Tuesday, 8 March 2016

VIỄN TƯỢNG VIỆT NAM 2016 (Huỳnh Ngọc Tuấn)





March 06, 2016

Bước vào năm 2016  nhà cầm quyền csVN phải đối mặt với di sản tệ hại trong việc điều hành đất nước của mình trong mấy thập niên qua như nợ công tăng cao và không minh bạch, nền kinh tế thị trường định hướng “xã hội chủ nghĩa” bắt đầu hụt hơi với hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản hoặc không có khả năng nộp thuế làm tình trạng thất nghiệp tăng cao kỷ lục.

Về giáo dục, chính sách “mì ăn liền” hay não trạng vĩ cuồng muốn “đi trước đón đầu thế giới” đã để lại hậu quả cho ngày hôm nay là hàng trăm ngàn cô cậu cử nhân thạc sĩ phải đi về nông thôn làm rẫy hoặc lê lết ngoài đường phố để kiếm sống.

Đây là một hiểm họa tiềm tàng cho chế độ nếu có biến động xảy ra vì một khi những người trẻ lâm vào tình thế không lối thoát sẽ nãy sinh tư tưởng cực đoan hoặc yếm thế.

Thị trường bất động sản đóng băng từ mấy năm nay vì đầu cơ, vì cung vượt cầu bởi sự hồ hởi sảng khi Việt nam được gia nhập WTO mở ra triển vọng cho tương lai kinh tế Việt nam và cũng mở ra một cái bẫy cho những nhà đầu cơ có đầu óc tham lam hoang tưởng.

Khối tiền khổng lồ có từ ngân sách hoặc vay vốn ngân hàng bị chôn trong bất động sản để lại một khoản nợ xấu khổng lồ vượt xa hơn rất nhiều những con số được báo cáo.

Cũng vì đống nợ xấu khổng lồ mà các ngân hàng đang gánh dẫn đến việc nhà cầm quyền phải mua lại một số ngân hàng với giá “không” đồng để tránh tình trạng vỡ nợ chạy làng gây bất ổn chính trị.

Sự sụp đổ dây chuyền của hệ thống ngân hàng là nguy cơ có thật đã được nhà cầm quyền “quản lý” chặt chẻ bằng ngân sách quốc gia trong thời gian qua không biết sẽ được tiếp tục trong thời gian tới và sự ổn định có được duy trì?

Thị trường trong nước từ trước đến nay bị hàng hóa Tàu cộng lũng đoạn vì các doanh nghiệp nội thiếu sức cạnh tranh bởi nhiều lý do trong đó có việc vay vốn cho đầu tư công nghệ mới khó khăn và lãi suất quá cao, giá xăng dầu, điện nước cao ngất ngưỡng, thuế chồng thuế, phí chồng phí làm mất khả năng cạnh tranh, riêng tiền “bôi trơn” cũng đã chiếm tới 40% giá thành sản phẩm thì thử hỏi doanh nghiệp nội sống sao nổi?

Chưa có kế sách để lấy lại thị trường trong nước từ hàng hóa Tàu nay hàng hóa và các doanh nghiệp Việt lại phải đối đầu với một “đại gia” khác trong khu vực là Thái Lan.

Những tháng gần đây hàng hóa Thái Lan với phẩm chất tốt hơn hàng Tàu, mẫu mã không thua kém và giá cả chấp nhận được đã chiếm lĩnh thị trường Việt nam làm cho hàng hóa và doanh nghiệp Việt rơi vào thế “lưỡng đầu thọ địch” mà phần thua đã trông thấy.

Nếu các doanh nghiệp Việt mất thị trường thì năng lực sản xuất kinh doanh sẽ bị co cụm lại và nhà cầm quyền cũng mất nguồn thu thuế, điều này đã và đang xảy ra.

Hệ lụy của việc doanh nghiệp VN phá sản và làm ăn thua lỗ ngày càng nhiều đã dẫn đến thất thu thuế, cộng với giá dầu thô lao dốc từ 120 usd vào thời điểm tháng 6 năm 2014 đến ngày hôm nay chỉ còn trên- dưới 30 usd làm ngân sách nhà nước năm 2015 thâm thủng nghiêm trọng vì đã mất hơn 10 tỷ usd .

Việc thâm thủng ngân sách buộc nhà cầm quyền tăng thuế- phí lên chóng mặt để bù đắp sau khi đã cho tăng giá điện nước và một kế hoạch tăng viện phí, học phí lên gấp nhiều lần đã làm cho cả xã hội hoang mang và bất bình.

Tăng thuế phí, tăng giá điện nước trong lúc người dân thất nghiệp phải thắt lưng buộc bụng là một hạ sách nhưng nhà cầm quyền đã không thể có lựa chọn nào khác.

Trong hai tháng đầu tiên của năm 2016, nhà cầm quyền phải đón nhận những tin không vui.

Đó là giá dầu có lúc đã rơi xuống 26 usd/thùng làm chấn động thị trường chứng khoán Việt nam vốn mong manh vì yếu tố đầu cơ. Đã có hơn 5 tỷ usd bị cuốn trôi khỏi sàn chứng khoán Hà nội- Saigon.

Việc giá dầu thế giới đã bằng với giá dầu khai thác của Việt nam đặt ra một thách thức to lớn đó là tương lai của ngành dầu khí sẽ đi về đâu?

Những năm gần đây nhà cầm quyền đã cho đầu tư những khoản tiền khổng lồ cho ngành này vì hy vọng giá “vàng đen” sẽ tiếp tục ở mức cao kỷ lục 115 usd. Việc này cho thấy nhà cầm quyền không có viễn kiến, không có khả năng phân tích để đưa ra những dự báo cần thiết cho ngành dầu khí, dẫn đến tình trạng các cơ sở hạ tầng, thiết bị khai thác vận chuyển sẽ biến thành đống sắt vụn trong tương lai vài năm tới, làm thất thoát một khối tài sản lớn của quốc gia.

Về chính trị, đại hội đảng csVN được triệu tập trong không khí căng thẳng khi quân đội được triển khai trên đường phố với những khí tài hiện đại, những hình ảnh đó làm cho người ta nghĩ đến một cuộc khủng hoảng hơn là một sự chuẩn bị an ninh đơn thuần.

Cho dù phe cánh nào lên cầm quyền thì đảng CS vẫn phải đối mặt với một tình trạng kinh tế bê bết, và tình trạng thâm thủng ngân sách, nhưng nghiêm trọng nhất là vấn đề an ninh quốc gia.

Tham vọng bành trướng của Tàu cộng đặt csVN vào thế chết vì nếu chống lại tham vọng đó csVN sẽ thất bại vì tương quan lực lượng không tương xứng, một khi chiến tranh xảy ra csVN sẽ bại trận và chế độ sẽ sụp đổ theo, còn nếu thỏa hiệp với Tàu cộng hy sinh quyền lợi quốc gia csVN sẽ là tội đồ dân tộc, bị toàn dân lên án, khinh bỉ và chống đối .

Tham vọng bá quyền của Tàu cộng sẽ làm thay đổi trật tự và cấu trúc an ninh khu vực, do đó bị liên minh các nước dân chủ chống đối và chiến tranh sẽ khó tránh được dù không nước nào trong số các nước dân chủ mong muốn.

Tranh chấp tại biển Đông hiện nay không chỉ là tranh chấp giữa Việt nam và Tàu cộng mà còn là tranh chấp giữa Tàu và các nước trong khu vực, đặc biệt với Mỹ- Nhật- Úc vì biển Đông là hải lộ chiến lược ở đó quyền lợi của Mỹ, Nhật , Úc là vô cùng lớn.

Nhưng biển Đông không phải là điểm dừng chân cuối cùng cho tham vọng bá quyền đại Hán, cũng giống với đế quốc Nhật trước đây,  biển Đông là bàn đạp để tiến về phía nam và đám cháy sẽ lan ra toàn khu vực đe dọa đến quyền lợi và an ninh của Mỹ, Nhật, Úc.

Lượng định trước điều đó, Mỹ đã tiến hành chiến lược “xoay trục” từ Âu châu Đại Tây dương sang Á châu Thái bình dương để sẵn sàng cho mọi tình huống.

Trước một viễn tượng bất an như vậy cho dù ai lên cầm quyền ở VN cũng phải đối mặt với một tương lai đầy bất trắc, nhưng khốn nỗi sự bất trắc đó nằm ngoài tầm với của nhà cầm quyền vì nó được quyết định bởi các thế lực siêu cường.

Biển Đông, khu vực Đông Á là một ván cờ nguy hiểm mà Việt nam chỉ là khán giả, thậm chí chỉ là quân cờ, chúng ta không đủ tầm vóc để là người chơi cờ, tương lai của chúng ta phụ thuộc vào ý đồ chiến lược của mỗi bên chơi cờ, nhưng nếu khôn khéo chúng ta sẽ làm được những gì tốt nhất cho đất nước chúng ta qua vai trò của một người khán giả, một quân cờ, còn nếu sai lầm thụ động chúng ta sẽ là vật hy sinh cho quyền lợi các nước lớn mà thôi.

Ban lãnh đạo đảng csVN sau đại hội 12 sẽ là ban lãnh đạo ngồi “ghế điện”, họ nhận thức được rằng tình hình biển Đông và khu vực rất khó lường, có phải chăng vì “khó lường” nên họ thúc thủ?

Cho đến giờ chúng ta không thấy họ có một hành động cụ thể hay sách lược khả thi nào để bảo vệ Việt nam, họ bị giằng co bởi việc bảo vệ chế độ và bảo vệ quốc gia vì để bảo vệ quốc gia phải hy sinh chế độ.

Năm 2016 này sẽ là năm vô cùng khó khăn cho đảng csVN vì phải đối mặt với khó khăn về kinh tế và thâm thủng ngân sách, nhưng sự bế tắc về cuộc khủng hoảng ở biển Đông mới là nguy cơ dẫn đến khủng hoảng chính trị nội bộ.

Nhưng biển Đông và khu vực nằm ngoài tầm tay với của csVN, nó có thể tác động đến cs Việt nam nhưng cs Việt nam lại không thể tác động đến .

Tham vọng của Tàu cộng sẽ đẩy khu vực và Việt nam vào khủng hoảng, và chiến lược của các siêu cường cũng đặt csVN trước những lựa chọn khó khăn.

Năm 2016 này là năm mở đầu cho sự bế tắc và khủng hoảng của chế độ, và nó sẽ kéo dài một thời gian cho đến khi chế độ sụp đổ bằng một cuộc biến động trong khu vực.

Huỳnh Ngọc Tuấn







No comments:

Post a Comment

View My Stats