Friday 11 March 2016

TỔNG GIÁM ĐỐC VTV NÊN LÀM GÌ ? (BBC Tiếng Việt)





BBC Tiếng Việt
11 tháng 3 2016

Một cựu nhân viên của ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, vừa lên tiếng về chuyện ông nên có hành động thế nào trong tranh cãi hiện nay giữa VTV và chủ kênh Yamaha Trung Tá.

Cô Đỗ Minh Thùy, người từng làm việc dưới quyền ông Minh và nay là chuyên gia truyền thông và thương hiệu ở Việt Nam nói với Trực tuyến thứ Năm của BBC Tiếng Việt:
"Vì có quá nhiều ồn ào xung quanh sự kiện này rồi và rất nhiều người muốn lãnh đạo VTV phải lên tiếng chính thức, mọi người sẽ kỳ vọng anh Trần Bình Minh sẽ lên tiếng.
"Đây là vi phạm của nhân viên nhưng ảnh hưởng tới uy tín của một tổ chức.
"Tất nhiên nếu cá nhân anh Trần Bình Minh không trực tiếp lên tiếng, hoàn toàn có thể có người đại diện của đài như là người phát ngôn hay là thanh tra, chị Tâm [Vũ Thị Thanh Tâm - Trưởng Ban Kiểm tra VTV] ấy, cử đại diện thôi.
"Thế nhưng mà trong bất cứ phát ngôn nào nên thể hiện được cách hành xử văn minh, không bao biện, mình nói thẳng mình không bao che cho nhân viên của mình, sai đâu mình có biện pháp kỷ luật đấy.
"Ví dụ anh Minh có thể nói, em xin lỗi anh, em không phải dạy khôn nhưng mà ví dụ em đã từng nói là "VTV tôn trọng việc sử dụng bản quyền của tác giả.
"Trong trường hợp thông tin bạn gửi đến chúng tôi đang tiến hành kiểm tra lại và sẽ có phản hồi cụ thể tới bạn về những hình ảnh mà bạn cho rằng chúng tôi vi phạm và chúng tôi sẽ có câu trả lời với bạn sớm nhất và mong rằng hai bên có thể ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề này một cách văn minh."

BBC cũng đã liên hệ với Trưởng Ban Kiểm tra Vũ Thị Thanh Tâm của VTV qua email và qua điện thoại nhưng bà nói sẽ chỉ có thể phát ngôn khi được lãnh đạo giao.
Theo bà, một phó tổng giám đốc của VTV đã được giao nhiệm vụ phát ngôn và nói truyền thông đại chúng có thể liên hệ với đài theo địa chỉ công bố công khai.

Tôn trọng chữ ký

Tham gia Trực tuyến thứ Năm của BBC Tiếng Việt, nhà báo Phạm Cao Phong từ Pháp nói:
"Mình đã ký công ước Berne để bảo vệ quyền tác giả thì mình phải chấp nhận chữ ký của mình.
"Chẳng hạn mình bảo Trung Quốc phải chấp nhận công ước chung về Luật biển thì mình nói anh phải chấp nhận như thế. Trong khi đó mình lại không tôn trọng những gì mình đã ký thì chỉ khi nào có lợi mình mới nói người ta phải chấp nhận, không có lợi thì anh lờ đi.
"Như thế tôi cảm thấy nó cũng có cái bức xúc."

Bản thân ông Phong nói một video ông quay mới đây cũng bị một kênh truyền hình của Việt Nam sử dụng mà không xin phép và hiện ông đang cân nhắc việc khiếu nại.

Trong lúc đó Luật sư Phan Vũ Tuấn từ Văn phòng luật Phan Law Vietnam, người cũng là Chánh Văn phòng Hội Sở hữu Trí tuệ thành phố Hồ Chí Minh, giải thích thêm về khía cạnh pháp lý trong tranh chấp hiện nay:
"Với một clip đã được đóng gói [trên YouTube kèm theo nhạc không phải của chủ video] thì nó sẽ được bảo hộ theo hình thức nào?
"Theo các quy định của Việt Nam và quốc tế thì nó sẽ được bảo vệ dưới hình thức bản ghi hình.
"Bản ghi hình sẽ được bảo hộ quyền liên quan chứ không phải quyền tác giả."

Ông Tuấn dẫn Khoản 2, Điều 6 của Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam mà theo đó "quyền liên quan phát sinh kể từ khi bản ghi hình được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả."
Ông Tuấn đặt câu hỏi ông Bùi Minh Tuấn có xin phép sử dụng bài hát 'Việt Nam Ơi' trước khi tải video lên YouTube hay không.
Nói chuyện với BBC sáng 11/3, ông Bùi Minh Tuấn khẳng định đã có quyền sử dụng bài hát trước khi đưa video lên YouTube và dẫn lại một bài báo từng đề tập tới vấn đề này.

