Sunday, 20 March 2016

PHẢI CHĂNG NGA CHỢT ĐẾN RỒI CHỢT ĐI Ở SYRIA ? (Hà Tường Cát / Người Việt)





Phải chăng Nga chợt đến chợt đi ở Syria?
Hà Tường Cát / Người Việt
Friday, March 18, 2016 6:54:08 PM 

Ngày 30 tháng Chín 2015 Nga bất ngờ đem máy bay can thiệp vào Syria. Sau 25 tuần lễ , hôm 14 tháng Ba 2016, Tổng Thống Vladimir Putin đột ngột ra lệnh rút phần lớn quân lực khỏi đây. 

Trước hết quyết định của Nga có liên hệ đến tiến trình hòa đàm do Liên Hiệp Quốc đứng làm môi giới ở Geneva đang có triển vọng đạt đến kết quả dù là chỉ mới trên lý thuyết. Bản thông cáo của đặc sứ Liên Hiệp Quốc về vấn đề Syria, ông Staffan deMistura, nói rằng hy vọng sự giảm thiểu lực lượng Nga sẽ “tác động tích cực” đến những cuộc thương lượng nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị chấm dứt chiến tranh và chuyển tiếp quyền lực hòa bình ở Syria.

Tướng Viktor Bondarev, tư lệnh không quân Nga cho tờ nhật báo Konsomolskaya Pravda biết cuộc triệt thoái khỏi Syria sẽ hoàn thành trước cuối tuần. Một số đơn vị Nga vẫn đồn trú tại các căn cứ hải không quân ở Syria và có thể những cuộc oanh kích không quân vẫn tiếp diễn với quy mô nhỏ hơn chống ISIS, Mặt trận al-Nusra cùng các nhóm được gọi là “khủng bố” khác.

Quân số Nga ở Syria chưa bao giờ được tiết lộ, nhưng Hoa Kỳ dự đoán trong khoảng từ 3,000 đến 6,000 đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau. Viktor Ozerov, chủ tịch ủy ban quốc phòng quốc hội Nga, nói với hãng tin Interfax là khoảng 1,000 nhân viên quân sự Nga sẽ lưu lại ở hai căn cứ quân sự tại Syria. Theo ông, tối thiểu cần khoảng hai tiểu đoàn – khoảng 800 quân – để bảo vệ hai căn cứ, và một số binh sĩ không quân và phòng không điều khiển các giàn hỏa tiễn S-400.

Hôm Thứ Năm, ba ngày sau khi loan báo quyết định rút một phần quân lực, ông Putin nói chuyện từ điện Kremlin khẳng định là vẫn tiếp tục trợ giúp chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống các nhóm võ trang nổi dậy. Ông cho biết sự triệt thoái đã được thỏa thuận với tổng thống al-Assad  và nếu cần Nga có thể triển khai lực lượng trở lại Syria “trong vòng vài tiếng đồng hồ”.

Quyết định của tổng thống Putin làm các giới Tây Phương ngạc nhiên mặc dầu người ta đều hiểu ông là nhà lãnh đạo luôn luôn có lối hành xử bất ngờ. Sự kiện này có thể chứng tỏ rằng ông tin tưởng vị trí của Assad đã vững hơn, nhưng cũng có thể là do ông muốn áp lực Assad phải chấp nhận thương thuyết, hoặc là cả hai lý do.

Có những dư luận cho rằng quyết định của Nga là do sự bất mãn với lập trường quá cứng rắn của chính quyền Syria trong việc thương thuyết, nhưng ngay chiều Thứ Ba Dmitry Peskov, phát ngôn viên điện Kremlin, đã lên tiếng bác bỏ lập luận này. Phủ tổng thống Syria cho biết al-Assad và Putin đã điện đàm hôm Thứ Hai và hai tổng thống đồng ý việc Nga giảm thiểu lực lượng, Syria phủ nhận có rạn nứt giữa các đồng minh và quyết định ấy phản ánh sự “thành công” trong hành động “chống khủng bố” và tái lập hòa bình.

Hơn nữa dù Nga giảm mức độ can thiệp không quân, chính quyền Assad vẫn còn sự trợ lực trong cuộc chiến trên mặt đất bởi Iran và lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif Zarif  tuyên bố trong khi thăm viếng Australia, hoan nghênh việc Nga bắt đầu rút khỏi Syria và cho rằng Nga thấy không còn cần duy trì một lực lượng mạnh để bảo đảm thỏa hiệp ngừng bắn từ ngày 27 tháng 2, tuy mong manh nhưng có thể tồn tại.

Thật ra không phải Nga chợt đến rồi chợt đi khỏi Syria. Nga có những lý do chính đáng của mình để trực tiếp can thiệp vào Syria và rồi Nga không rời bỏ nơi đây bằng giải pháp dứt bỏ.

Khi Putin nói rằng “đã hoàn thành sứ mạng ở Syria” thì rõ ràng tiêu diệt “Nhà Nước Hồi Giáo” ISIS không bao giờ là mục tiêu của Nga như đã tuyên bố khi mở chiến dịch không quân năm ngoái. Hiện nay loạn quân Hồi Giáo quá khích ISIS hãy còn mạnh, kiểm soát được nhiều khu vực miền Bắc và Đông Syria. Nga có một số phi vụ đánh ISIS và khủng bố al-Nusra chi nhánh của al-Qaeda, nhưng đồng thời cũng tấn công các nhóm quân nổi dậy khác, trong đó có cả những nhóm do Hoa Kỳ và Tây Phương hỗ trợ.

Từ 30 tháng 9, có lúc số phi vụ mỗi ngày của không quân Nga nhiều hơn một tháng của liên minh chống IS do Hoa Kỳ lãnh đạo. Sự can thiệp của Nga xảy ra khi chính quyền al-Assad đang đi tới chổ suy yếu nhất. Kết quả cụ thể là nhờ sự trợ giúp đó, nội chiến Syria đã đổi chiều, ít nhất vào giai đoạn gần tuyệt vọng của chính quyền Assad. Quân đội chính quyền nhờ đó đã hồi phục được thế lực ở nhiều nơi như Homs, Dara'a, vùng phụ cận thủ đô Damascus và Aleppo, thành phố lớn thứ nhì của Syria, cũng như khu vực gần Tartus và Latakia nơi Nga có căn cứ hải/không quân.

Nhưng cho rằng Nga can thiệp vào Syria để cứu al-Assad là một lập luận quá thô thiển. Putin chắc chắn phải hiểu Assad không thể tồn tại lâu dài và chỉ muốn giữ nhà lãnh đạo này lại một thời gian để Nga  có thể dùng như một lá bài chính trị. Hơn nữa, tổng thống Putin có cơ hội đóng một vai trò trong giải pháp chính trị quốc tế ở Syria, vào thời điểm Nga đang bị cô lập vì vụ Ukraine. Liên Âu không có đủ khả năng đảm nhận vai trò đó, dù rằng với tính cách là những quốc gia đã từng cai trị vùng đất Trung Đông, Anh và Pháp đều tự xem như có bổn phận tinh thần không thể làm ngơ trước thảm trạng nội chiến Syria. Còn Hoa Kỳ không có nhiều lợi ích để phải trực tiếp dính dáng quá sâu, do đó không lạ khi tổng thống Obama chưa bao giờ tích cực can dự vào vụ khủng hoảng Syria. Người ta có thể nhận ra là Hoa Kỳ mặc nhiên chấp nhận sự can thiệp có chừng mực của Nga ở Syria.

Nếu phân tích đầy đủ hơn thì Syria là quốc gia độc nhất ở Trung Đông mà Nga còn duy trì được ảnh hưởng sau khi Liên Xô sụp đổ. Ảnh hưởng ấy thật ra không nhiều, chỉ với tổng thống Bashar al-Assad là một đồng minh trung thành và Tartus là một căn cứ hải quân duy nhất cho hạm đội Nga ở Địa Trung Hải. Nhưng phí tổn trong sự can thiệp quân sự vào Syria là không nhỏ nhất là vào giai đoạn nền kinh tế Nga đang chịu nhiều tổn hại vì dầu lửa mất giá nặng nề. Nga không thu nhận được lợi ích thiết thực gì hơn ở Syria để bù lại thua lỗ ấy. Ngoài ra rút kinh nghiệm của Hoa Kỳ ở Việt Nam và của Liên Xô ở Afghanistan, sự can dự lâu dài ở một nước ngoài dễ đưa đến tình trạng sa lầy.

Do đó quyết định rút khỏi Syria là quyết định đúng lúc của Putin và tuy đột ngột nhưng không phải là chuyện không thể dự đoán. Nga không có mục tiêu giúp Assad thâu hồi lại tất cả lãnh thổ và tiêu diệt hết loạn quân hay Assad tiếp tục nắm quyền lực. Chính quyền này tồn tại bao lâu là do chính họ và khả năng thương thuyết của họ, không phải là trách nhiệm mà Nga phải gánh vác. Thêm vào đó vẫn còn có sự trợ lực của Iran và Hezbollah.

Thành quả đối với Nga là đạt mục đích quân sự giúp Assad đứng vững được ít nhất là trong lúc này, đồng thời Nga hợp tác được với Tây Phương và các nước Á Rập trong việc giải quyết hòa bình cuộc nội chiến Syria. Dù với chính quyền tương lai như thế nào, Nga vẫn giữ được các căn cứ quân sự Latakia và Tartus,  duy trì ảnh hưởng không chỉ tại Syria mà trong vùng Trung Đông nói chung, chia sẻ ảnh hưởng cùng Tây Phương.

Bản thông cáo do tòa Bạch Ốc đưa ra nói rằng tổng thống Obama đã thảo luận qua điện thoại với tồng thống Putin. Tổng thống Obama hoan nghênh việc Nga giảm vũ lực ở Syria sau khi thỏa hiệp ngưng bắn đã có hiệu lực từ đầu tháng. Tuy nhiên Hoa Kỳ cũng cảnh cáo là hành động tấn công của quân đội Syria nếu còn  tiếp tục sẽ làm phương hại cho cuộc ngừng chiến và nỗ lực đi đến một giải pháp chính trị của Liên Hiệp Quốc. Hoa Kỳ nhấn mạnh chính quyền chuyển tiếp vẫn là nhu cầu thiết yếu để giải quyết hòa bình  cuộc nội chiến Syria đã kéo dài hơn 5 năm   (HC)





No comments:

Post a Comment

View My Stats