Friday, 4 March 2016

ĐÓNG THÊM ĐINH CHO CỖ QUAN TÀI (FB Nguyen Huy Vu)





Posted by adminbasam on 04/03/2016

4-3-2016
ĐÓNG THÊM ĐINH CHO CỖ QUAN TÀI

Cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu có một câu nói để đời: «Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm». Những ngày này, so sánh những phát ngôn của ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng rằng «thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam» và có «dân chủ đến thế là cùng», với những hành động từ hành giấy tờ đến đăng báo vu khống hạ nhục và nhờ công an gửi thư nhằm đe dọa tinh thần những người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội, câu nói trên có lẽ là câu nói phản ánh đúng nhất hiện thực của vấn đề.

VAI TRÒ CỦA PHONG TRÀO TỰ ỨNG CỬ

Đối phó với phong trào tự ứng cử Đại biểu Quốc hội, những hành động trên chứng tỏ rằng đã có một sự phối hợp nhằm dập tắt phong trào. Tuy vậy, những hành động vụn vặt đó chứng tỏ một điều rằng những người ra lệnh cho một chiến lược đàn áp chưa hiểu đúng chiến lược của phong trào tự ứng cử, mà ở đó sự tự ứng cử chỉ là bước đầu tiên trong một chiến lược lớn hơn nhằm thúc đẩy quá trình dân chủ hóa.

Phong trào tự ứng cử có bốn mục tiêu chính:

Một, bằng cách liên tục các hoạt động truyền thông, nó giúp nâng cao nhận thức của người dân về quyền công dân và vai trò dân chủ của người dân mà ở đó quyền ứng cử và bầu cử tự do là những quyền cơ bản. Dù từ rất lâu nó đã bị tước đoạt.

Hai, đây là cơ hội để phong trào dân chủ với những cá nhân cụ thể được dịp xuất hiện công khai ở các diễn đàn chính trị và tiếp cận công chúng. Giờ đây, chính trị, truyền thông, và tuyên truyền chính trị không còn là một độc quyền của Đảng Cộng sản nữa, mà đã xuất hiện công khai một phong trào những người ngoài Đảng bắt đầu cạnh tranh trực tiếp với đảng cầm quyền.

Ba, các diễn biến trong quá trình tự ứng cử sẽ giúp phản ánh rõ nét tình trạng dân chủ của một đất nước và hình ảnh của đảng cầm quyền. Việc bị đàn áp vì các hoạt động tự ứng cử tự nó là những bằng chứng rõ rệt nhất tố cáo sự dàn dựng trong các hoạt động bầu cử, làm yếu đi tính chính danh, uy tín của đảng cầm quyền, và giúp phong trào dân chủ nhận thêm nhiều sự ủng hộ.

Bốn, trong điều kiện có một sự thay đổi về tư tưởng chính trị của đảng cầm quyền nhằm nới lỏng chính trị, sự hiện diện của vài Đại biểu Quốc hội độc lập trong kì bầu cử này sẽ tiếp sức cho phong trào dân chủ để kì bầu cử sau thêm nhiều người ra ứng cử.

Ba trong bốn mục tiêu trên cho tới nay đã đạt được những kết quả rất tích cực. Những video clip giới thiệu các ứng cử viên tự do cho đến nay đã đạt đến con số 70 ngàn người xem. Với hơn 90 triệu dân, điều đó đồng nghĩa với mỗi hơn 1000 người, có một người xem. Đó là một con số ấn tượng về mặt truyền thông.

VAI TRÒ CỦA PHONG TRÀO TẨY CHAY BẦU CỬ

Những người khởi động phong trào ứng cử tự do hẳn sẽ hiểu một điều rằng với nhiều khả năng, họ có thể sẽ bị loại ra ngay từ những vòng hiệp thương. Hành động tự ứng cử của họ do đó là một phép thử về mức độ dân chủ của xã hội.

