Friday 3 May 2024

VIỆT NAM THUỘC NHÓM 3 NƯỚC GIAM GIỮ NHIỀU NGƯỜI VIẾT NHẤT THẾ GIỚI (BBC News Tiếng Việt)

 



Việt Nam thuộc nhóm 3 nước giam giữ nhiều người viết nhất thế giới

BBC News Tiếng Việt

3 tháng 5 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c163kgrzdkxo  

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/e05a/live/79623e20-092b-11ef-bee9-6125e244a4cd.jpg

Bà Phạm Đoan Trang từng đoạt giải thưởng Tự do Báo chí, hạng mục Ảnh hưởng, của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, năm 2019

 

Trong năm 2023, Việt Nam giam giữ tổng cộng 19 người viết, đứng thứ ba thế giới về số lượng, theo báo cáo Chỉ số Tự do Viết 2023 được công bố ngày 1/5/2024 của Tổ chức PEN America.

 

Con số 19 người của Việt Nam còn cao hơn cả ở những quốc gia đang có xung đột quân sự hoặc tham gia các cuộc chiến tranh như Nga (16 người), Israel (17 người) và Myanmar (12 người).

 

Bên cạnh 19 người bị bắt, có 30 cây viết Việt Nam khác được đánh giá là “đang bị đe dọa”.

 

Tổ chức Pen America được thành lập từ năm 1922 với mục đích bảo vệ quyền tự do biểu đạt và nhân quyền của các cây viết ở Mỹ và thế giới.

 

Chỉ số Tự do Viết (Freedom to Write Index - FWI) được Pen America công bố hằng năm kể từ năm 2019, trong đó liệt kê những người bị bắt giữ vì những gì họ viết tại các quốc gia.

 

Hai yếu tố chính về Việt Nam được FWI 2023 đề cập là việc lạm dụng luật và kiểm soát tự do ngôn luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

 

FWI 2023 chỉ liệt kê các trường hợp bị giam giữ tính tới năm 2023. Trong năm 2024, có thêm nhiều nhà hoạt động nổi tiếng và những người khác bị bắt vì những gì họ viết và biểu đạt ở trên mạng xã hội, mà dưới đây chỉ là những trường hợp nổi bật nhất.

 

Cuối tháng 2/2024, nhà hoạt động, blogger Nguyễn Chí Tuyến hay còn được biết đến với tên gọi Anh Chí đã bị công an Việt Nam bắt vào gần trưa ngày 29/2.

 

Vợ ông Tuyến là bà Tuyết cho biết với BBC News Tiếng Việt rằng công an không để lại giấy tờ văn bản dù gia đình đã yêu cầu, bà chỉ nhớ mang máng nội dung lệnh bắt liên quan đến tội “tuyên truyền, phát tán các tài liệu chống nhà nước”.

 

Đầu tháng 3/2024, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ba tiếng nói chỉ trích nổi tiếng với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước".

 

Những vụ bắt giữ xảy ra chỉ vài ngày sau khi nước này tuyên bố ứng cử vào nhiệm kỳ tiếp trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ).

 

·        ‘Làn sóng mới đàn áp tiếng nói bất đồng’ khi Việt Nam lại muốn có ghế ở Hội đồng Nhân quyền LHQ?6 tháng 3 năm 2024

·        Nguyễn Tiến Trung: 'Tại sao tôi đấu tranh? Tại sao tôi rời Việt Nam để sang Đức lúc này?'29 tháng 2 năm 2024

·        Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến bị bắt29 tháng 2 năm 2024

 

Một trong những người đang bị giam giữ là bà Phạm Đoan Trang. Bà là nhà báo, tác giả sách và cũng là một nhà hoạt động.

 

Bà Trang là người sẽ được trao Giải thưởng Tự do Viết PEN/Barbey năm 2024.

 

Được khởi xướng từ năm 2016, đây là giải thưởng để vinh danh những cây viết bị bắt giam do những tác phẩm của họ. Giải thưởng này là nỗ lực của PEN America nhằm chấm dứt tình trạng đàn áp các cây viết và bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

 

Bà Trang bị bắt và khởi tố vào năm 2020 với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 và tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.

