Monday 29 April 2024

THẢM KỊCH TRẠI CẢI TẠO SAU NĂM 1975 (Nguyễn Hạnh / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Thảm kịch trại cải tạo sau năm 1975

NGUYỄN HẠNH  -  Luật Khoa Tạp Chí
APRIL 29 20243:13 PM

 https://www.luatkhoa.com/2024/04/tham-kich-trai-cai-tao-sau-nam-1975/?ref=luat-khoa-newsletter

 

Ngày 30/4/1975: Bi kịch mới chỉ bắt đầu.

 

K hông có “cuộc tắm máu" nào như đồn đại khi bộ đội Bắc Việt tràn vào Sài Gòn ngày 30/4/1975. Bi kịch của người miền Nam sẽ đến chậm rãi và theo một cách khác.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2024/04/8680070938_3840f3ea48_b.jpg

Một trại cải tạo dành cho cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa. Ảnh: Marc Riboud / Flickr.

 

Một ngày tháng 6/1975, cựu đại tá Trần Văn gói ghém quần áo, đồ ăn và tiền đến trình diện chính quyền mới, theo chương trình cải tạo kéo dài một tháng dành cho cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa. [1]

 

Trong ngày đầu tiên, Trần Văn và các sĩ quan được cho ăn uống đầy đủ, họ đi ngủ vào lúc 22:00. Nhưng đến nửa đêm thì tất cả bị đánh thức. Họ bị tách thành từng tốp 40 người và bị dồn lên xe tải. Khoảng 100 chiếc xe như vậy đã âm thầm rời khỏi Sài Gòn để đến một doanh trại của Quân lực Việt Nam Cộng hòa - nơi đã bị biến thành một khu giam giữ quân nhân bại trận.

 

Nửa năm sau, họ được chuyển đến một trại giam khác cách trại cũ hơn 60km. Họ nghe cán bộ nói rằng chính quyền mới sẽ không để họ trở về với gia đình vì họ là những người có “nợ máu với nhân dân”.

 

Trần Văn bị chuyển đến một trại cải tạo khác ở miền Bắc, giáp với biên giới Trung Quốc. Tới đây, họ lại nghe thông báo rằng phải tự kiếm cơm vì nhà nước không có dư tiền để nuôi họ.

Trong hàng năm trời, các cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa chỉ ăn khoai mì (củ sắn) và vào rừng lao động từ 5:00 sáng. Họ không biết khi nào mới được trở về nhà.

 

Năm 1980, chính quyền Việt Nam thừa nhận đã bắt hơn một triệu người dân miền Nam phải cải tạo ngắn hạn, và cầm tù dài hạn khoảng hơn 40.000 người mà không thông qua xét xử. [2]

 

Năm 1988, Thứ trưởng Bộ Thông tin Việt Nam (sau này là Bộ Thông tin và Truyền thông) xác nhận có khoảng 100.000 cựu quân nhân, công chức Sài Gòn bị cầm tù trong các trại cải tạo. [3] Các nguồn tin quốc tế cho rằng khoảng 200.000 người đã bị giam giữ ít nhất một năm. [4]

 

Đại tá Trần Văn được thả sau 12 năm trong trại cải tạo. Ông là một trong những người may mắn sống sót.

 

Cựu chính trị gia miền Nam Trần Văn Sơn kể rằng trong hai tháng ông bị giam giữ tại trại cải tạo Đồng Găng (tỉnh Khánh Hòa) có khoảng 100 tù nhân cải tạo đã chết vì thiếu ăn và bệnh tật mà không có thuốc men chữa trị. [5]

 

Một bác sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa được chính quyền thông báo thời gian cải tạo là 10 ngày nhưng cuối cùng ông đi biền biệt gần ba năm. Trong 10 tháng đầu bị giam giữ tại trại cải tạo L11 gần Biên Hòa, theo vị bác sĩ này, có năm người tự tử, 16 người chết vì suy dinh dưỡng và không được chữa bệnh. [6]

 

Một cựu tù nhân cải tạo khác đã chứng kiến buổi xét xử một đại úy và một trung úy thuộc lực lượng Biệt động quân Việt Nam Cộng hòa tại một trại cải tạo ở Tây Ninh. Lúc xét xử, có hai chiếc quan tài đã được đặt sẵn kế bên để hành quyết họ ngay tại chỗ.

 

Vì sao người miền Nam bị đẩy vào trại cải tạo? Chuyện gì đã xảy ra bên trong những nơi này? Có phải chỉ quân nhân, nhân viên chính quyền Sài Gòn cũ mới bị giam giữ?

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/04/traicaitao-1-300x201.png

Một cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa đang lao động tại một trại cải tạo ở Tây Ninh, tháng 6/1976. Ảnh: Getty.

 

 

Giam giữ vô thời hạn

 

Ngay sau ngày 30/4/1975, các khóa “học tập” được tổ chức cho quân nhân, công chức chính quyền Sài Gòn. Nhưng không phải chuyện gì cũng đúng như thông báo của chính quyền. Các khóa cải tạo trong vài tháng bị biến thành những năm tù khổ sai. [7]

 

Tháng 3/1977, Đài Phát thanh Hà Nội cho biết có khoảng 5% sĩ quan quân lực, công chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải đi cải tạo dài hạn. [8]

 

Theo hãng tin AP, ước tính có khoảng 100 trại cải tạo trên khắp cả nước và khoảng 150.000 quân nhân, công chức chế độ cũ bị giam giữ không thông qua xét xử. [9][10] Tuy nhiên, họ không phải là thành phần duy nhất bị nhốt vào trại cải tạo.

 

 

Giam giữ không giới hạn

 

Ngoài quân nhân, công chức Việt Nam Cộng hòa, nhiều thành phần khác, kể cả những người không dính líu đến chính quyền Sài Gòn cũng bị bắt vào trại cải tạo.

 

Năm 1975, một nhà buôn tại Buôn Ma Thuột đã bị giam trong trại cải tạo gần ba năm vì sở hữu một cửa hàng. [11]

 

Tháng 8/1975, 20 lái buôn lúa gạo của tỉnh Bạc Liêu bị bắt vào trại cải tạo, trong đó có người được cho là đã bị tra tấn đến chết. Đến năm 1979, tức bốn năm sau đó, một số lái buôn này vẫn còn bị giam giữ. [12]

 

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết trong năm 1976 - 1977 nhiều người không liên quan gì đến chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng bị bắt vào trại cải tạo, ví dụ như nhà văn, nghệ sĩ, công chức đã về hưu trước năm 1975.

 

Đến năm 1978, nhiều thương nhân người Hoa bị bắt vào trại cải tạo trong “chiến dịch đánh tư sản”. [13] Ngoài ra, những người nào vượt biên trái phép cũng có thể bị bắt vào trại cải tạo đến ba năm. [14]

 

Năm 1980, hãng tin AP cho biết có 200 linh mục Công giáo bị bắt giữ, hơn 50 mục sư Tin Lành và hơn 30 nhà sư Nam Tông ở miền Tây Nam Bộ vẫn còn bị giam giữ trong các trại cải tạo. [15]

 

Năm 1985, Ủy ban vận động cho Tù nhân Chính trị Việt Nam tại Mỹ cho rằng còn khoảng 300 nhà văn, nhà thơ, nhà báo bị cầm tù tại Việt Nam. [16]

 

Một số nhà văn đồng thời là quân nhân đã bị cầm tù rất lâu như Tô Thùy Yên (13 năm tù), Phan Nhật Nam (14 năm tù), Thảo Trường (17 năm tù). [17]

 

Những bản án nặng này giải thích vì sao chế độ mới dựng lên các trại cải tạo.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/04/73921742-1.webp

Một trại cải tạo ở Bến Tre. Ảnh: Bill Herod.

 

 

Vì sao có trại cải tạo?

 

Chính quyền cộng sản đưa ra nhiều lý do khác nhau về sự cần thiết của trại cải tạo để giam giữ dân miền Nam.

 

Tháng 9/1980, Hà Nội cho biết có khoảng 20.000 người bị giam giữ trong các trại cải tạo. Không xét xử, chính quyền khép tội họ “phản bội Tổ quốc” và “gây phương hại đến an ninh công cộng”. Quan chức Việt Nam nói rằng chính sách cải tạo nhân đạo hơn so với việc xét xử. [18]

 

Sau bảy năm duy trì các trại cải tạo, năm 1982, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tuyên bố Việt Nam sẵn sàng cho tất cả tù nhân cải tạo sang Mỹ một cách vô điều kiện. [19] Nhưng sau đó, năm 1984, Việt Nam lại mâu thuẫn với Mỹ về chính sách này. Họ muốn Mỹ phải lập tức nhận tất cả tù nhân chứ không được lựa chọn. [20]

 

Một thời gian ngắn sau đó, Việt Nam yêu cầu Mỹ phải đảm bảo những tù nhân này sau khi qua Mỹ không được thành lập lực lượng chính trị đối lập. [21]

 

Trả lời báo chí tại Mỹ vào năm 1985, nhà ngoại giao kỳ cựu Lê Đức Thọ nói Việt Nam đang giam giữ khoảng 10.000 tù nhân chính trị trong trại cải tạo. Ông Thọ khẳng định họ là tội phạm chiến tranh chứ không đơn thuần là những người hợp tác với chế độ cũ. Ông cho biết những người này chưa cho thấy bản thân đã được cải tạo tốt nên vẫn còn bị giam giữ. [22]

Tuy nhiên, một nhà ngoại giao nước ngoài cho rằng đây là những quân nhân, chính trị gia ưu tú của miền Nam. Lý do cộng sản vẫn chưa thả họ là vì lo ngại họ còn sức ảnh hưởng với dân chúng miền Nam. [23]

 

Do không thông qua xét xử, tù nhân trại cải tạo không có bản án, không có thời hạn bị giam giữ. Chính quyền sẽ giam giữ ai khi thấy họ có sức ảnh hưởng tới dân. Chính quyền có thể giam giữ họ vô thời hạn.

 

Cự tuyệt thực thi Hiệp định Paris 1973 và các chính sách hòa giải, chính quyền mới giam giữ khắc nghiệt các tù nhân, bắt họ lao động khổ sai.

 

💡

Điều 11 - Hiệp định Paris 1973

Ngay sau khi ngừng bắn hai bên miền Nam Việt Nam sẽ:

- Thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia;

- Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.

Những nhà tù khổng lồ ở Việt Nam sau năm 1975 là cách thủ tiêu hợp lý một số tù nhân, cũng như để trừng phạt người của chế độ cũ hoặc ai chống lại chế độ mới.

Cụ thể trong các trại cải tạo này, chính quyền cộng sản đã làm gì?

 

 

Tù nhân chết vì đói

 

Thiếu tá Khong Nang Hanh, chỉ huy của một tiểu đoàn pháo binh, bị gãy hết hàm răng sau 10 năm đi cải tạo ở miền Bắc. Ông nói với phóng viên tờ The Leader Post tại một trại tị nạn ở Philippines vào năm 1986: “Đó là trại cải tạo tàn độc nhất. Chúng tôi không có gì để ăn. Chúng tôi chỉ ăn cơm có một ngày trong tháng. Mấy ngày còn lại, họ cho chúng tôi ăn củ cải trắng, khoai và bắp”. [24]

 

Một thiếu tá Việt Nam Cộng hòa cho biết khoảng 1.500 tù nhân trong trại cải tạo ở tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) mà ông bị giam giữ, mỗi tuần có khoảng 15 người chết vì đói ăn và bệnh tật. Tình trạng này kéo dài khoảng hai năm thì chính quyền mới cho phép tù nhân nhận thực phẩm và thuốc men từ người nhà. [25] Trại cải tạo ở Hà Nam Ninh cũng là nơi mà Giáo sư Nguyễn Duy Xuân, nguyên Viện trưởng Đại Học Cần Thơ, bị giam giữ. Ông Xuân qua đời năm 1986 vì bệnh nặng.

