Thursday, 3 March 2016

SẦM SƠN : DÂN BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI CHÍNH QUYỀN GIAO BỜ BIỂN CHO TẬP ĐOÀN FLC (CTV Danlambao)






Liên tiếp trong những ngày đầu tháng 3, người dân ở các phường Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn và xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã tập trung biểu tình trước trụ sở UBND tỉnh nhằm yêu cầu chính quyền có phương án hỗ trợ phù hợp khi thu hồi đất ven biển, dọc khu vực neo đậu tàu thuyền phía Đông đường Hồ Xuân Hương.

Được biết khu vực bờ biển này đã được giao cho tập đoàn FLC. Trước đó, khi khu nghỉ dưỡng cấp cao FLC Samson Beach & Golf Resort được xây dựng và đưa vào hoạt động đã có tình trạng người dân phản ánh vì không thể đánh bắt kiếm sống ở phần biển được giao cho doanh nghiệp. 

Nay với việc tiếp tục triển khai thu hồi đất ven biển Sầm Sơn phục vụ dự án xây dựng khu vui chơi, du lịch khiên người dân bức xúc lo sợ việc mất bến bãi neo đậu tàu thuyền khiến nghề đi biển truyền thống có nguy cơ "xóa sổ". 

Chia sẻ với báo chí ông Trịnh Tứ Trọng ngụ tại phường Trung Sơn cho biết: "Vài năm trước, họ đã lấy đất nông nghiệp, đất rừng, giờ lại cấm không cho chúng tôi khai thác thủy sản. Cha ông chúng tôi bao đời nay mưu sinh chài lưới. Nay tỉnh thu sạch toàn bộ bến thuyền ở đây và dự định chuyển chúng tôi đến tận xã Quảng Hùng, cách cả chục cây số. Chúng tôi đánh bắt nhỏ lẻ con moi, con cá giờ việc đi lại, mang vác ngư cụ rất khó khăn".

Đại diện địa phương, ông Lường Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Cư cũng cho biết:

"Dự án này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất truyền thống, bà con dù ủng hộ chủ trương của tỉnh nhưng họ yêu cầu chủ đầu tư để lại một khoảng đất neo đậu tàu thuyền. Không được chấp thuận nên họ phản đối".(1)

Trong buổi họp báo chiều ngày 2/3/2016, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thừa nhận việc triển khai dự án gặp phải sự phản đối của người dân, và cũng thông báo rằng: "Tỉnh đã chọn nhà đầu tư là tập đoàn FLC và công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn tất. Quyết tâm của chính quyền là phải xong trước ngày 15/4, trước dịp khai trương mùa du lịch Sầm Sơn hè 2016”.(2)

Mặc dù đã tổ chức đối thoại, nhưng người dân vẫn không đạt được sự đồng thuận với chính quyền địa phương vì hầu hết bà con chưa muốn nhận tiền hỗ trợ vì lo lắng mất kế sinh nhai lâu dài, con cháu rơi vào cảnh thất nghiệp. Liên tiếp các hành động xua đuổi, ngăn chặn từ phía doanh nghiệp nhắm trực tiếp vào ngư dân nghèo khi họ đang kiếm sống trên chính bãi biển của mình. Đó cũng là lý do mà những ngày qua, hàng trăm ngư dân ở vùng biển này kéo lên trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa đòi công lý.

15h30 chiều ngày 3/3, hàng trăm người dân tiếp tục tập trung biểu tình ngay đại lộ Lê Lợi, đoạn trước UBND tỉnh Thanh Hóa với các khẩu hiệu: “Trả lại biển cho người dân Sầm Sơn”, “Biển là của dân”… 



Từ trước đến nay việc nhà cầm quyền tại các tỉnh đứng ra thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khách sạn, nhà nghỉ cao cấp đẩy người dân địa phương vào cảnh mất nơi sinh sống, mất công việc luôn là vấn nạn nghiêm trọng. 

Và sau hôm nay, với các dự án cao cấp của tập đoàn FLC cùng dự án cải tạo ven biển nhằm tạo bộ mặt mới cho du lịch Sầm Sơn chắc chắn sẽ có thêm nhiều dân oan nữa ở vùng đất Thanh Hóa.


Chú thích:


---------------------------------

BBC Tiếng Việt
3-3-2016
.
Hàng trăm người dân tới biểu tình trước trụ sở Ủy ban Nhân dân Thanh Hóa

Các quan chức tỉnh Thanh Hóa đã buộc phải họp khẩn cấp sau khi người dân biểu tình trong mấy ngày qua đòi quyền sử dụng biển để neo đậu tàu thuyền đánh cá và tăng mức đền bù đất giải tỏa, theo các nguồn tin trong nước.

Hàng trăm người đã tập trung tại trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh và ở khu vực xung quanh kể từ ngày 29/2 với số lượng có ngày lên tới vài trăm.

Một video xuất hiện trên Facebook có cảnh đông đảo người dân xuống đường làm tắc nghẽn đại lộ.

Trang tin của báo Nông Nghiệp Việt Nam dẫn lời Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thanh Hóa, ông Ngô Văn Tuấn, nói các quan chức của tỉnh đã "họp bàn liên tục, kể cả họp ban đêm" ngay trong hai ngày biểu tình đầu tiên để tìm cách giải quyết.

Nhưng tới ngày 3/3 vẫn còn người dân biểu tình do các giải pháp đưa ra không được người dân xem là thỏa đáng.

Một số người biểu tình nấu mì tôm ăn tại nơi xuống đường

Người dân tố cáo Tập đoàn FLC ngăn người dân từ các xã Quảng Cư và ba phường Trung Sơn, Trường Sơn và Bắc Sơn neo đậu tàu thuyền đánh cá trong khu vực bãi biển có dự án "không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn".

Nhiều người dân cũng than phiền chuyện đất của họ bị thu hồi với giá thấp hơn tới bảy hoặc tám lần so với giá thị trường để phục vụ dự án của Tập đoàn FLC.

Ủy ban nhân dân Tỉnh Thanh Hóa cũng tuyên bố hỗ trợ người dân phá bỏ các tàu thuyền đánh cá gần bờ với mức đền bù từ 50-70 triệu đồng.

Mục tiêu là khuyến khích họ sẽ đầu tư đóng các tàu thuyền lớn hơn phục vụ cho đánh bắt xa bờ và tránh làm ảnh hưởng tới cảnh quan dự án của FLC.

Nhưng Nông Nghiệp Việt Nam cũng bình luận FLC đáng ra phải đền bù cho người dân thay vì Ủy ban dùng tiền ngân sách để trợ giúp.

'O ép, dọa nạt'
Việc người dân bị xua đuổi khỏi khu vực bãi biển họ thường neo đậu được cho là đã xảy ra thường xuyên và họ đã có những khiếu nại nhưng không được giải quyết.

Biểu tình đã kéo sang ngày thứ tư

Chính quyền địa phương cũng tìm cách ngăn người dân biểu tình trước trụ sở Ủy ban Nhân dân và có trường học đã đề nghị học sinh cam kết không cùng bố mẹ xuống đường.

Trong khi đó BBC cũng nhận được 'đơn cầu cứu' của một số hộ dân tại Sầm Sơn gửi Thanh Tra Chính phủ và các nơi liên quan về chuyện giá đề nghị bồi thường cho đất đai phục vụ dự án của FLC thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường.

BBC cũng đã liên hệ với Tập đoàn FLC và đang đợi phản hồi từ họ về câu chuyện này.

Trong khi đó, lá đơn cầu cứu nêu một số trường hợp trong đó người dân "bị FLC Sầm Sơn o ép, chính quyền địa phương dọa nạt" khi không chấp nhận giá đền bù thấp.

FLC cũng từng bị tố cáo phá nhiều hecta rừng phòng hộ ở Sầm Sơn trong quá trình thực hiện dự án của họ, theo báo Người Lao động.

Tin liên quan



Cập nhật :13:09 GMT - Thứ Sáu, 27 Tháng 2, 2009





No comments:

Post a Comment

View My Stats