Tuesday 10 October 2023

THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH YÊU CẦU "XÂY DỰNG" NGƯỜI HÀ NỘI THANH LỊCH (RFA)

 



Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu “xây dựng” người Hà Nội thanh lịch

RFA
2023.10.10

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/prime-minister-pham-minh-chinh-requested-to-build-elegant-hanoians-10102023133842.html

 

Mới đây, tại hội nghị vinh danh “Công dân thủ đô ưu tú” năm 2023, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

 

Cũng tại hội nghị, ông Chính đề nghị Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhằm khơi dậy ý chí, lòng tự hào, niềm vinh dự, trách nhiệm khát vọng phát triển của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc tham gia xây dựng thủ đô, phát triển đất nước.

 

Một người dân Việt Nam không muốn nêu tên bày tỏ với RFA suy nghĩ của ông về phát biểu của ông Phạm Minh Chính:

 

Từ khi các nhà lãnh đạo cộng sản bước ra thế giới, mặc vest, tập bắt tay và cười đúng cách với thế giới văn minh, cũng là lúc họ nhận ra rằng dùng bạo lực để kiểm soát đất nước là không đủ, mà còn phải tạo ra mặt bộ mặt văn minh, gần giống như họ thấy của thế giới bên ngoài để có thể tự mãn đủ là thật sự biết lãnh đạo và xây dựng một đất nước. Nhưng bản thân ông Phạm Minh Chính cũng không nhận ra sự mâu thuẫn trong lời kêu gọi của ông. Bởi một lớp người có văn hóa, đầy đủ lương tri và phẩm giá Việt Nam, nó không đáp ứng được với tiêu chí xây dựng con người chỉ biết tuân lệnh phục vụ, cam tâm làm cánh tay nối dài không cần lý lẽ, cho các hoạt động cai trị của Đảng cộng sản.”

 

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già thì cho rằng, ông Chính dùng từ “xây dựng” là không chính xác, bởi con người không phải là một công trình, một dự án để mà xây dựng. Ông phân tích:

 

Đã là con người thì không thể dùng từ xây dựng ở đây. Nó là một phạm vi về triết học. Khi nói ‘xây dựng con người’ thì họ phạm một sai lầm trầm trọng khi dựa trên nền tảng văn hóa giáo dục phi triết lý.

Tóm lại, ba yếu tố mà ông Chính đề cập là thi đua yêu nước, suy thoái đạo đức, tham nhũng và xây dựng người Hà Nội lồng vào danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú” nó chỉ mang tính phong trào mà thôi. Tức có chỉ là vẻ ngoài chứ không giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Và cuối cùng, tôi muốn nói là văn hóa người Hà Nội và văn hóa người Việt Nam hiện nay đã mai một và mất dần. Nó không còn những cái linh hồn, những cái hào hoa thanh lịch của người Hà Nội xưa.

Ngoài ra, khi ông Chính đề cập tới các tầng lớp đảng viên suy thoái đạo đức, tham nhũng… riêng phạm vi này tôi khẳng định rằng, chính nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, cụ thể là Bộ chính trị, trung ương đảng và Chính phủ phải chịu trách nhiệm liên tục, toàn diện và xuyên suốt đối với người dân Việt Nam”.

 

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già không đồng ý với yêu cầu “Thi đua lòng yêu nước” của Thủ tướng Phạm Minh Chính, bởi nếu thi đua tức là đã chính trị hóa lòng yêu nước; điều đó sẽ dẫn tới chuyện tranh giành, so bì, đố kỵ. Ông kết luận:

 

“Bằng chứng rõ nhất về chính trị hóa lòng yêu nước chính là chiến thắng của nhà cầm quyền CSVN vào ngày 30/4/1975. Khi chính trị lòng yêu nước, nhà cầm quyền cộng sản họ không nhận thấy những hậu quả khôn lường và nó để lại những di hại kéo dài gần nửa thế kỷ qua. Đó là xung đột vùng miền dưới tên gọi là kỳ thị vùng miền”.

 

Hơn 10 năm qua, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10 tháng 10), thành phố Hà Nội lại tổ chức lễ trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” cho những cá nhân được coi là có thành tích đặc biệt xuất sắc, nhiều cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của thành phố này. Theo truyền thông Nhà nước, năm nay là năm thứ 13 Hà Nội tổ chức tôn vinh danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú”.

 

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hà Nội là thủ đô nên phải xây dựng và phát triển sao cho văn minh, hiện đại xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; phải phát triển sao cho có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

 

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng, việc đầu tiên Chính phủ cần làm là tạo cho người dân một cuộc sống ổn định về kinh tế lẫn xã hội. Đó là điều kiện tiên quyết. Nếu được như thế thì nét thanh lịch, văn minh, hào hoa sẽ tự khắc đến với người dân, không cần phải “thi đua” hay “xây dựng”. Bà nói:

 

“Thật ra việc mong muốn người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh là một điều đáng quý. Nhưng kể cả ngày xưa hay bây giờ thì trong xã hội cũng có người này người khác. Đó là quy luật xã hội rồi. Tuy nhiên, nếu trong một xã hội lành mạnh thì số người thanh lịch sẽ chiếm đa số. Còn nếu một xã hội không ổn định và kinh tế bất ổn thì sẽ ảnh hưởng đến cách cư xử, văn hóa của người dân. Người ta không thể thanh lịch khi cuộc sống quá khó khăn, quá căng thẳng.

 

Thay vì Thủ tướng nhắm vào cái đích mong muốn người Hà Nội văn minh, thanh lịch thì có lẽ nên nhắm vào cái đích ổn định kinh tế, ổn định xã hội sao cho người dân có một cuộc sống hài hòa, bình an thì cái thanh lịch nó tự đến.”

 

 Là một người dân trong nước, nhạc sĩ Lê Thiệu không tin người Hà Nội có thể hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam, như yêu cầu của ông Phạm Minh Chính. Vị nhạc sĩ này giải thích:

 

“Việc mong muốn người Hà Nội hào hoa, thanh lịch thì tôi thấy là điều không thể, bởi Hà Nội hiện đang nằm trong danh sách 10 thành phố trộm cắp nhiều nhất thế giới. Như thế thì làm sao mà xây dựng con người văn minh đúng nghĩa trong một thành phố như thế được. Không thể!”

 

Cuối năm 2014, TripAdvisor - một website chuyên nghiên cứu về du lịch, từng xếp Hà Nội trong top 10 thành phố nhiều trộm cắp nhất thế giới. Theo TripAdvisor, “Thủ đô Hà Nội nổi tiếng với khu phố cổ có vẻ đẹp độc đáo, vô số khu di tích, kiến trúc Pháp thuộc và hàng trăm đền chùa cổ kính. Tuy nhiên, những kẻ móc túi hoành hành tại khắp nơi, hãy cẩn trọng khi tới chốn đông người”.

 

Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, năm 2022 có hơn 3.200 vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên địa bàn, trong đó có gần 1.300 vụ trộm cắp tài sản.

 

--------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Chủ tịch Hà Nội “chịu trách nhiệm” như thế nào khi số ca COVID-19 liên tục tăng?

 

Ý kiến về đá vỉa hè có độ bền 70 năm vừa lát đã hỏng

 

Chính quyền Hà Nội với giấc mơ về dự án thành phố ven sông Hồng (Phần II)

 

Dân Thủ Thiêm tiếp tục cầu cứu lên Trung ương và kiên định giữ đất

 

Ngành giao thông thanh minh trước tin mời Trung Quốc sửa chữa mặt cầu Thăng Long

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats