Wednesday 22 May 2024

LUẬT KHOA 360 : TOÀN CẢNH VỤ ĐẠI TƯỜNG TÔ LÂM ĐƯỢC BẦU LÀM CHỦ TỊCH NƯỚC (Luật Khoa Tạp Chí)

 



Luật Khoa 360: Toàn cảnh vụ Đại tướng Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước

Luật Khoa tạp chí

MAY 22 2024  12:33 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/05/toan-canh-vu-to-lam-duoc-bau-lam-chu-tich-nuoc/

 

Chức vụ dân sự đầu tiên của vị đại tướng công an.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/05/4329483.jpeg

Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội sáng ngày 22/5/2024. Ảnh gốc: VOV. Đồ họa: V.K / Luật Khoa.

 

Sáng nay, 22/5, trong trang phục dân sự, Đại tướng công an Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước. Việt Nam chính thức có nguyên thủ mới giữa những biến động chính trị bất thường.

 

 

Cuộc xáo trộn chưa từng có

 

Cuộc cạnh tranh quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo ra một cơn biến động chính trị vô tiền khoáng hậu trong lịch sử.

 

·        Vào ngày 13/3/2024, bốn nhà lãnh đạo cao nhất của đảng - tức “tứ trụ” - dự họp phiên đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV tại Hà Nội, gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Không có dấu hiệu gì đáng chú ý khiến người ta liên tưởng tới những sóng gió sắp tới.

 

·        Chỉ hơn hai tháng sau, Võ Văn Thưởng mất chức chủ tịch nước (21/3), Vương Đình Huệ rời ghế chủ tịch Quốc hội (2/5), Trần Thanh Mẫn được bầu thay ông Huệ (20/5), Tô Lâm rời ghế bộ trưởng công an để lên làm chủ tịch nước, và vị trí quyền lực ở Bộ Công an vẫn chưa có ai chính thức tiếp quản. Tổng cộng, Quốc hội đã phải họp bất thường hai lần và họp thường kỳ một lần trong vòng ba tháng qua để hợp thức hóa những quyết định này của Đảng Cộng sản.

 

·        Đó mới chỉ là bên chính quyền. Ở bên phía cơ quan đảng, Ủy viên Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai bất ngờ mất chức khi vẫn còn đang được đồn đoán là ứng cử viên sáng giá cho chức chủ tịch nước hoặc chủ tịch Quốc hội (16/5); Thượng tướng Lương Cường - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị  của quân đội - được bầu thay thế bà Mai. Cùng với đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng bầu bổ sung tới bốn người vào Bộ Chính trị giữa nhiệm kỳ (16/5).

 

·        Tổng cộng, có tới sáu ủy viên Bộ Chính trị của nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã mất chức. Sau khi bầu bổ sung, số lượng ủy viên giảm từ 18 vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 16.

 

·        Đại tướng Công an Tô Lâm trở thành nhân vật trung tâm của cuộc xáo trộn quyền lực này, khi vừa là người chỉ đạo điều tra các vụ án trong chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng, vừa là người được (hay là bị) hoán đổi ngôi vị từ bộ trưởng Công an sang chủ tịch nước, chính thức bước vào hàng ngũ “tứ trụ triều đình”.

 

 

Điều này có ý nghĩa gì với Tô Lâm?

 

Kết thúc phiên làm việc buổi sáng ngày 22/5, Đại tướng Tô Lâm bắt đầu sắm một vai mới trong chính trị đương đại lẫn lịch sử Việt Nam.

 

·        Ông là chủ tịch nước thứ hai trong lịch sử có xuất thân công an. Người thứ nhất không phải ai xa lạ mà chính là vị tiền nhiệm của ông ở Bộ Công an: Đại tướng Trần Đại Quang. Ông Quang cũng lên chức chủ tịch nước theo cách của ông Lâm: đi thẳng từ trụ sở Bộ Công an sang Phủ Chủ tịch vào giữa nhiệm kỳ (4/2016). Ông Quang vắn số, chết hai năm sau đó, dẫn đến một hiện tượng chưa từng có khác sau thời Hồ Chí Minh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm vị trí chủ tịch nước.

 

·        Với chức chủ tịch nước, ông Lâm đương nhiên là chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh và là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân theo Hiến pháp. Tuy nhiên, chức vụ này chỉ là danh nghĩa, không có thực quyền. Bộ Chính trị sẽ chỉ định ông vào Quân ủy Trung ương - cơ quan đảng nắm quyền lãnh đạo quân đội. Tại đây, ông sẽ là một trong các ủy viên thường vụ. Người đứng đầu quân ủy xưa nay luôn là tổng bí thư.

 

·        Với việc không còn là bộ trưởng Công an, dự kiến ông Lâm sẽ sớm phải thôi chức bí thư Đảng ủy Công an Trung ương - cơ quan đảng nắm quyền lãnh đạo ngành công an. Mặc dù vậy, trong vai trò chủ tịch nước, theo đúng thông lệ, ông sẽ được Bộ Chính trị chỉ định vào Ban Thường vụ của cơ quan này.

 

·        Chức chủ tịch nước xưa nay chỉ là chức vụ mang tính lễ nghi, không có thực quyền ở bên phía chính quyền, như Luật Khoa từng phân tích. Quyền lực thực sự của vị trí này nằm ở thực lực của ông Lâm bên phía đảng và ảnh hưởng của ông trong bộ máy công an - đây là điều công chúng khó đoán định. Dù sao đi nữa, ông vẫn là một trong bốn người quyền lực nhất của đảng và có quyền tham gia quyết định những vấn đề quan trọng nhất.

 

·        Không còn (chính thức) là người nắm bộ máy an ninh, ông Lâm sẽ không còn có quyền trực tiếp chỉ đạo điều tra các vụ án tham nhũng nhắm vào các đồng chí của ông được nữa.

 

·        Tuy nhiên, việc lọt vào “tứ trụ” cũng làm tăng khả năng ông được bầu làm tổng bí thư ở nhiệm kỳ tới (2026 - 2031). Xưa nay, tổng bí thư luôn được bầu trong “tứ trụ” hoặc ủy viên thường trực Ban Bí thư.

 

 

Miễn nhiệm bộ trưởng Công an, tránh được một cuộc khủng hoảng hiến pháp

 

Ở nước ta cơ bản không mấy ai nói tới Hiến pháp vì địa vị thứ yếu của nó trong các tiến trình chính trị. “Khủng hoảng hiến pháp" e rằng có thể là một từ hơi xa xỉ. Nhưng bằng cách miễn nhiệm bộ trưởng với ông Tô Lâm cùng lúc với việc bầu ông làm chủ tịch nước, Quốc hội đã tránh được một tình thế tréo ngoe về trật tự hiến pháp.

 

·        Hôm 19/5, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Quốc hội sẽ chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm bộ trưởng Công an trong kỳ họp này. Điều này đồng nghĩa với việc ông Tô Lâm sẽ cùng lúc nắm hai chức chủ tịch nước và bộ trưởng Công an.

 

·        Đây là một tình thế tréo ngoe bởi theo Hiến pháp, chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thủ tướng, tương tự như cấp trên của thủ tướng. Trong khi đó, với tư cách là bộ trưởng, ông Lâm lại là cấp dưới của thủ tướng, và thủ tướng có quyền đề nghị Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức bộ trưởng.

 

·        Chiều 21/5, Quốc hội đã phải sửa nghị trình, đưa nội dung miễn nhiệm bộ trưởng đối với ông Tô Lâm vào chương trình làm việc. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chính thức khởi động quy trình này bằng cách đọc tờ trình đề nghị Quốc hội miễn nhiệm bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm.

 

·        Sau khi chủ tịch nước tuyên thệ sáng ngày 22/5, Quốc hội đã làm thủ tục miễn nhiệm bộ trưởng này. Theo Hiến pháp (Điều 88.2), sau khi Quốc hội ra nghị quyết miễn nhiệm, còn một khâu thủ tục nữa là chủ tịch nước ký quyết định miễn nhiệm. Có nghĩa là Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ ký quyết định miễn nhiệm chính mình khỏi vị trí bộ trưởng.

 

·        Trên thực tế, đã từng có một khoảng thời gian ngắn Việt Nam có chủ tịch nước kiêm bộ trưởng Công an. Đó là một tuần từ ngày 2/4 tới ngày 8/4/2016, khi tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang kiêm chức bộ trưởng Công an trước khi bị miễn nhiệm chức bộ trưởng vào ngày 8/4.

 

 

Chuyện gì sẽ xảy ra với ngành công an?

 

Chúng ta đang nói tới ngành công an, chứ không phải Bộ Công an.

 

·        Sáng 22/5, ngay sau khi ông Tô Lâm bị miễn nhiệm chức bộ trưởng Công an, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân công Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ điều hành bộ này.

 

·        Ông Tỏ không phải người xa lạ với chính trường: ông là em trai của cố chủ tịch nước, cố bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, theo báo Thanh Niên.

 

·        Với việc ông Lâm bị miễn nhiệm chức bộ trưởng mà Quốc hội lại chưa bầu bộ trưởng mới, chiếc ghế bộ trưởng Công an có thể sẽ trống ít nhất là cho tới kỳ họp cuối năm nay của Quốc hội (dự kiến diễn ra vào cuối tháng Mười).

 

·        Trống ghế bộ trưởng thì chức bí thư Đảng ủy Công an Trung ương cũng khó đoán định. Chức này xưa nay luôn do bộ trưởng Công an - đồng nghĩa với một ủy viên Bộ Chính trị - nắm. Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ - hiện là phó bí thư - mới chỉ là ủy viên trung ương. Trong khi đó, trong Đảng ủy Công an Trung ương luôn có mặt ba ủy viên Bộ Chính trị là tổng bí thư, chủ tịch nước, và thủ tướng. Chuyện tổng bí thư tham gia Đảng ủy Công an Trung ương cũng mới chỉ có từ năm 2016, sau khi ông Trọng trúng cử tổng bí thư nhiệm kỳ thứ hai và bắt đầu công cuộc “đốt lò”.

 

 

Giới chuyên gia nói gì?

 

·        Bình luận trên Luật Khoa tạp chí, nhà phân tích Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, “Ấn tượng bởi đặc tính công an trị của chế độ hiện hành, một số nhà quan sát cho rằng những diễn biến vô tiền khoáng hậu đang xảy ra nằm trong âm mưu của Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Họ cho rằng có một phe công an do ông Tô Lâm dẫn dắt đang ‘vũ khí hóa’ công cuộc đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm độc chiếm quyền lực cho phe phái của mình. Bằng việc loại bỏ những đối thủ tiềm năng bao gồm ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ và bà Trương Thị Mai, ông Tô Lâm có thể vào tứ trụ để rồi sau đó chiếm lấy chiếc ghế tổng bí thư siêu quyền lực vào Đại hội XIV tới đây. Giả thuyết trên, dù nghe rất hấp dẫn, song thiếu những căn cứ vững chắc.” Ông Tuấn cũng viết: “Chẳng những không phải là đạo diễn, Bộ trưởng Tô Lâm còn có thể bị buộc phải thủ vai chính vào hồi sau cùng.”

 

·        Giáo sư Carl Thayer bình luận với BBC News Tiếng Việt rằng ông Tô Lâm không giành được sự ủng hộ cao từ các đồng chí, thể hiện qua số phiếu tín nhiệm không cao ở Quốc hội vào năm ngoái. Con đường tiến tới chức tổng bí thư của ông Lâm như vậy không hoàn toàn thuận lợi.

 

 

Tô Lâm là ai?

 

Cả đời phục vụ ngành công an, đây là lần đầu tiên ông Tô Lâm nắm một chức vụ dân sự.

 

·        Tốt nghiệp Đại học An ninh Nhân dân năm 1979, ông ngay lập tức làm cán bộ của Cục Bảo vệ Chính trị I, của Bộ Nội vụ (tức là Bộ Công an ngày nay). 

 

·        Cho tới khi lên chức thứ trưởng Bộ Công an năm 2010, toàn bộ sự nghiệp của ông gắn với các cơ quan bảo vệ chế độ: từ chức vụ phó trưởng phòng ở Tổng cục An ninh của Bộ Nội vụ lên chức Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh I, Bộ Công an.

 

·        Trong Đại hội Đảng Cộng sản năm 2016, ông được bầu vào Bộ Chính trị và từ tháng 4/2016 kế nhiệm ông Trần Đại Quang ở vị trí bộ trưởng Công an. Ông đồng thời còn làm phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tức là cơ quan trung tâm của công cuộc “đốt lò”, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban. Ở hai cương vị này, ông Lâm là người trực tiếp chỉ đạo điều tra các vụ án tham nhũng liên quan tới hàng loạt cán bộ cấp cao.

 

·        Vụ án chấn động đầu tiên dưới thời ông làm bộ trưởng Công an là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh - cựu phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang - từ Đức mang về Việt Nam năm 2017, gây nên cơn khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước, khiến Đức cắt quan hệ với Việt Nam.

 

·        Ông Lâm cũng nổi tiếng bất đắc dĩ trên thế giới khi một video ông ăn thịt bò dát vàng được tiệm ăn nổi tiếng của “thánh rắc muối” Salt Bae đăng lên mạng xã hội hồi cuối năm 2021.

 

·        Dưới thời ông Lâm làm bộ trưởng Công an, số vụ bắt bớ và án tù dành cho các nhà hoạt động dân chủ, hoạt động nhân quyền tăng cao. Ngay cả các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký cũng có lãnh đạo bị cầm tù, là điều chưa từng có tiền lệ. Ông Lâm cũng là bạn học cùng khóa với blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh (tức Anh Ba Sàm). Ông Vinh bị bắt và bỏ tù năm 2014 khi ông Lâm còn là thứ trưởng Bộ Công an.

 

 

Bình luận của Luật Khoa

 

Lưu ý: Đây chỉ là một quan điểm trong vô số quan điểm khác nhau. Nếu bạn có ý kiến phản hồi hoặc phản bác, bạn có thể hồi âm vào email này cho Luật Khoa.

 

·        Khác với các hội nghị trung ương, vốn là hoạt động nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, các kỳ họp của Quốc hội là hoạt động chính thức của chính quyền, và người dân có mọi quyền và lợi ích liên quan để dự phần vào tiến trình bầu hay miễn nhiệm các nhà lãnh đạo nhà nước. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn trái ngược.

 

·        Đầu tiên, người dân - và báo chí độc lập - không được dự khán các phiên họp này. Việc Quốc hội họp công khai và mở cửa cho người dân vào dự khán là hoạt động bình thường của một cơ quan lập pháp, và đã từng có tiền lệ vào năm 1946 dưới thời Hồ Chí Minh. Nhưng đã từ nhiều thập niên nay, không có thường dân nào được bén mảng tới sảnh nghị trường. Chỉ có truyền thông nhà nước mới được dự và đưa tin, và các bản tin của họ cũng đều là bản tin mẫu, trăm tin như một, trông không khác gì thông cáo báo chí của đảng. Không có chỗ cho công dân bình thường được bình luận gì về những sự kiện có tầm vóc quốc gia này trên báo, đài nhà nước.

 

·        Thứ hai, công dân cũng không có cửa nào để gây áp lực lên các đại biểu Quốc hội để chất vấn về những sự xáo trộn lãnh đạo cấp cao gần đây. Lý do rất đơn giản là quyền lực của các đại biểu này thực ra không đến từ lá phiếu của công dân, mà từ sự sắp xếp trong nội bộ Đảng Cộng sản. Công dân có bất tín nhiệm một vị đại biểu nào thì cũng không có cách nào để loại bỏ họ bằng lá phiếu của mình ở kỳ bầu cử sau.

 

·        Và cuối cùng, không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy chính quyền sẽ tiến hành cải cách chính trị để người dân được dự phần vào các tiến trình chính trị một cách thực chất. Thân phận của người dân vẫn chỉ là “nghe hơi nồi chõ”, ngồi xem một vở kịch mà vị đạo diễn thậm chí chỉ mở hé tấm màn.

 

 

LUẬT KHOA 360

Luật Khoa 360: Toàn cảnh vụ Vương Đình Huệ mất chức

LUẬT KHOA TẠP CHÍ     APR 27, 2024

 

 

======================================================

 

Đọc thêm:

Quan điểm | Cảnh rừng ai vẽ

Chẳng những không phải là đạo diễn, Bộ trưởng Tô Lâm còn có thể bị buộc phải thủ vai chính vào hồi sau cùng.

Luật Khoa tạp chí     Nguyễn Anh Tuấn

 

Vị trí chủ tịch nước: Đầu tàu mà không phải đầu tàu

Ở Việt Nam, chức chủ tịch nước như một người lái tàu không được cầm vô lăng.

Luật Khoa tạp chí       Trịnh Hữu Long

 

 

Nguyên thủ quốc gia là ai?

Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, nhiều người đã thể hiện sự tiếc thương cũng như lòng ngưỡng mộ của mình dành cho ông. Tuy nhiên, khi người viết vặn hỏi về chính sách và vai trò của ông Trần Đại Quang trong bộ máy nhà nước Việt Nam, cũng như […]

Luật Khoa tạp chí        Nguyễn Quốc Tấn Trung

 

Đăng ở các mục: Luật Khoa 360Chính trị

 

Luật Khoa tạp chí

CÁC BÀI VIẾT

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats