Wednesday 3 April 2024

THẬT VÀ ẢO? (Nguyen Khan)

 



THẬT VÀ ẢO?  

Nguyen Khan

3-4-2024  01:25   

https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=2149790105358594&id=100009828757233&mibextid=oFDknk&rdid=sVb4ftvrYJK9GS2w

 

Bài báo dưới link cho rằng có hai nền kinh tế tồn tại song song trong nước:

 

- Một là nền kinh tế nội địa, bao gồm các doanh nghiệp, các ngành nghề sản xuất từ vốn trong nước, tác động trực tiếp đến dân sinh. Nền kinh tế này đang sa sút, được thể hiện rõ nét bằng những hệ quả đìu hiu mà mọi người đã và đang nhìn thấy hoặc đã và đang vật lộn sống chung với nó (Gần 74.000 doanh nghiệp nội đã đội nón ra đi trong quý I).

 

- Hai là nền kinh tế FDI, bao gồm các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại VN, hoạt động bằng vốn ngoại. Nền kinh tế này ít bị tác động suy giảm nên góp phần làm con số thống kê GDP quý I tăng rất tốt (5,66%). Và dĩ nhiên lợi nhuận của nền kinh tế này thuộc về nước ngoài, nhưng góp phần chủ lực vào số thống kê GDP của VN.

 

Nghĩa là, nếu nhìn vào con số tăng trưởng GDP của VN thì kinh tế VN đang tăng trưởng tốt trong quý I và đầy hứa hẹn trong những quý tới.

 

Nhưng nếu nhìn vào thực tế cuộc sống của người VN đang hết sức khó khăn do nền kinh tế nội địa sa sút…. Thì con số thống kê GDP tăng cao trong quý I tuy chính xác nhưng chẳng khác con số ảo, vì nó không phản ảnh được tình trạng dân sinh khó khăn.

 

Như hôm trong Tết có bài báo viết, đại ý, số thống kê ở một địa phương cho biết mỗi người dân (trong địa phương) bình quân ăn nửa con gà dù đa số họ chẳng được ăn miếng gà nào. Một thiểu số người có thu nhập cao, ăn rất nhiều gà. Lấy số gà đã ăn chia bình quân cho tất cả dân số bao gồm đa số người có thu nhập thấp không có khả năng ăn gà… Cho ra kết quả mỗi người dân ăn bình quân nửa con gà dù đa số dân không ăn được miếng gà nào. Số gà bị mang tiếng ăn dù không hề được ăn, được gọi là gà ảo dù nó rất thật.

 

Hiện dân VN cũng đang sống ảo với mức tăng trưởng GDP rất tốt (5,66%) dù số GDP rất thật.

 

===================

NGUỒN :

 

Hai nền kinh tế trong một quốc gia  

(vietnambiz.vn)

1:35 | 02/04/2024

https://vietnambiz.vn/hai-nen-kinh-te-trong-mot-quoc-gia-20244295416979.htm?fbclid=IwAR1xft4M11WhhGRZ22JJ816PSTFh-bV2kTF_TYFEweVwjkMiyJf4gz7Qc7M_aem_AaKcA9wOl9kVdwjtFeyBSUCyOHOy_QRkYO9uSlm0jQgASwPBO3dVaTBSuGpBv7XgKYTj6ygBViOVxHgZs2AEM9S0

 

Số liệu tốt lên nhưng nhiều người vẫn có cảm giác nền kinh tế thực vẫn không khá lên do phần lớn tiền nằm ở khối ngoại dưới dạng lợi nhuận chưa phân phối của họ. Doanh nghiệp lớn tốt lên nhưng doanh nghiệp nội, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn, đang tồn tại hai nền kinh tế trong cùng một quốc gia.

 

HÌNH : https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2024/04/02/b-20240402104001356.jpg?width=700

Góc nhìn chuyên gia

 

Số liệu vĩ mô quý I vừa được công bố nhưng cảm giác chung về nền kinh tế là “không có cái gì nóng ở lúc này" (ngoại trừ thời tiết). Trái với sự hào hứng sau những sự kiện nâng tầm quan hệ năm ngoái với Mỹ và Nhật, những chuyển biến chậm chạp của vốn đầu tư FDI so với cùng kỳ cho thấy các doanh nghiệp FDI vẫn thận trọng.

 

Vài bạn làm kết nối đầu tư của một số cơ quan ngoại giao nước ngoài ở TP HCM cho tôi biết số đoàn đến thăm thì nhiều, nhưng toàn … đi loanh quanh rồi về, chưa thấy hành động gì cụ thể.

 

Điều này thấy ngay ở việc vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ba tháng đầu năm 2024 ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Vẫn là khả quan, nhưng không phải đột phá như mong đợi sau một loạt chuyển biến đáng khích lệ về ngoại giao trong năm 2023 như việc nâng tầm quan hệ của Việt Nam với Mỹ và Nhật lên đối tác chiến lược toàn diện, hay những kỳ vọng về việc chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.

 

Với những ông lớn FDI đã có mặt ở Việt Nam, hoạt động mở rộng cũng không mấy đột phá dù nhiều lãnh đạo vùng và tập đoàn sang, nhưng các dự báo tương đối kém lạc quan của thời điểm hiện tại khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hành động mạnh mẽ.

 

Trạng thái chờ đó có vẻ trái ngược với số liệu tăng trưởng vừa công bố“Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.

 

Bóc tách cấu trúc tăng trưởng theo ngành thì thấy khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,77%; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,73%; Khu vực dịch vụ chiếm 43,48%Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.

 

Dễ thấy, ngành công nghiệp là xương sống của nền kinh tế khi đóng góp 2,02 điểm % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao hơn cả nông, lâm nghiệp và thủy sản

 

 

HÌNH : https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2024/04/02/picture1-20240402114708406.png?width=700

Tốc độ tăng GDP quý I so với cùng kỳ qua các năm  

 

Nhưng trong lĩnh vực này, nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn, số này tương ứng với số về xuất nhập khẩu tăng tốt. Tăng trưởng mạnh của xuất siêu đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP 5,66% của quý I, bên cạnh du lịch (tháng 3/2024 đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 78,6% so với cùng kỳ năm trước).

 

Và như chúng ta biết, hơn 70% xuất khẩu của Việt Nam là của khối ngoại. Từ 2015, xác lập tương quan tỷ trọng giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội là 70/30.

 

Không dừng lại, năm 2022, tỷ trọng của FDI lên 74,4%. FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu trong các lĩnh vực, chiếm 58% tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam, vừa tạo ra các ngành sản xuất công nghệ cao như điện, điện tử - bán dẫn, quang học…

 

Đó là vì sao chúng ta thấy nhiều người cảm giác kinh tế vẫn không khá lên trên bề mặt đời sống nhưng số liệu lại tốt lên. Là vì phần lớn tiền là vào tay khối ngoại, ở dưới dạng lợi nhuận chưa phân phối của họ. Và trong lúc đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa vẫn khó khăn, thậm chí “lăn đùng ra chết”. Ba tháng đầu năm có tới 73,9 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, cao hơn nhiều con số 59,9 nghìn doanh nghiệp gia nhập.

 

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nội nào cũng khó.

 

Các doanh nghiệp niêm yết nhiều doanh nghiệp kế hoạch năm vẫn khá lạc quan. Tình trạng này giống như ở Nhật, trong khi một số ông lớn khá lên, còn lại đa số đang phải ngụp lặn để sinh tồn. 

 

 

HÌNH : https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2024/04/02/picture1-20240402114215446.png?width=700

The Big Story

 

Tờ Nikkei Asia chỉ rõ vấn đề tại Nhật: Công ty lớn thì lạc quan, doanh nghiệp vừa và nhỏ thì khó khăn, đang tồn tại hai nền kinh tế trong một quốc gia.

 

Tình thế hai nền kinh tế trong một quốc gia dẫn đến tình trạng: Độ nhiễu trong các số liệu về vĩ mô lớn; Tín hiệu sáng tối đan xenDoanh nghiệp FDI, khối doanh nghiệp lớn, niêm yết khả quan còn khối doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chật vật.

 

Nhưng không nói là nó quá bi quan. Nếu bạn chỉ nhìn bề mặt về doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc làm thu hẹp ở một số khu vực, ví dụ ở đây, thì lại không nhìn thấy cái sự hồi phục của nhóm công ty lớn và FDI.

 

Ẩn số trong mấy tháng tới theo tôi nằm ở câu chuyện lạm phát. Trong quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%. Số này không quá cao, cũng không thấp.

 

Nhưng mặt bằng lãi suất hiện tại có lẽ sẽ phải điều chỉnh lên nếu CPI tiếp tục tăng. Nó cũng sẽ phù hợp với nhu cầu vốn trong các tháng cuối năm và nhu cầu bình ổn tỷ giá.

 

Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa dư địa hạ lãi suất huy động không còn quá nhiều nữa. Nếu lãi suất cho vay bị kìm hãm bởi yếu tố hỗ trợ nền kinh tế do chính phủ “vận động” ngân hàng thương mại, thì lợi nhuận biên (NIM) của ngân hàng sẽ có rủi ro bị thu hẹp.

 

Một thách thức khác của Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn là Châu Âu đang tỏ ra khó khăn với một số nền kinh tế lớn đi vào suy thoái kỹ thuật hoặc gần như không tăng trưởng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do S&P Global công bố giảm về dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 3, với cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm, trong khi tình trạng nhu cầu giảm đã khiến chi phí đầu vào tăng chậm hơn và giá bán hàng giảm.

 

Đây là một cảnh báo cho thấy sự hồi phục trong ngành sản xuất của Việt Nam vẫn mong manh và chúng ta chưa thể chủ quan rằng con đường phía trước chỉ có hồi phục tiếp mà thôi.

 

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp Đại học Bristol, Anh

 

 

 




 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats