Saturday, 5 March 2016

TƯỜNG TRÌNH VỀ PHIÊN TÒA PHÚC THẨM TỈNH LONG AN XÉT XỬ BỊ CÁO VỊ THÀNH NIÊN NGUYỄN MAI TRUNG TUẤN NGÀY 02/3/2016 (LS Đặng Trọng Dũng)





LS Đặng Trọng Dũng

TỪ NUNG NẤU VIỆC THAM GIA BÀO CHỮA CHO NGUYỄN MAI TRUNG TUẤN ĐẾN VIỆC LÊN ĐƯỜNG ĐẾN TÒA ÁN LONG AN SÁNG NGÀY 2/3/2016.

Thời gian Dự án PHỤC VỤ CÔNG LÝ thành hình cũng là thời gian mà các LS chúng ta từ Bắc vào Nam gặp nhau đều nhắc đến vụ án NMTT mà một số LS trong Dự án đã được cấp GCN bào chữa, gồm LS Trần Bá Học, LS Dương Phi Anh, LS Lê Thị Minh Nhân, LS Phùng Thanh Sơn, LS Nguyễn Văn Miếng.

Càng đến gần ngày xét xử 2/3, tôi và LS Trịnh Vĩnh Phúc (Phó Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật ĐLS TPHCM, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Phúc Đức) nghĩ đến cách để tham dự phiên tòa. Theo gợi ý của tôi rằng các LS đã gửi 2 lần thư mời LĐLSVN và ĐLS TPHCM cử người tham dự, do vậy nên chăng LS Phúc nói với BCN ĐLS TPHCM cấp giấy giới thiệu cử LS Phúc đi Long An tham dự phiên tòa. LS Phúc cho biết Hội đồng KTKL có nhiệm vụ giám sát hoạt động của các LS để tìm ra được những LS có thành tích mà khen thưởng, do vậy LS Phúc đồng ý với ý kiến của các LS trong Dự án PVCL.

Tuy nhiên ông Chủ nhiệm ĐLS TPHCM đã không ủng hộ đề nghị nói trên. LS Phúc cay đắng nói, ông Chủ nhiệm ĐLS thẳng thừng không ký giấy giới thiệu cho LS Phúc, hơn thế còn ứng xử lỗ mãng với LS Phúc. Việc này để LS Phúc chia sẻ và chúng ta không thể để yên cho Chủ nhiệm ĐLS có thái độ như vậy đối với một LS có tinh thần trách nhiệm cao muốn đi làm nhiệm vụ: vừa giám sát hoạt động của các LS đồng nghiệp, vừa đại diện ĐLS để động viên sự nhiệt tình của các LS đã có hành động thiện nguyện trợ giúp pháp lý cho một vị thành niên vướng vòng lao lý, nhất là vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm rất nhiều điều cả nội dung và tố tụng đến độ nguyên Chánh Tòa Hình sự TANDTC đã phải lên tiếng.

Gạt nỗi bực mình này sang một bên, LS Phúc và tôi quyết tâm phải đi đến Tòa án Long An để chứng kiến các luật sư trong Dự án PVCL tác nghiệp. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của LS Trần Quang Thắng cung cấp xe và tài xế, nên hai chúng tôi an tâm lên đường đến Tòa án Long An đúng giờ vào ngày chính thức xét xử vụ án NMTT.

TIẾP CẬN MỤC TIÊU, VÀO ĐƯỢC PHÒNG XỬ ÁN.

Dù cả hai chúng tôi đã từng tham gia nhiều phiên tòa hình sự “nổi đình nổi đám” kể cả những vụ án về ANQG nhưng khi xe con nhích dần vào đến gần và dừng trước cổng Tòa án tỉnh Long An, chúng tôi thật ngạc nhiên về các lực lượng công an, dân phòng… hàng hàng lớp lớp, trang bị súng ống, gậy ma trắc, các loại xe công vụ… Số người này tôi ước lượng cũng phải trên 200 người. Những “ánh mắt mang hình viên đạn” của họ chiếu vào chúng tôi dò xét, nghi hoặc nhưng có lẽ do bộ dạng tự tin của LS Phúc và tôi lừ lừ tiến vào trong khuôn viên Tòa án mà không một người nào trong số mặc sắc phục hay thường phục chận lại… Khi đó trong sân Tòa án số DÂN OAN tập trung hò la nhưng vẫn trong vòng trật tự và họ hoàn toàn tỏ ra không hề sợ lực lượng CA đằng đằng sát khí mà hai bên ở khoảng cách rất gần nhau, rất dễ xảy ra xung đột. Với quang cảnh đó khiến cho chúng tôi, các LS đến Tòa án với áo veston, cà vạt cảm thấy rất buồn cho hiện tình XH như vậy… Sự tự chế của cả hai phía là điều đáng khen nhưng chỉ cần một trong các bên có sự manh động thiếu kiểm soát thì tình hình sẽ hỗn loạn, sẽ dẫn đến đổ máu là điều không tránh khỏi. Tại sao xét xử một trẻ vị thành niên về tội danh “Cố ý gây thương tích” lại được huy động lực lượng trang bị súng ống và các thiết bị được tung ra đến nỗi có cảm giác như là có chiến tranh. Thật vậy các sóng điện thoại wifi, 3G… của điện thoại đều bị phá sóng và rất nhiều cơ quan, công ty cũng không thể hoạt động liên lạc được vì sự phá sóng mà lực lượng CA đã sử dụng… không biết để làm gì, chỉ để phá sự liên lạc thông tin của các người dân muốn xem vụ xử án như thế nào thì thật là điều quá đáng!

Chúng tôi tiến gần vào bên trong phòng xử thì gặp một người mặc áo trắng, nhân viên của Tòa án tỉnh Long An tiến ra chận lại… LS Phúc hoạt động nghề nghiệp đã hơn 20 năm, đi lại khắp các tỉnh thành phía Nam, đưa ra một tên gọi anh ba, anh tư nào đó, rồi xưng tên và yêu cầu… người nọ vào trình báo lãnh đạo Tòa án, chỉ ít phút sau họ lịch sự mời chúng tôi vào phòng làm việc của Phó Chánh án Lê Quang Hùng…

LS Phúc nói rõ mục đích của việc đến tham dự phiên tòa, thì được ông Phó Chánh án vui vẻ tiếp chuyện, mời trà và cùng chúng tôi trao đổi một vài thông tin xã giao… Chúng tôi đề nghị được tham dự ngay phiên tòa đang diễn ra, ông Phó Chánh án ra lệnh một nhân viên đến đưa ra một tập giấy giới thiệu, bảo nhân viên ghi đầy đủ họ tên, chức vụ của chúng tôi rồi ông ký vào, nhân viên mang đi đóng dấu…

Hai chúng tôi nhanh chóng được đưa lên tầng trên, rồi vòng xuống tầng dưới phía sau tòa nhà và được đưa ra một phòng cũng đầy công an mặc sắc phục, cảnh sát cơ động… Vượt qua các lớp CA dày đặc đó, chúng tôi đứng trước phòng xử quen thuộc của Tòa án, không khí phòng xử mà chúng tôi đã sống với nó vì nghề nghiệp của mình. Các đồng nghiệp của chúng tôi đang đi đi lại lại vì phiên xử phải tạm ngưng để HĐXX vào hội ý vì các LS yêu cầu phải triệu tập cha mẹ của NMTT do người giám hộ cho Tuấn từ chối tiếp tục giám hộ…

Xét xử trẻ em chỉ mới 15 tuổi rưỡi khi phạm tội cùng với cha mẹ nhưng lại tách ra xử riêng mà không có cha mẹ của bị cáo là vi phạm tố tụng hình sự nghiêm trọng nên HĐXX phải hội ý là hoàn toàn đúng.

Sau khi chào các đồng nghiệp LS và nghe họ trao đổi, chúng tôi trở lại vị trí ngồi là dãy bàn thứ hai của phòng xử, ngồi cùng với các nhà báo đang tác nghiệp. Chúng tôi ngạc nhiên đến phải thốt lên “Sao lại thế này?” vì các dãy ghế bàn còn lại gần 40 người ngồi chật cứng mà toàn là trẻ em mới lớn với ánh mắt lơ đãng, vô hồn, không quan tâm gì đến việc xét xử, họ tránh cái nhìn của hai chúng tôi… Chúng tôi không lạ gì các phiên tòa của nhiều vụ án ANQG là các ông bà cán bộ hưu trí được huy động đến tham dự để choán chỗ ngồi của người dân thực sự quan tâm đến vụ án. Nhưng đây là lần đầu tiên, chúng tôi được chứng kiến tận mắt các thanh thiếu niên ngồi kín cả các dãy bàn ghế của phòng xử. Phiên tòa này có rất nhiều người dân quan tâm, từ nhiều tỉnh thành muốn biết vụ án được xét xử như thế nào, họ đi từ các tỉnh miền Tây và TPHCM đến nhưng không được vào phòng xử mà chỉ được đứng, ngồi tại vỉa hè, trước Tòa án giữa trời nắng chang chang và lắng nghe tiếng nói vọng ra qua loa phóng thanh. Còn trong phòng xử án thì toàn là các thanh thiếu niên mặt mụn trứng cá hiền hiền, dại dại, hỏi gì cũng không dám nói.

Trong thời gian chờ HĐXX nghị án, LS Lê Thị Minh Nhân tiến đến tra hỏi các đối tượng này:
Hỏi: Các cháu là ai? (Không ai trả lời, chỉ cười cười…)
Hỏi: Các cháu đi xem xử vụ án gì vậy có biết không? (Cũng không ai dám trả lời, chỉ nhăn nhăn cười trừ…)
Hỏi: Các cháu có phải là bạn học của NMTT không? (Cũng không ai trả lời có hay không, chỉ là những cái lắc đầu thật tội nghiệp…)
Hỏi (câu cuối cùng): Cô hỏi các cháu cái gì cũng không biết thì đến đây để làm gì, và nếu có một ngày nào đó các cháu phải lên đó ngồi như Tuấn thì các cháu có nói không biết, không biết nữa không…? (Người bị hỏi không trả lời, im lặng và nhìn xuống chân). !!!
(Thực sự chúng tôi không biết các đối tượng này là ai, khi thắc mắc thì có một vài người đưa ra phán đoán: Họ là học viên trung cấp Cảnh sát hay học viên Trường Thiếu sinh quân gì đó…?!).

DIỄN BIẾN PHIÊN TÒA.

CÁC LS VỚI LUẬN CỨ HÙNG HỒN ĐÃ ÁP ĐẢO ĐẠI DIỆN VKS NHƯ THề NÀO – HĐXX ĐÃ TIẾP THU Ý KIẾN CỦA CÁC LUậT SƯ. SỰ LỄ PHÉP CÙNG NỤ CƯỜI ĐẸP CỦA BỊ CÁO NMTT ĐÃ CHINH PHỤC MỌI NGƯỜI.
Trong thời gian 7 tiếng đồng hồ từ 7 giờ 30 phút sáng đến hơn 14 giờ 30 phút, HĐXX, Đại diện VKS, các LS và những người tham gia tố tụng khác không nghỉ lấy một phút mà thay nhau đối đáp rất ngoạn mục, rất có văn hóa, đầy ắp các luận cứ được các LS nêu lên hùng hồn, vững chắc. Việc tranh luận đáng lẽ ra sẽ còn hay hơn nữa nếu Đại diện VKS có trình độ hơn nhưng sự hạn chế của họ như chúng ta biết là chỉ biết bám lấy các quan điểm đã được lãnh đạo duyệt, thiếu sự nghiên cứu Luật công phu và kỹ lưỡng như các LS, họ thiếu sự đối đáp thẳng vào vấn đề mà các LS nêu lên, né tránh các luận cứ và lập luận đanh thép của các LS mà chỉ dùng các ngôn từ thường thấy trong các cuộc tranh luận nhàm chán tại Tòa án. Cũng phải thương cho vị Đại diện VKS tỉnh nhà làm sao mà đối đáp nổi các luận cứ của các LS thuộc nhiều thế hệ, nhiều vùng miền, hừng hực khí thế với chính nghĩa bảo vệ cho một trẻ vị thành niên đang phải chịu nỗi OAN SAI của vụ án; gia đình em và các người thân yêu đang chịu cảnh tù đày vì đã có án.

Với tư thế của các hiệp sĩ không tuốt gươm hành đạo, với các gương mặt đẹp, ngời sáng và trang phục veston đồng phục của các LS đã làm cho phiên tòa mang một nét đẹp hiếm có khi các LS miệt mài cất cao giọng với các luận cứ hoàn toàn có cơ sở, với một quyết tâm, khí thế. Các LS đã rất tự tin, đĩnh đạc lên tiếng bảo vệ NMTT. “Người bị hại” là vị trung tá Công an đáng thương, mệt mỏi, khép nép trả lời các câu hỏi của các LS, các câu trả lời của ông làm lộ ra sự thật khiến mọi người hiểu biết phải bàng hoàng và tức giận đối với các biên bản đã được ĐTV dàn dựng nay lộ ra mà các luật sư đã soi sáng để tìm ra được sự thật không khó qua các câu hỏi – đáp.

Còn đối với HĐXX thì vị thẩm phán chủ tọa Lê Hùng Cường đã làm việc mướt mồ hôi trong suốt 7 tiếng đồng hồ, 2 vị thẩm phán cánh gà hầu như ngồi nghe trong suốt thời gian đó, 2 ông thẩm phán này không đưa ra một câu hỏi nào mà chỉ láp nháp nhắc nhở vài LS nói hơi dài một chút. Họ cũng rất tôn trọng các LS và không ngăn cản các luật sư phát biểu, đó có thể coi là điểm son đáng ghi nhận, hiếm có ở Tòa án Long An, trong lần xét xử một vụ án nhiều tai tiếng này.

Đi vào chi tiết, xin được nêu ra như sau:

1. Đối với việc các Luật sư yêu cầu phải mời cha mẹ của em NMTT có mặt tại phiên tòa vì theo Luật tố tụng hình sự, sự có mặt của cha mẹ, đại diện nhà trường, là một nguyên tắc nhưng do từ cấp sơ thẩm đã có người cậu của NMTT làm người giám hộ nên đại diện VKS khi được HĐXX hỏi ý kiến thì ông này đòi bắt ông cậu này phải tiếp tục là người giám hộ, không được từ chối!!?? Chủ tọa hỏi người giám hộ lý do từ chối không làm giám hộ tại phiên tòa phúc thẩm, thì ông cho biết ông không làm giám hộ nữa vì trong bản án sơ thẩm tuyên bắt người giám hộ và NMTT phải liên đới bồi thường cho “người bị hại” số tiền hơn 40 triệu đồng. Với lý do xác đáng như vậy, Tòa chấp nhận cho ông ta không làm giám hộ cho em Tuấn tại phiên Tòa. Tòa hỏi Tuấn thì em cũng nói không chấp nhận ông này làm giám hộ cho em tại phiên tòa phúc thẩm này. Tưởng chừng như HĐXX phải ngừng việc xét xử vì sự vắng mặt của cha mẹ em Tuấn và người giám hộ nhưng sau khi vào hội ý khá lâu trở ra HĐXX vẫn xét xử mà không có cha mẹ em Tuấn, không có giám hộ. Chỉ với điều này thôi sẽ là căn cứ để cấp giám đốc thẩm hủy bản án và việc xét xử như vậy là rất xấu chiếu theo các công ước về quyền trẻ em mà VN đã ký kết.

2. Việc xét hỏi Tuấn và người bị hại tại phiên tòa lộ ra rất nhiều sự thật.
Đó là việc “Người bị hại” xác nhận là người tạt acid vào ông tại hôm xảy ra cưỡng chế, được ông mô tả là “một thanh niên 20 tuổi”. LS truy thêm chính ông Trung tá Công an Nguyễn Văn Thủy là người quản lý gia đình NMTT tại địa phương nên “chỉ cần một giây thôi ông phải biết có phải Tuấn hay không”! Ông vẫn nói tại phiên tòa là người thanh niên 20 tuổi tạt acid vào ông chứ không phải là Tuấn. Các LS cũng đưa ra nhiều câu hỏi tranh luận với đại diện VKS là trong rất nhiều bút lục thì có tới 2, 3 người tạt acid theo lời các nhân chứng nhưng tại sao lại bắt một mình em Tuấn phải chịu trách nhiệm – chính đại diện VKS cũng xác nhận là có 2 người tạt acid vào ông Thủy, nhưng… Việc buộc tội Tuấn là người duy nhất phải bồi thường, phải bị tù là điều thật đáng thất vọng. Như vậy trong phần tranh luận các LS đã dựa vào bút lục, dựa vào lời khai của nạn nhân tại phiên Tòa cho thấy CÓ SỰ NHẨM LẪN ĐỐI TƯỢNG GÂY ÁN VÌ CHÍNH NGƯỜI BỊ HẠI XÁC NHẬN TUẤN KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI TẠT ACID VÀO ÔNG!!??

