Thursday, 3 March 2016

TRUNG QUỐC SẮP HOÀN THÀNH CHIẾN LƯỢC QUÂN SỰ HÓA BIỂN ĐÔNG (Joshua Philipp, Epoch Times)





Joshua Philipp, Epoch Times
Dịch giả: Trà Văn Kính
4-3-2016
.
Tàu Trung Quốc tại vị trí Đá Vành Khăn, ngày 2 tháng 5 năm 2015 (ảnh: US Navy)

Tất cả những mối đe dọa về mặt vũ lực quân sự trên thế giới sẽ chẳng là gì nếu như Trung Quốc có thể thực hiện thành công chiến lược chống tiếp cận của mình ở Biển Đông. Và việc triển khai chiến lược này của Trung Quốc có khả năng đã đến mức gần hoàn thiện.

Các nhà phân tích quốc phòng đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang tìm cách “khóa” không cho Mỹ xuất hiện ở khu vực Nam Hải và Biển Đông thông qua những hệ thống và khả năng mà họ gọi là chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (anti-access/area denial hay A2/AD).

Điều này sẽ giúp cho Trung Quốc dễ dàng kiểm soát cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Và khi xét về mặt khác, thì Mỹ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu muốn ra tay can thiệp trong trường hợp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẵn sàng thực hiện việc xâm chiếm Đài Loan.

Vào tháng 7 năm 2014, Dean Cheng – chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu quân sự Trung Quốc – thông qua Viện nghiên cứu chiến lược Mỹ Heritage Foundation đã đăng một bài viết nhằm cảnh báo rằng, quân đội Trung Quốc đã là một lực lượng “được hiện đại hóa một cách toàn diện”, cùng với việc kết hợp những hệ thống A2/AD rất đa dạng, từ các tên lửa chống hạm đến các phương pháp chiến tranh chính trị, bao gồm luôn cả yếu tố pháp luật, dư luận, và chiến tranh tâm lý.

Hiện nay, cả thế giới đều thấy rõ rằng, Trung Quốc đã triển khai các vũ khí và khí tài quân sự này trong vài năm qua.

Gần đây, Trung Quốc đã triển khai nhiều máy bay phản lực, giàn radar và tên lửa phòng không trên các hòn đảo ở Biển Đông. Cũng có thể quốc gia này đang thiết lập một căn cứ trực thăng mới được trang bị hệ thống chống ngầm, cùng với các điểm dừng tiếp nhiên liệu nằm rải rác trên Biển Đông. Các nhà phân tích quốc phòng Trung Quốc đang kêu gọi các tàu chiến Trung Quốc bắn súng cảnh cáo, thậm chí đâm vào chiến hạm Mỹ nếu dám tiến lại gần khu vực này. Một số người khác thì kêu gọi ĐCSTQ cần phải triển khai nhiều tên lửa chống hạm cũng như các loại vũ khí tiên tiến khác.

Khi nhìn một cách tổng thể về các loại vũ khí và chiến lược của ĐCSTQ ở Biển Đông, thì giờ đây, quốc gia này được xem như là đã có đầy đủ hệ thống để tấn công các mục tiêu trên không, trên biển và dưới đáy biển. Kèm theo đó, Trung Quốc thực hiện hàng loạt cuộc oanh tạc liên tục trên các phương tiện truyền thông nhằm tuyên truyền và đưa ra những yêu cầu về mặt pháp lý có chủ đích làm thay đổi nhận thức của người dân toàn cầu đối với các hành động [gây hấn] của Trung Quốc.

Trong khi tình hình tỏ ra như rất hỗn loạn thì chiến lược mà ĐCSTQ đang thực thi lại vững tiến.

Vào tháng 7 năm 2015, ĐCSTQ đã công bố rằng họ đã hoàn tất các hoạt động xây dựng trên các hòn đảo ở Biển Đông. Thời báo Epoch Times chúng tôi đã tường thuật rất chính xác về việc ĐCSTQ chỉ đơn thuần là đang chuyển sang “giai đoạn 2” trong những hoạt động của mình.

Tại thời điểm đó, Tiến sĩ Mira Rapp Hooper – Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộcTrung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Mỹ – đã phát biểu: “Có nghĩa là họ đang chuyển sang giai đoạn 2, tức là xây dựng nhiều cơ sở và khả năng tác chiến trên các hòn đảo này”.

Và hiện nay, ĐCSTQ đang triển khai khá tốt giai đoạn 2. Và khi hoàn tất xong giai đoạn này, có thể giai đoạn 3 sẽ được tiến hành ngay sau đó.

Và giai đoạn 3 chắc chắn sẽ giống như những gì mà các chuyên gia quốc phòng đã cảnh báo trong nhiều năm qua: chính là một giai đoạn mà ĐCSTQ sẽ hành động bằng sự đe dọa, và họ sẽ bắt đầu tấn công các tàu quân sự nước ngoài cũng như những máy bay phản lực nếu dám tiến lại gần khu vực này.

Giai đoạn tiếp theo này có thể không còn xa lắm. Vào ngày 28 tháng 2 năm 2016, tờ South China Morning Post đưa tin: “Quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị ‘để bảo vệ chủ quyền’ ở Biển Đông”.

Tờ báo này trích dẫn lời phát biểu của ông Vương Giao Thành (Wang Jiaocheng), một viên tướng của Quân đội Giải phóng Nhân dân: “Không quốc gia nào được phép viện bất kỳ lý do hoặc hành động nào để xâm phạm chủ quyền và sự an nguy của Trung Quốc”, và nói thêm rằng “nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ quyền và lợi ích ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]”.

Từ tình huống này đã cho thấy rằng, ĐCSTQ có thể đạt được thành công trong những kế hoạch của mình hay không, thì sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ có chọn lùi bước hay không – và chưa có dấu hiệu nào cho thấy rằng Mỹ sẽ có kế hoạch làm điều đó [lui bước] sớm.

Mới đây, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris phát biểu rằng ĐCSTQ đang “làm thay đổi bối cảnh hoạt động”, và cho rằng Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động tuần tra tại khu vực này như họ đã từng làm, cho dù có bất kỳ mối đe dọa hoặc tuyên bố chủ quyền nào từ ĐCSTQ.

“Sắp đến mức chiến tranh, [và] tôi nhận thức được mối đe dọa này. Tôi sẽ chú ý đến các mối đe dọa đó. Nhưng điều đó sẽ không ngăn cản chúng ta lái máy bay và cho tàu thuyền qua lại, hoặc triển khai những hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, Đô đốc Harry Harris tuyên bố.






No comments:

Post a Comment

View My Stats