Tuesday 24 September 2019

TRUMP CHỜ LỰC LƯỢNG LIÊN MINH (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
23/09/2019

Hôm thứ Tư, 18 tháng Chín 2019, Ngoại Trưởng Mike Pompeo lên án Iran đã thực hiện một “hành động chiến tranh” (act of war) qua việc đánh phá cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia; việc lên án đó mở đường cho Hoa Kỳ đáp ứng bằng một “hành động chiến tranh khác” như oanh tạc hoặc oanh kích bằng hải pháo, như trước đây Tổng Thống Barack Obama đã trừng phạt Syria vì tổng thống Syria dùng bom hóa học tàn sát dân chúng Syria.

Xa hơn nữa, là việc Tổng Thống Bush 41 trừng phạt Iraq bằng cuộc tấn công Gulf War, năm 1991.

Nhưng Tổng Thống Trump không trừng phạt; không đem quân tấn công Iran như Tổng Thống Bush 41 tấn công Iraq năm 1991, cũng không oanh tạc bằng bom, không oanh kích bằng hải pháo. Tại sao ông chần chừ? Ngoại Trưởng Pompeo giải thích: Mỹ còn chờ khối Liên Minh.

Pompeo nhắc đến khối Liên Minh -sức mạnh quân sự của những nước đồng minh với Mỹ đã gừi quân tham chiến giúp Mỹ tấn công và chiếm đóng Iraq trong cả hai trận chiến tranh do hai vị Tổng Thống George W.H. Bush -thường gọi là ông Buch 41, và con trai của ông - ông Bush 43.

Khối Liên Minh trong trận chiến tranh Iraq lần thứ nhất -được gọi là Gulf War xảy ra năm 1991-do Tổng Thống Bush 41 quyết định -gồm có quân đội của 34 nước, ngoài các nước thuộc khối NATO- Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương, còn nhiều nước Ả Rập trong vùng Trung Đông cũng gửi quân tham chiến, hoặc giúp phương tiện, nhiều nước Á Châu cũng tham dự.

Trận chinh phạt Iraq lần thứ nhì -do Tổng Thống Bush 43 thực hiện- được sự hưởng ứng của 34 quốc gia, nước nào cũng đóng góp vào sức mạnh Liên Minh hoặc bằng nhân sự -như Pháp gửi 17,000 quân, Syria gửi 19,000 quân tham dự, những nước khác đóng góp bằng những đơn vị không quân, hoặc hải quân của họ, nhiều quốc gia Trung Đông, hiến chỗ đóng quân, hiến hải cảng của họ làm tiện nghi hành quân cho Tổng Thống George W. Bush (Bush 43 ).

Bộ Trưởng Quốc Phòng ngày đó -ông Donald H. Rumsfeld- đưa ra một danh sách 34 quốc gia tham gia cuộc tấn công thứ nhì, đưa đến việc bắt sống và xử giảo Tổng Thống Iraq, Saddam Hussein.

Nhưng thế Liên Quân là gì? Và điều gì tạo ra cái thế lạ lùng đó? Cái thế chưa cất quân chinh phạt mà đã có chính nghĩa, đã được nhiều nước ủng hộ?

Tôi nghĩ đến con số 400,000 quân nhân Mỹ chấp nhận tử trận để đánh tan hai cường quốc chủ chiến -Đức và Nhật- trong trận Thế Chiến Thứ Nhì. Tôi cũng nghĩ đến gần 60,000 người lính Mỹ anh hùng ngã gục trong chiến tranh Việt Nam để giúp chúng ta trong cuộc chiến tranh tự vệ.

Dù cuộc chiến bất thành, dù chúng ta mất nước, nhưng chúng ta vẫn tri ân những người lính Mỹ, buông bỏ mọi tiện nghi Hoa Kỳ, đến chiến trường, sống trong chiến hào với chúng ta trong nhiều năm dài.

Thế hệ hậu duệ của chúng ta đang nô nức gia nhập quân đội Mỹ vì tác phong oai hùng, vì tinh thần bất vụ lợi của hàng triệu người lính Mỹ đã làm trên quê hương chúng ta.

Tôi tin rằng nhiều người Pháp cũng nghĩ như tôi về người lính Mỹ; dù có ghét Mỹ đến đâu, thì họ cũng chỉ cần lái xe vài tiếng đồng hồ ra bờ biển Normandy, rồi vào thăm nghĩa địa của những người lính Mỹ đã hy sinh tính mạng trong cuộc đổ bộ lên đất Pháp, là đủ thay đổi quan niệm về người lính Mỹ.

Nghĩa địa này nằm tại thị trấn Colleville-sur-Mer, thuộc tỉnh Normandy của Pháp, rộng 172.5 mẫu, chứa đựng 9,388 ngôi mộ của quân nhân Hoa Kỳ. Và đó là cái giá mà thanh niên Mỹ đã nhận trả để giải phóng Tây Âu.

Nghĩa trang quân đội Mỹ tại Normady. (Getty Images)

Con số gần 10,000 tử sĩ Mỹ nằm trong một nghĩa địa Pháp trong tỉnh Normandy -nơi diễn ra cuộc đổ bộ của quân đội Mỹ vào Âu Châu- quả là vĩ đại nói lên cái hùng khí của người lính Mỹ; và con số tổng cộng 407,300 lính Mỹ tử trận trong cuộc Thế Chiến Thứ Nhì giúp giải thích cái thế Liên Minh của người Mỹ trong hai cuộc chiến tranh chinh phạt Iraq.

Ngay cả hai nước bại trận -Nhật và Đức- sau Thế Chiến Thứ Nhì cũng trở thành hai quốc gia đồng minh với Mỹ.

Việc Ngoại Trưởng Pompeo bảo Saudi Arabia là Tổng Thống Trump đang chờ có thế Liên Minh đó để tấn công Iran -quốc gia đang lãnh đạo và võ trang cho những lực lượng Hồi Giáo chống Mỹ, tấn công những quốc gia đồng minh với Mỹ -Saudi Arabia và Do Thái- là việc duy nhất ông Pompeo còn có thể làm.

Saudi có tin lời giải thích của ông Pompeo hay không lại không phải là việc của Pompeo, vì tin hay không tin thì Thái Tử Mohammed -ông vua con đang cai trị Saudi- cũng chỉ còn nước ngồi chờ Mỹ.

Trong lúc Mohammed chờ đợi, Tổng Thống Trump gửi một đơn vị chống hỏa tiễn đến bảo vệ Saudi và lân quốc United Arab Emirates, nhỏ hơn. Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark T. Esper đánh giá việc làm đó là “mang tính chất phòng thủ” của một cái mộc.

Dĩ nhiên cái mộc không tấn công được, người lính thời Trung Cổ cũng chỉ dùng mộc, dùng thuẫn để bảo vệ bản thân mình chống với mũi tên, lưỡi mâu của địch, không để chúng gây thương tích cho mình; nhưng cái mộc tân thời -những hỏa tiễn chống hỏa tiễn lại chỉ có hiệu lực bắn nổ những hỏa tiễn có đường đạn đạo bay cao, như loại hỏa tiễn Bắc Hàn biểu diễn trên Thái Bình Dương. Loại hỏa tiễn trực xạ chống chiến xa, hoặc bắn phá công sự, không bay vòng lên cao rồi rơi xuống mục tiêu, do đó không bị hỏa tiễn bắn, và phá nổ.

Nói cách khác, nếu tuần sau, chờ đơn vị chống hỏa tiễn của Mỹ bố trí xong xuôi, Iran và Huthi lại tái diễn cuộc pháo kích đêm thứ Bảy 14/9 bắn vào khu lọc dầu của Saudi, thì họ vẫn thành công, dù có đơn vị chống hỏa tiễn Mỹ, ngay bên cạnh đó.

Tuy nhiên, việc Trump gửi dàn hỏa tiễn chống hỏa tiễn đến Saudi, để chống quân du kích Huthi -một lực lượng không được trang bị bằng hỏa tiễn- là một việc thừa mà không thừa; ít nhất việc làm đó cũng bảo người Saudi là đừng chờ Mỹ tấn công Iran, vì Tổng Thống Mỹ Donald Trump ý thức được là chính phủ của ông không có cái hào khí của 10,000 người lính Mỹ đang nằm hưởng gió biển trong Nghĩa Trang Quân Đội Mỹ tại Normady.

Có lần ông đã mạt sát các quốc gia thành viên của Hiệp Hội Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương (NATO) là dựa vào sức mạnh quân sự Mỹ, mà không thanh toán sòng phẳng những chi phí quốc phòng của Mỹ.

Chính tay Trump đã đập nát cái thế liên minh với Mỹ của thế giới; giờ này ông lại không thích đơn thương độc mã đối đầu với Iran; có lẽ ông sẽ trở qua Helsinki để gặp đồng chí Vladimir Putin thêm một lần nữa.

Thật là thảm thương.





No comments:

Post a Comment

View My Stats