Monday 13 May 2024

VỤ LỪA ĐẢO ĐẶC BIỆT Ở VIỆT NAM PHƠI BÀY LỖ HỔNG CỐ HỮU CỦA NGÂN HÀNG (George Klakadis / Phân Tích Kinh Tế)

 



 

Vụ lừa đảo đặc biệt ở Việt Nam phơi bày lỗ hổng cố hữu của ngân hàng    

George Kladakis

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

11.5.2024

https://www.phantichkinhte123.com/2024/05/vu-lua-dao-dac-biet-o-viet-nam-phoi-bay-lo-hong-co-huu-cua-ngan-hang.html#more  

 

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cho thấy thế giới phụ thuộc nhiều đến cỡ nào vào việc các ngân hàng được vận hành tốt. Kể từ đó, các cơ quan quản lý đã được trao những quyền mới để siết chặt kiểm soát một vài tổ chức lớn nhất nhằm ngăn chặn rủi ro, lòng tham và tham nhũng.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg1kWtTY2pRpYfqySvwr_UO1oCO7JSuJnYU-KeH4p2qL0TWObH1Y-dCwmq1JhTn0eTVyuzgzSMkPsYY2UIVIkwVBgBCbhQHQwzGeH2LsBGUUrAfpofluxPRD3NOEZUxHdqWSCSPlBTPUF9I76l9qRR8bTwnFezJuGy0xBETzuUPMkpmgJ4JkohZr44R0ek/w549-h366/thumb.jpg

Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ở Việt Nam, tháng 4 năm 2024. EPA-EFE/STRINGER

 

Nhưng dù ở đâu thì cách tiếp cận này cũng đều không hiệu quả. Vào ngày 11 tháng 4 năm 2024, một nữ doanh nhân ở Việt Nam bị kết án tử hình vì lừa đảo vay 44 tỷ USD từ một trong những ngân hàng lớn nhất đất nước.

 

Trương Mỹ Lan đã lấy số tiền – mà hầu hết là khó có khả năng thu hồi – ra khỏi Ngân hàng Thương mại Sài Gòn (SCB) bằng cách lách luật Việt Nam vốn cấm bất kỳ ai sở hữu trên 5% cổ phần của ngân hàng. Bằng cách sử dụng hàng trăm công ty bình phong [shell company] (kèm những phương pháp khác), cuối cùng bà đã sở hữu hơn 90% cổ phần của SCB.

 

Trong khi đó, các khoản vay mà bà vay (trị giá gần bằng 10% GDP Việt Nam năm 2024) chiếm tới 93% tổng danh mục cho vay của ngân hàng. Bà ta đã nhân nhiều cơ hội để rút một lượng lớn tiền mặt và cất giữ dưới tầng hầm nhà mình.

 

Bà Lan dự kiến sẽ kháng cáo phán quyết của tòa án. Nhưng về cơ bản, trường hợp gian lận đặc biệt này phơi bày những điểm yếu cố hữu của các ngân hàng sử dụng tiền gửi để tài trợ cho các khoản vay. Nói một cách đơn giản, cứ mỗi 10 đồng gửi vào, ngân hàng có thể cho vay tới 9 đồng để hỗ trợ các khoản thế chấp hoặc cho vay doanh nghiệp, chỉ giữ lại 1 đồng làm dự trữ để cho phép rút tiền.

 

Nhưng về mặt lý thuyết, người gửi tiền có thể rút tiền bất cứ khi nào họ muốn, nếu họ yêu cầu một lượng tiền mặt đặc biệt lớn, ngân hàng có thể không có đủ dự trữ (thanh khoản – ND) để trang trải. Sau khi bà Lan bị bắt vào năm 2022, SCB phải đối mặt với tình trạng rút tiền hàng loạt (khi một lượng lớn khách hàng cố gắng rút tiền) và kể từ đó ngân hàng này được đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước.

 

Để tránh tình trạng trên, các ngân hàng ở hầu hết các nước đều được quản lý chặt chẽ. Và kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều ngân hàng được yêu cầu duy trì mức vốn và thanh khoản cao hơn để bù đắp cho các khoản lỗ trong thời kỳ căng thẳng.

 

Quy mô gian lận và tham nhũng diễn ra tại SCB nêu bật tác động tàn khốc mà môi trường tham nhũng có thể gây ra đối với lĩnh vực tài chính. Các nghiên cứu khác nhau cho thấy tham nhũng có thể ảnh hưởng xấu đến sự ổn định của ngành ngân hàng, giảm cho vay và tăng khả năng xảy ra khủng hoảng ngân hàng.

 

Việt Nam đã phải đối mặt với những thách thức về tham nhũng suốt một thời gian dài, và phiên tòa xét xử SCB là một phần quan trọng của chiến dịch được gọi là “Đốt Lò nhắm vào các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp như một phần trong nỗ lực xóa bỏ tham nhũng khỏi chính phủ Việt Nam và nền kinh tế.

 

Nhưng chuyện có lẽ không đơn giản đến thế.

Có lập luận cho rằng trong một số trường hợp, tham nhũng thực sự có thể mang lại lợi ích xã hội - nó có thể “bôi trơn bánh xe” của một nền kinh tế trì trệ. Một số người lập luận rằng những gì xảy ra với SCB là khá phổ biến (ở quy mô nhỏ hơn) trong nền kinh tế Việt Nam, và tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kể mà đất nước trải qua trong những năm gần đây (quy mô nền kinh tế đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2010) phần lớn là nhờ mức độ tham nhũng cao.

Ý tưởng này được ủng hộ bởi nghiên cứu cho thấy rằng tham nhũng không phải lúc nào cũng tàn phá về mặt kinh tế mà trên thực tế có thể đóng vai trò hỗ trợ.

 

Lý thuyết này cho rằng ở những nơi mà việc quản lý chậm chạp và nạn quan liêu vô tận, tham nhũng đôi khi có thể đẩy nhanh tiến độ mọi việc, nhờ bỏ qua những hạn chế kém hiệu quả của bộ máy quan liêu.

 

 

Những ảnh hưởng của tham nhũng

 

Trong một số trường hợp, tham nhũng có thể khiến các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động hiệu quả hơn. Các dự án được khởi động, việc làm ra đời, hợp đồng được trao. Mọi việc đâu vào đấy.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj1m8GdRVtm6B50rfoE0brIJU5wvKrhUgZLP0K3B6Hci9m0hwBDYSqsq6cPhPfZIXfmfi4fDRljZRAOEPcUVx99L7rMnPao81juM5WvCwXscBUHEMLXPnSPiJSYWT3_-3d5ZOCuFUD2ZSJEh0BsshrjbRDSSnwW-8dU3zjwWZf_z99SqKmdmMJWkXNrir8/w553-h432/a1.jpg

Quan liêu hạn chế. Ảnh: Lightspring/Shutterstock

 

 

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là cổ xúy cho tham nhũng nhiều hơn – mà chỉ để minh họa rằng tác động của nó có thể phức tạp hơn chúng ta nghĩ. Và chúng ta cần nhớ rằng bản thân giới quy định cũng có thể bị tham nhũng.

 

Mặc dù quy định tài chính nhắm vào tham nhũng có thể có hiệu quả, nhưng việc các cơ quan chức năng có quá nhiều quyền lực điều tiết cũng có thể sinh ra những hành vi tham nhũng. Nghiên cứu cho thấy rằng điều này tạo các cơ hội nhận tiền (hối lộ) đổi lấy các ưu đãi, trợ cấp và hợp đồng chính phủ.

 

Thậm chí người ta còn lập luận rằng các quy định được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ở Mỹ, cụ thể nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tương tự, đã tạo ra những rủi ro mới về gia tăng tham nhũng.

 

Nhưng hợp tác quốc tế có thể hữu dụng. Các nền kinh tế tiên tiến như Anh, Mỹ và EU đều là thành viên của Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng, nơi các hướng dẫn pháp lý cho lĩnh vực ngân hàng được thông qua chung. Điều này bảo vệ các quốc gia thành viên – và công dân của họ – chống lại tham nhũng bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn chung, giám sát các thủ tục của nhau và trao đổi thông tin.

 

Kết quả là, một trường hợp cực đoan như trường hợp xảy ra ở Việt Nam khó có thể xảy ra ở phương Tây. Nhưng cần phải cảnh giác liên tục, vì ngay cả các thủ tục và quy định được đưa ra để duy trì các tiêu chuẩn cao cũng dễ bị ảnh hưởng bởi chính loại tham nhũng mà chúng được thiết kế để ngăn chặn.

 

Tác giả

HÌNH : https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi_vT7SXWIWxLBIW6b1BgOAJD47vbFjA0EtBMNooSDMrzDIoSf7jpcjaHhyl72rj3ifaVTUquN-L3pUzKp24JtSunrBazFgV52hWWKDMRaCRFSiRduL9D1CDVYdig6YXp4f-aDFodvMDS-UnbarCfTO6WnGW0Tb5QTHwIgC5OvniyY2rn0EXQz_Qbb8-_I/w118-h118/George%20Kladakis.jpg

George Kladakis

Giảng viên Tài chính, Đại học St Andrews

 

Tuyên bố công khai

George Kladakis không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

 

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

 

Nguồn: Extraordinary Vietnam fraud case exposes the inherent vulnerabilities of banksThe Conversation, April 24, 2024.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats