Thursday 8 August 2024

THẾ VẬN HỘI PARIS 2024 : "NHÀ OLYMPIC", QUYỀN LỰC MỀM QUẢNG BÁ VĂN HÓA CỦA CÁC QUỐC GIA (Chi Phương / RFI)

 



Thế Vận Hội Paris 2024 : « Nhà Olympic », quyền lực mềm quảng bá văn hóa của các quốc gia

 Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 07/08/2024 - 14:41

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20240807-th%E1%BA%BF-v%E1%BA%ADn-h%E1%BB%99i-paris-2024-nh%C3%A0-olympic-quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%B1c-m%E1%BB%81m-qu%E1%BA%A3ng-b%C3%A1-v%C4%83n-h%C3%B3a-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1c-qu%E1%BB%91c-gia

 

 Để giới thiệu văn hóa với quốc tế và cổ vũ vận động viên nước mình thi đấu tại Thế Vận Hội, nhiều quốc gia đã bố trí các « nhà olympic » tại thủ đô của Pháp. Hầu hết là mở cửa đối với tất cả mọi người, nhà Olympic cho phép khán giả theo dõi các trận đấu qua màn hình với màu sắc văn hóa riêng, trong bầu không khí lễ hội.

 

HÌNH :

Nhà Olympic của Ấn Độ được bố trí tại công viên Villette, Paris, Pháp, ngày 01/08/2024. © Chi Phuong

 

Lần đầu tiên từ 8 năm qua, những du khách đến dự sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh có thể trải nghiệm tính đa dạng văn hóa của Thế Vận Hội, sau sự kiện Tokyo 2021 bị bao phủ bởi Covid-19, đóng cửa với khách du lịch và cổ động viên. Tại công viên La Villette, phía bắc thủ đô Paris, “15 ngôi nhà Olympic”, từ các quốc gia khắp các châu lục, Á, Âu, hay Nam Mỹ,…, là nơi để quảng bá văn hóa với các hoạt động thể thao, giải trí, ẩm thực và cả những màn hình lớn để người hâm mộ có thể xem các trận đấu được truyền hình trực tiếp.

 

Du khách có thể ghé qua nhà Olympic của Mông Cổ, bước vào căn lều tròn, khám phá không gian sinh hoạt truyền thống của người du mục ở thảo nguyên Trung Á, thử cầm những chiếc cung của người Mông Cổ xưa, loại vũ khí làm nên nhiều chiến thắng lịch sử của Thành Cát Tư Hãn.

 

HÌNH :

Du khách thử bắn cung tại nhà Olympic của Mông Cổ, Paris, Pháp, ngày 01/08/2024. © Chi Phuong

 

Ngôi nhà Olympic của Đài Loan thu hút sự chú ý với dàn đèn lồng đỏ, qua các màn biểu diễn xuyên suốt sự kiện với sự góp mặt của hơn 24 nhóm nhạc, quy tụ 122 nghệ sĩ đến từ hòn đảo. Đài Loan muốn tôn vinh các vận động viên tham dự sự kiện qua nền văn hoá phong phú, mời khán giả thưởng thức các điệu hát cổ, các vở nhạc kịch, hay trình diễn múa đương đại, cho đến âm nhạc điện tử hiện đại. Một du khách chia sẻ:  “Tôi không nghĩ rằng lại có nhiều hoạt động giải trí và không khí nhộn nhịp đến vậy trong các nhà olympic khác nhau. Mọi người đến từ nhiều nước khác nhau, quy tụ tại đây. Chúng tôi đến thăm nhà của Nam Phi đầu tiên, sau đó là của Slovénia và Slovakia, rất đậm tính văn hoá. Hiện chúng tôi đang thăm nhà Olympic của Đài Loan, tận hưởng không gian văn hoá, uống thử đồ uống truyền thống. Nói thật là đồ uống của họ khá ổn, giá thành hợp lý, và đôi khi ngon hơn đồ uống Pháp”.

