Sunday, 6 March 2016

VIỆT NAM : NHÂN SỰ GIẢNG DẠY NHƯ VẬY THÌ BIẾT CÁI GÌ ĐỂ DẠY ? (FB Trương Nhân Tuấn)






Hổm rày cáo chí đăng lai rai ý kiến các trí thức phàn nàn về việc “hàng trăm ngàn cử nhân tốt nghiệp không có việc làm”. Hôm nay đặc biệt có ý kiến của TS Nguyễn Tiến Luận: “Cứ cung cách dạy dỗ kiểu này thì cử nhân không ngóc đầu lên được“. Ông Luận cho rằng nguyên nhân (các cử nhân) thất nghiệp là do “kỹ năng quá kém”.

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của TS Luận: các cử nhân mới tốt nghiệp không tìm được việc làm là do kỹ năng quá kém. Nhưng nếu nhìn sâu vào vấn đề, theo tôi, có hai nguyên nhân đưa đến nạn thất nghiệp (của các chuyên gia vừa được đào tạo).

Thứ nhứt là lý do kinh tế. Kinh tế không phát triển thì không tạo ra công ăn việc làm. Điều này không hẵn chỉ có (một cách trầm trọng) ở VN, mà các nước tiên tiến cũng bị vấp phải.
Thứ hai mới là “chất lượng” của chuyên gia vừa được đào tạo.

Ở status ngắn này mình chỉ nói về “chất lượng đào tạo”.

Theo tôi, vấn đề không hẵn (như TS Luận nói) là do nhà trường “dạy cái gì”, mà là trường (giáo sư) biết cái gì để dạy cho học trò ?

Bởi vì về kỹ thuật, ở đâu, trường nào… chương trình học cũng ná ná như nhau. Thí dụ về “tin học”, trường bên Tây, bên Mỹ, hay ở VN… đều dạy như nhau về cách sử dụng các ngôn ngữ tin học (C, C++, Java, Ruby, PHP, HTML…). Ta có thể nói tương tự cho các ngành kỹ sư khác, hay ngành luật, kinh tế v.v…

Tôi thường hay đọc các bài viết được ký tên dưới đó là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ… nọ kia. Tôi cũng thường hay tìm đọc các “giáo trình” của họ được in thành sách. Không biết TS Nguyễn Tiến Luận thẩm định giá trị các tác phẩm này thế nào ? Theo tôi, nội dung các “giáo trình” này đều có vấn đề.

Các giáo trình về khoa học, kỹ thuật… không nói làm gì. Nhiều lắm thì chuyên gia VN đào tạo đi làm công nhân, làm thợ vịn, thợ ngó… Nếu gia đình “có thần có thế”, thì được đảng “bố trí” vào làm lãnh đạo một nơi nào đó.

Tệ hại nhứt là các giáo trình về “luật”. Điều này thể hiện lên các vận hành xã hội. Xã hội VN phải nói là một xã hội “vô pháp”.

Một thí dụ, vừa rồi có vụ lùm sùm một đài truyền hình đã “sử dụng sản phẩm trí tuệ của người khác” mà chưa được sự đồng ý của tác giả. Chưa biết vụ này sẽ đưa đến đâu. Nếu ra tòa thì tòa sẽ xử ra sao? Nhưng khi VN vào TPP, các vi vi phạm quyền “sở hữu trí tuệ” thế này sẽ được phân xử bằng một tòa án của TPP (tức của tư nhân). Lúc đó VN bán cả đất nước này chưa chắc đủ để bồi thường.

Điều này nói lên sự thiếu hiểu biết về luật pháp (nhưng thừa phách lối và ngạo mạn) của cấp lãnh đạo đài truyền hình. Vấn đề là ai đưa người (thiếu hiểu biết) này lên làm lãnh đạo ?

Thì không phải đảng thì còn ai, phải không ?
Mọi nơi, mọi chỗ… đều là người của đảng. Các trường trung, đại học, người của đảng đã đành, cán bộ phường, huyện… cũng có bằng tiến sĩ, thạc sĩ… Học đâu ra lắm tiến sĩ đến như vậy ?

Vấn đề kiến thức, khả năng của những tiến sĩ, thạc sĩ… của đảng có đúng với khả năng của tiến sĩ, thạc sĩ… thực sự hay không ?

Đọc những “giáo trình” của họ, từ tiểu học đến đại học, nếu không chết vì tức cười, thì cũng chết ngất vì mắc cở.

Nhân sự giảng dạy như vậy thì biết cái gì để dạy ?

Tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân… đào tạo ra, nếu không làm cán bộ nhà nước thì đều thất nghiệp.

Nói thật, chủ xí nghiệp ai mà mướn nhân sự được “đào tạo” như vậy ?

Bởi vậy, trước khi nói “dạy cái gì” thì phải đặt câu hỏi: biết cái gì để dạy ?

Đã bốn thế hệ thanh niên VN đều là thế hệ bỏ không. Vài thập niên tới, số người già của VN tăng cao, lúc đó dân tộc này trở thành một dân tộc ươn hèn. Đơn giản vì dốt.






No comments:

Post a Comment

View My Stats