Friday, 25 March 2016

THÊM MỘT SỬ LIỆU QUÝ VỀ BIỂN ĐÔNG (Nguyễn Vĩnh giới thiệu)





Nguyễn Vinh
Thứ Năm,  24/3/2016, 11:23 (GMT+7)

(TBKTSG Online) - Trong khuôn khổ hoạt động của Hội sách TPHCM lần 9 - 2016 đang diễn ra, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân vừa giới thiệu với bạn đọc một công trình dịch thuật và chú giải cổ sử quan trọng liên quan đến các địa danh ven bờ và hải đảo Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân. Ảnh: Nguyễn Vinh

Cuốn “Tập bản đồ hàng hải 1841 ở thư viện đại học Yale” gồm 123 trang, trong đó có 122 trang là hình vẽ tiêu danh bằng chữ Hán, một trang biểu ghi của thư viện về xuất xứ tập bản đồ bằng tiếng Anh.

Theo tác giả Phạm Hoàng Quân trong lời giới thiệu chung: “Đây là tập bản đồ vẽ tay, không ghi tiêu đề, không ghi tên tác giả, toàn tập được vẽ mực đen trên nền giấy tuyên chỉ, mỗi trang có kích thước khoảng 32x32 cm. Không gian diễn tả giới hạn trong phạm vi vùng biển Đông Á và biển Đông Nam Á. Người vẽ bản đồ lấy cảnh Nam Áo (Triều Châu, Quảng Đông) làm chuẩn, mô tả nhiều tuyến đường, có thể phân hai hướng, phía bắc xa nhất đến cảng Lữ Thuận (Liêu Ninh, Trung Quốc), bờ nam bán đảo Triều Tiên, Tsuchima và Goto Retto (Nhật Bản), phía nam xa nhất đến cảng Samut Prakan trong vịnh Siem (Paknam Chao Phraya, Thái Lan). Trên từng trang bản đồ, ngoài hình thể và địa danh còn có những dòng ghi kèm nội dung nói rõ về khoảng cách, phương hướng giữa hai địa điểm, độ sâu gần bờ xa bờ, hải đảo, bãi cát ven bờ, bãi ngầm và đôi chỗ cũng lưu ý các vật thể kiến trúc nhìn thấy được, hình dạng và màu sắc các vật thể tự nhiên”.

Tập bản đồ hàng hải 1841 ở thư viện đại học Yale do Phạm Hoàng Quân dịch và chú giải. Ảnh: Nguyễn Vinh

Tập bản đồ hàng hải này có từ đời Thanh, được cất giữ trong phòng lưu niệm Sterling thuộc hệ thống thư viện đại học Yale (Yale University lerling Memorial Library), có thể gọi là sử liệu phổ biến đối với học giới Trung Quốc và phương Tây; được quan tâm không kém cuốn bản đồ hàng hải Trung Hoa thời Minh do John Selden sưu tập (còn gọi là The Selden map of China). Học giới Trung Quốc gọi nó là “Trung Quốc cổ hàng hải đồ” (Bản đồ Hàng hải Cổ đại Trung Quốc) và học giới phương Tây thì gọi là Yale Navigational Map 1841 (Bản đồ hàng hải 1841 Đại học Yale).

Theo nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân thì lâu nay ở Việt Nam chưa xem việc dịch và chú giải những chỉ nam hàng hải là quan trọng, đặc biệt, mảng bản đồ do người Trung Hoa thực hiện. Có thể vì nhiều lý do, chúng ta chưa thấy tầm quan trọng về tính liên đới trong khu vực và nhất là những mối quan hệ quốc tế trong quá khứ. Trong lúc đó, học giới Trung Hoa ngày nay thì thường chủ quan và cực đoan khi xử lý loại tư liệu này vì cho rằng đó là tư liệu bản ngữ của mình, hoặc vì những lý do phi học thuật, nặng tính ngụy biện trong tranh chấp chính trị. Đó là lý do ông chọn dịch, giới thiệu, đối chiếu và chú giải công trình này “nhằm để đối sánh “cách hiểu của Trung Quốc” với “cách hiểu của Việt Nam” hay “với cách hiểu Đông Nam Á”, mà nhằm tìm đến “cách hiểu đúng đắn” gần với ý nghĩa chân xác của tư liệu nguồn”.

Sau nhiều quãng thời gian sống tại Sài Gòn để chuyên chú học chữ Hán và tìm hiểu mỹ thuật cổ, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân trở về Cái Bè (Tiền Giang) ẩn cư và tập trung cho công việc nghiên cứu. Trước Tập bản đồ hàng hải 1841 ở thư viện đại học Yale – dịch và chú giải (in 2000 cuốn, do nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ, 2016), ông từng xuất bản một công trình khác rất quan trọng: Hoàng Sa, Trường Sa -  Nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc cũng do nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành năm 2014.

Phạm Hoàng Quân từng được vinh danh tại hạng mục Nghiên cứu của Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần 8, năm 2015.




No comments:

Post a Comment

View My Stats