Ngô Thế Vinh
16/06/2010
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
“Nước trở nên quý, và càng quý hơn trong tương lai,
sẽ trở thành ‘Vàng Xanh’ của thế kỷ XXI”
“L’eau est devenue chère, et elle sera encore plus à
l’avenir,
ce qui en fera l’Or Bleu du XXIe siècle”
Ricardo Petrella, 3/2000
Nửa
tỉ người trên hành tinh này
Cách đây 10 năm (11/2000) Ủy Hội Đập Thế Giới (WCD
/World Commission on Dams), đã cho ấn hành một nghiên cứu rộng rãi trên toàn cầu
về ảnh hưởng các con đập lớn và phát triển.
Mười năm sau 2010, Water Alternatives, là một nhóm độc
lập gồm các nhà nghiên cứu, các chủ bút (independent academic online journal),
đã cùng duyệt xét lại bản khảo sát của WCD, xem các con đập lớn hiện nay ảnh hưởng
ra sao trên sinh cảnh môi trường, kinh tế xã hội và đời sống cư dân ven sông –
khảo sát này không phải chỉ có thu hẹp trên những nạn nhân trực tiếp trên vùng
xây đập bị cưỡng bách tái định cư mà bao gồm cả các cộng đồng dân cư phía hạ
nguồn, tại 70 quốc gia nơi 120 con sông trên thế giới.
Theo Brian Richner, người chủ trì cuộc nghiên cứu và
cũng là Giám đốc Chương Trình Bảo Tồn Thiên Nhiên ( Nature Conservancy) thì có
gần nửa tỉ người (472 triệu) trong số này 85% là cư dân Á Châu sống dưới nguồn
phải chịu hậu quả tiêu cực thật đáng ngại từ những con đập lớn do hủy hoại môi
trường, phá rừng, làm mất nguồn cá, mất đồng cỏ nuôi gia súc… Điển hình là vùng
hạ lưu sông Mekong, nếu không kể đám thị dân, thì đã có hơn 40 triệu người chủ
yếu là nông và ngư dân, sống bằng nguồn tài nguyên của con sông với nguồn lúa gạo,
nguồn cá mà cá từ sông Mekong là nguồn protein chính của họ.
Như một điệp khúc, ai cũng biết Trung Quốc là quốc
gia thượng nguồn của nhiều con sông, chỉ thích nói tới các lợi lộc của các con
đập như sản xuất điện, điều hòa lũ lụt và tạo thuận thủy lợi cho nông nghiệp.
Nhưng lại hầu như không đề cập tới những hậu quả tiêu cực và ảnh hưởng lâu dài
trên sinh cảnh, môi trường và đời sống cư dân dưới nguồn.
Theo cuộc khảo sát của nhóm Water Alternative (June
3, 2010), thì có sự bùng phát xây cất các con đập lớn trên toàn thế giới: từ
con số 5,000 con đập năm 1950 nay lên tới 50,000 con đập. Chỉ riêng Brazil, xứ
sở của túc cầu đã có tới 1,700 dự án xây đập mới.
Cũng theo Brian Richner, ở một thời kỳ mà cao trào
xây đập đã trải rộng trên toàn cầu như vậy, thì chúng ta càng phải khôn ngoan
và thận trọng hơn ngay từ bước khởi đầu hình thành dự án cho tới phương thức điều
hành các con đập để có thể “giảm thiểu” tác hại của các con đập trên đời sống
con người và sinh cảnh”.[12]
Chẳng hạn, làm sao bảo đảm các con đập “phải xả ra đủ
nước” để duy trì dòng chảy và bảo tồn sinh cảnh và duy sự sống nơi hạ nguồn.
Nhận xét: điều này chỉ phản ánh lòng mong mỏi không
thực tế và cả nghịch lý nữa do “mâu thuẫn quyền lợi” đối với quốc gia và công
ty sở hữu các con đập. Ví dụ trong mùa hạn hán vừa qua, khi mà chính những hồ
chứa các con đập Vân Nam cũng thiếu nước để vận hành giàn turbines, phải bảo đảm
cung cấp đủ điện cho các khu kỹ nghệ đang phát triển rất nhanh ở các tỉnh Tây
Nam Trung Quốc, trong tình huống cực đoan ấy mà lại yêu cầu Trung Quốc lấy “từ
tâm tự nguyện” xả nước từ các hồ chứa cũng đang thiếu nước chỉ để cứu các khúc
sông cạn hạ nguồn “rõ ràng là một yêu cầu không tưởng”.
Những
con đập Lan Thương – Mekong
Theo dự báo của Chương Trình Môi Sinh Liên Hiệp Quốc
(UNEP/U.N. Environment Program) thì dân số vùng hạ lưu sông Mekong sẽ tăng lên
90 triệu vào năm 2025 với 1/3 sẽ chọn sống ở các khu đô thị[1], còn lại 2/3 cư
dân ven sông, chủ yếu là ngư dân và nông dân đã và đang chịu hậu quả trực tiếp
và tích lũy những tác hại của các con đập Vân Nam.
Do cơn khát năng lượng để đáp ứng nhu cầu kỹ nghệ
phát triển, rõ ràng Trung Quốc thì vẫn cứ ráo riết xây thêm những con đập bậc
thềm Vân Nam (Mekong Cascades) với cái giá kinh tế xã hội và môi sinh phải trả
của các quốc gia vùng hạ lưu.
Hiện nay 2010, đã có ba con đập (1) Mạn Loan/Manwan
1,500 MW, (2) Đại Chiếu Sơn/Daichaosan 1,350 MW, (3) Cảnh Hồng /Jinghong 1,350
MW đã hoạt động toàn công suất, con đập thứ tư (4) Tiểu Loan/Xiaowan 4,200 MW
cao nhất thế giới 292 mét (lớn thứ hai sau con đập Tam Hợp /Three Gorges trên
sông Dương Tử), với diện tích hồ chứa hơn 190 km2 và dung tích 15 tỉ mét khối,
bắt đầu lấy nước sông Lan Thương – Mekong từ 2009 dự trù phải cần tới 4 năm tới
2012 mới lấy đủ nước vào hồ chứa, nhưng đơn vị phát điện đầu tiên của đập Tiểu
Loan đã bắt đầu hoạt động từ 25 tháng 9, 2009. Theo Wang Yongxiang , tổng quản
trị Hydrolancang còn có thêm ba con đập nữa đang xây trong chuỗi 14 con đập bậc
thềm Vân Nam.[13]
- Không chỉ xây đập trên suốt nửa chiều dài sông
Mekong chảy qua tỉnh Vân Nam, Trung Quốc còn thao túng trong các kế hoạch xây
những con đập Hạ lưu trên lãnh thổ Lào như: Pak Beng 1,320 MW, Pak Lay 1,320
MW, Sanakham 1,000 MW và Cam Bốt : Sambor 2,600 MW (lớn hơn con đập Mạn
Loan/Manwan Vân Nam chỉ có 1,500 MW) với tổn phí lên tới 5 tỉ $US.
Hai con đập Sambor và Don Sahong cùng với dự án các
con đập Hạ lưu phía bắc sẽ “đe dọa tới 70% sự sống còn của các đoàn “di ngư”
từ Cam Bốt.[3]
[Hình I] GMS -
Greater Mekong Subregion
Lưu Vực Lớn Sông Mekong hay Tiểu Vùng Sông Mekong Mở
Rộng
Diện tích: 795,000 km2
Chiều dài chính: 4,400 km
Dòng chảy trung bình: 15,000 m3 /sec
[ nguồn: MRC Secretariat 2000 ]
- Hội
Nghị Thượng Đỉnh Mekong, Hua Hin Thái Lan
Trước sức ép của công luận, của các nhóm hoạt động
môi sinh và gay gắt nhất là phong trào dân chúng từ các cộng đồng cư dân hạ lưu
phản đối chống Trung Quốc và mạnh mẽ nhất là từ các tỉnh đông bắc Thái – nạn
nhân trực tiếp của những khúc sông Mekong khô hạn.
Trước mối đe dọa sông Mekong cạn dòng do chuỗi đập
thượng nguồn Vân Nam, bốn quốc gia Đông Nam Á thuộc lưu vực sông Mekong gồm
Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam đã nhóm họp tại thành phố biển Hua Hin, 200
km phía nam Bangkok, để cùng thảo luận về phương cách khai thác bền vững nguồn
tài nguyên sông Mekong. Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, cho dù đang phải
đương đầu với cuộc khủng hoảng chánh trị có thể đưa tới nội chiến, nhưng vẫn đến
khai mạc hội nghị thượng đỉnh này với tuyên bố khẳng định:
“Sông Mekong đang bị đe dọa nghiêm trọng vì sự lạm dụng
nguồn nước và hậu quả của biến đổi khí hậu. Nếu không có một chính sách khai
thác thận trọng và hợp lý các nguồn tài nguyên sông Mekong, con sông hùng vĩ
này không thể nào sống còn”.
Cũng để xoa dịu nỗi căm phẫn của cư dân khu vực hạ
lưu, Bắc Kinh cử một phái đoàn quan sát do phó Ngoại trưởng Tống Đào /Song Tao
tới dự hội nghị. Không là thành viên của Ủy Hội Sông Mekong, không bị một ràng
buộc nào ngoài tư cách “tham dự đối thoại”. Như từ bao giờ, Bắc Kinh vẫn
khẳng định do tình trạng hạn hán nghiêm trọng mới là nguyên nhân đưa tới con
sông Mekong cạn dòng – và cũng khá trớ trêu là phân tích của chính Ủy Hội Sông
Mekong /MRC cũng hậu thuẫn cho luận điểm đó của Trung Quốc.[4] Và đó là lý do tại
sao các nhà hoạt động môi sinh đã lên án Ủy Hội Sông Mekong thất bại trong việc
bảo vệ dòng sông Mekong.[5]
Trước sức ép của công luận, Bắc Kinh bắt đầu chịu
chia xẻ một phần dữ kiện thủy văn liên quan tới hai con đập Vân Nam. Cũng nên
ghi lại ở đây cái cảnh tiếp đón khá bẽ bàng mà Trung Quốc đã dành cho phái đoàn
4 nước thuộc Ủy Hội Sông Mekong qua ghi nhận của Boonchai Ngamvitrot, Giám đốc
phòng Nghiên cứu Thủy văn của Thái Lan:
“Ngày đầu đoàn đến thăm Đập Cảnh Hồng, đến đập quan
sát khoảng 1 tiếng, phía Trung Quốc cho phép chụp hình. Ngày thứ hai, đoàn đi
thăm Đập Tiểu Loan, quan sát khoảng 1 tiếng nhưng tại đây họ không cho chụp
hình. Tiếp đoàn chỉ có 5 hay 6 cán bộ công ty thủy điện, không có cấp đại diện
chánh phủ hay bộ Thủy lợi Trung Quốc đi cùng. Chúng tôi nói chuyện rất ít, hầu
như chỉ đi xem là chính”.[15]
Nếu gọi đó là chuyến đi quan sát thực địa /fact-finding,
thì chỉ với vỏn vẹn 2 giờ đồng hồ đó, phái đoàn 4 nước đã thu thập được những
thông tin gì nơi 2 con đập ấy ?
Ngoài chiến dịch tình cảm rất hời hợt ấy, trước sau
Trung Quốc vẫn khăng khăng từ chối trách nhiệm về tình trạng cạn dòng của con
sông Mekong trong thời gian vừa qua.[2] Với những lý lẽ, vẫn là sự lặp lại,
không có gì mới và không thuyết phục, đó là:
1. Theo phái
đoàn Trung Quốc thì chỉ có 13.5% lưu lượng sông Mekong đổ xuống từ khúc sông
Lan Thương /thượng nguồn, so với lưu lượng trung bình hàng năm sông Mekong đổ
ra Biển Đông, nên các con đập Vân Nam không có ảnh hưởng đáng kể tới hạ nguồn;
không những thế các hồ chứa còn có tác dụng tích cực là điều hòa dòng chảy,
ngăn ngừa lũ lụt và cải thiện dẫn thủy tiêu tưới cho nông nghiệp.
Nhận xét: nhưng theo Milton Osborne, chuyên gia uy
tín về Đông Nam Á và là tác giả những cuốn sách nghiên cứu về Sông Mekong (như
: The Mekong: Turbulent Past, Uncertain Future; River Road to China: The Search
for the Source of the Mekong) thì trong Mùa Khô, lưu lượng nước sông Lan Thương
( tên Trung Quốc của sông Mekong) ở một số nơi, chiếm tới 40% lượng nước sông
Mekong , gấp 3 lần con số Trung Quốc đưa ra là 13.5%.[11]
2. Phái đoàn
Trung Quốc cho rằng không phải chỉ có các quốc gia hạ lưu chịu cảnh con sông Mekong
cạn dòng, mà chính hàng triệu cư dân các tỉnh Tây Nam Trung Quốc cũng bị thiếu
nước và hạn hán nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.
Nhận xét: do thay đổi khí hậu, đã thiếu mưa, hạn
hán, khi mà mực nước hồ chứa các con đập xuống thấp tới gần “mực nước chết”và để
duy trì mức sản xuất điện cho các khu kỹ nghệ… thì 40% nguồn nước trong mùa khô
bị giữ lại trong các con đập Vân Nam, thì hậu quả thiếu nước và cạn dòng dưới
nguồn trầm trọng hơn là thế nào.
3. Cũng phái
đoàn Trung Quốc đã phủ nhận tiếng nói báo động của các nhóm hoạt động môi sinh,
và lên án những “lượng giá của họ về tác hại của các con đập Vân Nam là hoàn
toàn không có cơ sở /groundless” vì Mekong cạn dòng là do “thiếu mưa /low
rainfall” chứ không vì nguyên nhân nào khác.
Nhận xét: đã thiếu mưa trên toàn lưu vực từ thượng
xuống hạ nguồn, trong suốt mùa khô, trông chờ nước do nguồn tuyết tan từ cao
nguyên Tây Tạng để duy trì dòng chảy thiên nhiên vốn có từ ngàn năm của con
sông Mekong thì nay nguồn nước ấy bị giữ lại trong hồ chứa khổng lồ của các con
đập Vân Nam và cảnh “thượng nguồn tích thủy, hạ nguồn khan” tưởng là hiển nhiên
vậy mà vẫn bị Trung Quốc phủ nhận.[11]
Nói gì đi nữa thì cho đến nay Trung Quốc vẫn cương
quyết từ chối gia nhập Ủy Hội Sông Mekong để không bị ràng buộc bởi bất cứ quyết
định nào của tổ chức này. Dưới mắt cư dân hạ nguồn thì Trung Quốc là một khuôn
mặt “bất nhẫn” hay nói theo ngôn từ ngoại giao nhẹ nhàng hơn thì Bắc Kinh hoàn
toàn “vô cảm” với những khó khăn của các quốc gia ven sông nơi lưu vực dưới
sông Mekong.
Những
con đập Á châu
-
Trên Sông Irrawaddy:
Trung Quốc đã khởi công xây con đập thủy điện lớn nhất
Miến Điện, Myitsone 3,600 MW trên sông Irrawaddy từ cuối năm 2007. Vị trí con đập
nằm ngay trên hợp lưu của hai nhánh sông, cách Myitsone thủ phủ của bang Kachin
42 km về hướng bắc.
