Thursday 15 August 2024

UKRAINA TẤN CÔNG VÀO ĐẤT NGA, PHƯƠNG TÂY IM LẶNG : BƯỚC NGOẶT CỦA CUỘC CHIẾN (Thụy My / RFI)

 



Ukraina tấn công vào đất Nga, Phương Tây im lặng : Bước ngoặt của cuộc chiến

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 14/08/2024 - 13:37

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240814-ukraina-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-v%C3%A0o-%C4%91%E1%BA%A5t-nga-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y-im-l%E1%BA%B7ng-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngo%E1%BA%B7t-c%E1%BB%A7a-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn

 

Chiến dịch của Ukraina trên đất Nga có thực sự thay đổi chiều hướng cuộc chiến ? Le Figaro ngày 13/08/2024 đặt câu hỏi. Đây là lần đầu tiên kể từ 1941 một đội quân ngoại quốc tiến vào lãnh thổ Nga, một nước chỉ có vũ khí quy ước dám tấn công một quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử.

 

HÌNH :

Khu lều trại tạm cư dựng lên cho dân Nga ở tỉnh Kursk sơ tán khỏi vùng chiến sự vì quân đội Ukraina tấn công sang. Ảnh chụp ngày 12/08/2024. AP

 

Những tháng Tám xui xẻo cho Nga

 

Le Figaro nhắc lại, thường có những sự kiện chính trị quân sự tại Nga trong tháng Tám. Năm 1991, cuộc đảo chánh hụt do một nhóm lãnh đạo cộng sản bảo thủ tiến hành nhắm vào Mikhaïl Gorbatchev đã dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Đến tháng 8/2000 xảy ra vụ nổ tàu ngầm nguyên tử Kursk làm 118 thủy thủ tử nạn, là thách thức lớn đầu tiên cho Vladimir Putin vừa lên làm tổng thống. Tháng 8/2023, chủ tập đoàn lính đánh thuê Wagner bị rơi máy bay chết, vài tuần sau khi nổi dậy chống chính quyền. Và tháng Tám năm nay, rắc rối đến từ phía nam với cuộc tiến quân thần tốc của Ukraina vào tỉnh biên giới Kursk.

 

Dù hồi kết của chiến dịch này như thế nào đi nữa, Kiev đã bước qua một giai đoạn mới của cuộc chiến. Trước hết là tầm quốc tế, với sự ủng hộ trong im lặng của phương Tây. Cho đến nay, các đồng minh của Ukraina vẫn « thắng » bớt lại mỗi khi cái nhìn của bộ tham mưu Ukraina hướng về phía lãnh thổ của kẻ xâm lược. Sợ « leo thang », vượt « lằn ranh đỏ » dù lằn ranh này vẫn mù mờ, lâu nay họ vẫn cấm Ukraina tấn công vào đất Nga bằng vũ khí phương Tây. Nhà Trắng còn đòi Kiev không nhắm vào các cơ sở dầu khí của Nga, và cho đến 2023, đồng minh còn do dự trước việc Ukraina đánh vào cầu Kertch ở Crimée. Đó là thời kỳ mà Emmanuel Macron nói rằng không nên « sỉ nhục Nga ».

 

 

Lần đầu tiên một nước dám tấn công quốc gia có vũ khí nguyên tử

 

Nhưng chính sách này vừa tan tành như bọt nước. Sau xe tăng hạng nặng, phi cơ, hỏa tiễn, rốt cuộc một số nước đã bật đèn xanh cho Ukraina « tấn công vào sâu ». Ngoài Trung Quốc kêu gọi xuống thang, phương Tây không nói gì về sự kiện Ukraina đánh sang lãnh thổ Nga từ một tuần lễ qua.

 

Đành rằng Hoa Kỳ bận rộn với chiến dịch bầu cử, và tổng thống Pháp -nhiều tuần lễ phải đối mặt với những rối loạn từ việc giải tán Quốc hội, rồi 15 ngày Thế vận hội - muốn tránh những động thái ảnh hưởng đến thành công của Olympic. Nhưng ngoài tình trạng rề rà thường lệ trong tháng Tám, sự im lặng của đồng minh có vẻ như là một sự đồng ý ngầm. Le Figaro cho biết theo một viên chức Ukraina, Kiev đã báo trước việc sử dụng vũ khí phương Tây. Hoa Kỳ còn khẳng định « kiên quyết ủng hộ nỗ lực tự vệ của Ukraina trước hành động xâm lăng của Nga ».

 

Trừ việc Achentina chiếm quần đảo Falkland thuộc Anh năm 1982, đây là lần đầu tiên trên thế giới một nước chỉ có vũ khí quy ước dám tấn công vào lãnh thổ một quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử. Trước đây đã có những vụ xâm nhập nho nhỏ vào Belgorod của các nhóm vũ trang Nga ly khai, nhưng lần này là quân đội chính quy Ukraina với quy mô chưa từng thấy. Hãy còn quá sớm để biết được chiến dịch quân sự Ukraina có thể quyết định được cuộc chiến hay không.

 

 

Chiếm 1.000 kilomet vuông đất, Kiev gây áp lực mạnh lên Kremlin

 

Sau nhiều ngày im lặng, Kiev đã nêu ra các mục tiêu « kéo giãn các vị trí địch », gây « thiệt hại tối đa », « làm bất ổn tình hình tại Nga », « chuyển chiến tranh sang đất Nga » trong khi người Nga bị ru ngủ bằng tuyên truyền của Kremlin. Ukraina đã chiếm được 1.000 cây số vuông lãnh thổ Nga, sẽ là thế mạnh một khi đàm phán. Như tổng thống Volodymyr Zelensky đã nói : « Áp lực lên Nga càng mạnh thì hòa bình càng đến gần ». Một lần nữa Kiev chứng tỏ với các đồng minh là luôn có khả năng tiến hành những chiến dịch quy mô, và cần đến sự táo bạo.

 

The Economist dẫn lời một sĩ quan Ukraina cho biết Kiev đã gởi những đội quân thiện chiến nhất đến điểm yếu nhất ở biên giới, đè bẹp những vị trí Nga hầu hết do lính quân dịch trấn giữ, và lính Nga nhanh chóng đầu hàng, bắt giữ được rất nhiều tù binh. Chỉ trong vài ngày, một giàn khoan khí đốt ở Hắc Hải và một căn cứ không quân Nga đã bị các drone Ukraina tấn công, khiến giá khí đốt thế giới tăng lên. Một tàu chiến Nga bị đánh đắm bởi Sea Baby, một trong những drone hải chiến đã từng đuổi hạm đội Nga ra khỏi Hắc Hải. Một đoàn xe quân sự Nga cũng là mục tiêu của các drone Ukraina, rất nhiều lính Nga thiệt mạng.

 

Trong bài xã luận, Libération nhận định Ukraina được cho là đang tê liệt do khó tuyển được quân và chịu áp lực từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đã thành công trong việc tạo ra ngạc nhiên lớn giữa mùa hè. Nhân danh phòng vệ chính đáng được Hiến chương Liên Hiệp Quốc công nhận, Kiev đã phá vỡ điều cấm kỵ. Thời điểm được chọn lựa không phải ngẫu nhiên : dự kiến Nga và Mỹ sẽ thảo luận về tương lai Ukraina. Khó thể hình dung Kiev chấp nhận việc đứng ngoài. Hiện chưa biết Kiev có tham vọng nào khác hay không.

 

Bị lăng nhục, nhưng Putin phản ứng dè dặt như lúc Wagner nổi loạn

 

Phản ứng của Putin giống như hồi quân Wagner nổi loạn tiến về Matxcơva : lặng lẽ cho di tản dân, vài ngày sau mới dè dặt nhìn nhận là một số địa phương đã bị chiếm. Nhiều nhà quan sát dùng chữ « nhục nhã » cho Putin và quân Nga. Dù ở mức độ hạn chế, sự kiện Ukraina đánh sang đất Nga là cú sốc lớn, và hậu quả của vụ Yevgeny Prigozhin đối với quân đội vẫn còn, ông chủ điện Kremlin trở nên dễ tổn thương hơn. Có vẻ như FSB, lực lượng con cưng của Putin cũng như bản thân tổng thống Nga đều quá bất ngờ.

 

Đối với Libération, trước cuộc tấn công của Ukraina trên lãnh thổ mình, Nga trong thế thủ. Tuy chế độ Putin khẳng định kiểm soát được tình hình, nhưng cư dân vùng chiến sự Kursk tiếp tục được ồ ạt tổ chức di tản, con số đã lên đến 121.000 người. Tổng cộng có 28 địa điểm đã đổi sang màu cờ Ukraina.

 

Theo nhà phân tích quân sự Emil Kastehelmi, tình hình chưa hẳn đã tốt đẹp, Ukraina vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được Korenevo lẫn Soudja và có thể quân Nga đã chận hướng bắc. Tuy nhiên Kiev giữ được hầu hết phần đất đã chiếm, và dù quân Nga đông hơn, Ukraina vẫn ở thế công. Cựu tướng Úc Mick Ryan hôm qua viết rằng Kiev có ba chọn lựa : củng cố tất cả các vị trí chiếm được trước khả năng đàm phán, lùi lại để bảo vệ những vùng quan trọng nhất mà không mất quá nhiều người, hoặc rút lui toàn bộ khỏi Nga – một cách để giảm thiểu thiệt hại và lăng nhục tối đa Putin.

 

Không nước nào chỉ trích Ukraina « xâm lăng » : Một bước ngoặt

 

Le Figaro ghi nhận tinh thần người Ukraina lên cao, còn người Nga đang hết sức hoang mang khi chiến sự diễn ra trước mắt. Phóng sự của Libération mô tả sự bất bình của người dân tỉnh Kursk. Không ít người chỉ trích « Nga bị xâm lăng, còn Putin vẫn ở trong boong-ke ». Phe dân tộc chủ nghĩa bất bình khi chính quyền chỉ lập chế độ « chống khủng bố » ở ba tỉnh biên giới thay vì tuyên chiến. Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho rằng có lẽ Kremlin muốn giảm thiểu tầm cỡ cuộc tiến công đối với công chúng, hạn chế những phản ứng tiêu cực. Theo trang mạng độc lập Nga Verstka, Putin tránh dùng những từ ngữ quân sự khi họp với thống đốc lâm thời Alexei Smirnov của Kursk hôm 08/08.

 

Diễn tiến còn tùy thuộc tác động của chiến dịch và phản ứng tiếp theo của Kremlin. Cuộc tấn công vào Kursk có gây chia rẽ trong chính quyền Nga, buộc Matxcơva phải đưa viện quân đến, làm giảm áp lực ở miền đông Ukraina ? Liệu Ukraina có đủ sức giữ được lâu dài mặt trận mới, và Nga có gia tăng mức độ trả đũa quân sự ? Những câu hỏi chờ đợi được trả lời trong những ngày, những tuần lễ tới.

 

Bài xã luận của Le Figaro nhận xét, cả tuần rồi Matxcơva phải chịu trận mà chưa thể đẩy lùi được lực lượng Ukraina. Chính quyền các tỉnh Kursk, Belgorod, Briansk mô tả tình hình là « khó khăn » thậm chí « báo động », phải sơ tán cả trăm ngàn dân. Chỉ riêng áp lực chưa từng thấy của David lên Goliah đã là một thành công của Ukraina. Kiev chứng tỏ với phương Tây rằng sự cấm đoán sử dụng vũ khí viện trợ lâu nay là không nên có.

 

Phía sau thách thức nhiều rủi ro này, còn là quyết tâm chiến lược : đối đầu trực diện đang trong ngõ cụt thì phải thử cách khác. Ngay cả nếu đây là một ván bài thất bại, Nga sẽ không quên. Thế nên Mỹ và châu Âu đang theo dõi sát sao. Không ai phản đối tính chính danh của việc đưa chiến tranh sang lãnh thổ Nga, và cũng không ai chỉ trích việc Ukraina sử dụng vũ khí phương Tây. Với góc nhìn này, đây là bước ngoặt của cuộc chiến.

 

Pháp : Dư vị ngọt ngào của Thế vận hội Paris 2024

 

Người Pháp vẫn còn ngây ngất với dư âm của Thế vận hội, một giấc mơ tuyệt vời vừa trải qua. Le Monde tiếc nuối « Paris 2024 : Một mùa hè quá đẹp », với ảnh trang nhất là đám đông khán giả đang say mê theo dõi sự kiện. La Croix kêu gọi « Duy trì sức bật » : Tuy Thế vận hội không thể giải quyết được những vấn đề của đất nước, nhưng đã thay đổi bầu không khí và giúp người Pháp có được cái nhìn mới về chính mình. Libération đặt vấn đề « Sau Thế vận hội, tất cả đều dành cho thể thao ? ». Do thành công của Olympic Paris, nhiều người Pháp có ý định tập luyện các môn bóng bàn, bơi lội, bóng rổ... Nhật báo kinh tế Les Echos nhận xét thị trường chứng khoán nước chủ nhà thường tăng mạnh suốt sáu tháng sau, hy vọng lần này Paris sẽ hưởng được tác động từ Thế vận hội.

 

Trước mắt, Thế vận hội người khuyết tật - thường ít được chú ý - đã bán được 400.000 vé trong thời gian hai tuần Olympic vừa qua. Tác động tích cực về kinh tế thấy rõ đối với Pháp. Về mặt địa chính trị, Thế vận hội là thời điểm của đoàn kết, hòa bình, và có thể còn là đòn bẩy chính trị, theo La Croix. Chẳng hạn người tị nạn đã có được huy chương thế vận đầu tiên, hay lần đầu một chiến binh Ukraina giành được chiếc huy chương…Và các phái đoàn ngoại quốc có thể gặp gỡ, tiếp xúc không chính thức, nhân dịp này các nhân viên ngoại giao Pháp đã rất tích cực hoạt động.

 

Xã luận của Le Monde nhận định, Thế vận hội Paris đã mang lại hơn hai tuần lễ tự hào và hạnh phúc trong một nước Pháp không chính phủ. Thành công vượt quá mong đợi, từ giao thông công cộng không có gì chê trách cho đến an ninh, những bài hát Pháp được cất lên khắp nơi…Olympic Paris còn là chiến thắng của « soft power » Pháp. Vấn đề là làm sao duy trì nghị lực, sự cảm thông, khát khao thành công…Vạc lửa Olympic rực rỡ phía trên vườn Tuileries không thể là di sản duy nhất của Paris 2024.

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats