Nam
Nguyên, phóng viên RFA
2016-03-11
2016-03-11
Hội nghị Trung ương lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội từ
10 đến 13/3/2016 có nghị trình rõ rệt, khẳng định việc phải nhanh chóng chuyển
giao quyền lực và Quốc hội đương nhiệm có thể làm thủ tục phê chuẩn bộ máy lãnh
đạo mới như Chủ tịch Nước, Thủ tướng và một số chức danh cao cấp khác. Riêng chức
Chủ tịch Quốc hội thì dù có chỉ định nhưng rõ ràng cũng phải để Quốc hội Khóa
sau thực hiện công việc đóng dấu xác nhận.
Hàng thứ nhất từ
trái qua: Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại
hội Đảng lần thứ 12, ngày 28/1/2016. AFP
PHOTO/HOANG DINH Nam
Từng
có một tiền lệ
Nhận định về thời sự chính trị đang gây sôi nổi dư
luận, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói rằng
việc nhanh chóng chuyển giao quyền lực đã từng có một tiền lệ. Năm 2006 Thủ tướng
Phan Văn Khải nghỉ và chuyển giao cho Thủ tướng mới Nguyễn Tấn Dũng. Thông báo
của Hội nghị Trung ương 2, tạo cảm giác cho ông là cơ bản thay hầu hết trong bộ
máy nhà nước và chính phủ. Từ Sài Gòn LS Trần Quốc Thuận tiếp lời:
“Việc đó theo tôi nghĩ cũng tốt thôi… bởi vì qua Đại
hội có nhiều người tái cử, có nhiều người không trúng cử mà cứ để như vậy thì
việc điều hành của một Nhà nước mà do Đảng trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo toàn diện
thì rất là khó, bởi vì những người lãnh đạo không là Ủy viên Bộ Chính trị,
không là Ủy viên Trung ương Đảng thì bây giờ điều hành công việc như thế nào. Họ
không được họp trực tiếp với Bộ Chính trị, không được họp trực tiếp với Ban Chấp
hành Trung ương. Trong kỳ họp lần này mình thấy là, những người nguyên là Ủy
viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng hiện giờ là Chủ tịch nước, Thủ
tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số Bộ trưởng đâu có được dự họp Hội
nghị Trung ương 2 này đâu. Cho nên việc thay này là phù hợp với hoạt động của một
tổ chức mà do một đảng trực tiếp lãnh đạo toàn diện…”
Tại Đại hội Đảng lần thứ 12 trước Tết Nguyên đán,
Trung ương Đảng khóa 11 đã giới thiệu 4 chức danh chủ chốt gồm Bộ trưởng Công
an Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng
và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội. Theo
VnExpress bản tin trên mạng tối 10/3/2016, dự kiến trong kỳ họp cuối cùng từ
21/3 đến 9/4, Quốc hội khóa 13 sẽ dành nửa thời gian để xem xét, bầu các chức
danh trên theo thẩm quyền.
Các báo mạng nhiều độc giả ở Việt Nam như VnExpress,
Dân Trí… trích phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 2 ngày 10/3/2016, Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Bộ Chính trị sẽ trình Trung ương quyết định việc
giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc
hội – những chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, đồng thời báo cáo xin ý
kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với
các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền.
Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội
nhà báo độc lập, một tổ chức xã hội dân sự tự phát, lưu ý tới điều ông gọi là
thay ngựa giữa dòng. Nhà báo tự do này chỉ ra những dấu hiệu rất đặc biệt như
Quốc hội khóa 13 trong kỳ họp cuối sẽ dành phân nửa thời gian để bàn về nhân sự
Nhà nước. Ngoài ra, thời điểm tổ chức Hội nghị Trung ương 2 chỉ sau Đại hội Đảng
một thời gian ngắn, cũng như việc nhanh chóng bổ nhiệm một số vị trí của Đảng ở
Trung ương và địa phương. Từ Sài Gòn TS Phạm Chí Dũng nhấn mạnh:
“Có thể thấy một không khí khá là gấp gáp trong việc
cơ cấu lại nhân sự hay nói theo từ ngữ của Đảng là kiện toàn nhân sự…Và từ đó kết
hợp với những thông tin đồn đoán về chuyện có thể nhanh chóng thay đổi dàn nhân
sự của những cơ quan cao nhất, trong đó có văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng
Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, cùng với thông tin chính thức đưa ra từ Hội nghị
Trung ương 2 là giới thiệu nhân sự để kiện toàn các chức danh chủ nhốt như Chủ
tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ…điều đó cho thấy khả năng sẽ
thay ngựa giữa dòng sớm tại kỳ họp Quốc hội vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 mà
không phải chờ tới cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 5 và cuộc họp đầu tiên của Quốc
hội vào tháng 7…”
Người
tiếp đón Tổng thống Barack Obama?
Một câu chuyện khác được truyền thông mạng xã hội
bàn tán nhiều, đó là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị thúc đẩy
việc cần bàn giao nhân sự Nhà nước sớm, là vì Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ
thăm chính thức Việt Nam trong tháng 5. Nếu không thực hiện việc này thì về mặt
nghi lễ chính thức, người tiếp đón ông Obama sẽ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
người đứng đầu Chính phủ, hoặc ông Trương Tấn Sang Chủ tịch nước.
Luật
sư Trần Quốc Thuận nhận định về thông tin này:
“Cái đó là tin đồn đoán, riêng cá nhân tôi cho rằng
những đồn đoán đó có lẽ là rất đúng. Và người ta cũng hy vọng rằng Tổng thống
Obama sang thăm Việt Nam kỳ này, Tổng thống sẽ tuyên bố bỏ cấm vận vũ khí sát
thương và nâng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên quan hệ chiến lược toàn diện. Như
vậy tình hình đòi hỏi cái đó và dĩ nhiên tình hình cũng đòi hỏi tính cách của
những người lãnh đạo Việt Nam làm việc dài hạn về mặt Nhà nước và Đảng chứ
không chỉ làm việc vài tháng rồi nghỉ.”
Cơ chế chính trị của Việt Nam quá khác thường so với
thế giới và đặc biệt các thể chế dân chủ. Đối với Việt Nam Tổng Bí thư Đảng là
lãnh đạo quyền lực cao nhất, tuy nhiên đối với nước ngoài lại khác. Thủ tướng
Chính phủ hoặc Chủ tịch nước mới là chức danh đại diện quốc gia. Do vậy Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng và nhóm của ông mới cần đẩy nhanh quá trình bàn giao lãnh
đạo Nhà nước và Chính phủ.
Nhà quan sát độc lập Phạm Chí Dũng trình bày
ý kiến:
“Có cơ sở cho khả năng đó là vừa rồi trong tháng 2
Thủ tướng nguyễn Tấn Dũng đi California, một chuyến đi dường như không suôn sẻ
lắm bởi vì trước đó có tin là ông không đi. Sau đó thì ông đi, nhưng chuyến đi
của ông là được trực tiếp can thiệp từ phía Mỹ thì ông mới được đi. Do vậy tôi
nghĩ rằng, có lẽ những người bên Đảng họ muốn rằng, có khuôn mặt mới của bên
Chính phủ cùng với những khuôn mặt của bên Đảng để cùng tiếp đón Tổng thống
Obama chứ không phải dàn nhân sự cũ.”
Đề cập tới một khía cạnh khác của quá trình chuyển
giao quyền lực hiện nay ở Việt Nam, TS Phạm Chí Dũng không loại trừ việc
các nhóm lợi ích có thể dính líu tới các vận động bàn giao chính phủ càng nhanh
càng tốt. Ông nói:
“Ở Việt Nam xu thế thâu tóm chiếm lĩnh nhau đã diễn
ra từ lâu đặc biệt từ năm 2010 diễn ra làn sóng thâu tóm các ngân hàng và kề cả
một số Tổng Công ty 90-91. Việc thâu tóm này lại liên quan tới vị thế của các
nhân sự chủ chốt. Tôi cho rằng xu thế thâu tóm chiếm lĩnh lãnh địa của nhau về
mặt kinh tế chắc chắn sẽ xảy ra, chỉ có điều là cao điểm sẽ vào thời gian nào,
thời điểm nào. Có lẽ là sau Đại hội 12 đã có những dấu hiệu, nhưng mà dấu hiệu
rõ ràng hơn cả thì phải chờ sau khi có cuộc thay ngựa giữa dòng vào kỳ họp Quốc
hội thứ 11 từ tháng 3, sau đó tôi cho rằng mới có dấu hiệu rõ ràng, thậm chí trở
thành chiến dịch.”
Từ nay tới giai đoạn 12 ngày trong tháng 4 không bao
xa, lúc đó vấn đề Quốc hội khóa cũ phê chuẩn các chức danh Nhà nước của Khóa tới
sẽ cụ thể hơn. Ngay khi Hội nghị Trung ương 2 vừa khai mạc ngày 10/3/2016, truyền
thông mạng xã hội đã phản ứng mạnh mẽ với nhiều ý kiến cho là Đảng Cộng sản
đang tiếp tục vi phạm Hiến pháp và biến cử tri trở thành con rối, vì đã chỉ đạo
sắp xếp các nhân sự của bộ máy chính quyền khi chưa diễn ra bầu cử Quốc hội.
Giới quan sát độc lập lại có cái nhìn khác, bầu cử ở
Việt Nam là hình thức đảng cử dân bầu. Tỷ lệ 98%-99% cử tri đi bầu trong các cuộc
bầu cử với những ứng cử viên xa lạ từ trên chỉ định, đủ nói lên mặt trái của vấn
đề. Ở Việt Nam Đảng là người lãnh đạo chỉ đạo toàn diện, chuyện Quốc hội khóa
này hay Khóa sau đóng dấu xác nhận các chức danh lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ
không phải là chuyện quá quan trọng .
Như lời LS Trần Quốc Thuận, việc bàn giao sớm là phù
hợp cho một chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện.
No comments:
Post a Comment