Tuesday 20 August 2024

KẾ HOẠCH TUYÊN TRUYỀN TƯƠNG TÁC LÊN MẠNG XÃ HỘI CỦA VIỆT NAM ĐANG GẶP NHIỀU THÁCH THỨC (Nguyễn Thanh Giang | DCVOnline)

 



Kế hoạch tuyên truyền tương tác lên mạng xã hội của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức

Nguyễn Thanh Giang | DCVOnline

Posted on August 19, 2024   

https://dcvonline.net/2024/08/19/ke-hoach-tuyen-truyen-tuong-tac-len-mang-xa-hoi-cua-viet-nam-dang-gap-nhieu-thach-thuc/

 

Chính phủ Việt Nam phải buông tay kiềm soát để thu hút được sự chú ý của người dân, trong thời đại kỹ thuật số mới liên quan đến truyền thông.

 

https://cdn.i-scmp.com/sites/default/files/styles/1200x800/public/d8/images/canvas/2024/08/16/80bc7085-ea94-4026-959e-ae12a7027b66_3c7c296b.jpg?itok=oShSuHNI&v=1723805270

Khách trong một quán cà phê internet ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam dùng máy tính xách tay. Ảnh: Bloomberg

 

Cho đến gần đây, việc kiểm soát thông tin của Việt Nam gồm có ba chiến thuật: chặn và xóa “nội dung không phù hợp” chỉ trích chính phủ, giám sát/theo dõi mạng truyền thông xã hội và truy tố có hệ thống những người bất đồng chính kiến trên mạng, việc này đã gia tăng trong những tháng gần đây.

 

Tuy nhiên, chỉ kiểm soát thôi thì chính phủ đã không thể giành được sự ủng hộ của công chúng. Trong đại dịch COVID-19, một số “khủng hoảng truyền thông có hậu quả xã hội nghiêm trọng” đã xẩy ra, chẳng hạn như cuộc hồi cư hàng loạt của những người dân lao động từ quê lên tỉnh làm việc rời khỏi Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9 năm 2021 bất chấp lệnh phong tỏa. Việc này khiến Đảng Cộng sản Việt Nam kết luận rằng ở một số khu vực, hoạt động tuyên truyền của chính phủ “chưa đủ sức thuyết phục” và phải thay đổi từ tuyên truyền một chiều [cách cũ] sang “tương tác đa chiều”. Khái niệm mới này đã được chính thức kết tinh trong một cuốn sách xuất bản vào tháng 9 năm 2023 của viên tướng công an ba sao Nguyễn Văn Thành, cũng là một lý thuyết gia Cộng sản cao cấp, về việc bảo vệ “an ninh thông tin nhà nước” bằng cách đến gần với công chúng. Đây là một dấu hiệu cho thấy phe bảo thủ trong Đảng cuối cùng đã chấp nhận cách mới để “quản lý khủng hoảng truyền thông”.

 

Vào tháng 2 năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã công bố kế hoạch tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để tạo ra một cách truyền thông chính sách mới. Lập ra để lấy sáng kiến của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tư nhân, Chỉ thị 7 của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ đã thúc đẩy tất cả những cơ quan chính phủ thực hiện ba điều. Thứ nhất, tăng cường truyền thông đại chúng trên mạng kỹ thuật số bằng cách đưa tin tức chính thức cùng lúc dùng kỹ thuật số để theo dõi và đánh giá khuynh hướng truyền thông để có thể xác định sớm được những cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng, cần phải có phản ứng của nhà nước. Thứ hai, chống lại tin giả mạo, tin tức độc hại và ý kiến chống lại ĐCSVN và chính phủ. Thứ ba, thành lập những đội ngũ đã được huấn luyện chuyên nghiệp nhằm cung cấp “tin tức tích cực” và thông tin chính xác cho công chúng và quản lý những cuộc khủng hoảng truyền thông trên mạng.

 

Vào tháng 3, chủ tịch Quốc hội khi đó là Vương Đình Huệ đã công khai ca ngợi “những chương trình phát trực tiếp của cá nhân trên TikTok và YouTube, với hàng trăm ngàn người xem mỗi lần” và thúc giục chính phủ tổ chức những cách truyền thông tương tự để tranh luận về pháp lý. Vào tháng 6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã hứa sẽ giúp hoạt động mới này “xây dựng tài nguyên và đào tạo kỹ thuật”, để những phiên tương tác có sự tham gia của giới chuyên gia chính sách và người có sức ảnh hưởng có thể thu hút được số khán giả đông đảo. Đã có nguồn tài trợ bổ túc dành cho việc tuyển dụng này.

 

https://img.i-scmp.com/cdn-cgi/image/fit=contain,width=1024,format=auto/sites/default/files/d8/images/canvas/2024/08/16/d30b4eec-2be3-42be-95d5-b538ca80d76a_fbf7b8cf.jpg

Vương Đình Huệ khi còn là Chủ tịch Quốc hội tại Quốc hội ở Hà Nội vào tháng 12, 2023. Ảnh: AP

 

Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch mới này bị cản trở vì chính phủ kiểm soát chặt chẽ phương tiện truyền thông, và kế hoạch này không thích hợp với mạng xã hội và lòng tin thấp của công chúng đối với những thông điệp của chính phủ.

 

Đầu tiên, sự đáp ứng và tính tương tác vốn có của mạng xã hội không thích hợp với những quy định hiện hành của hệ thống truyền thông Việt Nam là hạn chế chia sẻ thông tin và đăng những ý kiến ​​​​khác. Việc chính phủ kiểm duyệt bình luận trực tiếp hiện nay không những chỉ phá hỏng toàn bộ mục đích tung ra tương tác khắp nơi mà còn phải tuân thủ tất cả quy định của những mạng kỹ thuật lớn như YouTube và Facebook. Việc này bất chấp mục đích tuyên bố của Facebook là “trao quyền cho mọi người xây dựng cộng đồng” và chính sách của YouTube là nêu bật tiếng nói của cá nhân. Tính đến hôm nay, họ đã miễn cưỡng xóa một số tài liệu trực tuyến theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam nhưng cũng phản đối áp lực từ phía chính quyền để giữ cho những mạng xã hội này đến gần với hàng triệu người dùng ở Việt Nam và nước ngoài.

 

Thứ hai, giới chuyên gia truyền thông Việt Nam vẫn chưa có quyền tự do lựa chọn chủ đề cho ấn phẩm của mình và phản hồi một cách tự phát với công chúng. Luật Báo chí (2016) quy định chặt chẽ phạm vi những chủ đề được phân loại là nhậy cảm. Những hành động phạm tội có thể bị trừng phạt được định nghĩa mơ hồ gồm nhiều lĩnh vực đưa tin mới không được quản lý chặt chẽ, như đăng tài liệu gây “bối rối cho công chúng” hoặc đăng tin làm suy yếu “sự đoàn kết dân tộc, tôn giáo và sắc tộc” (Điều 9). Luật An ninh mạng (2018) tiếp tục cản trở quyền tự do ngôn luận của giới chuyên gia truyền thông, ngay cả trên danh mục cá nhân của họ trên mạng xã hội. (Ghi chú của biên tập viên: Hiến pháp Việt Nam ghi nhận quyền tự do ngôn luận nhưng không có tòa án hiến pháp và quyền tự do này bị những đạo luật khác, chẳng hạn như đạo luật đã liệt kê ở trên xâm phạm.) Ngoài ra, hình phạt tập thể đối với lỗi biên tập và trích dẫn sai lời một nhân vật lãnh đạo là rất nghiêm khắc, ví dụ như việc đình chỉ ba tờ báo trong ba tháng và ký giả không được trả lương trong khoảng từ 2018 đến 2023.

 

https://img.i-scmp.com/cdn-cgi/image/fit=contain,width=1024,format=auto/sites/default/files/d8/images/canvas/2024/08/16/6a9fc93d-54e4-4c15-b601-6de6f8501b84_798e21ed.jpg

Một người đọc tin về cái chết của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 19 tháng 7. Ảnh: EPA-EFE

 

Nỗi sợ bị trừng phạt này khiến việc truyền tải tin tức chính trị ở Việt Nam phải theo sát kịch bản, đến mức thường đọc nguyên văn những thông báo chính thức trên đài truyền hình quốc gia. Phát hình trực tiếp về những vấn đề xã hội ở tỉnh ít bị giám sát hơn, nhưng tự kiểm duyệt là tiêu chuẩn. Như một nhà báo của chính phủ đã nhận xét tại một lễ hội truyền thông của chính phủ ở Hà Nội vào tháng 7, bất kỳ nhóm truyên thông trực tiếp nào vẫn phải “cẩn thận” khi đụng đến “những chủ đề nhậy cảm nhưng rất phổ biến” để tránh “làm bùng nổ những xung đột và hiểu lầm không cần thiết”.

 

Thứ ba, nhân viên truyền thông của chính phủ sẽ gặp khó khăn trong việc xác định mình và giành được lòng tin của công chúng từ những người có ảnh hưởng cá nhân đã nổi tiếng, nhờ sự tương tác của họ với hàng trăm ngàn người theo dõi trung thành từ nhiều năm. Một bộ phận lớn người Việt Nam đã chuyển sang xem những YouTuber của cá nhân và những người có ảnh hưởng trên Facebook để biết tin tức và phân tích vì họ không tin vào truyền thông của chính phủ. Nhu cầu của truyền thông nhà nước trong việc lấy lại lòng tin của công chúng lần đầu tiên được thủ tướng lúc bấy giờ là Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận cách đây năm năm và vẫn còn rất quan trọng như một tạp chí Cộng sản đã đưa tin.

 

Với những việc vừa nêu, việc chấp nhận sự thất bại của cách tuyên truyền cũ theo kiểu từ trên xuống là một bước đi đúng hướng nhưng để việc áp dụng cách truyền thông xã hội có hiệu quả, chính phủ cần phải thực hiện những thay đổi thực chất và có ý nghĩa đối với những quy định nghiêm ngặt về truyền thông của Việt Nam, đã được thiết lập để kiểm soát thay vì thu hút. Chỉ bằng cách giảm bớt sự kiểm soát chặt chẽ đó và để nhân viên truyền thông nắm quyền chủ động, chính phủ mới có thể thực sự thu hút được quần chúng và khai thác mạng xã hội đúng mức để đạt hiệu quả tốt hơn.

 

.

Tác giả | Nguyễn Thanh Giang là Nghiên cứu viên cao cấp thỉnh giảng tại Viện ISEAS – Yusof Ishak và là cựu biên tập viên tin tức tại BBC World Service Languages ​​ở London, Vương quốc Anh.

 

© 2024 DCVOnline

 

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

 

________________________

 

Nguồn: Vietnam’s Plan to Populate Social Media with Interactive Propaganda Faces Challenges | Nguyen Thanh Giang | https://fulcrum.sg/ | August 13, 2024.

 

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats