Saturday 11 May 2024

TẠI SAO TRÍ THỨC VIỆT NAM KHÔNG VỀ GIÚP NƯỚC? (Phạm Trần / Thông Luận)

 



Tại sao trí thức Việt kiều không về giúp nước ?

Phạm Trần   /  Thông Luận

9/05/24

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/32841-t-i-sao-tri-th-c-vi-t-ki-u-khong-v-giup-nu-c

 

Lý do Việt Nam còn chậm tiến và lạc hậu hơn các nước láng giềng vì Đảng cộng sản Việt Nam chỉ muốn chỉ huy trí thức, thay vì hợp tác chân thành trong tinh thần dân chủ và tự do.

 

https://live.staticflickr.com/65535/53712585905_2ae9a1fcfb.jpg

Hiệp hội kiều bào trí thức tại Đài Loan - Ảnh : Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài

 

Tình hình thức tế cho thấy có 3 loại trí thức : Trí thức đảng, Trí thức đối lập với đảng và Trí thức ở nước ngoài.

 

Trí thức đảng là những người do đảng đào tạo và phục vụ trung thành với đảng trong mọi hoàn cảnh.

 

Trí thức đối lập với đảng, phần lớn đào tạo trong nước hay nước ngoài nhưng sống trong nước, chịu quyền cai trị của đảng. Họ không chống đảng bằng bạo lực nhưng công khai bất đồng chính kiến với nhà nước. Họ cũng đòi dân chủ và tự do, và yêu cầu đảng từ bỏ quyền cai trị độc tài. Và họ đã bị trù dập và đàn áp liên tục.

 

Trí thức hải ngoại gồm những người ra đi từ sau năm 1975, lớn lên và xây dựng sự nghiêp trong nền giáo dục của Tây phương. Cũng có những du học sinh ra đi từ sau 1975 tự túc hay bằng tiền nhà nước, nhưng không muốn quay về giúp nước sau khi tốt nghiệp vì điều kiện trong nước không phù hợp. Họ cũng đã "sáng mắt sáng lòng" khi sống ở nước ngoài.

 

Cho đến nay, theo thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, khoảng 10% là những người có trình độ cao, 80% đang sống ở các nước phát triển (báo Tuổi Trẻ, ngày 14/12/2023).

 

Nhưng bao nhiêu trong số này đã về giúp Việt Nam sau khi tốt nghiệp ? Không nhiều, vì có những trở ngại do Đảng cộng sản Việt Nam gây ra do kỳ thị, hoặc chuyên quyền, không muốn có tự do và dân chủ trong nghề nghiệp.

 

Tiến sĩ Đỗ Thành Trung thẳng thắn cho rằng : "Trải nghiệm thực tế công việc trong nước cho anh thấy rõ phương thức làm việc của tổ chức, cá nhân người lao động còn chưa chuyên nghiệp, thiếu tính cạnh tranh lành mạnh, không có tinh thần phối hợp làm việc tập thể".

 

"Chưa kể, môi trường xã hội còn nhiều rào cản như hiện tượng "con ông, cháu cha", cơ chế xin cho còn quá nặng nề, mức đãi ngộ so với mức sống chưa đảm bảo... dẫn đến người lao động không chuyên tâm làm việc" - Tiến sĩ Trung nhận định" (Tuổi Trẻ, ngày 5/11/2015).

Trong khi đó, Phó Giáo sư Trương Anh Hoàng cho biết ông nhận thấy : "Môi trường làm việc tại nước ngoài thuận lợi hơn hẳn cho mục tiêu muốn chuyên tâm nghiên cứu".

 

Ông nói : "Ở Na Uy - nơi tôi làm nghiên cứu sinh, các giáo sư hoàn toàn có thể yên tâm rằng mình có thể chuyên tâm vào công việc khi mức lương đảm bảo được cho cuộc sống của cả gia đình. Trong khi đó về nước, mức lương và môi trường làm việc hạn chế hơn nhiều, khó chuyên tâm vào việc nghiên cứu và thường phải tìm thêm cơ hội công việc bên ngoài…".

 

Đối với người học, theo bài báo : "Sinh viên ở đây (Việt Nam) quen với việc được "mớm bài" và mất khả năng tự học, tự đọc... còn các giảng viên miệt mài chạy sô (phần vì lý do tài chính, phần vì do lịch dạy trường phân công...)".

 

 

Lý do không về

 

Một nghiên cứu phổ biến trên Tạp chí Tia Sáng, Diễn đàn Khoa học và Công nghệ, cho thấy:

 

"Trong số những trí thức Việt Nam này, có nhiều người là những nhà khoa học tên tuổi, chuyên gia đầu ngành hiện đang làm việc tại các đại học, viện nghiên cứu và công ty nổi tiếng ở Mỹ, Úc, Canada, Anh, Hà Lan, Nhật như các đại học Harvard, Standford, Yale, Tokyo, Sydney… các công ty Microsoft, Monsanto, Mitsubishi...