 

Vào tháng 8/2022, bà Phạm Đoan Trang đã bị kết án 9 năm tù.

 

Đề cập tới án tù của bà Trang, FWI 2023 nói rằng bà bị kết án do “kêu gọi dân chủ” ở Việt Nam.

 

Trong FWI 2023, đứng đầu và thứ hai lần lượt là Trung Quốc (107 người) và Iran (49 người).

 

Đây là lần đầu tiên số cây viết bị giam giữ ở Trung Quốc vượt mốc 100 người.

 

Đa số những người bị giam giữ là do các hoạt động bày tỏ quan điểm trên mạng internet, như chỉ trích chính sách hoặc thể hiện sự ủng hộ đối với các phong trào dân chủ.

 

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có 152 cây viết bị giam giữ, nhiều nhất trên thế giới. Xếp thứ hai là khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) với 105 người bị giam giữ.

 

Bắt đầu từ năm 2019, số liệu từ FWI cho thấy sự gia tăng rõ rệt về số cây viết bị giam giữ toàn cầu – từ 238 người vào năm 2019 lên 339 người vào năm 2023 (cao nhất trong năm năm qua). Đã có 62 cây viết bị bắt và giam giữ trong riêng năm 2023.

 

‘Lạm dụng luật’

 

Theo FWI 2023, chính quyền Việt Nam đã lạm dụng luật để giam giữ các cây viết, các nhà bất đồng chính kiến và đàn áp quyền tự do ngôn luận trên mạng.

 

Những điều luật được đề cập bao gồm:

 

·        Điều 109, Bộ Luật Hình sự 2015: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

·        Điều 117, Bộ Luật Hình sự 2015: Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

·        Điều 331, Bộ Luật Hình sự 2015: Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

 

Trường hợp bà Phạm Đoạn Trang bị bắt nói trên chính là do những cáo buộc rằng bà vi phạm Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015.

 

FWI 2023 đánh giá rằng những điều luật này “quá khái khát, vi phạm quyền tự do ngôn luận được bảo vệ theo luật nhân quyền quốc tế và cần phải được bãi bỏ”.

 

Một số người khác được FWI 2023 nhắc tới còn có ông Đặng Đăng Phước và ông Lê Hữu Minh Tuấn.

 

Cụ thể, ông Đặng Đăng Phước bị bắt với cáo buộc vi phạm Điều 117 và bị tuyên án tám năm tù và bốn năm quản chế.

 

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cáo buộc ông Phước đã đăng nhiều bài viết "mang nội dung xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; và gây chiến tranh tâm lý..."

 

Ông Lê Hữu Minh Tuấn cũng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” được quy định tại Điều 117.

 

FWI 2023 cùng nhiều tổ chức khác như Liên Hợp Quốc và Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đều đã có những báo cáo về sự thiếu thốn về điều kiện y tế và thực phẩm trong các nhà tù ở Việt Nam.

 

 

Kìm kẹp truyền thông và internet

 

Bên cạnh việc giam giữ người viết, chính quyền Việt Nam bị đánh giá là còn thực hiện kìm hãm quyền tự do ngôn luận theo nhiều cách khác, bao gồm việc kiểm soát các phương tiện truyền thông truyền thống như ti vi và báo chí.

 

Internet và các mạng xã hội như Facebook “ngày càng bị chính phủ Việt Nam kiểm duyệt”.

Lực lượng 47, đội quân dư luận viên của nhà nước Việt Nam, được FWI 2023 cho là đã sử dụng các quy định trong bộ tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook để “đồng loạt khiếu nại [lên Facebook] về các nội dung của các tiếng nói bất đồng chính kiến” trên nền tảng này.

 

Trong một bài nghiên cứu vào năm 2021, ông Lương Nguyễn An Điền, Nghiên cứu viên cấp cao thuộc Viện Iseas (Singapore), cho rằng các cuộc thảo luận trực tuyến ở Việt Nam bị những dư luận viên và các nhóm trực tuyến thao túng để “phục vụ đường lối của Đảng Cộng sản”.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/1aca/live/ba9bfa10-092c-11ef-bee9-6125e244a4cd.jpg

Một số nhà hoạt động nhân quyền và blogger hiện đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ. Hàng trên từ trái sang phải: Hoàng Thị Minh Hồng, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang. Hàng dưới: Phạm Chí Dũng, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Lân Thắng

 

Một bài viết trên Washington Post vào tháng 6/2023 cũng đề cập tới việc Facebook giúp chính quyền Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận.

 

Trong đó, hai cựu nhân viên Facebook ở châu Á nói rằng Meta (công ty mẹ của Facebook) có một danh sách nội bộ chứa tên những quan chức trong Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những quan chức có tên trong danh sách này sẽ “không bị chỉ trích trên mạng xã hội”. Điều này có thể hiểu rằng là những nội dung có tính chỉ trích nhắm vào những quan chức này sẽ vi phạm quy tắc của Facebook.

 

Bên cạnh đó, danh sách này cũng bao gồm những hướng dẫn cụ thể về cách kiểm duyệt nội dung đăng tải trên Facebook.

 

Đáng chú ý, những hướng dẫn này phần lớn do chính quyền Việt Nam biên soạn. Hai cựu nhân viên này cho biết thêm rằng chính quyền Việt Nam đang tìm cách gia tăng việc kiểm soát nội dung trên Facebook.

 

Theo bài viết này, Facebook có khả năng phải lưu trữ dữ liệu của người dùng ở các máy chủ ở Việt Nam, dấy lên nỗi lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật thông tin.

 

Theo FWI 2023, những hành động này khiến việc “ẩn danh trên các nền tảng trực tuyến gần như là không thể và bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận.”

 

Vào tháng 10/2023, một báo cáo chung về nhân quyền ở Việt Nam do Pen America, Pen International và Văn bút Việt Nam Hải ngoại thực hiện đã được gửi tới Liên Hợp Quốc.

 

Một bài viết đăng tải trên trang web của Pen America về báo cáo nói trên có nhắc tới việc “chỉ một bài đăng trên Facebook có thể dẫn tới cả thập kỷ ngồi tù”.

 

Cụ thể, bà Anh-Thu Vo, Trưởng nhóm Nghiên cứu & Vận động thuộc Trung tâm Tự do Viết PEN/Barbey (PEN/Barbey Freedom to Write Center), nhận định:

 

"Ngày nay, nếu bạn sống ở Việt Nam, chỉ một bài đăng trên Facebook cũng có thể dẫn tới cả thập niên ngồi tù.

 

“Chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp quyền tự do ngôn luận, sử dụng luật pháp như vũ khí để kiểm soát thông tin và đàn áp những tiếng nói dám tưởng tượng về một thế giới khác.

 

“Bằng cách biến luật hình sự và luật an ninh mạng thành vũ khí chống lại những người bất đồng chính kiến, chính quyền Việt Nam không ngừng tìm cách ngăn chặn việc bày tỏ tự do ngôn luận, cũng như thao túng, kiểm soát dư luận và nguyện vọng của nhân dân.”

 

·         

Tin liên quan

·         

Phiên tòa nhà báo Hàn Ni, nhận tội chưa hẳn vì có tội

2 tháng 3 năm 2024

·         

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến bị bắt

29 tháng 2 năm 2024

·         

Chỉ thị mật của Bộ Chính trị: Việt Nam không thực tâm thực thi công ước quốc tế về công đoàn

11 tháng 3 năm 2024

 

Tin chính

·        Địa chấn chính trị Việt Nam: Dồn dập đến bao giờ?

2 giờ trước

·        Việt Nam thuộc nhóm 3 nước giam giữ nhiều người viết nhất thế giới

54 phút trước

·        Ông Trần Thanh Mẫn, người được phân công điều hành Quốc hội, là ai?

2 tháng 5 năm 2024

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats