Tuesday 8 March 2016

TRUMP, DẤU HIỆU SUY THOÁI CỦA CỘNG HÒA HOA KỲ (Lê Mạnh Hùng)





Lê Mạnh Hùng
Tuesday, March 8, 2016 2:30:17 PM 

Người ta phải nghĩ gì về sự nổi lên của ông Donald Trump? Có nhiên là ta có thể so sánh trường hợp này với trường hợp của những kẻ mỵ dân khác trong quá khứ. Ta cũng có thể đặt câu hỏi tại sao đảng Cộng Hòa lại có thể chọn một kẻ vị kỷ, thích bắt nạt, và ngu dốt làm ứng cử viên tổng thống của mình. Nhưng sự xuất hiện của một người như là Donald Trump có thể là biểu hiện của một vấn đề sâu xa hơn nữa.

Hoa Kỳ là nước Cộng Hòa vĩ đại nhất trên thế giới kể từ nước Cộng Hòa La Mã, hòn đá tảng của dân chủ và là nước bảo đảm cho trật tự khai phóng của thế giới. Thế giới sẽ rơi vào một tai họa khủng khiếp nếu ông Trump trở thành tổng thống. Nhưng ngay cả nếu ông thất bại, ông cũng làm cái mà trước đây người ta không thể nghĩ đến trở thành khả dĩ.

Ông Trump là một con người đầy những hoang tưởng, một kẻ bài ngoại và một người ngu dốt. Ông không có một kinh nghiệm chính trị nào. Trên một phương diện nào đó ông có thể so sánh với ông Silvio Berlusconi của Ý, nhưng thiếu cái quyến rũ và thành công thương mại của ông Berlusconi. Nhưng ông Berlusconi, khác với ông Trump chưa bao giờ đe dọa sẽ cho bắt giữ, tập trung và trục xuất hàng triệu người. Ông Trump rõ ràng là không đủ tư cách để lãnh chức vụ chính trị quan trọng nhất thế giới.

Thế nhưng như Robert Kagan một người trí thức tân bảo thủ chỉ ra trong một bài bình luận đăng trên nhật báo Washington Post ông Trump chỉ là một kết tinh của những chính sách của đảng Cộng Hòa, một quái vật Frankenstein mà đảng Cộng Hòa tạo ra. Theo Kagan, Trump là hậu quả khủng khiếp của chính sách “cản trở bằng mọi giá” (wild obstructionist), sự tuyên truyền bêu xấu moi định chế chính trị, sự ngả theo chiều hướng kỳ thị và đặc biệt là sự kích thích một cách bán công khai tinh thần kỳ thị chủng tộc chống lại Tổng Thống Barack Obama. Và Kagan viết thêm, người ta chỉ nghĩ rằng những người ủng hộ ông Trump bất mãn vì lương bổng của họ trì trệ. Những điều đó không đúng. Họ bất mãn vì tất cả những gì mà đảng Cộng Hòa tuyên truyền với họ trong bảy năm rưỡi vừa qua.

Ông Kagan nói đúng, nhưng còn chưa đi xa đủ. Không phải chỉ mới có bảy năm rưỡi vừa qua mà còn trước đó.

Những thái độ đó đã có thể thấy từ những năm 1990 với việc đàn hạch Tổng Thống Bill Clinton và xa hơn nữa, nó phát xuất từ chính sách cơ hội mà ông Nixon lái đảng Cộng Hòa vào sau các đạo luật về dân quyền (civil rights bills) của những năm 1960. Và những thái độ này càng ngày càng trở thành tệ hại hơn với thời gian.

Thế nhưng hiện tượng Trump không phải chỉ là câu chuyện của một đảng. Nó dính dáng đến toàn nước Mỹ và vì vậy với toàn thế giới. Khi thành lập nước Cộng Hòa Hoa Kỳ, những vị cha già lập quốc của Mỹ đều thấu rõ tấm gương của La Mã. Alexander Hamilton biện luận trong tập Federalist Papers rằng nước Cộng Hòa mới này cần có một “hành pháp mạnh.” Ông chỉ ra rằng chính La Mã với sự phân quyền cẩn thận giữa quý tộc và thứ dân vẫn còn phải tùy thuộc, trong những giờ phút nguy cấp, vào việc trao quyền hành tuyệt đối, tuy rằng tạm thời cho một người gọi là “dictator.”

Hoa Kỳ không có một chức vụ như vậy. Nhưng ngược lại Hiến Pháp Hoa Kỳ tạo ra một hành pháp mạnh, tổng thống là một vị quân vương do dân bầu thành ra có những quyền hạn rộng rãi chỉ bị giới hạn bời những quyền hạn dành cho Quốc Hội và các tiểu bang. Ðối với Hamilton và những vị cha già lập quốc, nguy cơ lạm dụng quyền lực bị giới hạn bởi “thứ nhất việc tùy thuộc vào lòng dân và thứ hai một tinh thần trách nhiệm.”

Trong thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, sự giầu có do chinh phục đã dẫn đến sự phân hóa trong nước Cộng Hòa La Mã. Sau cùng Augustus, một kẻ mỵ dân đã kết thúc cuộc sống của nước Cộng Hòa và thành lập đế quốc với mình làm hoàng đế. Ông ta làm vậy qua việc giữ hết các hình thức và định chế cũ của nước Cộng Hòa nhưng làm chúng trở nên vô nghĩa và vô quyền.

Thành ra ta không nên quá tin tưởng rằng những ràng buộc hiến định có thể sống sót được qua triều đại tổng thống của một con người tin rằng được bầu lên qua chúng nhưng không hiểu và không tin vào chúng. Tập trung, bắt giữ và trục xuất 11 triệu con người là một công việc đàn áp khổng lồ. Liệu người ta có thể ngăn chặn một vị tổng thống được bầu lên để làm chuyện này và nếu được thì ai làm. Và chúng ta phải nghĩ thế nào về việc ông Trump hăng say ủng hộ sự tra tấn? Và liệu ông có thể kiếm ra những người sẵn sàng thực hiện những ước muốn của ông hay không?

Một vị lãnh tụ nếu nhất quyết có thể dễ dàng làm được những gì người ta không thể nghĩ là làm được khi lấy cớ là vì nhu cầu khẩn cấp. Cả Abraham Lincoln và Franklin D. Roosevelt đều đã làm những điều vi phạm Hiến Pháp trong thời chiến tranh. Nhưng cả hai ông đều biết giới hạn và hiểu rõ rằng cái mà Hamilton gọi là “một hành pháp mạnh” là rất nguy hiểm. Liệu ông Trump có hiểu điều đó không?

Chính vị tổng thống bảo thủ Paul von Hinderberg của nước Cộng Hòa Weimar là người đã để cho Adolf Hitler lên làm thủ tướng năm 1933. Ðiều làm cho Hitler trở nên tàn hại như vậy đối với thế giới không phải chỉ vì y là một tên hoang tưởng (paranoid) mà còn là vì y cai trị một cường quốc, Trump có thể không phải là Hitler, nhưng Hoa Kỳ cũng không phải là nước Cộng Hòa Weimar. Hoa Kỳ quan trọng hơn Ðức thời đó rất nhiều.

Ông Trump vẫn còn có thể không thắng được các đối thủ khác trong đảng Cộng Hòa để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng. Nhưng nếu ông thành công thì giới lãnh đạo đảng Cộng hòa cần phải đặt cho mình những câu hỏi.

Những câu hỏi khó trả lời không những bao gồm việc làm sao chuyện này có thể xảy ra mà còn làm sao họ có thể đối phó một cách hợp lý. Vượt qua đảng Cộng Hòa, dân chúng Mỹ còn cần phải quyết định họ muốn đặt một con người như thế nào lên ngôi hoàng đế nước Mỹ. Những hệ quả của việc lựa chọn này đối với nước Mỹ và đối với thế giới đều sẽ rất sâu đậm. Vì dù sao chăng nữa, ông Trump có thể không phải là một hiện tượng ngoại lệ. Một “Cesar” Mỹ đã từ không tưởng trở thành một nguy cơ khả dĩ. Nó có thể trở thành hiện thực trong tương lai với một con người khéo léo hơn là Trump.





No comments:

Post a Comment

View My Stats