Bằng cách kéo những hi vọng của xã hội về một sự công bằng trong bầu cử, và hi vọng về một sự cải cách của chính trị, họ giúp vực dậy trong nhân dân một niềm tin về một sự đổi thay cho đất nước.

Những niềm tin đó sẽ được nuôi dưỡng cho đến khi nhân dân biết rằng những ứng cử viên tự do bằng nhiều cách khác nhau bị loại.

Đó là một cảm giác thất vọng to lớn, để rồi đưa những người còn hi vọng về một sự đổi thay trở nên mạnh mẽ và quyết tâm hơn. Và đó là lúc phong trào dân chủ được thổi thêm luồng gió mới.

Giờ đây, những người đã từng ủng hộ phong trào ứng cử tự do có lý do để chuyển nó thành một phong trào mới: phong trào tẩy chay bầu cử. Và chắc chắn, đó sẽ là một phong trào mạnh mẽ hơn phong trào ứng cử tự do nhiều lần.

Đơn giản là bởi vì đây là dịp mà những cảm xúc của nhân dân bị dồn nén khi quan sát những trò dàn dựng đã diễn ra với các ứng cử viên độc lập được dịp bùng cháy. Chính vì vậy mà truyền thông càng được liên tục thực hiện một cách mạnh mẽ cho phong trào tự ứng cử, phong trào tẩy chay bầu cử sau đó sẽ càng mạnh thêm.

Sự mạnh mẽ của phong trào tẩy chay bầu cử nó còn thể hiện ở tính chất rằng khó mà kiểm soát được phong trào này. Người dân có thể viện cớ ở nhà, làm việc khác, hoặc họ có thể gạch hết tất cả các ứng cử viên được chọn lọc. Không một ai có thể kiểm soát được họ.

KINH NGHIỆM AI CẬP

Tháng 11 năm 2010, chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak như thường lệ tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội dàn dựng nhằm hợp pháp hóa tính chính danh của đảng cầm quyền. Ủy ban giám sát và kiểm soát các hoạt động bầu cử trước kia từng có sự tham gia của giới luật sư thì giờ đây được thay bằng Bộ Nội vụ. Mặc cho lực lượng đối lập thống nhất kêu gọi cải cách qui trình bầu cử trước cuộc bỏ phiếu, chính phủ Ai Cập hứa hẹn bầu cử tự do và công bằng dù không đưa ra một bảo đảm cho sự thay đổi nào. Phe dân chủ chia ra làm hai: phe ủng hộ tham gia bầu cử và cử đại diện gồm Tổ chức Anh em Hồi giáo và Đảng tự do Al Wafd và phe quyết định tẩy chay gồm Liên minh vì Thay đổi của Elbaradei, các đảng tự do Al Ghad và Al Gabha.

Khi ra tranh cử, bằng nhiều thủ thuật khác nhau từ sai phạm, gian lận, và đàn áp bạo lực, đảng của Tổng thống Hosni Mubarrak gạt tất cả các ứng cử viên đối lập, và giành trọn các ghế cho đảng mình và liên minh.

Nhóm ủng hộ bầu cử, sau trải nghiệm bẽ bàng, lập tức gia nhập với phe tẩy chay thực hiện một chiến dịch tẩy chay mạnh mẽ. Chiến dịch này giúp đoàn kết, làm mạnh mẽ hơn phong trào dân chủ, phơi bày sự dàn dựng của cuộc bầu cử, và giúp làm suy yếu nhanh chóng tính chính danh của đảng cầm quyền. Phong trào dân chủ lên cao để hơn hai tháng sau, cuộc xuống đường ngày 25 tháng 1 mở đường cho «Cuộc cách mạng 25 tháng 1» chấm dứt chế độ độc tài.

Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng nếu đảng cầm quyền của Tổng thống Hosni Mubarak cho thực thi một cuộc bầu cử công bằng hơn thì dù cho có sự hiện diện của các dân biểu đối lập, Quốc hội vẫn bị khống chế bởi một đa số các đảng viên của đảng cầm quyền, và có thể quá trình cải cách chính trị diễn ra một cách êm thắm hơn.

