lãnh đạo vô cùng khôn ngoan. Ông cho con trai trưởng học ở Võ Bị West Point để con ông dễ dàng “làm bạn” với Mỹ sau này. Ông ngả theo Hoa Lục để phát triển kinh tế và làm đối trọng với Việt Nam. Ông đi với Việt Nam để tạo thế chính trị. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ không bao giờ để bất cứ đối thủ chính trị nào lật đổ Ô. Hun Sen mà có chính sách bài Việt”.

Hiện nay Campuchia đang gửi binh sĩ huấn luyện tại các học viện quân sự Việt Nam giống như thời Tướng Lon Nol sau khi lật đổ Sihanouk với sự giúp đỡ của CIA Mỹ, đã gửi các sĩ quan cấp đại úy và thiếu tá thụ huấn các khóa bộ binh cao cấp tại Trường Bộ Binh Thủ Đức vào những năm 1970-1971. Nói tóm lại, dù dưới thể chế chính trị nào, Kampuchia muôn đời phải cột chặt vào quỹ đạo Việt Nam nếu muốn yên ổn. Bất cử chính phủ nào nếu chống Việt Nam, dù không phải là Khmer Đỏ, thì cũng sẽ bị lật đổ và đất nước sẽ nát như tương.

- Reuters ngày 25/6/217: “Binh sĩ hải quân Việt Nam và Phi Luật Tân cùng đá bóng, đánh bóng chuyền và kéo co trên một hòn đảo ở Biển Đông, một sự hợp tác mới nhất trước những lo ngại Hoa Lục nằng nặc tuyên bố hết chủ quyền ở vùng biển này. Hai bên đã chơi thể thao bằng cách phối hợp hai đội tại Song Tử Tây (Southwest Cay) thuộc Quần Đảo Trường Sa. Giới chức hải quân Phi Luật Tân cho biết đây là cuộc giao hữu thể thao lần thứ ba kể từ năm 2014 trên hòn đảo do Phi Luật Tân chiếm giữ trong 40 năm, nhưng nay thuộc sự kiểm soát của Việt Nam.”

- Reuters ngày 26/6/2017: “Hoa Lục và Việt Nam trải qua một thách đố mới để tránh đối đầu về khai thác dầu dưới lòng biển sau khi Bắc Kinh cắt ngắn cuộc họp cao cấp tuần rồi, nhưng các chuyên viên nói rằng hai bên sẽ hàn gắn sự việc này thôi. Tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong) thuộc Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc đã rời cuộc họp về biên giới với Việt Nam sớm với lý do bận rộn công vụ. Tướng Phạm Trường Long trước đây cũng đã gặp Ô. Nguyễn Phú Trọng- Tổng Bí Thư Đảng CSVN và Ô. Nguyễn Xuân Phúc. Hai bên không chính thức nói tại sao cuộc họp bị cắt ngắn. Các nhà phân tích theo dõi tình hình Việt Nam tin rằng nguyên do là do sự tranh chấp khai thác dầu ở Biển Đông và cũng có thể vì Việt Nam mới đây có những cuộc tiếp xúc với các đối thủ của Hoa Lục là Hoa Kỳ và Nhật Bản.”

Theo tôi nghĩ, ông tướng Tàu này có họp tới nơi tới chốn hay bỏ về sớm thì cũng vậy thôi. Họp, bắt tay, hứa hẹn lung tung, nhưng sau đó vẫn áp chế và bành trướng ở Biển Đông thì cũng như không. Việt Nam quá rành ”sáu câu vọng cổ” về chuyện này cho nên họp thì cứ họp, nhưng chuẩn bị chiến tranh thì vẫn cứ phải chuẩn bị. Tin theo lời hứa, cam kết của Hoa Lục thì cũng giống như con gà trống tin vào lời hứa của con cáo. Ngày xưa Đại Việt ta tuân phục, triều cống các hoàng đế Trung Hoa đầy đủ cả ngàn năm mà Tàu có thương Việt Nam bao giờ đâu?

Cũng theo Reuters ngày 29/6/2017, Bộ Trưởng Ngoại Giao Phi Luật Tân Alan Peter Cayetano đã gặp Ngoại Trưởng Vương Nghị tại Bắc Kinh và Ô. Vương Nghị nói rằng 22 thỏa hiệp thương mại song phương đã được ký kết và hai quốc gia đang ở vào thời kỳ hoàng kim của phát triển nhanh (golden period of fast development). Phi Luật Tân còn nhận cả ngàn khẩu súng trường và súng bắn tỉa do Trung Quốc trao tặng để đối phó với phiến quân Hồi Giáo.

Trong khi đó Ô. Trần Đại Quang thăm Nga và theo Sputnik News ngày 29/6/2017, “Nga và Việt Nam đã thỏa thuận hơn 20 chương trình hợp tác đầu tư quy mô lớn tổng trị giá gần 10 tỷ đô-la.”

Nhận Định:

Trên đời này, hợp tác, liên minh chỉ mạnh khi có làm ăn buôn bán, đầu tư, cho vay hay viện trợ mà người Mỹ gọi là “củ cà-rốt”. Nhưng ngày nay “củ cà-rốt” của Hoa Lục ngày càng to và ngon trong khi “củ cà-rốt” của Mỹ càng ngày càng teo lại mà “cây gậy” ngày càng lớn hơn. Sự cắt giảm ngân sách ngoại giao của Ô. Trump có nghĩa là các chương trình viện trợ cho thế giới và Liên Hiệp Quốc sẽ giảm bớt hoặc không còn nữa.

Trước mắt, Hoa Lục đang tăng cường ảnh hưởng ở Phi Luật Tân là khu vực bất khả xâm phạm của Mỹ hơn 100 năm nay, mở rộng tầm hoạt động hải quân tới tận Ba Tư, tiến hành dự án Một Trục Lộ, Một Vành Đai xuyên Á-Âu, liên kết với Nga và ảnh hưởng gần như toàn bộ lên Phi Châu… cho thấy Hoa Lục đang tranh ngôi vị lãnh đạo thế giới với Hoa Kỳ.

Chưa biết vị thế trong tương lai của nước Mỹ như thế nào. Tại Đông Nam Á, chỉ còn Việt Nam duy nhất là “tiền trạm” để may ra có thể ngăn chặn đà bành trướng và khống chế Biển Đông của Hoa Lục. Mất cứ điểm này, Hoa Kỳ phải lui về cố thủ ở Guam và vĩnh viễn không còn là cường quốc hải quân Số Một nữa.

Sự đổi thay và phế hưng của các đế chế là chuyện thường tình của lịch sử. Các đế chế suy tàn là vì: Nội bộ chia rẽ, can dự vào quá nhiều các cuộc viễn chinh khiến lực lượng bị phân tán, hao tổn, cuối cùng là kinh tế suy thoái. Một quốc gia, khi mà khả năng tài chính suy yếu thì không còn nắm giữ được địa vị lãnh đạo thế giới nữa. Đó là một “định đề” bất di bất dịch.

Đào Văn Bình
(California ngày 30/6/2017)





No comments:

Post a Comment

View My Stats