Friday, 4 March 2016

XÁC NHẬN LÝ LỊCH ỨNG CỬ : ỦY BAN XÃ VĨNH QUỲNH LO QUÁ HÓA LIỀU (Nguyễn Tường Thụy)





THỨ SÁU, NGÀY 04 THÁNG 3 NĂM 2016

Quyền ứng cử là quyền của công dân đã ghi vào Hiến pháp. Ấy thế mà, từ trước đến nay, hễ có ai đứng ra tự ứng cử mà không được sự bố trí ngầm thì họ cho là một việc tày trời lắm, lo bàn bạc, đối phó, họp hành, rồi dùng mọi thủ đoạn bẩn thỉu. Cứ là loạn cả lên. 

Mùa bầu cử năm nay, sơ sơ cho đến giờ đã có trên 20 hoặc ngót 30 người hoạt động trong các nhóm xã hội dân sự đã tuyên bố ứng cử, toàn là những nhân vật bị coi là “phản động”.

Bắt đầu từ khâu làm hồ sơ. Làm hồ sơ thì phải xin xác nhận lý lịch. Tôi đã 3 lần làm lại hồ sơ, và hai lần xin dấu xác nhận. Có những lỗi rất đơn giản như ghi tôn giáo Lương như hồ sơ đi bộ đội không được, cứ phải ghi là “không”, có lỗi như ghi “Từ Tháng 3/1993 về hưu” không được mà phải ghi thêm chữ “đến nay”, có lẽ để chứng tỏ là mình… còn sống. Hoặc là ghi nguyên xi theo hồ sơ cơ quan nhưng vẫn phải diễn giải chữ viết tắt, ví dụ TCHC thì phải ghi là Tổng cục hậu cần. Thôi thì ba thứ tiểu tiết chẳng thiệt hại gì nhiều nên tôi cũng chấp nhận khai lại, cũng là để xem còn những trò gì tiếp theo. 

Dù có phải đi lại nhiều nhưng việc xác nhận lý lịch lần đầu có vẻ còn đỡ. Bà chủ tịch xã làm đúng chức năng xác nhận. Nhưng đến Ủy ban bầu cử Thành phố thì cán bộ ở đây lại soi ra mấy tiểu tiết nữa. Thế là phải về xin xác nhận lại. 

Lần này thì có vẻ căng thẳng lắm. Đầu giờ chiều 2/3, theo lời hẹn của chủ tịch xã, bà vợ tôi vào lấy xác minh lý lịch (đã làm lại lần thứ 3). Nhưng bà chủ tịch gọi điện cho biết việc này đã giao cho phó chủ tịch Nguyễn Khắc Hiếu. 

Vào ủy ban xã, các phòng lãnh đạo đều đóng cửa. Gọi cho phó chủ tịch thì được trả lời đang đi công trường, hẹn 4h. 

4h vào không thấy, lại gọi điện và được hẹn nửa giờ nữa. 

Đợi nửa giờ nữa thì lại bảo bận họp và hẹn đến 7h30 sáng hôm sau (3/3) 

Hồ sơ họ đã nghiên cứu kỹ từng chữ. Chỉ còn một phút ký nữa thôi mà phải chuyển giao từ người nọ người kia, rồi hẹn lần hẹn lữa từng 30 phút một. Có vẻ như lần này có sự can thiệp của đảng ủy, tập thể ủy ban hay chỉ đạo từ trên gì đấy chứ không chỉ xác nhận rằng ông Nguyễn Tường Thụy là người có hộ khẩu ở đây. Sau mới nghĩ ra họ câu giờ để tính kế. 

Sáng hôm sau, đúng 7h30 vào. Phó chủ tịch Hiếu đã bỏ lại lý lịch của tôi ở phòng văn thư và đi đâu mất. Mở ra thì thấy lời xác nhận còn kèm theo những lời nhận xét. Nguyên văn: 

UBND xã Vĩnh Quỳnh xác nhận Ông Nguyễn Tường Thụy, có hộ khẩu thường trú tại xã Vĩnh Quỳnh. Trong thời gian sống tại xã không tham gia sinh hoạt bất kỳ các tổ chức chính trị xã hội nào của xã. Bản thân ông Nguyễn Tường Thụy năm 2012 đã hai lần bị Công an Quận Hoàn Kiếm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt cảnh cáo đồng thời có lời nói và việc làm không ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 

Vình Quỳnh ngày 02/3/2016 

TM. UBND Xà

Phó chủ tịch 

Nguyễn Đình Hiếu 

Đọc xong, không biết là tay phó chủ tịch này không hiểu về pháp luật hay nôn nóng ngăn cản việc ứng cử của tôi quá mà sinh ra liều: 

1.Công văn số 1520/HTQTCT-CT ngày 20/3/2014 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch như sau: 

“Hiện nay, yêu cầu xác nhận Sơ yếu lý lịch của người dân là rất lớn. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn về việc xác nhận nên Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện không thống nhất, có nơi xác nhận đăng ký thường trú, có nơi xác nhận chữ ký của người khai lý lịch, cũng có nơi chỉ đóng dấu của Ủy ban nhân dân mà không có nội dung xác nhận… 

Đặc biệt, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực còn nhận được phản ánh của báo chí và một số địa phương về việc một số Uỷ ban nhân dân cấp xã đã xác nhận vào Sơ yếu lý lịch của công dân với nội dung “không chấp hành pháp luật, chủ trương của Nhà nước” do những hộ gia đình này không nộp đầy đủ các khoản thu của địa phương. Nội dung xác nhận này đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gây bất lợi cho công dân khi sử dụng Sơ yếu lý lịch. 

Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân, trong thời gian chưa ban hành Luật Chứng thực, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đề nghị các Sở Tư pháp chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai Sơ yếu lý lịch; người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch. Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong Sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung Sơ yếu lý lịch là đúng. Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân./.” 

Mặt khác, phần xác nhận trong mẫu lý lịch ghi “Xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi làm việc hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú” chứ không phải là "xác nhận và nhận xét của..."

Như vậy, Ủy ban xã Vĩnh Quỳnh chỉ có trách nhiệm xác nhận chữ ký hay bản lý lịch tôi khai chứ không có quyền nhận xét. Phần nhận xét là thừa và lạm quyền. 

2. Việc tôi không tham gia sinh hoạt các tổ chức CT-XH nào của xã: Theo tôi biết, Vĩnh Quỳnh không có tổ chức chính trị xã hội nào “của xã”. Tôi chỉ biết đến những Hội của Trung ương có chi hội ở xã mà thôi. Trong mục kê khai, tôi đã ghi là “Không”, thêm một lần thừa nữa. 

3. Việc tôi bị cảnh cáo, tôi không hề nhận được quyết định nào nên không có cơ sở để khai. Mặt khác, nếu có thì đã cách đây 4 năm, không thuộc diện khai theo mẫu hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, vì nếu có khai cũng không đúng hướng dẫn, bản khai sẽ phải làm lại. Điều này lại thừa. 

4. Việc cho tôi “có lời nói và việc làm không ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước” là một nhận xét hồ đồ, không có cơ sở. Mặt khác đại biểu quốc hội cần phải phản biện về chính sách của Đảng và nhà nước nếu không đúng chứ không nhất thiết phải có lời nói và việc làm ủng hộ bất kể chủ trương chính sách sai lầm nào. 

Có lẽ bàn thảo mãi mới ra bằng ấy “tội” của tôi. Chỉ tiếc rằng cả 3 “tội”, kể cả bịa cũng không có “tội” nào có thể dùng để loại hồ sơ của tôi, theo tiêu chuẩn của đại biểu quốc hội và các qui định của Hội đồng bầu cử quốc gia. 

Như vậy ông Nguyễn Đình Hiếu đã có hành vi lạm quyền, tự ý ghi nhận xét vào lý lịch của công dân, nhận xét không có cơ sở, nội dung nhận xét không nằm trong mẫu kê khai lý lịch nhằm gây khó khăn, cản trở quyền tự do ứng cử của công dân. 

Điều 126 Bộ luật hình sự quy định về “Tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân” như sau: 

1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến hai năm: 

a) Có tổ chức; 

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; 

c) Gây hậu quả nghiêm trọng. 

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. 

Việc tôi có đủ tiêu chuẩn trở thành đại biểu quốc hội hay không phải là việc của mấy vị đảng ủy, ủy ban xã. Tôi đã làm đơn tố cáo hành vi này đến Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ủy ban bầu cử Thành phố Hà Nội và không loại trừ sẽ kiện Nguyễn Khắc Hiếu ra tòa. Đồng thời yêu cầu Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ủy ban bầu cử Thành phố Hà Nội không căn cứ vào nhận xét trên để xem xét Hồ sơ ứng cử Đại biểu Quốc hội của tôi, trừ khi có bằng chứng cụ thể, theo đúng tinh thần hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia. 

Với việc xác nhận vào lý lịch như trên, Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Hiếu chỉ có thể là kém hiểu biết pháp luật, hoặc là cố tình làm sai luật hoặc là cả hai. Vì thế anh ta không đủ khả năng và tư cách để làm Phó chủ tịch. Người như anh ta, ngồi vào ghế đó chỉ làm hại nhân dân. 

3/3/2016 
NTT

Được đăng bởi Nguyễn Tường Thụy vào lúc 3/04/2016 11:41:00 CH 





No comments:

Post a Comment

View My Stats