Tuesday 8 March 2016

TẢN MẠN VỀ THIỆN NGUYỆN (Huỳnh Thục Vy)





March 08, 2016

Hoạt động thiện nguyện ngày nay trở thành một trách nhiệm bình thường, hiển nhiên và không thể thiếu trong đời sống công dân ở một quốc gia dân chủ tự do. Ngược lại, ở các quốc gia độc tài và chậm tiến như Việt Nam, thiện nguyện không những chưa được chú ý mà còn bị trấn áp dưới bàn tay sắt của chính quyền.
 
Ở một xã hội văn minh, một người chưa thể được đánh giá là một thành viên tốt của cộng đồng, một công dân có trách nhiệm đối với quốc gia và xã hội nếu chưa là một người làm thiện nguyện tích cực. Các công ty ở Hoa Kỳ, khi tuyển dụng nhân viên, rất chú tâm đến những hồ sơ xin việc của các cá nhân có lịch sử hoạt động thiện nguyện dày dặn và có đóng góp cụ thể, tích cực vào những thăng tiến cộng đồng.

Hoạt động thiện nguyện là gì? Đó là những hành động được thực hiện một cách tự nguyện (không bị thúc ước) và vô vị lợi (không mong chờ được đền bù) mà cá nhân thực hiện để đóng góp phần mình vào công việc chung của cộng đồng, nhằm thăng tiến những định chế tốt đẹp, loại bỏ những định chế có hại và lỗi thời, góp tay với nhà nước thực hiện một chính sách, hoặc đơn giản chỉ là hiện thực hoá một số các mục tiêu cụ thể vì lợi ích chung của cộng đồng.

Thiện nguyện không chỉ là từ thiện (sự đóng góp tiền của) mà còn phức tạp và cần nhiều nỗ lực (thời gian, công sức, chất xám) hơn thế nhiều. Thiện nguyện không chỉ là đến tận hiện trường tiếp xúc với đối tượng phục vụ mà còn là những ngày dài ngồi ở bàn làm việc với các ý tưởng, dự án, kế hoạch hành động. Thiện nguyện không chỉ là để lên tiếng và bảo vệ những người không có tiếng nói và bị gạt ra bên lề xã hội; mà còn là vận động công khai hoặc âm thầm để thay đổi các quy tắc xã hội (về văn hoá, kinh tế, chính trị).
Hoạt động thiện nguyện cho chúng ta thấy ý chí tự chủ và khả năng tự gánh vác của người dân trong các công việc liên quan đến phúc lợi của mình. Mức độ phát triển của văn hoá thiện nguyện cho thấy khả năng tự thoả thuận và tự quản của người dân trong các nỗ lực cần sự hợp tác của nhiều cá nhân trong cộng đồng.

Sự lành mạnh của hoạt động thiện nguyện, do đó, là một chỉ số cho thấy trình độ làm chủ xã hội (cũng là mực độ xứng đáng với tự do) của người dân một nước. Nghĩa là, họ không ngồi đợi nhà nước rót ngân sách để thực hiện một công tác cộng đồng nào đó, mà sẵn sàng ngồi lại với nhau để vạch ra một kế hoạch mà họ, những thường dân, tự làm lấy cho chính mình.

Họ không ngồi chờ nhà nước cấp ngân khoản và ra lệnh cho chính quyền địa phương triển khai các điều luật hay các cơ quan kiểm soát về việc chống tội phạm ma tuý ở trẻ vị thành niên, chẳng hạn,  mà tự ngồi lại với nhau lập nên các tổ chức, các cuộc vận động, các chường trình giáo dục cho lứa tuổi này…

Nói đến đây, chúng ta thấy thiện nguyện chính là tinh thần cốt lõi của xã hội dân sự. Xã hội dân sự, nghĩa là các hội đoàn, các hợp tác xã, các tổ chức vô vị lợi…, không thể tồn tại nếu không có tinh thần thiện nguyện. Chúng ta thấy, mặc dù các tổ chức xã hội dân sự có thể dành một phần ngân quỹ của mình để trả lương cho một số nhân viên chuyên trách, nhưng phần lớn các hoạt động của họ chỉ có thể được thực hiện bằng một mạng lưới tình nguyện viên rộng lớn. Đôi khi họ chỉ có một tá nhân viên được trả lương chỉ để điều phối vài chục ngàn tình nguyện viên khắp châu lục, thậm chí khắp thế giới.

Mối liên quan nào giữa thuế và hoạt động thiện nguyện? Thuế là một nghĩa vụ, nghĩa là nó bị cưỡng buộc, không thực hiện là bị trừng phạt. Thuế cũng không phải là một hành động không mong muốn sự đáp trả như hoạt động thiện nguyện. Đóng thuế để việc kinh doanh được pháp luật bảo vệ, và nhiều khi các khoản thuế doanh nghiệp khổng lồ vào kho bạc còn giúp mang lại tiếng nói đầy trọng lượng cho người đóng thuế trong tiến trình hình thành chính sách quốc gia. Nói tóm lại, việc đóng thuế đi kèm với lợi ích nhận được từ người nhận thuế (nhà nước) và sự gia tăng vai trò của kẻ đóng thuế.

Người dân đóng thuế để trả tiền cho nhà nước thực hiện các công việc mang lại phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục, vận chuyển công cộng, trợ cấp thất nghiệp… Nghĩa là chúng ta (người dân) giao cho nhà nước nhiều chức năng hơn, khiến nó cồng kềnh hơn, và tất nhiên nhiều quyền lực hơn. Ngược lại, người dân làm thiện nguyện, nghĩa là gánh vác (hay tước đi) bớt  từ nhà nước những công việc mà tự họ (với khả năng tự giao ước và tự hợp tác) có thể hoàn thành, thậm chí hoàn thành tốt hơn nhà nước. Từ đó, ý thức làm chủ của người dân được nâng cao, nhà nước bớt cồng kềnh, bớt cơ hội khuếch trương quyền lực và sự can thiệp của mình vào đời sống dân sự.

Tóm lại, thiện nguyện và đóng thuế không những khác nhau mà còn đối lập sâu sắc, một bên, là nghĩa vụ cưỡng ép, mong chờ nhận lại điều mình cần từ kẻ nhận thuế, giao nhiều trách nhiệm cho quyền lực chính trị hơn; bên kia, là tinh thần tự nguyện, không làm cũng không bị trừng phạt, mà làm là vì mục tiêu chung chứ không vị lợi cá nhân và giành lại nhiều trách nhiệm cũng như vai trò cho người dân thường hơn.

Tôi từng ngạc nhiên đến độ không thể tham gia câu chuyện khi một anh bạn đồng hương quả quyết: người ta đóng thuế là đã đóng góp cho xã hội rồi. Không, đóng thuế chỉ là nghĩa vụ để anh được sống trong một quốc gia có quân đội phòng bị ở biên giới, có một hệ thống pháp luật để an ninh và tài sản của anh được bảo vệ, để có một nhà nước vận hành các định chế quyền lực của nó nhằm đảm bảo một cuộc sống chung của anh với cộng đồng diễn ra một cách văn minh chứ không giống với cuộc sống trong rừng thuở hồng hoang. Làm thiện nguyện có ý nghĩa to lớn hơn thế nhiều, nó giúp anh và những người dân thường khác làm chủ cuộc sống và tương lai của mình, giám sát nhà nước và doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích thiểu số và duy trì nền dân chủ.

Tất nhiên, hoạt động thiện nguyện không tự dưng mà có, nó cần một số định chế chính trị và pháp luật để phát khởi, tồn tại và phát triển. Thể chế chính trị và hệ thống luật pháp ở Việt Nam hiện nay làm nản lòng mọi cố gắng đóng góp thiện nguyện để thăng tiến lợi ích cộng đồng và xã hội. Nhiều trí thức Việt Nam còn chưa cảm nghiệm hết tầm quan trọng của hoạt động này cũng như của xã hội dân sự. Các tầng lớp dân chúng thì không nhìn thấy trách nhiệm của họ trong những đóng góp dân sự thay đổi cộng đồng. Muốn thay đổi Việt Nam, chúng ta không ngại thiếu các đảng phái tham gia vào cuộc tranh giành quyền lực chính trị, chỉ ngại xã hội dân sự quá non yếu để giám sát cuộc chơi quyền lực ấy một cách tỉnh táo.

Vì thế, trong cuộc trò chuyện với ông Thomas Opperman, nghị viên thuộc đảng SDP của Cộng Hoà Liên Bang Đức gần đây, khi được hỏi tôi có dự định tham chính không. Tôi trả lời: hiện tại tôi muốn đứng bên cạnh phe yếu, tức xã hội dân sự hơn, xã hội chính trị có nhiều người làm rồi.

Huỳnh Thục Vy
Buôn Hồ, 8/3/2016





No comments:

Post a Comment

View My Stats