Tập trung “đánh” nhiều nhất vào bản Giám định thương tích nạn nhân. LS Trần Hồng Phong được các LS tín nhiệm giao nhiệm vụ đã dành nhiều công sức nghiên cứu về các sai sót khủng khiếp của Bản giám định. Bài bào chữa xuất sắc này đã được post lên trang PVCL, xin các đồng nghiệp xem lại.

Các LS Nguyễn Tấn Thi và Dương Phi Anh phản công đại diện VKS đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm là căn cứ vào khoản 1 Điều 117 Bộ luật TTHS về việc NHẬP- TÁCH vụ án, cơ quan điều tra đã vi phạm tố tụng và việc tách xử lý riêng Tuấn là sai vì trước đó vụ án là “Chống người thi hành công vụ” còn Tuấn lại bị xử lý về tội “Cố ý gây thương tích”.

Cơ quan điều tra đã không tôn trọng sự thật khách quan khi trong bút lục của nhiểu nhân chứng đều nói là nhiều thanh niên trên 20 tuổi tạt acid vào đoàn cưỡng chế, vậy tại sao lại chỉ buộc tội một mình Tuấn?

Bài bào chữa của LS Dương Phi Anh làm chấn động cả HĐXX và với chính các LS đồng nghiệp khi ông dựa vào bản án xử trước đó đối với cha mẹ em NMTT là đã xử lý người tạt acid vào ông Thủy với việc đọc vanh vách trong bản án việc tạt acid vào đoàn cưỡng chế thì các người nào tạt và tạt ai, với tỷ lệ thương tật như thế nào đã bị kết án, xử lý rồi vậy tại sao lại bắt em Tuấn riêng ra và xử lý em trong khi chính ông Thủy xác nhận người tạt acid ông không phải là Tuấn vì Tuấn thân hình bé nhỏ, không thể là một “thanh niên 20 tuổi” được. Trong bản án nêu ra đó thì chính bị cáo Mai Thanh Phong đã được xử lý khi tạt acid nhiều người trong đó có nêu tên ông Thủy. Bây giờ các thông tin đó lại được đem ra áp vào ông Thủy và người tạt là em NMTT là điều phi lý, trái Luật. Đây là điều gây chấn động và dư âm sau đó đối với các LS khi họ dựa vào phát hiện của LS Dương Phi Anh để cho thấy việc “cá thể hóa hình phạt” không được tôn trọng. Tiếp tục, LS Lê Quang Hiến vạch ra việc không có đại diện của cha mẹ em Tuấn ký tên trong các bút lục lấy lời khai của em tại CQĐT là vi phạm Bộ luật TTHS vì ngoài LS bào chữa cho em thì phải có cha mẹ hay đại diện, giám hộ ký tên nhưng trong các biên bản này không có tên, chữ ký của người giám hộ… Việc người cậu của Tuấn ký tên mập mờ, có biên bản có, có biên bản không cho thấy các biên bản lấy lời khai như vậy là không có giá trị pháp lý.

Bài bào chữa của LS Hiến làm cả phiên tòa trầm lắng đôi chút khi ông phân tích về hoàn cảnh phạm tội của em Tuấn. Ai trong chúng ta cũng đã từng là trẻ em, trẻ em tâm lý non nớt, không phải là người lớn em yêu cha mẹ, ai tấn công cha mẹ, tài sản của gia đình em, em phải bảo vệ, em không thể nhận thức đầy đủ như người lớn phải hiểu… Ai cũng tiếc giá mà có Tòa án dành xử các trẻ em với những thẩm phán hiểu biết đẩy đủ về trẻ em như các nước ở ASEAN thì tội lỗi của em sẽ được xét xử công minh hơn.

LS Lê Thị Minh Nhân trước đó đã hỏi Tuấn là ĐTV có giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo vị thành niên cho Tuấn không? Câu trả lời của Tuấn là KHÔNG, do đó em không biết để đòi phải có cha mẹ em hiện diện khi hỏi cung.

Đối với vấn đề acid và tỷ lệ thương tật là không đúng vì acid mà gia đình Tuấn có sẵn là do nhà làm nghề sửa xe nên chỉ mua acid có độ đậm đặc thấp dưới 35% sử dụng, còn trong giám định thương tích lại nói acid có độ đậm đặc lên đến trên 68% thì acid này ở đâu ra và với acid độ đậm đặc thấp thì không thể có tỷ lệ vết thương cao, vết thương nếu có thì lu mờ theo thời gian…

Cách tạt acid của Tuấn từ dưới lên trên, vào sau lưng không thể tạo ra các vết thương như bản giám định thương tích nêu do đó cần giám định lại.

Cũng không hề có cái áo của người bị tạt làm tang chứng trong khi nạn nhân là sĩ quan CA và có lực lượng cưỡng chế, đó là thiếu sót rất lớn làm cho các LS phải nêu ra đầy đủ khi tranh luận.

Đại diện VKS đã lên giọng bảo lưu cáo trạng trước đó và nói rằng các luận cứ của LS là “không có cơ sở pháp lý”. LS Phong đáp lại là ông đại diện VKS đã xúc phạm các LS và yêu cầu ông phải ăn nói tranh luận có cơ sở pháp luật.

LS Nguyễn Văn Miếng kiến nghi HĐXX khởi tố vụ án “Làm sai lạc hồ sơ vụ án”. Đại diện VKS đáp trả là LS phải nói rõ là ai chứ không thể nói chung chung được. LS Miếng đáp trả là qua việc xét hỏi, qua việc tranh luận cho thấy có dấu hiệu “Làm sai lệch hồ sơ vụ án” do đó phải khởi tố vụ án, khi việc khởi tố vụ án thì trách nhiệm chứng minh tội phạm là nhiệm vụ của cơ quan điều tra. Đại diện VKS không đáp trả được.

Trước đó nhiều LS đã nêu việc đại diện VKS yêu cầu HĐXX công bố tài liệu trong hồ sơ vụ án thì ngay sau đó các LS đã nói việc Chủ tọa đọc các tài liệu này nhưng các LS đều không được đọc các tài liệu này, vậy các tài liệu này không có trong bút lục vụ án, ai đã cố tình giấu nó đi? Ai và ai đã cố tình che giấu tài liệu như vậy???

Rồi việc gì đến cũng phải đến, đó là việc tranh luận lịm dần và kết thúc để chuyển qua phần nghị án của HĐXX và trước khi nghị án là lời nói cuối cùng của em NMTT, nhân vật “Lê Văn Tám, phản diện” – vì nhân vật LVT theo sử liệu là ôm xăng chạy vào kho đạn còn NMTT hôm nay tạt acid vào đoàn cưỡng chế. Em thật nhỏ nhoi trước phiên tòa đến độ một phóng viên báo đảng ái ngại khi giương camera quay phim, chụp hình thì thấy em đi cạnh hai ông CA hộ pháp, hình ảnh thật thương tâm và phản cảm khi đưa ra công luận trong và ngoài nước. Anh nói với chúng tôi, là phải thay ngay hai ông CA khác nhỏ con hơn để bức ảnh trông đáng xem hơn là tạo cho người đọc người xem về việc xét xử nhi đồng VN ghê gớm như vậy. Đó là chưa quay cảnh có hàng trăm công an, vòng trong vòng ngoài “bảo vệ” phiên tòa, trong khi bị cáo ngồi và cười khi được quay phim, chụp hình, gương mặt trẻ thơ của em thật tội nghiệp. Em được nhà trường, thầy giáo trong phiên tòa trước xác nhận là học sinh hiền, ngoan… Không phải là học sinh cá biệt. Em trả lời thật ngắn gọn, đi vào trọng tâm câu hỏi. Không phải nhắc lại câu hỏi, em luôn thưa gởi lễ phép với mọi người dù đó là ông thẩm phán, LS, đại diện VKS… Ai cũng thương cảm và tội nghiệp cho em, cha mẹ em đang phải thi hành án và gia đình em chỉ cỏn một cô em gái 14 tuổi sống trong sự bao bọc của bà con lối xóm…

Lời nói cuối cùng của NMTT cũng ngắn gọn: “Em muốn được trở về đi học. Em không có tội”. Câu nói chưa dứt thì 3 ông thẩm phán đã đùng đùng ngắt lời và hùng dũng đi vào phía trong nghị án. Họ đã trải qua một phiên tòa bão táp bởi 9 vị LS xa luân chiến một vị đại diện VKS. Họ đã phải làm việc cật lực để kết tội một trẻ em dưới 16 tuổi trong suốt 7 tiếng đổng hồ không ngơi nghỉ lấy một phút, một giây, không uống một ngụm nước nhấp giọng…

Vụ án kết tội NMTT chấm dứt với mức án được tuyên đọc sau chỉ có 30 phút nghị án. Em Tuấn nhanh chóng được đưa lên xe dưới hàng hàng lớp lớp của Công an, Dân phòng, CSCĐ được trang bị tận răng. Nụ cười không còn trên môi Tuấn, em vẫn ngẩng cao đầu và bước những bước dài cùng với hai công an kèm em thoăn thoát đi vào chiếc xe bít bùng. Bao nhiêu con mắt đã dõi theo em với niềm thương cảm tột bực.

NHỮNG ĐIỂU ĐỌNG LẠI TRONG TÔI.

Việc LS Trịnh Vĩnh Phúc với tư cách cá nhân đi “giám sát” các LS hành nghề cho thấy LS Phúc làm việc hết lòng trong vai trò Phó Chủ tịch HĐKTKL, nếu không đi thì không biết các LS đồng nghiệp làm gì trong vụ án rất được quan tâm này. Không đi tham dự để thấy luật pháp đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm nặng nề như thế nào. Không đi tham dự thì thấy có lỗi với các LS làm việc thiện nguyện vì họ đã bỏ rất nhiểu thì giờ nghiên cứu mới có được các luận cứ đanh thép, xác đáng. Không đi thì các ông trong BCN ĐLS chẳng biết gì đến các điều mà họ cần phải biết. Càng nghĩ tôi càng cảm thấy tiếc cho Đoàn thể LS mà chúng tôi là thành viên. Còn cá nhân tôi, dù từng là LS bào chữa trong nhiều vụ án quan trọng được dư luận trong và ngoài nước đưa tin xử án những trí thức LS, bác sĩ bị khép vào các tội ANQG, nhưng các phiên tòa đó yên ắng, chỉ đông đảo các CA nhưng cũng không bằng lực lượng CA đã được huy động trong phiên tòa này. Đây là vụ án xử một trẻ em dưới tuổi 16 về một tội danh “Cố ý gây thương tích”. Tại sao em được đến 9 vị LS bào chữa, em hơn cả bầu Kiên khi ra Tòa! Việc xử em sẽ được ghi vào sách Guiness vì nhiều cái nhất lắm và kỷ lục đó sẽ còn được giữ lâu lắm đấy em NMTT đáng thương của tôi ơi…!

Đối với các LS đồng nghiệp mà tôi quan sát các bạn tác nghiệp, các bạn đã xuất sắc hoàn thành việc bảo vệ cho một công dân tuổi vị thành niên, không có cha mẹ người thân tại phiên tòa xét xử có nhiều vi phạm pháp luật. NMTT được sự yêu thương của các LS và các LS đã thay cha mẹ em bảo vệ hết lòng cho em. Các bạn LS thật đáng kính trọng vì đã vượt qua sự sợ hãi và xứng đáng với những lời khen tặng của người dân quan tâm đến vụ án.








No comments:

Post a Comment

View My Stats