Saturday, 5 March 2016

QUẢNG NAM THÚ NHẬN SAI LẦM TRONG QUY HOẠCH VEN BIỂN (Người Việt)





Người Việt
Saturday, March 5, 2016 1:51:58 PM 

QUẢNG NAM - Ông Huỳnh Tấn Đức, giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Quảng Nam, vừa công khai thú nhận, chính quyền tỉnh này đã phạm sai lầm khi quy hoạch ven biển nhưng không còn cơ hội sửa sai. 

Thú nhận vừa kể được đưa ra sau khi chính quyền tỉnh Quảng Nam bị truy vấn trong một thời gian dài về tình trạng xói lở càng ngày càng nghiêm trọng ở khu vực Cửa Đại, thuộc thành phố Hội An.

Trước đây, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt, cho phép thực hiện hàng loạt dự án sát mép biển, trong khi đúng ra, toàn bộ khu vực ven biển phải chừa trống ít nhất là 100 mét, kế đó phải tạo một rừng dương giữ đất, phía sau rừng dương mới cho thực hiện các dự án.

Giờ, song song với việc nhận sai, giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Quảng Nam tiết lộ thêm, dù đã thấy sai nhưng chính quyền không còn cơ hội sửa sai vì toàn bộ khu vực ven biển đã được đem cho các doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp ngoại quốc, thuê, xây dựng các công trình.

Chủ những dự án nằm dọc đoạn bờ biển từ Hội An đến Đà Nẵng đã cho đốn sạch các rừng dương và các công trình của những dự án này đều sát mép biển nên chắc chắn không chỉ có Cửa Đại bị sạt lở.

Giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Quảng Nam còn thú nhận, việc phòng chống hạn và nước biển xâm nhập ruộng vườn trong thời gian vừa qua là vì hệ thống sông ngòi, kênh rạch bị bồi lấp nghiêm trọng. Năm nay, Quảng Nam dành ra 36 tỷ để khắc phục và phòng chống hậu quả của hạn hán và phải dùng 26/36 tỷ này để khơi thông, nạo vét sông ngòi, kênh rạch.

Quảng Nam không phải là địa phương duy nhất phạm những sai lầm, đẩy dân chúng đến chỗ khốn cùng như vậy.

Hồi thượng tuần Tháng Giêng năm nay, ông Hoàng Trung Hải, một phó thủ tướng Việt Nam tuyên bố, chính quyền Việt Nam đã quyết định ngưng xuất cảng cả cát biển lẫn cát khai thác từ lòng sông, suối.

Viên phó thủ tướng Việt Nam giải thích, lý do dẫn tới quyết định vừa kể là vì giá trị cát xuất cảng không đáng bao nhiêu trong khi việc khai thác cát để xuất cảng đang gây xói lở nghiêm trọng ở khắp nơi.

Quyết định vừa kể được xem là quá trễ!

Việt Nam có khoảng 3,260 cây số bờ biển chạy dài từ Bắc vào Nam và tình trạng bờ biển xói lở càng ngày càng nghiêm trọng.

Hồi Tháng Tám năm ngoái, trong một cuộc trao đổi với RFI, ông Huỳnh Long Vân, thành viên Nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Cửu Long-Đồng Nai ở Úc, từng cảnh báo, tuy khác nhau về mức độ song tình trạng bờ biển xói lở xảy ra tại cả ba miền.

Ở miền Bắc từ Móng Cái đến Nam Định có sáu đoạn bị sạt lở. Trong đó, khu vực Cát Hải thuộc Hải Phòng và Hải Hậu thuộc Nam Định bị sạt lở trầm trọng nhất. Ở Hải Hậu do bờ biển xói lở, mỗi năm biển lấn sâu vào bờ trên 20 mét.

Tại miền Trung thì trên đoạn bờ biển từ Thanh Hóa đến Nha Trang, cứ khoảng sáu cây số lại có một đoạn bị sạt lở. Tổng cộng có 286 đoạn bị sạt lở, tổng diện tích lên tới 9,000 héc ta.

Khu vực miền Nam, đoạn bờ biển từ Vũng Tàu đến Hà Tiên có nhiều chỗ bị xói lở và cường độ thay đổi theo từng vùng. Ví dụ do bờ biển ở các nơi như: Mũi Cần Giờ Đông-Sài Gòn, huyện Gò Công Đông-Tiền Giang, Bình Đại-Bến Tre, Ba Tri-Bến Tre, Cầu Ngang-Trà Vinh, Duyên Hải-Trà Vinh,... bị xói lở, mỗi năm, biển lấn sâu vào bờ từ 10 mét đến 30 mét. Có chỗ như đoạn bờ biển từ thị trấn Vĩnh Châu-Sóc Trăng đến Bạc Liêu, đến nay, đường bờ biển đã lấn vào đất liền khoảng 250 mét.

Riêng Cà Mau, một số đoạn bờ biển như từ Gành Hào đến Mũi Cà Mau, từ cửa sông Đầm Dơi đến cửa Rạch Gốc mỗi năm, biển lấn vào bờ khoảng 35 mét và trong 35 năm vừa qua biển đã lấn vào bờ khoảng 1.4 cây số.

Theo ông Vân, bờ biển xói lở vừa do yếu tố nội sinh của thiên nhiên (gió, sóng, thủy triều, dòng chảy ven bờ, cấu tạo địa chất của bờ biển, vị trí của bờ biển), vừa do tác động ngoại sinh từ con người. Kế đến là tác động của các công trình thủy điện ở thượng nguồn Mekong làm thay đổi dòng chảy và khối lượng phù sa được chuyên chở ra cửa biển. (G.Đ)





No comments:

Post a Comment

View My Stats