 

 

Quảng bá du lịch

 

Ấn Độ thì tạo dấu ấn của riêng mình với thiết kế ấn tượng, tràn ngập sắc màu ngay từ cổng vào, theo mô hình nhà truyền thống của quốc gia Nam Á. Du khách cũng có thể trải nghiệm kính thực tế ảo (VR), “du lịch khắp Ấn Độ mà không cần rời khỏi chỗ ngồi”, đi đến những địa điểm biểu tượng của đất nước. Nhà Olympic của Ấn Độ cũng bố trí một khu giới thiệu đồ thủ công, với sự hiện diện của các nghệ nhân, may trang phục truyền thống, dệt vải, dệt thảm. Ngoài ra, du khách còn có thể tham gia vào các trận đấu bóng gậy (cricket), hoặc các buổi hướng dẫn thiền hay tập Yoga. Ấn Độ cũng đang “đấu tranh” để đưa môn Yoga vào môn thi đấu chính thức tại Olympic.

 

Sau lễ cưới tỷ đô cho con trai, thu hút sự chú ý của quốc tế vừa qua, bà Nita Ambani, vợ của doanh nhân giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani, cũng là chủ tịch của Quỹ Reliance, và là thành viên của Ủy ban Olympic Ấn Độ, có mặt tại buổi lễ “khánh thành nhà Olympic Ấn Độ” khẳng định : “Hôm nay, chúng ta tụ họp tại Thế vận hội Olympic Paris 2024 để mở ra cánh cửa đến với một giấc mơ. Một giấc mơ thuộc về 1,4 tỷ người Ấn Độ, đưa Thế vận hội đến Ấn Độ”. Những du khách ghé thăm có thể đăng ký bầu cho Ấn Độ trở thành nước chủ nhà, đăng cai Thế Vận Hội trong tương lai.

 

Không chỉ riêng Ấn Độ muốn quảng bá thể thao và du lịch. Dọc theo kênh Canal de l’ours, tại không gian văn hóa của Slovakia, bà Judit Sipekiova, thuộc bộ Du Dịch và Thể Thao Slovakia, khẳng định rằng nhiều người không biết xác định vị trí của Slovakia trên bản đồ, do vậy đây là một dịp quan trọng để đất nước chúng tôi được biết đến. Không chỉ có màn trình diễn nhạc, quầy bar giới thiệu đồ uống mà du khách còn có thể thử xe đạp, được gắn thiết bị đo tốc độ cũng như hiệu suất năng lượng tạo ra, nhằm đánh giá khả năng tối đa của vận động viên trong thời gian ngắn nhất.

 

Một du khách cho hay : “Chúng tôi cứ tưởng là đang ở một lễ hội nào đó. Chúng tôi ghé qua nhà của các nước Slovak và hầu hết đều giới thiệu về môn đua xe đạp, đó cũng là môn thể thao mà tôi rất thích. Bạn của tôi đã thử các thiết bị của họ và kết quả của anh ấy khiến tôi tự hào”.

 

Slovakia có địa hình chủ yếu là núi đồi, nhưng lại phát triển mạnh môn đua xe đạp, với những vận động viên nổi danh thế giới, chẳng hạn như Peter Sagan, ba lần vô địch thế giới, 7 lần vô địch Tour de France.

 

HÌNH :

Hai cổ động viên tại nhà Olympic của Brazil nhân Thế Vận Hội, Paris, Pháp, 01/08/2024. © Chi Phuong

 

Nhà Olympic cũng là nơi để các cổ động viên đến xem các trận đấu trực tiếp qua màn hình lớn, chẳng hạn như tại không gian của Brazil, phủ sắc áo quốc kỳ màu vàng xanh. Hàng trăm người quy tụ trước các màn hình được bố trí tại Casa Brazil, trước cuộc thi thể dục nhịp điệu mà vận động viên Rebecca Andrade “đối đầu” với siêu sao Simone Biles. Người đánh trống, hát quốc ca Brazil, nhún nhảy dưới nền nhạc Mỹ La Tinh,

 

Lần đầu đến dự một Thế Vận Hội, cô Vanessa, người Brazil, đến Paris cùng chồng, cả hai đã đi xem các cuộc thi đấu tại sân vận động, nhưng khi đến xem các trận đấu được truyền hình trực tiếp tại Casa Brazil, cô có cảm tưởng là “đang ở nhà”. Cô nhận định: “Đây là một trải nghiệm tuyệt vời, khi nhìn thấy mọi người mang cờ, mặc áo hình quốc kỳ Brazil, và nhất là chứng kiến cảnh vận động viên của nước mình giành được một huy chương bạc”.

 

Một du khách khác, người Pháp, Clément Ducroix, thì khẳng định rằng ý tưởng nhà Olympic rất tuyệt vời, vì “mở cửa cho hầu hết tất cả mọi người”.

 

“Ngay cả khi không biết gì về đất nước đó, thì chúng tôi cũng có thể ghé thăm. Không khí cũng rất vui nhộn với màu sắc của Brazil, mọi người cùng thưởng thức các món ăn Brazil, hoà vào nền văn hoá này. Tôi nghĩ đó chính là tinh thần của Thế Vận Hội, quy tụ mọi từ khắp nơi, từ các nước khác nhau”.

 

Nước chủ nhà Pháp cũng có nhà olympic riêng – Club France và cũng là fan-zone, khu vực dành cho người hâm mộ, được bố trí ngay tại lối vào công viên.

 

Cũng tương tự như các nhà olympic khác, nhưng Club France có quy mô lớn hơn, với sức chứa lên đến hơn 20 000 người, cũng như các màn hình lớn, được đặt cả bên trong và bên ngoài và những hoạt động thể thao như bóng bàn, tennis. Du khách cũng có thể thử các môn thể thao như đấu kiếm, bắn cung, hoặc chụp ảnh cùng ngọn đuốc Olympic. Thường là buổi tối, sau khi các trận đấu kết thúc, các vận động viên giành được huy chương sẽ có mặt, chia sẻ chiến thắng cùng các cổ động viên.

 

 

Quyền lực mềm

 

Thể thao cũng khó có thể tách khỏi chính trị, và thường được cho là quyền lực mềm của các nước. Đặc biệt là với trường hợp của Ukraina, đặt tên cho nhà Olympic là « Volia», vừa có nghĩa là « ý chí » và « tự do » trong tiếng Ukraina. Một trong những người quản lý không gian này, Yuri Sviridov, giải thích với AFP rằng « đây là dịp quan trọng để thu hút sự chú ý của quốc tế và không thể bỏ lỡ cơ hội nhắc lại cho thế giới về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina ».

 

Thông điệp « The Will to win » - Mong muốn chiến thắng, cùng với những hình ảnh về sân vận động Kharkiv bị phá hủy, được trưng bày ở khắc mọi nơi trong không gia này.

 

Ban tổ chức của công viên Villette cho biết Casa Brazil và nhà Olympic của Ấn Độ đã kín chỗ và mời mọi người đến khác nhà Olympic khác, hoặc Decathlon Playground – khu giới thiệu các hoạt động thể thao của hãng Decalthlon.

 

Ngoài công viên Villette, nhà Olympic từ các quốc gia khác cũng được bố trí khắp thủ đô, trong các tòa nhà Hausmann hay trong quán rượu, như trường hợp của nhà Olympic Ireland, nhằm quảng bá văn hóa, truyền tải thông điệp của nước mình tại giải đấu thể thao thế giới. Hay nhà Olympic của Ả Rập Xê Út được đặt trong căn biệt thự Cambon Capucines, muốn cải thiện hình ảnh, nêu bật các bức chân dung phụ nữ Ả Rập Xê Út đầu tiên tham gia thi đấu tại Thế Vận Hội.

 

Hầu hết các “nhà Olympic” đều mở cửa miễn phí, đôi khi phải đăng ký đặt chỗ trước, hoặc có giá từ 5 đến 30 euros, riêng nhà Olympic của Anh Quốc đặt tại quận 16 của Paris, trong Pavillon d'Armenonville có vé vào cửa từ 178 euro. Nhà Olympic của Hoa Kỳ là có giá cao nhất, từ 325 euro, đặt tại cung điện Brongniart, giữa lòng thủ đô Pháp.

 

Để phục vụ khán giả từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là những người không mua được vé để xem trực tiếp các giải đấu, thành phố Paris cũng bố trí hơn 20 fan-zone, với các màn hình lớn, khắp thủ đô, đặc biệt là khu vực ngay trước tòa thị chính, với sức chứa hơn 3000 người.

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

Tạp chí Đặc biệt

Olympic : Marie Marvingt, em gái của Sơn Tinh, Thủy Tinh

 

Tạp chí Xã hội

Thế Vận Hội Paris 2024 sẽ để lại cho nước Pháp những hạ tầng thể thao nào ?

 

Tạp chí Kinh tế

Olympic Paris 2024 : Kỳ vọng kinh tế

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats