Tuesday, 8 March 2016

NHÓM TÀU SÂN BAY HOA KỲ RỜI BIỂN ĐÔNG (VOA)





VOA Tiếng Việt
09.03.2016

Quan chức hải quân Mỹ cho biết hôm thứ Ba, vài ngày sau khi xuất hiện tại khu vực Biển Đông, nhóm tàu sân bay John C. Stennis đã rời khỏi vùng biển tranh chấp này.
Nhóm tàu chiến bao gồm hàng không mẫu hạm USS Stennis, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Chung-Hoon, USS Stockdale, USS William P. Lawrence và tàu tuần dương USS Mobile Bay đã đến Biển Đông ngày 1 tháng 3.
Nhóm tàu chiến xuất hiện ở khu vực trong bối cảnh gia tăng căng thẳng về quyết định của Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm có tranh chấp trong quần đảo Hoàng Sa, một động thái mà nhiều quan chức Mỹ đã mô tả như việc quân sự hóa khu vực, đi ngược lại chính sách quốc tế.
Tuy nhiên, các quan chức hải quân Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng những tàu chiến chỉ đến khu vực này để thực hiện các hoạt động thông thường, và rằng sự hiện diện của họ không phải để biểu dương lực lượng, cũng không phải là một cuộc đối đầu chính thức với lực lượng hải quân Trung Quốc.
Các quan chức hải quân Mỹ cho biết trong một thông cáo báo chí rằng, nhóm tàu chiến Stennis đã hoàn thành hoạt động thường kỳ ở Biển Đông trong 5 ngày và sau đó di chuyển vào biển Philippines qua Eo biển Luzon.
Trong quá trình trung chuyển, nhóm tàu chiến của Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động bay hàng ngày và hoàn thành hoạt động bổ sung quân nhu, tiếp nhiên liệu, từ tàu hỗ trợ chiến đấu Rainier.
Theo thông cáo, những tàu chiến từ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (Hải quân) vẫn có mặt trong khu vực lân cận của nhóm tàu chiến Hoa Kỳ khi quá cảnh ra biển, nhưng liên lạc giữa hải quân hai nước diễn ra một cách chuyên nghiệp.
Một phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Trung tá Matt Knight, nói với trang tin Military rằng ông tin rằng không tàu nào trong nhóm tàu chiến đi vào phạm vi 12 hải lý của các đảo tranh chấp.
Hải quân Mỹ đã tiến hành hai hoạt động “qua lại vô hại" trong vòng 6 tháng qua. Tháng 10 năm ngoái, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen đã đi qua bãi Subi và các khu vực khác trong quần đảo Trường Sa. Tháng 1 năm nay, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Curtis Wilbur đã đi qua khu vực 12 hải lý của đảo Tri Tôn tại quần đảo Hoàng Sa.
Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris, nói với các nhà lập pháp vào tháng trước rằng ông ủng hộ tự do hoạt động hàng hải để khẳng định quyền "tự do hàng hải" của Hoa Kỳ.
Trung tá Matt Knight nói, việc quá cảnh của tàu sân bay Stennis và các tàu khác trong nhóm tàu chiến qua Biển Đông không liên quan đến căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Ông Knight nói: “Đây là một hoạt động tuần tra thông thường của nhóm tàu chiến. Tàu và máy bay chiến đấu của chúng tôi hoạt động thường xuyên trong vài thập kỷ ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông. Việc tuần tra này được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế, và Hoa Kỳ sẽ tuần tra trên không, trên biển, và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Ông Knight cho biết thêm rằng những tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương tuần tra tổng cộng 700 ngày ở Biển Đông từ năm 2015. Ông nói: “Chúng tôi hiện diện khá thường xuyên ở đó. Chúng tôi đã làm điều này trong nhiều thập kỷ”.
Theo thông cáo chính thức của Hải quân Hoa Kỳ, các tàu khác, bao gồm tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Antietam và tàu đổ bộ Ashland, cũng tiến hành các hoạt động thường xuyên trong vùng Biển Đông tuần trước.
Nhóm tàu sân bay đã đến Tây Thái Bình Dương hôm 4/2 sau khi xuất phát từ bờ tây của Mỹ.
Trung Quốc chỉ trích động thái của Mỹ là khiêu khích nhưng Washington tuyên bố sẽ tiếp tục di chuyển qua các vùng biển quốc tế.
Theo Military, VnExpress

------------------
CÁC TIN KHÁC :





No comments:

Post a Comment

View My Stats