Nhân viên VTV lên tiếng

Trong vụ việc hiện nay một số nhân viên của VTV đã nói quan điểm của mình trên trang Facebook cá nhân dù VTV không có phát ngôn chính thức trong mấy ngày gần đây.

Bà Mai Thị Lệ Thùy, phóng viên của VTV8, bình luận trên đường dẫn tới bài viết ủng hộ VTV mà bà Lê Bình, một Phó Giám đốc của VTV24 cho lên trang Facebook cá nhân:
"Em có từng nói ở bên Face của Ls Vu Hai Tran, có cảm giác một số người giống như ma quỷ đang phá Đức phật khi người chuẩn bị nhập cõi Niết Bàn.
"Chính ra Tuấn cũng chỉ là nạn nhân của đám đông thôi chị ạ."

Bản thân bà Lê Bình cũng bình luận:
"Xin lỗi là cần, là đúng nhưng không phép cho ai hạ nhục.. chửi bới.. VTV đã thiện chí.. nhưng đáp lại bằng một thưs [nguyên văn] hành xử như thế nào.. bạn cũng nên tìm hiểu cho kỹ.."

Trong một bình luận khác bà Bình cũng có ý nói VTV sẽ theo đuổi vụ việc theo pháp luật Việt Nam:
"VTV mà sai thì cũng nên thua kiện để có bài học cho mình.. VTV mà sai thì nên xin lỗi cho đúng mực.. Nhưng ai chửi bới VTV một cách vô văn hoá là tôi chặn.. bạn com gì đấy? ở chỗ nào , post lại thử xem Phoi Pha , tính toii củ chuối ai khen thì tôi nhớ.. Ai chửi tôi thì tôi không nghe thấy mà chỉ đóng gói đầy đủ gửi lại người nhận thôi:).."

Còn Hà Trần, một đại diện của VTV ở Hoa Kỳ cũng nói:
"Những cái nào sai, VTV đã nhận. Những cá nhân sai VTV đã kỷ luật. Vậy tại sao nhiều người vẫn cố tình vào miệt thị, dùng những lời rất nặng nề, khó nghe? Trước có khóc thuê. Giờ có chửi thuê?"

Còn cựu nhân viên VTV, bà Đỗ Minh Thùy, nói về những bình luận của những nhà báo thuộc cơ quan cũ của bà:
"Đọc những đối đáp/comment, đốp chát của các bạn phóng viên, biên tập viên của VTV liên quan tới vụ bản quyền vừa qua tôi thấy các bạn đang đổ thêm dầu vào lửa.
"Dù là trả lời người không quen nhưng bạn thể hiện sự đốp chát, thiếu giáo dục và thiếu tư cách của một phóng viên, nhà báo tử tế.
"Chính các bạn chứ không phải ai khác đang làm xấu xí hình ảnh của VTV.
"Thực sự, VTV đang rơi vào khủng hoảng hình ảnh và danh tiếng. Và người đứng đầu cần lên tiếng để công chúng hiểu rõ hơn rằng văn hóa VTV không phải là như vậy. Đó chỉ là những "con sâu bỏ rầu nồi canh."

Tin liên quan :

-----------------------------

BBC Tiếng Việt
11 tháng 3 2016
.
Bùi Minh Tuấn khẳng định có quyền tác giả với các hình ảnh mà VTV sử dụng không xin phép

Chủ kênh Yamaha Trung Tá, ông Bùi Minh Tuấn, vừa khẳng định với BBC ông đã xin phép sử dụng tất cả bài hát sử dụng trong video đưa lên YouTube.
Điều này đồng nghĩa với việc ông Tuấn có quyền tác giả đối với các video mà VTV dùng lại không xin phép hoặc thậm chí xóa cả logo mà ông Tuấn dán lên.

Tham gia Trực tuyến thứ Năm với BBC Tiếng Việt hôm 10/3, luật sư Phan Vũ Tuấn từ Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam nói nếu chủ kênh Yamaha Trung Tá dùng nhạc không xin phép trong video thì đã vi phạm tác quyền của người khác và tác quyền của video vi phạm sẽ không được bảo vệ.
Luật sư Tuấn cũng nói cho tới nay chưa có cơ quan nào của Việt Nam kết luận VTV có vi phạm hay không.
Trong khi đó ông Bùi Minh Tuấn nói ông sẽ làm việc với các quan chức bảo vệ bản quyền sau khi trở về từ kỳ nghỉ hiện nay.

Chương trình BBC Trending, chuyên giải thích các hiện tượng được bàn tới nhiều trên mạng xã hội trên toàn cầu, cũng đang tìm hiểu vụ việc này.
Họ tỏ vẻ kinh ngạc khi một đài truyền hình quốc gia có thể vi phạm bản quyền nhiều lần và bị cáo buộc tiếp tục vi phạm ngay cả trong thời gian vụ việc đang được dư luận chú ý.
Chi tiết vụ việc được phân tích trong Trực tuyến thứ Năm của BBC Tiếng Việt tại đường dẫn này.






No comments:

Post a Comment

View My Stats