Thursday 26 September 2019

BÁO CÁO : VIỆT NAM TRẢ ĐŨA, UY HIẾP CÁC NHÀ HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC VỚI LHQ (VOA Tiếng Việt)




VOA Tiếng Việt
27/09/2019

Việt Nam là một trong những nước bị Liên Hiệp Quốc nêu tên vì nghi ngờ có hành động trả đũa và uy hiếp các nhà hoạt động hợp tác với cơ quan thế giới này về các vấn đề nhân quyền.

Các vụ việc được nêu trong một báo cáo hàng năm của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trình bày trước Hội đồng Nhân quyền ở Geneva vào thứ Năm tuần trước. Việt Nam đã bác bỏ các cáo buộc này trong cuộc tranh luận kéo dài hai giờ tại Hội đồng, Reuters đưa tin.

Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết họ đã ghi nhận những vụ việc bị nghi là trả đũa nhắm vào các nạn nhân, những thành viên của xã hội dân sự và các nhà hoạt động, xảy ra ở “ngày càng nhiều quốc gia nữa, cho thấy một sự gia tăng khắp toàn cầu.”

“Đã liên tục có những báo cáo về các hành vi tàn ác nghiêm trọng nhắm vào những người dám đến Liên Hiệp Quốc hoặc chia sẻ thông tin với chúng tôi - giam giữ cấm tiếp xúc với bên ngoài, tra tấn và ngược đãi, biệt giam kéo dài, và thậm chí tử vong trong khi bị giam giữ,” Andrew Gilmour, Trợ lí Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách Nhân quyền, phát biểu trước diễn đàn ở Geneva khi trình bày báo cáo.

Người nhà, người đại diện pháp lí, và nhân chứng của họ cũng bị nhắm mục tiêu, ông nói.
Sự uy hiếp đang xảy ra “ngay trước mắt chúng ta, với việc các nhà hoạt động bị ghi hình hoặc ghi âm bí mật tại các sự kiện của Liên Hiệp Quốc,” ông Gilmour nói. “Thường có những báo cáo về việc trả đũa nhắm vào một số cá nhân khi họ trở về nhà.”

Báo cáo nêu ra một số trường hợp cụ thể từ Việt Nam như vụ của bà Nguyễn Thị Kim Thanh, được nói là đã bị công an thẩm vấn và tịch thu hộ chiếu khi bà trở về Việt Nam sau khi tham gia phiên kiểm điểm định kì phổ quát tại Geneva vào tháng 1, nơi bà tới để vận động trả tự do cho chồng là ông Trương Minh Đức, người đang chịu án tù 12 năm.

Bùi Thị Kim Phượng (giữa), vợ của tù nhân Nguyễn Bắc Truyển, chụp hình cùng các thành viên của phái đoàn thuộc Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, tháng 9 năm 2019, Việt Nam.

Vào tháng 3, bà Bùi Thị Kim Phượng bị cấm xuất cảnh khi định đến Geneva để vận động sự quan tâm của Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc cho trường hợp của chồng bà, ông Nguyễn Bắc Truyển, một người tranh đấu cho nhân quyền đã phải đối mặt với sự trả đũa của nhà chức trách Việt Nam sau chuyến thăm năm 2014 của Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo và tín ngưỡng.

Ủy ban Nhân quyền bày tỏ lo ngại về những vụ trả đũa này vào tháng 3, theo bản báo cáo.

Phúc trình nói chính phủ Việt Nam đáp lại các cáo buộc hồi tháng 6, nói rằng không có chuyện “đe dọa” hoặc “ngăn chặn quyền đi lại” của bà Thanh và bà Phượng và tuyên bố rằng việc tổng hợp và soạn thảo các báo cáo liên quan đến phiên kiểm điểm định kì phổ quát và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) được Hà Nội thực hiện một cách “cởi mở, minh bạch và bao quát.”

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc của tổ chức vận động nhân quyền Ủy ban Cứu người Vượt Biển (BPSOS) ở Mỹ, nói tổ chức của ông đã phối hợp cung cấp thông tin cho bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc và rằng Việt Nam đã không thành thật hoặc tìm cách biện minh cho những vụ việc mà ông nói là có chứng cứ cụ thể.

“Việt Nam rất ngần ngại khi bị nêu đích danh bởi Tổng Thư kí Liên Hiệp Quốc ngay tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, một sự kiện rất là quan trọng,” ông nói với VOA. “Do đó họ đã dựng chuyện lên để thoái thác để mà chạy tội.”

“Mặt khác nó cũng cho thấy Việt Nam đinh ninh là quốc tế không biết gì cả nên muốn nói sao thì nói. Nhưng mà năm nay có khá nhiều chứng cứ. Tất cả những báo cáo mà mình nộp cho Liên Hiệp Quốc đều có chứng cứ cả: giấy mời, biên bản cấm xuất cảnh, vân vân.”

Ông Thắng cho VOA xem một biên bản “về việc chưa được xuất cảnh” của bà Bùi Thị Kim Phượng lập vào ngày 7 tháng 3 tại sân bay Tân Sơn Nhất, ghi rằng bà không được phép rời Việt Nam vì “lý do an ninh.” Biên bản không nêu cụ thể lý do an ninh đó là gì mà chỉ yêu cầu bà Phượng liên hệ với Cục Quản lý xuất nhập cảnh để giải quyết.

Ông Thắng cho biết ông dự định làm một “phép thử” với trường hợp của bà Phượng bằng cách thu xếp những chuyến đi cho bà đến Mỹ hoặc Châu Âu tiếp tục vận động cho trường hợp của chồng bà để xem Việt Nam có cấm cản hay không.

“Việt Nam vừa được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với tư cách thành viên không thường trực bắt đầu từ sang năm,” giám đốc điều hành của BPSOS nói. “Trong vai trò đó, Việt Nam càng phải làm gương chứng tỏ rằng mình tuân thủ tất cả các quy định, nghị quyết và cam kết với Liên Hiệp Quốc,” Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như thống kê của các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cho thấy Việt Nam trong những năm gần đây tăng cường trấn áp những người có quan điểm bất đồng chính kiến, tống giam những người chỉ trích đảng Cộng sản và chính phủ dưới cáo buộc “chống phá nhà nước” hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”

Hà Nội lâu nay nói họ không trấn áp những ai bất đồng chính kiến mà chỉ xử lý những người mà họ gọi là "vi phạm pháp luật."






No comments:

Post a Comment

View My Stats