Ngô Nhân Dụng
Tuesday, March 15, 2016 6:54:18 PM
Nhật báo Người Việt đặt cái tựa rất đầy đủ: “Nguyễn
Phú Trọng lại chọc cho dân chửi.” Thực không có cách nào nói rõ
hơn. Ông tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam lại “chọc” cả nước và cả nước lại
phải phản ứng bằng cách “văng tục,” hay “chửi thề.” Không có cách nào khác!
Nhưng mọi người đều biết rằng cái mặt ông Nguyễn Phú
Trọng vẫn cứ “nhơn nhơn” ra khi ông tuyên bố, “Không để lọt các phần tử 'thế
này thế khác' vào Quốc Hội.” “Thế Này Thế Khác” nghĩa “Là Thế Nào?” “Nà Thế
Lào?” Ông Nguyễn Phú Trọng đã đậu bằng tiến sĩ khi theo học ngành “Xây Dựng Ðảng.”
Không phải các ngành khoa học, kỹ thuật, nhân văn, hoặc chính trị học hay kinh
tế học. Trong những ngành đó mỗi thuật ngữ đều được định nghĩa rõ ràng, có tự
điển chuyên môn giải thích. Chắc những chữ “Thế Này Thế Khác” là những thuật ngữ
thuộc môn Xây Dựng Ðảng, được dạy trong trường Ðảng, người ngoài nghe không
quen. Chỉ có thể đoán được rằng chúng có nghĩa xấu vì chúng không nằm trong
khuôn khổ, chúng nằm ngoài quy hoạch của đảng cộng sản, cho nên không thể chấp
nhận được.
Lời tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ nhắm ngăn
cản và đe dọa phong trào “tự ứng cử” trong cuộc bầu bán Quốc Hội sắp tới. Ông
Trọng muốn ám chỉ những người không xin đảng Cộng Sản đề cử mà tự ý ứng cử, như
ông Nguyễn Quang A, bà Ðặng Bích Phượng, ông Nguyễn Tường Thụy, ông Phan Văn
Bách, ông Võ An Ðôn ở Phú Yên. Theo lối nói của Nguyễn Phú Trọng, những nhân vật
trên đều thuộc loại “Thế Này Thế Khác.”
Ðúng như Tiến Sĩ Nguyễn Quang A nhận xét về lời
tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng: “Nó biểu
lộ sự coi thường cả luật pháp lẫn thiên hạ. Nếu không xem thường như thế, ông
Trọng không phát biểu tùy tiện như vậy.”
Coi thường pháp luật: Theo Hiến Pháp, mọi công dân
Việt Nam đều có quyền ứng cử, theo những quy định của pháp luật. Nay ông tổng
bí thư đảng Cộng Sản tuyên bố không cho phép một số người không vừa ý ông được
vào Quốc Hội, tức là ông ta tự coi mình cao hơn pháp luật. Chỉ có vua quan
chuyên chế đời xưa mới nói năng như thế.
Coi thường cả thiên hạ: Ông Nguyễn Phú Trọng coi cả
nước là ngu, không ai biết luật pháp. Ông coi cả nước Việt Nam là hèn, không ai
dám sử dụng luật pháp để bảo vệ quyền công dân của mình.
Trên hết, ông Nguyễn Phú Trọng đã tỏ ra không có một
chút hiểu biết nào về thể chế dân chủ trong khi nói về một định chế cơ bản của
chế độ dân chủ là việc ứng cử và bầu cử. Ông hoàn toàn lú lẫn.
Ðây không phải là lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng
tỏ ra lú lẫn về thể chế và tinh thần dân chủ. Khi đại hội đảng Cộng Sản kỳ thứ
12 kết thúc, ông đã từng khoe rằng cuộc họp của đảng Cộng Sản “dân chủ đến thế
là cùng!”
Một cuộc bầu bán trong đó 99% những người được nhóm
lãnh đạo đưa ra đều trúng cử hết thì không thể nào gọi là dân chủ được. Những
người ngoài danh sách mà tự ứng cử mà không được nhóm cầm đầu chấp thuận thì thất
cử 100% thì cũng không thể nào coi là dân chủ được. Ðại hội 12 của đảng Cộng Sản
diễn ra hoàn toàn trái ngược với các thể thức dân chủ. Khi tự vỗ bụng khen mình
“dân chủ đến thế là cùng,” Nguyễn Phú Trọng đã tỏ ra có cái đầu hoàn toàn lú lẫn.
Bây giờ, lên tiếng đe dọa những thành phần “thế này thế khác” không cho vào Quốc
Hội, Nguyễn Phú Trọng lại phơi bầy cái đầu lú lẫn thêm lần nữa.
Thể chế dân chủ được thể hiện trước hết trong quyền
tự do ứng cử. Ðảng Cộng Sản bất chấp quy tắc sơ đẳng đó, bắt tất cả các ứng cử
viên phải qua vòng loại của Mặt Trận Tổ Quốc, ai cũng biết toàn là một đám tay
sai của đảng. Riêng điều đó đã vi phạm cả thể thức lẫn tinh thần dân chủ. Ðảng
Cộng Sản đặt ra thủ tục “hiệp thương” để dùng đám côn đồ tay sai đe dọa, bôi nhọ
và vu khống những người tự ứng cử và đe dọa tinh thần các cử tri không cho họ
được tìm hiểu về các ứng cử viên, trò đàn áp này bất chấp cả thể chế lẫn tinh
thần dân chủ.
Cộng Sản Trung Quốc và Cộng Sản Việt Nam đều tuyên
truyền rằng chế độ dân chủ là một sản phẩm của Tây phương, không thích hợp với
các nước Châu Á vốn có truyền thống trên bảo dưới nghe. Gán nhãn hiệu “Tây
phương” cho thể chế dân chủ là một trò bịp bợm, đánh lừa dân. Trong lịch sử, thực
ra các thủ tục dân chủ đã từng được áp dụng ở Châu Á trước Châu Âu.
Người ta thường nói rằng thể thức dân chủ đã được
thi hành sớm nhất ở Athens, một “thành thị quốc gia” Hy Lạp, từ sáu thế kỷ trước
công nguyên. Nhưng trước đó, thể thức cử người đại biểu lo việc cai trị đã được
áp dụng tại Vajji, một “liên bang” thành lập tại miền Ðông Bắc nước Ấn Ðộ, bây
giờ nằm trong tiểu bang Bihar. Quốc gia Vajji theo một thể chế có thể gọi là “cộng
hòa” từ thế kỷ thứ bảy trước công nguyên. Thầy Huyền Trang, tức Ðường Tam Tạng,
trong “Ðại Ðường Tây Vực Ký” đã ghi nhận điều này. Trong quốc gia Vajji có nhiều
làng xóm và gia tộc khác nhau, tổng cộng tám nhóm được công nhận, mỗi nhóm cử đại
diện họp thành một hội đồng. Chính hội đồng đó quyết định những vấn đề quan trọng
chung gọi tên là “Sangha Vajji,” chữ Sangha nghĩa là tập thể, người Việt phiên
âm là “tăng già,” và dịch là tăng đoàn hay tăng thân. Người chủ tọa hội đồng được
gọi là “quốc vương” nhưng do hội đồng bầu lên, không nắm quyền tuyệt đối và
không có quyền thế tập.
Ðức Phật Thích Ca đã tới Vaishali (Thành Vương Xá), thủ đô của Vajji nhiều lần, và đã giảng bài thuyết pháp sau cùng tại đó, báo tin ngài sẽ viên tịch trong ba tháng, trước khi đi về Kushinagar để nhập niết bàn, năm 483 trước công nguyên. Các sử gia cho rằng cách tổ chức tăng đoàn các tì kheo (Bhikshu Sangha), trong đó mọi quyết định quan trọng đều phải được mọi người biểu quyết, là do ảnh hưởng của các thể thức bầu cử, bỏ phiếu từng áp dụng trong “vương quốc” Vajji.
Dù các thể thức dân chủ ở Ấn Ðộ cũng như ở Athens
trước đây 2600 năm không hoàn toàn theo đúng nghĩa của chế độ dân chủ hiện nay,
nhưng cũng chứng tỏ loài người từng biết dân chủ là một bước tiến bộ so với chế
độ độc quyền chuyên chế của một ông vua, một giới quý tộc hay một đảng phái.
Hơn thế nữa nhiều nước Á Châu đã áp dụng thể chế dân
chủ tự do và đã thành công, từ Ấn Ðộ tới Nhật Bản, Nam Hàn, Ðài Loan,
Indonesia, vân vân. Một nước độc tài quân phiệt như Myanmar nay cũng đã bắt đầu
bước vững chắc trên đường dân chủ hóa. Trung Cộng và Việt Nam là hai nước chính
trị lạc hậu nhất hiện nay, vì ở cả hai nơi người dân vẫn còn sống dưới ách độc
tài đảng trị.
Ông Nguyễn Phú Trọng vừa lú lẫn vừa coi khinh dân Việt
Nam cho nên chưa tổ chức bầu cử đã lớn tiếng đe dọa không cho người này, không
cho người khác được trúng cử. Ông Nguyễn Quang A đã trả lời trực tiếp khi hô
hào thêm nhiều người tự ứng cử, để thử thách cái chế độ mà ông Nguyễn Phú Trọng
gọi là “dân chủ đến thế là cùng.” Phải chứng tỏ một ông tổng bí thư của đảng Cộng
Sản có thể lú lẫn nhưng 90 triệu người dân Việt Nam không lú.
No comments:
Post a Comment