 

Một tù nhân khác cho biết trong năm đầu tiên ở trại cải tạo, thức ăn của họ là những con vật họ thấy được như rắn, thằn lằn. Đến năm thứ hai, không còn con vật nào để ăn, tù nhân ăn bất cứ thứ gì mọc trên đất. [26]

 

Sau hai năm cải tạo, cân nặng của một người đàn ông có thể chỉ còn khoảng 36kg. [27]

Điều kiện sống tại mỗi trại cải tạo thường khác nhau. Tù nhân thường chỉ được ăn cơm trắng và muối, rất ít rau và thịt trong các bữa ăn. Lúc nào tù nhân cũng cảm thấy yếu ớt nhưng vẫn phải lao động cực nhọc. [28]

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1600/2024/04/93287493.png

Một bài báo năm 1987 trên tờ The Mercury News của Mỹ, minh họa cảnh trong trại cải tạo. Ảnh: Anna Mallett / Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (Đại học Công nghệ Texas).

 

 

Cưỡng bức lao động

 

Trong các trại cải tạo, các tù nhân miền Nam phải làm các công việc nặng nhọc suốt ngày và làm bằng tay, dụng cụ thô sơ chứ không hề có máy móc.

 

Một cựu tù nhân cho biết mỗi buổi sáng họ được phát cho một nắm cơm rồi bắt đầu đi lao động. Tháng này họ đào kênh dài 10m mỗi ngày, tháng sau họ lại phải đốn một mét khối gỗ một ngày. [29]

 

Các tù nhân phải làm tất cả mọi thứ mà cán bộ sai bảo họ, bao gồm chuyện chặt cây, lợp mái, xây nhà cho hết cán bộ này đến cán bộ khác. [30] Thậm chí, một cựu tù nhân cải tạo còn nói công việc của ông là mang phân người đi bón cho vườn rau tại trại cải tạo, và cán bộ bắt ông dùng tay để bón phân. [31]

 

Trung tướng Nguyễn Hữu Có, người từng giữ chức phó thủ tướng Việt Nam Cộng hòa, bị bắt đào ao, chặt cây từ rừng về để tự dựng trại cải tạo tại Yên Bái.

 

Ông bị giam giữ ròng rã suốt 12 năm và qua năm trại cải tạo khác nhau. Mấy năm đầu, người nhà ông không được thăm gặp, sau đó mỗi năm ông được gặp gia đình một lần. [32]

Chết trong khi lao động cũng không phải trường hợp hiếm gặp. Một cựu tù cải tạo nói mình bị bắt trong khu vực bãi mìn còn sót sau chiến tranh và nhiều tù nhân mất mạng vì giẫm phải mìn. [33]

 

Nhưng đây chưa phải là điều tồi tệ nhất.

 

 

Đấu tố trong trại cải tạo

 

Chuyện đấu tố không xa lạ gì dưới chế độ cộng sản. Ở trại cải tạo, tù nhân phải khai lý lịch chi tiết của mình và gia đình, những sự kiện từ lúc mới sinh ra cho đến năm 1975, đặc biệt là mối liên hệ với Mỹ.

 

Trả lời phỏng vấn tờ The New York Times, cựu dân biểu Quốc hội, Đại tá Trần Ngọc Châu, tù nhân một trại cải tạo gần Long Thành, cho biết ông bị cán bộ bắt phải viết lại lý lịch chi tiết của mình hai lần, trong đó phải làm rõ ông bị “đế quốc Mỹ” thao túng ra sao. Khoảng một phần tư người trong buồng giam của ông phải viết lại lý lịch của mình đến lần thứ ba. [34]

Sau đó, Đại tá Trần Ngọc Châu phải thảo luận công khai tội lỗi của mình với những tù nhân khác. Những buổi luận tội này kéo dài trong hàng tháng trời, từ sáng đến chiều, từ chiều đến tối, tù nhân chỉ được nghỉ để ăn và tập thể dục.

 

Thiếu úy Nguyễn Văn Thắng thuật lại rằng cán bộ trại cải tạo Phú Yên bắt ông phải viết lại lý lịch ba đời vì gia đình ông theo đạo Công giáo và di cư từ Bắc vào Nam.

 

Những bản lý lịch nhanh chóng trở thành các bản nhận tội dài dằng dặc. Thậm chí, nhiều tù nhân phải bịa ra tội lỗi của mình vì cán bộ cộng sản nói ai thú nhận càng nhiều tội lỗi với cách mạng thì cách mạng sẽ sớm cho họ trở về nhà. [35]

 

Chưa kể, ở một số trại cải tạo, ban ngày lao động, ban đêm các tù nhân còn phải học về chủ nghĩa cộng sản.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/04/840324.jpg

Một lớp "học tập cải tạo". Ảnh: Marc Riboud / Flickr.

 

 

Hình phạt dã man

 

Một số tù nhân trại cải tạo nói rằng họ chưa từng bị đánh hay tra tấn trong thời gian bị giam giữ. Nhưng nhiều trường hợp nói rằng họ từng chứng kiến cán bộ đánh đập hoặc bắn chết bất cứ tù nhân nào muốn trốn thoát.

 

Cựu trung úy Phạm Ngọc kể rằng một lần có khoảng 100 tù nhân trốn thoát nhưng có đến 90 người bị giết chết sau đó. [36]

 

Phi công Nguyễn Văn Trọng thuật lại có sáu tù nhân trong nhóm của ông bị cán bộ trại bắn chết chỉ vì hiểu lầm. Khi đó, khoảng 150 tù nhân được dẫn ra ngoài để tắm ở một con suối. Trên đường đi, những tù nhân đi đầu cần uống nước nên xin phép cán bộ (đi cùng hàng đầu) cho vào một ngôi nhà để uống nước. Tuy nhiên, cán bộ đi sau không biết việc này. Thế là khi những tù nhân đi đầu rời khỏi hàng thì cán bộ đi sau đã nã súng máy vào các tù nhân vì tưởng họ bỏ trốn. [37]

 

Ngoài ra, cán bộ có thể phạt tù nhân bằng nhiều hình phạt khác nhau. Có hình phạt dẫn đến chết người.

 

Phi công Nguyễn Văn Trọng cũng kể một trường hợp cán bộ trại cải tạo bắt một tù nhân (có ý định trốn thoát) vào một chiếc hộp đặt dưới lòng đất trong ba tuần. Mỗi ngày họ thả xuống cho tù nhân ấy một nắm cơm. Người này sau đó bị treo hai tay lên cao và bị đánh đến chết. Xác của người này bị đem ra khỏi hộp, cán bộ trại tù đánh tiếp để cảnh cáo những tù nhân khác. [38]

 

Đại tá Nguyễn Thọ Lập cho biết một lần cán bộ phát hiện một tù nhân đến gần hàng rào của trại vào ban đêm. Tù nhân này sau đó bị nhốt vào thùng container. Hai tuần sau, xác của người này được kéo ra vào đặt vào quan tài. [39]

 

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/04/Screenshot-2024-04-29-at-3.56.07-PM.png

Tranh minh họa một hình phạt tra tấn trong trại cải tạo. Nguồn: San Jose Mercury News / Ngày 11/10/1987 / Anna Mallett / Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (Đại học Công nghệ Texas).

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/04/data-src-image-b9330904-14a2-4013-b586-9523092957ac--1-.png

Tranh minh họa một hình phạt tra tấn trong trại cải tạo. Nguồn: Anna Mallett / Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (Đại học Công nghệ Texas).

 

Vào những năm 1980, sự khắc nghiệt của trại cải tạo cuối cùng cũng được quốc tế biết đến qua lời kể của các cựu tù nhân cải tạo đã vượt biên. Việt Nam đứng trước sự chỉ trích của quốc tế về sự vô nhân đạo trong các trại cải tạo.

 

Năm 1987, báo chí quốc tế dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phan Hiền xác nhận việc trừng phạt các tù nhân trại cải tạo là có thật. Thông báo nói rằng Việt Nam đang đối xử với tù nhân cải tạo một cách nhân đạo và nhân văn. Nhưng những tù nhân nào vi phạm quy định của trại hoặc muốn trốn thoát thì phải chịu hình phạt. [40]

 

Trước các cáo buộc của quốc tế về việc đày đọa các tù nhân trại cải tạo, năm 1987, người phát ngôn của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc phản hồi: “Chúng tôi là một nước nghèo. Những người này [tù nhân trại cải tạo] đã quen với cuộc sống xa hoa. Họ nhận hàng tỷ đô-la từ người Mỹ. Chúng tôi có khó khăn trong việc nuôi người dân chúng tôi, và đương nhiên cũng có vấn đề khi nuôi những tù nhân này”. [41]

 

Tuy nhiên, hình phạt không chỉ tồn tại trong trại cải tạo, ngay cả khi tù nhân được trở về với gia đình thì chính quyền vẫn tiếp tục trừng phạt họ.

 

 

Không còn đường lui

 

Khoảng năm 1977 - 1978, chính quyền Việt Nam bắt đầu thả một số cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa có cấp bậc thấp trở về với gia đình. Tuy nhiên, những người này vẫn bị giám sát gắt gao.

 

Một đại úy được thả vào cuối năm 1978 cho hay ông không thể đi cách nhà quá 5 km và không thể làm bất cứ việc gì để sinh sống. [42]

 

Một người khác cho biết mỗi tuần, ông phải trình diện tại công an địa phương và sau đó là mỗi tháng. Ông và người thân làm việc gì cũng bị theo dõi. [43]

 

Một cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa sau bảy năm cải tạo nói không thể tìm được việc làm nào khác ngoài nghề đạp xích lô. [44]

 

Nhiều tù nhân sau khi được thả về nhà bị chính quyền yêu cầu di chuyển gia đình đến các vùng kinh tế mới hoặc phải đi lao động tập thể nhiều tháng trời.

 

Một cựu tù nhân tên Nguyễn Mạnh Hùng, được thả vào năm 1978, nói rằng ông phải cam kết với cán bộ trại cải tạo sẽ về quê làm nông thì mới được thả. [45]

 

Báo cáo của Mỹ vào năm 1984 cho biết chính quyền Việt Nam từ chối cấp giấy tờ để các cựu tù nhân cải tạo tìm việc làm và nhà ở, không cấp chứng minh nhân dân để họ đi lại trong nước. Chính quyền cũng từ chối cho họ tham gia chương trình Ra đi có trật tự (vào lúc này người Việt Nam chưa được phép sang Mỹ theo diện cựu tù nhân cải tạo mà chỉ được đi theo diện đoàn tụ gia đình nếu có người thân ở Mỹ). [46]

 

Năm 1986, tờ báo The Leader Post đưa tin một số người Việt Nam vượt biên đến các trại tị nạn lúc này là thanh niên. Những người này vì có cha, mẹ từng làm việc cho chính quyền, quân lực Việt Nam Cộng hòa nên không có cơ hội học tập và hoặc thăng tiến trong công việc. [47]

 

Một đại tá đã đi cải tạo 14 năm cho biết không một ai trong chín người con của ông được làm việc cho chính quyền mới. Các con của ông phải làm những nghề như đạp xích lô, thợ hồ. [48]

 

Vào lúc này, người dân cho rằng chính quyền đang áp dụng chính sách phân biệt đối xử ba đời dành cho những người là quân nhân, nhân viên của chính quyền Sài Gòn. Do đó, họ không còn cách nào khác là vượt biên.

 

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/2024/04/kienthuc-anh-mau-vn-1988-06-1.jpg

Hội trường chính ở Trại cải tạo Thủ Đức ngày nghỉ cuối tuần, năm 1988. Ảnh: Kienthuc.net.vn.

 

 

Ân xá tù nhân

 

Vào cuối thập niên 1980, hơn 10 năm sau chiến tranh, chính quyền Việt Nam biết mình không thể giam giữ mãi tù nhân trong các trại cải tạo.

 

Vào lúc này, Việt Nam muốn củng cố hình ảnh của mình trước quốc tế, và đặc biệt là bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Vấn đề tù nhân cải tạo được Mỹ rất quan tâm.

 

Tháng 9/1987, Việt Nam ân xá 480 tù nhân trong các trại cải tạo là quân nhân, công chức của chế độ cũ. Trong số này có hai bộ trưởng, 18 công chức cao cấp của chính phủ, chín tướng lĩnh quân đội, bao gồm tướng Nguyễn Hữu Có cùng nhiều sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 7.000 người bị giam giữ trong các trại cải tạo. [49]

 

Vào dịp Tết Nguyên đán năm 1988, chính quyền tiếp tục ân xá cho 1.014 tù nhân. Trong số này, có 10 tướng lĩnh được thả, bao gồm tướng Trần Văn Cẩm và Nguyễn Vĩnh Nghi. [50]

 

 

Rời khỏi quê hương

 

Đến tháng 7/1988, Mỹ đạt được thỏa thuận với Việt Nam về việc đưa 11.000 cựu tù nhân trại cải tạo cùng hơn 40.000 người thân của họ rời khỏi Việt Nam. [51]

 

Thỏa thuận với Việt Nam giúp Mỹ mở ra chương trình tái định cư đặc biệt cho các tù nhân trại cải tạo, hay còn gọi là “ra đi theo diện H.O”. Trước đó, các cựu quân nhân cũng có thể đến Mỹ nhưng theo diện đoàn tụ gia đình là chủ yếu.

 

Năm 1989, Mỹ tiếp nhận bất cứ cựu tù nhân nào đã đi cải tạo từ ba năm trở lên. [52] Vào lúc này, Việt Nam còn giam giữ khoảng 100 tù nhân. [53]

 

Năm 1990, số cựu tù nhân cải tạo đến Mỹ ước tính khoảng 1.000 người mỗi tháng. [54] Tuy nhiên, danh sách mà Việt Nam yêu cầu Mỹ phải tiếp nhận lên đến 60.000 người. [55] Thêm vào đó, Mỹ còn phải giải quyết hàng trăm nghìn hồ sơ của những người Việt khác, ra đi theo các diện khác như con lai, đoàn tụ gia đình. [56]

 

Do đó, tốc độ Mỹ xử lý các hồ sơ tái định cư của các cựu tù nhân là khá chậm chạp. Cộng thêm nỗi lo sợ bị bắt một lần nữa vào trại cải tạo, một số tù nhân chọn cách giong thuyền ra Biển Đông.

 

Đọc thêm: Thảm kịch thuyền nhân: 20 năm biển người giữa Biển Đông

 

Vào tháng 5/1992, ông Lê Văn Bàng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cho biết trong dịp kỷ niệm ngày 30/4, Việt Nam đã thả tất cả các tù nhân còn lại và điều này là cử chỉ nhân đạo của Việt Nam. [57]

 

Giữa thập niên 1990, Mỹ tiếp nhận mỗi năm khoảng 10.000 cựu tù nhân trại cải tạo và gia đình của họ đến Mỹ. [58] Thống kê cho thấy năm 1997, có 468.500 người Việt Nam đến Mỹ theo diện cựu tù nhân cải tạo cùng với người thân. [59]

 

Vào lúc này, chỉ còn 145 gia đình chờ phỏng vấn để sang Mỹ tái định cư. Vấn đề trại cải tạo dần dà khép lại trên mặt báo.

 

Việt Nam chưa bao giờ công bố số tù nhân đã chết trong các trại cải tạo. Đối với những người còn sống, trại cải tạo vẫn là nỗi ám ảnh đến cuối đời. Nó còn đặt ra một câu hỏi dai dẳng cho thế hệ sau: Vì sao ông cha của họ bị đẩy vào hoàn cảnh bi đát đến như vậy?

 

-----------------------------------

Đọc thêm:

Trại cải tạo sau 30-4-1975: Lục lại một báo cáo của Ân xá Quốc tế năm 1981

Tháng 12/1979, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã có chuyến làm việc chính thức 10 ngày tại Việt Nam về vấn đề giam giữ các cựu quân nhân, nhân viên và quan chức của chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) sau ngày 30/4/1975. Họ đã gặp gỡ và làm việc với […]

Luật Khoa tạp chí    Quỳnh Vi

 

Thảm kịch thuyền nhân: 20 năm biển người giữa Biển Đông

Một trong những thảm kịch tị nạn dai dẳng nhất trong lịch sử nhân loại.

Luật Khoa tạp chí   Nguyễn Hạnh

 

Triệt tiêu văn hóa miền Nam sau năm 1975: Đốt sách, cầm tù trí thức, độc chiếm xuất bản

Những thiệt hại không thể phục hồi, kéo lùi nền tri thức của đất nước.

Luật Khoa tạp chí   Nguyễn Hạnh






No comments:

Post a Comment

View My Stats