Tuesday 27 August 2024

CHỐNG THAM NHŨNG VÀ ĐỘC QUYỀN CÔNG NGHỆ TRUNG QUỐC : HAI HẠN CHẾ ĐỐI VỚI KHAI THÁC ĐẤT HIẾM VIỆT NAM (Thu Hằng / RFI)

 



Chống tham nhũng và độc quyền công nghệ Trung Quốc: Hai hạn chế đối với khai thác đất hiếm Việt Nam

 Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 26/08/2024 - 13:13

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20240826-vn-khai-thac-dat-hiem-bi-han-che-vi-chong-tham-nhung-va-doc-quyen-cong-nghe-trung-quoc

 

Việt Nam có trữ lượng khoảng 22 triệu tấn đất hiếm và chiếm 18% tổng lượng thế giới nhưng trong suốt nhiều năm lại không khai thác, xuất khẩu tương xứng với tiềm năng. Trước nhu cầu ngày càng tăng và chủ trương giảm phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc của nhiều nước, đất hiếm ở Việt Nam ngày càng được quan tâm.

 

HÌNH :

Đất hiếm, nguyên liệu cần thiết để chế tạo các sản phẩm công nghệ cao (en.wikipedia.org)

 

Tháng 06/2024, chính phủ tuyên bố « nhất quyết không xuất khẩu đất hiếm thô ». Tuy nhiên, sẽ mất bao lâu để thực hiện được ý định này trong khi các nhà đầu tư vào Việt Nam lại không làm chủ được công nghệ tinh luyện mà trung Quốc nắm giữ ?

 

Trên đây là nhận định của phó giáo sư Éric Mottet, Đại học Công giáo Lille, kiêm giám đốc nghiên cứu và phụ trách về phát triển tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp - IRIS, khi trả lời phỏng vấn của RFI Tiếng Việt, ngày 10/07/2024. Đồng thời, chuyên gia Mottet còn nhấn mạnh đến chiến dịch chống tham nhũng, được coi là yếu tố thứ hai có thể tác động đến lĩnh vực khai thác đất hiếm ở Việt Nam. Sự kiện mới nhất là ông Nguyễn Linh Ngọc, nguyên thứ trưởng bộ Tài Nguyên Môi Trường bị khởi tố ngày 22/07/2024 liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương, gây thát thoát khoáng sản của Nhà nước với trị giá ước tính trên 600 tỷ đồng.

 


 

RFI : Theo báo cáo năm 2022 của Viện Geological Survey của Mỹ, tổng khối lượng đất hiếm của Việt Nam chiếm khoảng 18% tổng lượng trên thế giới, kể cả đất hiếm nặng và nhẹ. Có thể tìm thấy đất hiếm tại những vùng nào ở Việt Nam ?

 

Éric Mottet : Tại Việt Nam, đất hiếm nằm ở nhiều nơi. Trước tiên là ở phía tây bắc, nơi có một trong những mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam, cho đến giờ vẫn gần như chưa được khai thác. Đất hiếm còn nằm ở vùng cao nguyên miền trung và dọc bờ biển, gần như từ bắc xuống nam. Ở Việt Nam, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, đất hiếm vốn rất dồi dào, dễ khai thác. Nhưng sự khác biệt, hoặc nói một cách khác là vấn đề duy nhất nằm ở công nghệ để tinh luyện chúng.

 

Như câu hỏi đã nêu, đất hiếm ở Việt Nam chiếm khoảng 18% trữ lượng thế giới. Đó là con số rất lớn, được coi là nguồn trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với giá trị được thẩm định gần 3.000 tỉ đô la Mỹ. Con số này lớn gần gấp 10 lần GDP Việt Nam. Nhưng hiện giờ, những mỏ đất hiếm này hầu hết chưa được khai thác. Việt Nam là một nhà sản xuất đất hiếm nhưng theo tôi, chỉ là một nhà sản xuất vô cùng nhỏ, vì mới chỉ khai thác được khoảng 600 tấn/năm. Năng suất này thấp hơn rất nhiều lần so với Trung Quốc, thậm chí thấp hơn cả Miến Điện, nước khai thác 38.000 tấn hàng năm.

 

Dù sao, đất hiếm ở Việt Nam có tiềm năng đáng kể mà rất nhiều nước phương Tây đang nhìn với con mắt ghen tị.

 

*

RFI : Ngay năm 2014, một số giấy phép khai thác đất hiếm đầu tiên đã được cấp nhưng dường như hoạt động khai thác không được tiến triển. Những nguyên nhân, yếu tố nào có thể giải thích cho tình trạng này?

 

Éric Mottet : Có nhiều lý do. Chúng ta đừng quên là đất hiếm, nhất là ở tây bắc Việt Nam, đã được hai công ty Nhật Bản khai thác cho đến năm 2015. Nhưng việc Trung Quốc có quá nhiều đất hiếm, khiến giá sụt thê thảm nên việc khai thác ở Việt Nam không đem lại lợi nhuận và buộc các công ty Nhật Bản rút khỏi dự án từ những năm 2014, 2015. Liên quan đến Việt Nam, các nhà đầu tư bị nản lòng vì giá thấp và thế gần như độc quyền của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm. Đối với nhiều nhà đầu tư, việc khai thác đất hiếm bị coi là mang lại ít lợi nhuận. Đó là lý do thứ nhất khiến đất hiếm rất ít được khai thác ở Việt Nam.

Tuy nhiên, từ năm 2023, thủ tướng Việt Nam đã công bố một quyết định thông qua kế hoạch thăm dò, tiếp theo là khai thác đất hiếm ở quy mô lớn. Chính phủ có ý định mời thầu vào cuối năm 2023, đầu năm 2024, nói theo cách khác là để “bán” nhiều lô trong mỏ Đông Pao ở vùng núi tây bắc. Theo lịch trình là tái khởi động vào cuối năm 2024 với dự kiến khai thác 10.000 tấn đất hiếm mỗi năm. Một số doanh nghiệp nước ngoài đã đặt sẵn bản doanh, ví dụ tập đoàn Úc Blackstone, hoặc nhiều hợp tác đang được thảo luận ít nhiều với Hàn Quốc.

 

Nhưng mọi chuyện dần bị dừng lại vào tháng 10, 11/2023 bởi vì chiến dịch chống tham nhũng trong các doanh nghiệp Việt Nam đã gây ra nhiều thiệt hại, kể cả trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của ngành công nghiệp mỏ khoáng sản, cũng như trong các công ty đang khai thác đất hiếm. Các vụ bắt giữ đã cản trở phần lớn những dự án của chính phủ, xin nhắc lại ở đây, là nhằm bán đấu giá những khu nhượng quyền khai thác mới cho những công ty Việt Nam hợp tác với các doanh nghiệp Úc và Hàn Quốc. Vì thế tôi cho rằng ngành công nghiệp này hiện giờ có phần bất trắc. Các nhà đầu tư nước ngoài lưỡng lự đầu tư vào khai thác đất hiếm ở Việt Nam.

 

Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam vẫn giữ kế hoạch chỉ đạo, muốn tiếp tục và muốn khoảng 2 triệu tấn đất hiếm được khai thác vào khoảng năm 2030. Nhưng tôi xin nhắc lại là vì hai lý do chính - chi phí khai thác thấp ở Trung Quốc và chiến dịch chống tham nhũng cùng với những vụ bắt giữ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khai thác, quản lý ngành công nghiệp mỏ và khoáng sản ở Việt Nam - cho nên những dự án được thông báo năm 2023 hiện giờ (năm 2024) đã bị đình chỉ.

 

Rất khó để biết được lý do chính xác khiến nhiều cán bộ hoặc lãnh đạo cấp cao của công ty quốc doanh, bán quốc doanh, tư nhân ở Việt Nam bị bắt vì tham nhũng. Tuy nhiên, có một vài thông tin được tiết lộ về một doanh nghiệp và các vụ biển thủ công quỹ của họ.

 

Thứ hai, Việt Nam có nhiều quy định hiện hành, khá là chặt chẽ về xuất khẩu khoáng sản thô ra nước ngoài. Và một trong hai doanh nghiệp quản lý đất hiếm dường như đã xuất khẩu bất hợp pháp sang Trung Quốc để tinh chế đất hiếm ở đó. Tại sao doanh nghiệp đó lại làm như vậy ? Đó là vì họ cho rằng chi phí thì cao, còn khả năng tinh chế ở Việt Nam còn quá yếu nên họ phải chuyển hướng sang Trung Quốc và người phụ trách đó đã bị bắt. Cho nên có thể thấy có hai lý do : biển thủ công quỹ và xuất khẩu đất hiếm trái phép ra nước ngoài, nhất là sang Trung Quốc.

 

*

RFI : Chính phủ Việt Nam khẳng định không xuất khẩu đất hiếm dạng thô. Việt Nam sẽ phải cải thiện những gì và cần hỗ trợ như thế nào để đạt được mục tiêu này ?

 

Éric Mottet : Quy định hiện hành của Việt Nam về xuất khẩu khoáng sản thô đã được thắt chặt hơn rất nhiều bởi vì Hà Nội đặt mục tiêu triển khai lĩnh vực tinh chế ở trong nước. Nhưng Việt Nam lại phải đối phó với rất nhiều thách thức lớn về năng lực, công nghệ, kỹ thuật tinh chế. Việt Nam muốn hình thành một dây chuyền khép kín từ khai thác đến tinh luyện đất hiếm nhưng vấn đề đầu tiên của Viện Nam hiện giờ là phải phát triển được năng lực tinh chế khoáng sản. Đó lại là cả một quá trình phải làm trong hợp tác với các doanh nghiệp Úc, Hàn Quốc.

 

Dù sao cũng có một tin vui, đó là chuyến công du Việt Nam năm 2023 của tổng thống Mỹ Joe Biden. Hà Nội và Washington đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường năng lực của Việt Nam, nhất là về thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khai thác đất hiếm. Nhưng Hoa Kỳ cũng không phải là một nước làm chủ được công nghệ tinh chế đất hiếm, bởi vì phần lớn khối lượng đất hiếm được khai thác ở Mỹ, nhất là ở bang California, cũng lại được chuyển sang Trung Quốc để tinh chế.

 

Vấn đề hiện nay đối với Việt Nam là họ muốn phát triển một lĩnh vực với các đối tác phương Tây, như Úc, Mỹ hoặc ở trong khu vực như Hàn Quốc, nhưng những nước này cũng không làm chủ hoàn toàn được công nghệ tinh chế hoặc tinh chế được đất hiếm với chi phí thấp. Cho nên có thể thấy là Việt Nam phần nào bị bí. Họ muốn phát triển khả năng tinh luyện đất hiếm nhưng lại không dựa vào đúng đối tượng.

 

Bắc Kinh hiểu rõ vấn đề của Việt Nam và đánh tiếng với chính phủ Việt Nam rằng quốc gia tinh chế được đất hiếm với chi phí thấp chỉ có Trung Quốc và nếu Việt Nam muốn phát triển lĩnh vực này thì phải hướng sang Trung Quốc. Nhưng đây là điều mà hiện giờ chính phủ Việt Nam chưa tính đến.

 

*

RFI : Như ông vừa nêu, nhiều công ty nước ngoài đã quan tâm đến việc khai thác đất hiếm ở Việt Nam nhưng hiện giờ vẫn chỉ ở giai đoạn thăm dò, nghiên cứu. Liệu có thể hy vọng là sẽ có nhiều tiến triển trong thời gian tới ? Những yếu tố nào có thể tác động đến những tiến bộ đó ?

 

Éric Mottet : Người ta từng nghĩ rằng mọi chuyện sẽ tiến triển trong năm 2023, 2024. Vì những lý do mà tôi đã nêu ở trên, nhất là chiến dịch chống tham nhũng trong các ngành công nghiệp và lĩnh vực khai thác mỏ ở Việt Nam, nên mọi chuyện bị chậm lại.

 

Tuy nhiên, có một yếu tố có thể thúc đẩy tình hình, đó là Hoa Kỳ muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực đất hiếm này. Mỹ đã đề xuất, đã ghi trong khuôn khổ một thỏa thuận là giúp Việt Nam lập bản đồ các nguồn trữ đất hiếm vì thường thì việc này sẽ cho phép thu hút các nhà đầu tư chất lượng vào Việt Nam. Mỹ muốn giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp này cũng là để giúp Mỹ giảm phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc về đất hiếm. Phía Hoa Kỳ thực sự tỏ thiện chí giúp đỡ Việt Nam phát triển ngành này. Đây là điều có thể coi là rất tích cực và tôi nghĩ đó là một yếu tố quan trọng trong tương lai đối với ngành khai thác đất hiếm ở Việt Nam.

 

Nhưng tôi cũng xin nhắc nhắc lại là Việt Nam đang dựa vào những đối tác mà hiện giờ chưa làm chủ hoàn toàn công nghệ chế biến đất hiếm. Thêm vào đó còn có một trở ngại khác. Đó là Trung Quốc, nước từng đề xuất giúp đỡ Việt Nam phát triển những công nghệ khác nhau trong các khâu khai thác, chế biến, xử lý và tinh chế đất hiếm, vào tháng 12/2023 đã quyết định ngừng xuất khẩu một phần công nghệ này ra nước ngoài để giữ phần nào độc quyền và vai trò quan trọng về lĩnh vực này.

 

Hiện giờ, Việt Nam bị kẹt giữa một bên là các nước phương Tây muốn giúp Việt Nam và muốn đầu tư nhưng lại không hoàn toàn yên tâm về kế hoạch chính sách ở Việt Nam và họ cũng không hẳn làm chủ công nghệ và bên kia là Trung Quốc, nước không còn muốn xuất khẩu công nghệ của họ ra nước ngoài, trong đó có thể có Việt Nam.

 

Có thể thấy là trong những năm 2023, 2024 có rất nhiều lạc quan về vấn đề đất hiếm ở Việt Nam nhưng hiện giờ, tôi cho rằng lạc quan đó đã bớt đi phần nào so với chỉ cách đây vài tháng.

 

*

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn phó giáo sư Éric Mottet, Đại học Công giáo Lille, kiêm giám đốc nghiên cứu và phụ trách về phát triển tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp - IRIS.

 

 

--------------------------

Các nội dung liên quan

 

VIỆT NAM - ĐẤT HIẾM

Đất hiếm Việt Nam: Mỹ đánh giá trữ lượng thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó

 

VIỆT NAM - MỸ - HỢP TÁC BÁN DẪN

Mỹ - Việt ký thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng chất hiếm

 

VIỆT NAM - ĐẤT HIẾM

Việt Nam : Nhen nhóm tham vọng vào tốp đầu các nước sản xuất đất hiếm







No comments:

Post a Comment

View My Stats