Nguyễn Ngọc Giao
cập nhật lần cuối 08/03/2016
Nếu bỏ qua những chiêu hồi đấu
đá loại trừ, tranh giành quyền lực đầy kịch tính, thì Đại hội 12 của Đảng cộng
sản Việt Nam, nói theo ngôn ngữ truyền thông, quả là một phi sự kiện.
Nôm na là một đại hội của quý ông Vũ Như Cẫn, quý bà Nguyễn Y Vân (*).
Trong cuộc tranh giành quyền lực
ở chóp bu, việc ông Nguyễn Phú Trọng loại trừ được ông Nguyễn Tấn Dũng, người
(và không ít người khác) đã từng chắc mẩm mình sẽ kiêm nhiệm hai chức Tổng bí
thư Đảng và Chủ tịch Nước, thật ra chỉ là điều bất ngờ đối với những nhà bình
luận nước ngoài hay ở nước ngoài. Đối với những người ở trong nước còn quan tâm
tới việc triều đình, nó chỉ gây ngạc nhiên và chán nản cho những ai đặt vấn đề
chọn lựa ưu tiên giữa “chống tham nhũng” và “chống ngoại xâm”. Vấn đề chọn ưu
tiên có thể đặt ra, nếu thực sự đó là chọn lựa giữa hai khả năng loại trừ nhau.
Nhưng sai lầm chủ yếu trong cách tiếp cận ấy, và cũng là sai lầm của các nhà
bình luận ở bên ngoài, là đã cho rằng trong lãnh đạo ĐCSVN, có hai “phe”, “phe
chống tham nhũng”, và “phe chống Trung Quốc”, thậm chí cho rằng “phe chống tham
nhũng” chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh, còn “phe chống Trung Quốc” thỉ chủ trương
xích lại gần Hoa Kỳ. Và tột đỉnh của ngộ nhận ấy, là : đồng hoá “phe chống tham
nhũng” với nhóm ông Trọng, và “phe chống Tàu, thân Mỹ” với ông “Ba” Dũng.
Trong thời cực thịnh của chế độ “xã hội chủ nghĩa” ở miền Bắc, một số nhà
lãnh đạo và nhiều nhà truyền giáo thường ưa viện dẫn câu văn của Goethe , “mọi
lý thuyết đều xám xịt, còn cây đời mãi mãi xanh tươi” (lời Mephisto trong vở
kịch Faust). Cây đời có thể xum xuê hoa lá, nhưng cái cây đa tiều tuỵ ở
Ba Đình lại đen tối hơn bao giờ hết : không có “phe tham nhũng” và “phe chống
tham nhũng”, mà chỉ có “phe tham nhũng tối đa” và “phe tham nhũng chưa bằng”, chỉ
có “phe bị Tàu mua chuộc bằng tham nhũng” (dự án, đấu thầu, bán rừng, đặc khu
kinh tế...) và “phe thân Tàu vì lệ thuộc tư tưởng” (điển hình thê thảm là cái
“hội thảo lý luận” hàng năm, họp luân phiên ở Trung Quốc và Việt Nam). Đó
là hệ quả tất yếu của sự lựa chọn Thành Đô 1990, chọn lệ thuộc vào một đế quốc
phản động và bành trướng để gìn giữ quyền lực, củng cố hàng ngũ đảng và bộ máy
quân đội - an ninh bằng cách hình thành một giai cấp tư sản và địa chủ đỏ, tất
cả nhân danh một “chủ nghĩa xã hội” không biết đời nào mới “hoàn thiện”.
Vậy là Đại hội 12 của ĐCSVN đã
“đổi người” (vẫn giữ “một đồng chí” để bảo đảm “tính liên tục”) nhưng không “đổi
màu”. Phải chăng, với ban lãnh đạo trung ương khoá 12 (2016-2021) này, mọi sự vẫn
y nguyên, như cũ ?
Tất nhiên, không.
Bởi vì, trong khi sự ù lỳ vẫn
trị vì, thì tình hình xã hội, kinh tế, văn hoá trong nước đã thay đổi, tình
hình thế giới đã đảo lộn, quan hệ giữa Việt Nam và các nước đã biến chuyển. Sự
sống còn của quốc gia trở thành cấp bách : để “thoát trung” (nghĩa là xây dựng
quan hệ láng giềng tốt, thay vì “phiên thuộc ngoan ngoãn”), thì không thể làm
gì khác hơn là : độc lập tư tưởng, đoàn kết dân tộc, xây dựng kinh tế lành mạnh,
hợp tác thật tâm và sòng phẳng với tất cả các nước và thế lực cùng chung mục
tiêu là gìn giữ hoà bình ổn định ở Đông Nam Á, Biển Đông. Chỉ nói riêng về mặt
kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam liên tục giảm xuống từ nhiều năm nay,
trong khi ở tất cả các nước khác trong khu vực (kể cả Campuchia và Lào), năng
suất đều tăng. Hiệp định TPP hoặc sẽ là cơ hội thuận lợi để kinh tế Việt Nam
phát triển nếu có năng lực cạnh tranh, hoặc sẽ là nguy cơ nhãn tiền để Việt Nam
tụt hậu không phương cứu vãn (thời gian cơ hội “dân số vàng” chỉ còn vài năm,
nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình” cận kề, các lợi thế về lao động, tài nguyên
đang gần cạn kiệt). Cuộc cải cách triệt để về kinh tế không thể tiến hành nếu
không có sự cải cách chính trị, như ông Bùi
Quang Vinh đã phát biểu tại Đại hội (bài tham luận duy nhất có thực chất
trong dịp này).
Cách đây không lâu, khi nói về
những cuộc biểu tình hay những lời phát biểu về chủ quyền ở Biển Đông, về sự
hung hãn của Trung Quốc, về dân chủ, nhân quyền, quyền sống... trên đường phố
và các mạng xã hội, và ngay trong hàng ngũ đảng viên, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
đã quả quyết đó là những biểu hiện “thoái hoá”, “suy thoái” về tư tưởng. Thay
vì chỉ thị cho công an đàn áp trực tiếp hay dùng côn đồ đàn áp biểu tình, ông
nên chỉ thị cho cục an ninh và tổng cục 2 điều tra xem trong 6 tháng trước đại
hội, có bao nhiêu “phu nhân” (đi một mình hay có “phu quân” tháp tùng) đã bay
ra Côn Đảo, nửa đêm tới nghĩa trang Hàng Dương để đốt vàng mã, iPhone 6 trước mộ
liệt sĩ Võ Thị Sáu, khấn vái cho “nhà em trúng Trung ương”. Con số trong báo
cáo, dù chưa thật chính xác, và cũng không cần công bố, chắc sẽ giúp ông tổng
bí thư hiểu “suy thoái” là gì, đến đâu, ở đâu – tôi chỉ nêu vụ cầu khẩn làm ô
danh Chị Sáu, mà không đề nghị điều tra về tổng số triệu đô đã chi ra để mua ghế
Trung ương, điều mà chúng ta thừa biết ông Trọng có muốn cũng không làm nổi,
cho dù ông có nghe nói về “giá bình quân” một ghế.
Những điều mà ông tổng bí thư
quy chụp là biểu hiện của sự thoái hoá tư tưởng, đáng mừng thay, lại là những
điểm sáng trong hình hình đất nước. Sự phát triển tự phát, đa dạng của xã hội
dân sự trong vài năm nay, trong đó các mạng xã hội chỉ là một bộ phận, là yếu tố
rất quan trọng, và về lâu dài, là yếu tố quyết định cho quá trình dân chủ hoá đất
nước. Việc một số người tự ứng cử trong cuộc tuyển cử Quốc hội sắp tới,
trong một ý nghĩa nào đó, sẽ đánh dấu phát triển của xã hội dân sự (civil
society) thành xã hội công dân (civic society). Thái độ của ĐCS
trước sáng kiến lành mạnh này sẽ là (một) thước đo “trực tuyến” cho sự thực tâm
(hay không) đổi mới thể chế chính trị của chính quyền – cũng như những cản trở
và vu cáo đã bắt đầu, và những trò ma giáo thô lỗ có thể sắp tới sẽ phơi bày
“tâm địa” cho toàn thế giới.
Bất luận thế nào, các lực lượng
của xã hội công dân (kể cả trong hàng ngũ đảng viên) không có lựa chọn nào khác
hơn là tiếp tục phát triển, tập dượt dân chủ, khẳng định quyền công dân đối với
vận mệnh đất nước. Sự lớn mạnh của xã hội công dân, và những thúc ép của tình
hình khách quan, sẽ buộc chính quyền phải thay đổi. Họ sẽ cưỡng lại, bị động
hay chủ động thay đổi, nhưng không thể không thay đổi.
Nguyễn Ngọc Giao
6.3.2016
No comments:
Post a Comment