Vũ Văn Chính
02/05/2015 - 01:14 AM
Xem
cuốn phim ca nhạc hài Trường tôi do ca sĩ Quốc Dũng đóng vai chính, phim này được
đem ra chiếu vào năm 1973, 1974 gì đó, xem phim tôi lại thấy nhớ những kỷ niệm
học đường thật là đẹp, cùng với mối tình học trò thật lãng mạn và trong sáng,
nhất là được nghe những bài: Tuổi thần tiên, Tuổi ngọc... thật hay. Chỉ tiếc là
trường Taberd toàn dân đực rựa, chỉ biết đi coi phim và ngồi mơ mộng đến những
cô gái để ao ước được làm quen mà thôi.
Tuổi
thơ với phim hoạt hình
Năm tôi học lớp 6 (1969-1970) ở trường Lasan Taberd
(*), ngày ấy đã có kênh truyền hình số 11 phát cho quân đội Mỹ ở Việt Nam xem
giải trí, hồi đó có chương trình Wrestling (đô vật), có phim Batman
& Robin, phim Combat với diễn viên Vic Morrow và Rick Jason, mấy
phim cao bồi như Bonanza, Gunsmoke... Dù ngày đó chương trình truyền
hình Mỹ không có phụ đề tiếng Việt, nhưng có nhiều phim coi cũng dễ hiểu như Batman,
Combat... Nhất là mấy phim hoạt hình Mỹ coi rất hay, chỉ tiếc thời đó chỉ
có hình đen trắng chứ chưa có màu.
Rạp chợ lớn. Ảnh TL Sài Gòn xưa
Thỉnh thoảng có những sáng Chủ nhật tôi hay đến
Trung tâm Văn hóa Pháp để xem phim, thường nơi đây hay chiếu những cuốn phim
hài của diễn viên Louis de Funès, một ít phim của cặp diễn viên Laurel và Hardy
- một chàng ốm và một anh mập diễu hài nhiều khi cười muốn vỡ bụng. Ở trong trường
thì được xem những đoạn phim ngắn, nơi phòng chiếu phim và thư viện của Frère
Joachim Thuận, vào những buổi sáng hàng ngày và trưa Thứ bảy.
Hồi ấy bên khu Bưu điện có một chiếc xe đạp hay xe gắn
máy, với một cái thùng sắt bên trên, chung quanh thùng là những ô nhỏ như cái ô
của ống nhòm, gọi là rạp xinê lưu động. Mỗi buổi sáng hay buổi trưa là đã thấy
chiếc xe đậu nơi này rồi, với chừng ba, bốn thằng nhóc đang háo hức chổng mông
dán mắt vào hai cái ô cửa nhỏ, cặp đi học vất lăn lóc dưới chân. Có bữa không đủ
tiền mua “vé” coi, thế là hai ông nhóc hùn tiền mua “vé” rồi chia nhau mỗi ông
một ô để xem, mà có xem được gì đâu vì ông này cứ lấn ông kia để được coi cho
rõ, không ai chịu nhường ai, cuối cùng hai ông bèn giao hẹn: “Tao coi một chút
rồi nhường cho mày coi nha”. Rồi người chiếu phim dạo lấy một cuốn phim nhỏ cỡ
7-8 li gì đó, chậm rãi đưa vào máy chiếu. Thường thì cũng chỉ một đoạn phim
Charlot, hay con vịt Donald, chú chuột Mickey và chú chó ngu ngốc Dingo... coi
chừng mười phút là hết phim, muốn coi nữa thì đóng thêm tiền mua “vé” và lại đứng
chổng mông, khom người nhìn vào cái ô cửa nhỏ.
Giấc
mộng người hùng từ Lý Tam Cước
Đến khi trổ mã một chút, thì được coi cuốn phim võ
thuật Đường Sơn Đại huynh của Lý Tiểu Long xuất hiện đâu vào khoảng năm
1971-1972. Phim này đánh đấm không nhiều, nhưng nhờ thấy Lý Tiểu Long đá liên
tiếp ba cái liền, cũng tạm gọi là hay và cái tên Lý Tam Cước ra đời từ đó. Dù
gì nó cũng hay hơn phim kiếm hiệp, hay võ Tàu của Khương Đại Vệ, Địch Long, Trần
Tinh, Sương Điền Bảo Chiêu... với những màn phi thân lên mái nhà, phóng phi
tiêu bằng đôi đũa hay đôi khi cả cái bánh bao cũng là một thứ vũ khí lợi hại.
Dân Taberd nói riêng, cả giới trẻ Sài Gòn say mê Lý
Tiểu Long như là thần tượng. Ảnh: TL
Phim Lý Tiểu Long mới mẻ hơn, với lối võ thuật ra
đòn chính xác, đánh đấm ít nhưng hiệu quả và thế đòn lại đẹp, đã vậy cộng thêm
cái gương mặt gườm gườm thản nhiên lạnh lùng, làm nao nức đám thanh niên mới lớn
thời ấy. Rồi từ lúc hai cuốn phim Tinh Võ Môn và Mãnh long quá giang ra
lò thì thôi khỏi nói: phim của Lý Tiểu Long đã hạ gục phim quyền cước, đấu chưởng
và đánh kiếm cũ kỹ mà một thời được người xem phim chào đón.
Dân Taberd nói riêng, cả giới trẻ Sài Gòn say mê Lý
Tiểu Long như là thần tượng. Rồi đổ xô nhau đi học võ và tập múa nhị khúc. Thật
ra trước đó cũng có những trường dạy võ, nhưng từ sau khi Lý Tiểu Long và những
cuốn phim võ thuật ra đời, giới trẻ đổ xô nhau đi học võ nườm nượp, các trường
dạy võ mọc lên như nấm sau cơn mưa, đủ loại võ thuật. Đa số thanh niên đi học
võ cũng chỉ mong được đánh võ và múa nhị khúc đẹp như thế. Có ông bỏ tiền ra
làm cây nhị khúc, gồm hai khúc gỗ tròn cẩm lai được nối với nhau bằng sợi dây
dù, về nhà ông siêng năng tập đánh nhị khúc cho giống Lý Tiểu Long.
Tôi có lần cũng bắt chước múa như vậy nhưng múa
không đúng cách bị nguyên cây gỗ “phản chủ” chơi một cú lên đầu sưng một cục to
tướng, tuy đau nhưng vẫn chưa chừa. Ngay ở Taberd cũng mở thêm các lớp võ, cho
dù trước đó trong trường cũng có nhưng chỉ lác đác không đông học sinh cho lắm,
đã vậy còn mời hai ông củ sâm Đại Hàn dạy võ cho chắc ăn. Bởi ai ai cũng đi học
võ nên hay xảy ra những chuyện đánh nhau từ trong học đường ra tới đường phố.
Trong khối lớp 9 có mấy thằng lai, như cái thằng lai Ấn Addoul Aziz đen như cục
than bên khối Anh văn, hay ông Đỗ Mạnh Hùng, Nguyễn Hồng Kiếm và Sơn Tây lai
bên khối Pháp văn. Thằng Sơn Tây lai đẹp trai nhất. Nó mê Lý Tiểu Long lắm nên
vào lớp hay múa võ, tôi cứ nhớ nó hoài. Chỉ tiếc là cuốn phim Long tranh hổ
đấu chưa kịp trình chiếu thì Sài Gòn bị “đứt phim”.
Tôi cũng được xem cuốn phim ca nhạc hài Trường
tôi do ca sĩ Quốc Dũng đóng vai chính, phim này được đem ra chiếu vào năm
1973, 1974 gì đó, xem phim tôi lại thấy nhớ những kỷ niệm học đường thật là đẹp,
cùng với mối tình học trò thật lãng mạn và trong sáng, nhất là được nghe những
bài: Tuổi thần tiên, Tuổi ngọc... thật hay. Chỉ tiếc là trường Taberd
toàn dân đực rựa, chỉ biết đi coi phim và ngồi mơ mộng đến những cô gái để ao ước
được làm quen mà thôi.
Mưa
nước mắt vì hai cuốn phim tình
Lúc rời Taberd, tôi cũng hay đi xem phim. Ngày ấy rạp
xịn nhất là rạp Rex, chuyên chiếu những phim mới ra và hay, rạp này giá vé coi
phim cao và dành cho giới nhà giàu. Lúc rạp mới gắn cái cầu thang cuốn, một bên
đi lên một bên đi xuống, trưa Thứ bảy nào tôi cũng ghé vào rạp để được nghịch với
cái thang cuốn này, cứ đi lên rồi đi xuống tới khi chán thì thôi, mà lúc đó ai
cũng muốn đi thử nên đông người lắm.
Cảnh trong phim Roméo & Juliet do
cặp Leonard Whiting & Olivia Hussey thủ vai. Ảnh: TL
Tôi coi cuốn phim Love story do cặp tài tử
Ryan O’Neal và Ali Mac Graw, phim Roméo & Juliet do cặp Leonard
Whiting & Olivia Hussey đóng tại rạp Rex. Tôi thích phim Roméo hơn. Love
story cũng hay và cảm động với cái chết của cô gái nhà nghèo, nhưng anh
chàng nhà giàu Ryan O’Neal không đẹp trai bằng chàng Roméo Leonard Whiting. Cô
nàng Ali Mac Graw thì làm sao sánh bằng em gái Olivia Hussey, đẹp lộng lẫy và
sang trọng.
Nhạc phim Roméo cũng hay hơn. Chuyện
tình ướt át với cái chết của đôi tình nhân làm giới trẻ thời đó ngậm ngùi
thương cảm, ai coi phim xong cũng bước ra khỏi rạp với con mắt đỏ hoe. Cuốn
phim lấy rất nhiều những giọt nước mắt của các cô gái đương thời, thương cho
nàng Juliet hồng nhan bạc phận. Còn các ông anh trai thì ngoài cái nhạc nền quá
hay, các ông còn rỉ tai nhau rằng cái đoạn nóng bỏng yêu đương của đôi tình
nhân sao mà nó... đã quá, cuồng say quá, và mấy ông kéo nhau đi coi nườm nượp
cũng vì những lời đồn thổi và ca tụng ấy. Thời ấy cũng còn có người mong được...
chết hạnh phúc như cặp tình nhân ấy, để bên nhau vĩnh viễn khỏi sợ bị thằng
khác cuỗm mất nàng, và cùng nhau bên nhau mãi mãi trên Thiên đàng.
Ảnh hưởng của phim Romeo & Juliette lớn tới
nỗi cái mode đeo sợi dây ở cổ và cây thánh giá của nàng Juliette, được các anh
các chị choai choai ở Sài Gòn bắt chước, kể cả cái mái tóc dài của chàng Roméo
cũng được chiếu cố tận tình. Chắc chắn mấy anh trai Taberd nhà mình đi xem xong
về là tha hồ mơ mộng, tha hồ tưởng tượng giá như mình cũng có một em như vậy,
xinh tươi và yêu thương hết mình, nhưng lại không muốn chết như cái đôi tình
nhân trong phim.
Olivia Hussey còn đóng một phim nữa mà cũng được dân
Sài Gòn thích thú đón nhận, đó là Tình thù rực nắng - một cuốn phim hành
động. Nàng đóng chung với Christophe Mitchum, con trai diễn viên Robert Mitchum
gạo cội. Và sau này, nghe nói Olivia Hussey cũng chết trẻ, giống như nàng Juliette
ngày nào.
Cũng chả trách được khi hai cuốn phim tình lãng mạn này
được tung ra, dân Taberd bỏ học kéo nhau đi xem đông đến nỗi Frère Martial Trí
phải đích thân đi tới rạp, điểm mặt và nắm từng em một về trường để kỷ luật.
Đó cũng là hai cuốn phim tình cảm trước ngày
30.4.1975 mà tôi thấy hay nhất.
Vũ
Văn Chính
__________________
(*) Nay là trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Vũ
Văn Chính
No comments:
Post a Comment