 

Tuy nhiên vì nền kinh tế Việt Nam được thoát thai từ chế độ bao cấp, doanh nghiệp tư nhân chưa phải là chủ lực, tính cạnh tranh trong thương mại chưa cao nên mối liên hệ giữa viện nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp chưa được quan tâm. Vai trò của trí thức, nhất là ở đại học và viện nghiên cứu rất mờ nhạt. Chính vì vậy "kho tàng kiến thức" của những nhà khoa học tên tuổi, những chuyên gia đầu ngành Việt kiều ở nước ngoài không được thực sự quan tâm (thậm chí hầu như bị lãng quên)".

 

 

Ngoài ra còn có các lý do :

 

- Việt Nam chưa thực sự thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế, nên một số chính sách và cơ chế để thu hút trí thức không được nghiêm chỉnh thực hiện. Một khi trí thức trong nước chưa được sử dụng đúng mức thì việc trở về của trí thức Việt kiều sẽ không bao giờ xảy ra vì họ đang được làm việc trong điều kiện tốt nhất của nước sở tại ;

 

- Chưa làm tốt việc cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm (ví dụ như biên giới biển đảo, Hoàng Sa Trường Sa, quặng mỏ bauxit Tây Nguyên…) nên trí thức Việt kiều không thấy được Việt Nam đã có sự thay đổi, tiến bộ về mặt dân chủ, phản biện, tự do tôn giáo, từ đó đâm ra hoang mang, lo sợ… không muốn trở về nước ;

 

- Chưa có đầu mối để tìm tòi, liên lạc, mời gọi… do chính trí thức Việt kiều đảm trách vì trong hàng trăm, hàng ngàn công nghệ cao của thế giới, phải là người có kiến thức mới có thể lựa chọn những công nghệ tốt nhất, thích hơp nhất và có lợi nhất cho đất nước…".

 

 

Lý do nội tại

 

Bên cạnh đó, cũng còn một số ly do nội tại như :

 

- Thủ tục giấy tờ về nước phải thông qua nhiều Bộ ngành nên rất rườm rà, mất thời gian ;

- Tinh thần "vọng ngoại" của một số ít người trong nước vẫn thích "mắt xanh mũi lõ" dù rằng có nhiều khi "mắt xanh mũi lõ" lại ở trình độ khoa học kỹ thuật thấp hơn, không hiểu Việt Nam hơn trí thức Việt kiều ;

 

- Tính "địa phương" và "trong ngoài" còn khá phổ biến, môi trường làm việc dựa nhiều vào cảm tính nên nhiều khi không công bằng, thiếu tin tưởng làm trí thức Việt kiều trở thành những thứ trang trí, không có thực quyền và cơ hội đóng góp sở trường khoa học kỹ thuật của mình. 

 

Trước đây từng có những trí thức Việt kiều về giúp Việt Nam đã than phiền "tính đảng" và "lòng kiêu ngạo" vô lối của một bộ phận cán bộ Lãnh đạo muốn "nắm đầu trí thức" như cầm đầu đảng viên là nguyên nhân trí thức Việt kiều "tẩy chay" Đảng cộng sản Việt Nam.

 

 

Sau 10 năm chống tham nhũng

 

Cuối cùng là tình trạng tham nhũng tràn lan trong chính quyền và trong đảng đã là lực cản quay về giúp nước của nhiều trí thức Việt kiều.

 

Chướng ngại vật "tham nhũng" sau hơn 10 năm (2012-2023) đã được báo cáo :

 

Theo Ban Nội chính Trung ương, "tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng".

 

Báo cáo cho biết : "Cụ thể, về công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng, trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm.

 

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập".

 

Cũng trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với chín cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý" (báo Pháp Luật Online, ngày 01/02/2024).

 

Báo cáo của đảng, tất nhiên không nói đến tên các viên chức cao cấp bị mất chức vì tham nhũng, chẳng hạn như hai ông nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, và Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ.

 

Với một đất nước mà kẻ cai trị chỉ biết đục khoét tài sản của dân cho tư lợi thì làm sao có thể mời gọi Trí thức ở nước ngoài vế giúp nước ?

 

Ngoài ra chủ trương và chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục chai lỳ kiên định thứ chủ nghỉa đã lỗi thời, Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng khiến dân lánh xa đảng.

 

Phạm Trần

(09/05/2024)





No comments:

Post a Comment

View My Stats