ĐÓNG THÊM ĐINH CHO CỖ QUAN TÀI

Quan sát những thay đổi chính trị trong vòng hơn 10 năm trở lại và qua ba kì Đại hội Đảng Cộng sản, nhiều người sẽ nhận ra hai điều: những góp ý cho Đảng Cộng sản của các trí thức giảm dần theo thời gian; và bên cạnh đó, sự xuất hiện của các trí thức đứng về phong trào dân chủ ngày càng nhiều thêm.

Trong thâm tâm của nhiều người, thay đổi trong hòa bình là một mong muốn. Và đó là một lý do mà nhiều người vẫn còn hi vọng vào sự thay đổi thông qua các cải cách chính trị nhằm mở đường cho bầu cử tự do.

Đối diện với một xã hội đầy bất ổn và chán ghét, đó là cách duy nhất mà đảng cầm quyền có thể làm để xì hơi những mâu thuẫn và cải cách trong hòa bình.

Nhưng bằng cách tiếp tục đàn áp phong trào ứng cử tự do và những cá nhân, đảng cầm quyền đang chặt đứt huyệt lộ duy nhất để cải cách trong hòa bình và tự tay đóng thêm những chiếc đinh cho cỗ quan tài của chính mình.

Có vài câu hỏi dành cho những người quyết định chiến lược đàn áp phong trào dân chủ rằng liệu rằng quý vị có tin rằng đảng cầm quyền sẽ tiếp tục nắm quyền trong 5 năm nữa?
Liệu quí vị sẽ làm gì sau khi gạt bỏ tất cả các ứng cử viên độc lập?

Và rằng liệu quí vị sẽ đối phó ra sao khi họ bắt đầu một chiến dịch tẩy chay bầu cử ngay sau đó khi tất cả các ứng cử viên độc lập bị gạt ra khỏi cuộc chơi?

Có lẽ rồi quí vị sẽ nhận ra một điều rằng thời gian không còn nhiều cho những hành động đàn áp vì phong trào dân chủ đang đi đúng hướng và bắt đầu lớn mạnh. Thời khắc đổi thay của đất nước đang đến rất gần.

Hãy nhìn gương của các nước Ả Rập, của các nước Đông Âu, của Miến Điện, của HongKong. Hơn bao giờ hết, ngay chính trong khu vực Đông Nam Á, quý vị sẽ cảm thấy cô đơn hơn khi đứng cạnh nhiều hơn những nước cởi mở về chính trị.
___

MỘT HÀNH ĐỘNG SAI LẦM VÀ DẠI DỘT
1-3-2016

Những ngày qua, nhìn cảnh những người ứng cử tự do bị hành khi nộp hồ sơ ứng cử Đại biểu Quốc hội, nó khiến tôi tự đặt một câu hỏi rằng ai cố vấn và chỉ đạo cho những hành động như vậy? Đó là một chiến lược sai lầm và dại dột.

Tại sao lại là sai lầm và dại dột? Đặt một câu hỏi ngược lại, giả sử như các hành động hành giấy tờ ở những người ứng cử tự do tiếp tục thì có thể ngăn cản được ý chí và sự thành công trong việc nộp đơn của họ không? Câu trả lời sẽ là không. Càng hành họ, càng khiến họ quyết tâm hơn, để rồi cuối cùng thì họ cũng sẽ nộp xong. Ngược lại, cách làm này sẽ khiến cho dư luận nhìn vào chính quyền để biết được mức độ dân chủ của một đất nước. Nó là một bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy chính quyền, một cách công khai, hạn chế dân chủ, ngăn người dân ra ứng cử độc lập. Còn bằng chứng nào mạnh mẽ và rõ ràng hơn những bằng chứng như vậy?

Một chiến lược thành công khi nó đạt được ít nhất một trong hai điều. Hoặc là làm cho đối lập yếu đi và mất tính chính danh. Hoặc là làm mình mạnh lên và có nhiều uy tín hơn. Rõ ràng chiến lược trên càng thực hiện tự nó càng làm cho uy tín của chính quyền giảm xuống và uy tín của những người đối lập tăng lên. Vậy thì nó không phải là những hành động sai lầm và dại dột thì là gì?

Ở trên chỉ là một chiến lược sai lầm của một sai lầm to lớn hơn đó là tiếp tục đàn áp dân chủ và những người ủng hộ dân chủ hóa. Đặt một câu hỏi rằng liệu tiếp tục bỏ tù và đàn áp những nhà hoạt động có làm nguội đi phong trào đòi dân chủ không? Câu trả lời là không. Nếu quan sát những thay đổi xã hội trong vòng 10 năm trở lại đây sẽ thấy một điều rằng việc bỏ tù những nhà hoạt động sẽ là động lực để cho hàng chục những người khác lên tiếng phản đối. Và bằng cách tiếp tục bỏ tù những nhà hoạt động, chính quyền đang góp gió vào phong trào đòi dân chủ.

Một câu hỏi khác tại sao khi chính quyền càng đàn áp thì phong trào đòi dân chủ sẽ càng mạnh? Đó là bởi vì những người trẻ nhìn đất nước như là một tương lai của chính mình. Liệu rằng họ, những người trẻ, sẽ tiếp tục nhịn để sống trong một môi trường mà nói lên tiếng nói khác biệt sẽ bị bỏ tù, để rồi một ngày nào đó họ cũng sẽ có thể bị bỏ tù như những gì họ đang thấy? Câu trả lời sẽ là không. Cuộc đời có một lần và chắc chắn nhiều người muốn có một cuộc sống xứng đáng. Vì lí do đó mà sự đàn áp và bỏ tù chỉ làm mạnh mẽ hơn những ý chí đòi thay đổi.

Hãy nhìn chính quyền độc tài của Hosni Mubarak, hay của Miến Điện như là những ví dụ. Sự đàn áp và bỏ tù những nhà bất đồng chính kiến nhiều hơn và độc ác hơn rất nhiều lần những gì mà chúng ta chứng kiến ở Việt Nam hiện nay. Nhưng cuối cùng rồi sao? Cả hai đều đầu hàng trước mong muốn dân chủ của nhân dân mình. Chính quyền quân sự Miến Điện chủ động thay đổi để còn giữ một vị thế và danh dự. Ngược lại, số phận của Hosni Mubarak, sau cuộc nổi dậy của nhân dân, kết thúc ở trại giam.

Vậy đâu là một chiến lược khôn ngoan cho nhà cầm quyền hiện nay? Nếu một chiến lược không thể làm suy yếu được đối phương, thì cách tốt nhất là làm cho mình mạnh lên. Đối diện với một phong trào dân chủ đang lên, cách tốt nhất đối với nhà cầm quyền là làm cho mình tăng tính chính danh và uy tín. Mà cách dễ nhất là cải cách chính trị và thực hiện các chính sách theo nguyện vọng của nhân dân. Việc trước mắt là hãy tạo điều kiện cho những người ứng cử tự do và thực hiện bầu cử tự do, công bằng. Vài chục ứng cử viên độc lập vào Quốc hội không làm mất đi tiếng nói của một đa số các đảng viên cộng sản trong Quốc hội. Tuy vậy, nó sẽ giúp cho sự chính danh của Quốc hội, và những chính sách cải cách chính trị đưa ra sẽ giúp cho quá trình thay đổi diễn ra trong hòa bình.

Thời gian đang nằm về phía những người đang nắm quyền. Hãy thay đổi khi mình còn có thể kiểm soát được tình hình và vị thế. Vì đó sẽ là những thay đổi của niềm tin và danh dự.
___






No comments:

Post a Comment

View My Stats