Theo tờ báo của nhà nước Miến Điện, The New Light
of Myanmar, từ tháng 5 năm 2007 Miến Điện đã hoàn tất phác thảo 7 dự án thủy
điện trên sông Irrawaddy với tổng công suất lên tới 13,360 MW, do một ký kết giữa
Công Ty Đầu Tư Điện Lực Trung Quốc (CPI /China Power Investment Corporation) và
Bộ Điện Lực Miến Điện.
Nhưng theo Tổ Chức Môi Sinh Kachin có trụ sở ở
Chiang Mai Thái Lan, thì tình trạng đàn áp nhân quyền cư dân địa phương trên
luôn luôn diễn ra trên vùng xây đập. Di sản thiên nhiên và văn hóa của sắc tộc
Kachin đang bị hủy hoại, với hơn 40 ngôi làng quanh vùng xây đập sẽ hoàn toàn bị
ngập lụt và hơn 10 ngàn cư dân thì bị mất hết nhà cửa và bị cưỡng bách phải di
dời. Chưa kể đến trường hợp nếu con đập bị xập do động đất sẽ gây thảm họa cho
hàng triệu cư dân nơi hạ nguồn. ( Bắc Miến là vùng động đất đang hoạt động /seismically
active zone giống như Vân Nam)[9]
Mới đây 6/2010, khi Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo
tới thăm giới lãnh đạo quân phiệt Miến Điện để thảo luận về “các vấn đề năng lượng”
cũng có nghĩa là hai nước sẽ phải đẩy mạnh kế hoạch xây các con đập thủy điện
trên lãnh thổ Miến. Đập Myitsone trên sông Irrawaddy chỉ là một trong 9 dự án
án và ngoài Công Ty Đầu Tư Điện Lực Trung Quốc CPI thì nay có thêm một công ty
xây đập lớn khác của Trung Quốc CDT (China Datang Corporation), tham dự vào.
Cho dù gặp sự chống đối mạnh mẽ của sắc dân Kachin,
điển hình là đã xảy ra các vụ nổ bom (17/04/2010) nơi công trình xây đập khiến
4 công nhân xây đập Trung Quốc chết và nhiều người khác bị thương, thì ngay sau
đó dân Kachin bị quân đội bắt bớ, tra tấn và đàn áp dữ dội hơn. Kế hoạch cưỡng
bách tái định cư /forcibly relocated và tiến độ xây đập vẫn không hề bị chậm lại.[10]
Cũng dễ hiểu tại sao Trung Quốc vẫn chuộng ký kết hợp
đồng làm ăn với các thể chế độc tài, nhân danh ổn định chánh trị bằng đàn áp.
-
Trên Cao Nguyên Tây Tạng:
Xứ tuyết Tây Tạng là vùng đất cao từ 3,500 tới 5,000
mét, được mệnh danh là “nóc của trái đất”, các con sông lớn như mạch sống cho
toàn vùng Châu Á đều bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng. Phía đông ngoài hai con
sông lớn Hoàng Hà và Dương Tử hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, còn phải
kể tới ba con sông khác: Mekong, Irrawaddy và Salween. Phía tây và tây nam là
các con sông: Indus, Sutlej và Yarlung Zangpo – Yarlung Zangpo còn được mệnh
danh là “con sông cao nhất thế giới”.
Bắc Kinh đã xác nhận với Ấn Độ là, Hoa Lục sẽ xây
con đập đầu tiên trên con sông Yarlung Zangbo – Brahmaputra, vốn là một con
sông lớn, chảy xuyên qua rặng Hy Mã Lạp Sơn, đổ xuống một đại vực (grand
canyon) lớn và sâu nhất, trước khi chảy sang Ấn Độ. Đây là dòng sông huyết mạch
của bao nhiêu triệu cư dân Ấn.
Các chuyên gia Hoa Lục còn cho họ biết sẽ xây thêm 4
con đập nữa trong vùng thung lũng giữa hai quận hạt Sangro và Jiacha. Khi hoàn
tất, tổng số công suất của những con đập thủy điện này sẽ “nhiều lần lớn hơn”
công suất con đập Tam Hiệp (Three Gorges Dam) lớn nhất thế giới trên sông Dương
Tử.[6]
Nguồn năng lượng mới này tương đương với 100 triệu tấn
than đá, hoặc bằng toàn trữ lượng dầu khí trên Biển Đông /it could generate
energy equivalent to all the oil and gas in the South China sea.[14]
Ai cũng biết Biển Đông đang là “vùng tranh chấp
nóng” giữa Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á.
Ấn Độ đã bày tỏ mối quan tâm về những con đập sắp tới
của Trung Quốc, sẽ có ảnh hưởng hủy hoại sinh cảnh vốn đã mong manh của vùng Hy
Mã Lạp Sơn và nhất là tác động trực tiếp trên lưu lượng con sông Brahmaputra,
là nguồn cung cấp nước cho các vùng nông nghiệp và kỹ nghệ các tỉnh Đông Bắc Ấn
Độ. Nỗi lo ngại của Ấn càng gia tăng khi nhận thức được rằng qua các con đập, Bắc
Kinh sẽ hoàn toàn kiểm soát nguồn nước cung cấp cho vùng đất 90,000 km2 đang
trong vòng tranh chấp biên giới giữa hai nước.
[ Tưởng cũng nên nhắc lại là trong quá khứ đã xảy một
cuộc Chiến tranh Biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ (Sino-Indian War) vào tháng
10 năm 1962, trên cao độ hơn 4,000 mét, sau đó tuy ngưng bắn nhưng tình hình vẫn
căng thẳng và vấn đề biên giới giữa hai nước chưa được giải quyết. Nay nhìn lại,
người ta không thể không liên hệ yếu tố chánh trị phía sau cuộc chiến này: sự
vùng dậy của nhân dân Tây Tạng bị Trung Quốc thẳng tay đàn áp (1959) và sau đó
Tân Đề Ly đón nhận Đức Đạt Lai Đạt Ma vào Ấn Độ tỵ nạn đã gây cho Bắc Kinh
không ít giận dữ ].
Cũng như với các con đập thượng nguồn Sông Mekong, lập
luận của Trung Quốc bao giờ cũng là tiếng nói “phủ nhận” ảnh hưởng của chuỗi đập
trên cao nguyên Tây Tạng đối với nguồn nước của Ấn Độ.
Bằng một giọng khá trịch thượng và cả thách thức với
một cường quốc láng giềng có cả vũ khí nguyên tử là Ấn Độ, giới chức Bắc Kinh
cho rằng họ không có ràng buộc nào để phải công khai hóa kế hoạch của họ với
Tân Đề Li, nhưng họ đã làm như vậy để tạo sự tin cậy và giảm thiểu căng thẳng
giữa hai quốc gia.[Sic]
Yan Zhiyong, tổng giám đốc Nhóm Tham vấn Thủy điện
Trung Quốc (China Hydropower Engineering Consulting Group) nhận định : “Tây Tạng
là nguồn dự trữ thủy điện lớn nhất so với các tỉnh khác của Trung Quốc. Chuyển
điện điện từ Tây Tạng sang các tỉnh miền Đông sẽ giải quyết vấn đề thiếu năng
lượng đáng kể của Trung Quốc”.
Anant Krishnan, nhà ngoại giao cao cấp của Ấn Độ cho
rằng kế hoạch xây đập tràn lan của Bắc Kinh, cho dù đó là trong lãnh thổ Trung
Quốc nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tác hại mối quan hệ đối với các quốc gia hạ
nguồn. Rồi ông ta cũng không quên so sánh :
“Ấn Độ bị báo động vì những con đập trên sông
Yarlung Zangbo- Brahmaputra, cũng giống như với các quốc gia Thái Lan, Lào, Cam
Bốt và Việt Nam đối với những con đập Vân Nam trên thượng nguồn sông Langcang –
Mekong”.[6]
Những
con đập trên lục địa Phi châu
Theo báo Economist, Châu Phi là một lục địa ít xây đập
nhất. Cũng là lục địa thiếu nước và thiếu điện nhất. Đó là vùng đất hứa để xây
thêm những con đập và Trung Quốc là quốc gia bỏ tiền xây nhiều con đập mới ở
Phi Châu, nhưng hiệu năng của những con đập ấy thường dưới xa mức dự tính do
khí hậu thất thường, tiên đoán thủy văn không chính xác cộng thêm với tham
nhũng về chính trị nên Châu Phi không phải là “đắc địa” để Trung Quốc vội vã đầu
tư thêm vào kỹ nghệ xây đập[7], ngoài những kế hoạch đang sinh lợi khác như
thuê đất, phá rừng lấy gỗ và chuyên trở các nguồn tài nguyên từ Phi Châu về
Trung Quốc.
Xây
đập toàn cầu: Trung Quốc và nhân quyền
Phân nửa những con đập lớn trên hành tinh này là nằm
trong lãnh thổ Trung Quốc và Bắc Kinh cũng là chủ nhân các đại công ty xây đập
lớn nhất thế giới.
Chỉ mấy thập niên trước đây thôi, Trung Quốc còn cần
yểm trợ kỹ thuật của các công ty xây đập Tây Phương, như với tập đoàn đa quốc
gia EHDC (Ertan Hydroelectric Development Corporation) khi thực hiện dự án đập
Tam Hợp (Three Gorges projects). Nhưng cũng lúc đó, Trung Quốc có ngay chiến lược
làm ăn với các công ty ngoại quốc, họ đặt ra yêu cầu các công ty này phải chấp
nhận cho sản xuất phân nửa những giàn turbines và các nhà máy phát điện ngay tại
Trung Quốc với sự tham gia của các kỹ sư thủy điện và công nhân kỹ thuật Trung
Quốc. Một hình thức thu hút kỹ thuật cao của Tây Phương vào Trung Quốc trong một
thời gian ngắn với gía rẻ.
Trước mối lợi nhuận hàng tỉ Mỹ kim, các đại công ty
Tây Phương như ABB, Alstom, General Electric and Siemens đã chấp nhận giải pháp
này cũng có nghĩa đồng ý chuyển giao quy trình công nghệ xây đập cho Trung Quốc.
Và các nhóm kỹ sư trẻ Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội, rất mau chóng học hỏi
và làm chủ các khâu kỹ thuật xây đập của ngoại quốc và rồi không lâu sau đó,
Trung Quốc đã có thể tự chế tạo và sản xuất mọi trang bị cho kỹ nghệ xây đập
ngay tại Hoa Lục.
Để rồi ngày nay, Trung Quốc vượt qua các bậc thầy,
thống lĩnh thị trường xây đập toàn cầu, nhận xây 19 trong số 24 dự án đập lớn
nhất thế giới. Không có con số chính xác, nhưng có thể nói rằng không ít các
giàn turbines và trang thiết bị xây các con đập lớn nhỏ ở Việt Nam hiện nay đều
mang thương hiệu Made in China, điều phỏng đoán ấy chắc không sai.
Nhưng ngoài vấn đề Hoa Lục làm chủ được kỹ thuật xây
đập, nhiều người đã tự hỏi bằng cách nào Trung Quốc đạt được những thành tựu “xuất
cảng kỹ nghệ xây đập” nhanh như vậy sang nhiều quốc gia khác ?
Giám đốc chánh trị Mạng Lưới Sông Thế giới
(IRN/International River Network), Peter Bosshard đã tìm được lời giải đáp. Đó
là, trong khi các đối tác Tây phương tuy có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật cao
hơn nhưng cũng vì biết quan tâm nhiều hơn tới ảnh hưởng môi trường và tác động xã
hội của từng con đập nói chung vì “tôn trọng nhân quyền” họ đã rất “dè dặt và bảo
thủ” , trong khi đó phía Trung Quốc không có cùng mức độ quan tâm như vậy và Bắc
Kinh chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội sinh lợi, cứ thế nhận đấu thầu và tiến tới cho
dù không đáp ứng được những tiêu chuẩn môi sinh quốc tế.[8]
Nhưng rồi ra, trước công luận thế giới, Trung Quốc
không thể nói là hoàn toàn vô can trước tác hại của những con đập nơi các quốc
gia mà Trung Quốc trực tiếp đầu tư vào. Điển hình là những gì tệ hại đang diễn
ra trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong (GMS/Greater Mekong Subregion); và báo chí đã
đưa ra một ví von rất gợi hình là Trung Quốc đang liều lĩnh bước đi trên trên
những tảng băng mỏng /China walks on thin ice. Một hình ảnh nước lớn Trung Quốc
chắc chắn sẽ xấu xí hơn nếu cứ tiếp tục với những công trình xây dựng thiếu bền
vững như vậy trên khắp hành tinh này.
Trung Quốc đã chia rẽ, khống chế được các nước nhỏ
Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, nhưng khi Bắc Kinh hành xử ngang ngược chặn
nguồn nước một nước láng giềng lớn như Ấn Độ, liệu có dễ dàng như vậy không hay
là bắt đầu “châm ngòi” cho một cuộc “chiến tranh vì nước”.
NGÔ THẾ VINH
California 16/06/2010
THAM
KHẢO:
- The Mekong In Peril, Prashanth Parameswaran, Wed, 02 June 2010
- www.asiasentinel.com/index2.php?option=com-content&task=view&id=2509&pop=1&page=0&Itemid=594
- China New Dam as Water Hog. USA Today, April 21, 2010
- Mekong Tipping Point: Hydropower Dams, Human Security and Regional Stability. Richard P. Cronin & Timothy Hamlin. The Henry L. Stimpson Center, Washington DC, 2010
- Mekong Nations Join Forces on Shrinking River. Bangkok Post 05/04/2010.
- Mekong body ‘failed to protect waterway’. Dowstream Nations suffering, activists say. Apinva Wipatayotin. Bangkok Post 02/04/2010.
- China to dam world’s highest river. SNM Abdi in Calcutta, Stephen Chen & Kristine Kwok in Beijing. South China Morning Post, Honglong April 24, 2010
- The Economist on Dam Building in Africa: Tap that water. Controversy surrounds the argument for dam-building in Africa.
- www.economist.com/world/middle-east/displaystory.cfm?story-id=16068950
- China’s Dam Builders Go Global. China Dams the World. Peter Bosshard.
- www.mitpressjournals.org/doi/abs/10.1162/wopj.2010.26.4.43
- Irrawady Dam Construction Begins, Human Rights Abuses Begin. Saw Yan Naing. The Irrawady News Magazine, Jan 29, 2008
- Kachins anxious Wen’s visit will boost Irrawaddy dam construction. June 03, 2010. www.kachinnews.com/News/Kachins-anxious-Wen’s-visit-will-boost-Irrawaddy-dam-contruction/
- China’s “Charm Offensive” Loses Momentum in Southeast Asia[Part II].
- Ian Storey. Source: The Jamestown Foundation Publication: China Brief Volune:10, Issue: 10, May 13, 2010
- 472 Millions People Worldwide Negatively Affected by Dams. Jaymi Heimbuch, San Francisco, California. Sciences & Technology 06/10/2010
- Xiaowan Dam Generating Electricity in Kunming. Li Yingqing and Guo Anfei. Chian Daily Yunnan Bureau, Seot 25, 2009
- www.chinadaily.com.cn/regional/2009-09/25/content-8738659.htm
- Chinese Hydro-engineers propose World’s Biggest Dam in Tibet. Jonathan Watts, Asia environment correspondent. The Guardian, Monday May 24, 2010
- Thăm đập Cảnh Hồng /Jinghong và đập Tiểu Loan /Xiaowan
- http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/06/100616-mrc-dams-visit.shtml
No comments:
Post a Comment