01/03/2016 - 21:32 PM
Năm
2016 là năm chứng kiến nhiều bài hát lừng danh của Việt Nam sống qua nửa thế kỷ,
hoặc hơn vậy.
*
Hơn
nửa thế kỷ vẫn hấp dẫn
Rất nhiều bài trong số đó, vẫn luôn được dân ghiền
bolero ngâm nga hàng đêm - nghe mãi, nghe mãi mà vẫn không thấy lỗi thời -
như Đa tạ hay Nhớ nhau hoài (1966) của Anh Việt
Thu. Hai bài hát của Duy Khánh sáng tác, sống động suốt nửa thế kỷ có Xin
anh giữ trọn tình quê và Tình ca quê hương. Cũng nên nhắc
đến các bài hát như Thôi (Y Vân), Sức mấy mà buồn (Phạm
Duy), Rồi 20 năm sau(Trầm Tử Thiêng)...
Vượt mốc đó, là những bài hát đã có 60 năm tuổi
như Ly rượu mừng (Phạm Đình Chương), Gạo trắng trăng
thanh (Hoàng Thi Thơ), Xuân và tuổi trẻ (La Hối)...
Những bài hát này đều được viết trong năm 1956 với một không khí chung tràn đầy
niềm vui và hy vọng. Kho tàng âm nhạc bolero nói riêng và của tân nhạc miền Nam
nói chung có một sức sống đáng kinh ngạc, đi qua bao nhiêu năm tháng vẫn có những
thế hệ mới tìm đến, thưởng thức và hâm mộ.
Ảnh bìa “Xuân và tuổi trẻ” ấn hành năm 1957. Ảnh TL
Và nếu tính theo cột mốc bài hát Duyên
quê (1955-1956) của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, bài hát được ghi nhận
là khởi đầu cho dòng bolero hay tân nhạc Việt Nam, nổi lên trên đài phát thanh
và thị trường dĩa nhựa 33 vòng, thì dòng nhạc bolero Việt Nam đã vào tuổi 60.
Ca khúc Duyên quê được đông đảo khán giả hâm mộ sau giai đoạn
tiền chiến, mở đầu cho một thời gian 20 năm tân nhạc - tình ca Việt rực rỡ
không ngờ.
Bolero sau nửa thế kỷ, mới tạm định hình với cái tên
hiện nay. Trước đó, mỗi khúc quanh của thời cuộc lại đặt để cho hàng chục ngàn
bài tình ca đô thị miền Nam này mỗi cái tên khác như nhạc sến, nhạc mùi, nhạc
bình dân... và rồi là nhạc vàng. Cái tên “nhạc vàng” này mang nhiều ý nghĩa
trái chiều. Với những người yêu thích nó thì “vàng” có nghĩa là sự quý giá, là
một kho tàng âm nhạc cần gìn giữ. Nhưng với những người không thích, và khởi đầu
gọi tên như vậy, là dùng cách gọi chung của thời kỳ Cách mạng văn hóa ở Trung
Quốc, nhằm nói về đời sống văn hóa, âm nhạc trước năm 1949 ở nước này, bị coi
là “khiêu dâm và xa lạ với quần chúng”. Chữ “vàng” được dùng nhiều sau 1975 cho
tân nhạc miền Nam, trích từ cách gọi “hoàng sắc âm nhạc” - nhằm chỉ trích một
dòng nhạc bệnh hoạn, không giá trị.
Nhạc
“vàng” đã sống ra sao trong triều đại 20 năm của nó?
Sự phát triển công nghệ rầm rộ trong thế kỷ XX đã
tác động mạnh mẽ đến âm nhạc miền Nam, đặc biệt qua hệ thống phát thanh và in ấn.
Mặc dù đĩa nhựa khá phổ biến nhưng phương tiện thưởng thức và kết nối xã hội mạnh
mẽ nhất vẫn là qua những giờ phát thanh ca nhạc của đài Sài Gòn và nhạc giấy. Mỗi
tuần, những giờ phát các ca khúc mới được hàng trăm ngàn người đón nghe, chép lại,
gửi thư yêu cầu... khiến việc có được một bài hát xuất hiện và thành công trên
đài là một trong những niềm ao ước lớn lao của các nhạc sĩ.
Vào thời đó, tác phẩm của những cái tên lớn như
Hoàng Thi Thơ, Phạm Duy, Văn Phụng, Phạm Đình Chương... là những đỉnh cao mà
người yêu âm nhạc từ trí thức đến bình dân đều biết.
Ảnh bìa “Khu Phố
Ngày Xưa” của Tú Nhi
Công việc âm nhạc sôi động nhất hàng ngày của giới
nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ... là thu âm cho các chương trình đài phát thanh, sau
này thì đến đài truyền hình. Cuộc sống của làng âm nhạc nói chung cũng nhẹ
nhàng, đặc biệt là vào giai đoạn 1969 cho đến 1974.
Chẳng hạn như, lúc đó giá thu âm một bài hát ở đài
phát thanh là khoảng 500 đồng, dành cho nhạc công. Nhạc trưởng và ca sĩ thì vào
khoảng 700 đồng/bài. Để dễ hình dung, đời sống vật chất lúc đó là khoảng 14 đồng/lít
xăng và một lượng vàng núi thì khoảng 15.000 đồng. Tuy vậy, khi thu cho các
hãng băng thì giá tiền cao hơn, ví dụ như danh ca số một thời đó là bà Thái
Thanh, thu một bài hát là 5.000 đồng.
Đời sống âm nhạc phát triển nhanh. Mặc dù lúc đó thị
trường văn hoá tràn ngập các sản phẩm của Anh, Mỹ, Pháp... thế nhưng âm nhạc Việt
chưa bao giờ mất thế của mình. Những chương trình nhạc trẻ hay đại hội âm nhạc,
bao giờ nhạc Việt cũng có một chỗ đứng đặc biệt, nhất là khi phong trào Việt
hóa nhạc mới do Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang khởi xướng. Chính vì vậy mà thu nhập
của giới âm nhạc (bao gồm cả cải lương, hát bội, ban nhạc trẻ...) nói chung rất
dễ chịu. Nhạc sĩ Hàn Châu, Đài Phương Trang, Mặc Thế Nhân... thường kể về chuyện
những bài hát đầu tiên của họ “trúng” với những khoản thu nhập như mơ.
Giai đoạn đó, một chiếc Honda-dame 50cc nếu mua ngay
tại salon vào khoảng 25.000 - 28.000 đồng, còn nếu đặt mua bên Nhật chở qua,
nguyên thùng có thể lên đến 36.000 đồng. Nhưng chỉ cần có một bài hát ăn khách
thì chuyện mua một chiếc xe thời thượng như vậy rất dễ dàng. Huyền thoại trong
giới ca nhạc sĩ về thu nhập, phải kể đến con số thu được hơn 2 triệu đồng cho một
bài hát là Nguyễn Thị Mộng Thường (Trần Thiện Thanh), kế đến
là Chuyện tình thiếu nữ tên Thi (Hoàng Thi Thơ) với thu nhập
1,7 triệu đồng.
Nhạc sĩ Bảo Chấn từng kể rằng các ban nhạc chuyên đi
thu thanh cho các bài mới như ban nhạc của nhạc sĩ Lê Văn Thiện, Y Vân, Lê Vũ...
làm việc ngày đêm vẫn không xuể với lượng sáng tác mới dồi dào xếp hàng chờ được
quảng bá trên đài hay thu âm ra băng cassette. Tuy vậy, thu nhập của các nhạc
công ở các phòng trà, quán bar cũng luôn được trọng đãi. Thời gian làm ở phòng
trà của ca sĩ Khánh Ly, lương tháng của nhạc sĩ Bảo Chấn là 150.000 đồng/tháng.
Còn những cái tên lớn như nhạc sĩ Lê Văn Thiện thì lên đến 300.000 đồng/tháng.
Rất nhiều nhà xuất bản nhạc giấy săn đón các tác phẩm
thành công trên đài phát thanh như Mạnh Phát, 1001 Bài Hát, Tinh Hoa, Sóng
Vàng... Trong suốt nhiều năm, các bản nhạc giấy đó được bán với giá 7 đồng/bài,
ghi chú là không có giá khác trên “toàn cõi Việt Nam” đã tạo ra một trào lưu âm
nhạc đặc biệt, mà người yêu nhạc sưu tầm và phải biết đọc nhạc lý để có thể theo
dõi. Tiền chia bản in cho các tác giả, bao gồm tiền độc quyền, thường đến 50%,
đã làm nên một lớp nghệ sĩ khá giả, không quá nặng nợ cơm áo và chỉ lo tập
trung sống đời sáng tác.
Ký ức
để lại
Từng trải qua thời gian sinh hoạt âm nhạc như vậy,
lúc còn sinh thời, nhạc sĩ Y Vân tâm sự rằng ông tắm với một không gian chỉ có
“âm nhạc và âm nhạc”. Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân thì nói rằng đó là một giai đoạn âm
nhạc nâng đỡ người nghệ sĩ chắp cánh bay bổng bất ngờ. Còn với nhạc sĩ Bảo Chấn,
ông nói đó là giai đoạn của niềm vui nghề nghiệp khó tả.
Ban hợp ca Thăng
Long : Thái Thanh, Hoài Bắc, Hoài Trung
Thời đại đó, người Việt không quá quan tâm K-pop hay
Canto-pop, dù âm nhạc Hồng Kông, Nhật Bản, Thượng Hải... vẫn rất thời thượng.
Nghệ sĩ Việt không ai dám nghĩ đến chuyện hát nhép, không thuộc lời hay quên
tên người sáng tác: người tạo ra tác phẩm trong 20 năm ấy luôn có một vị trí
trân trọng và cao quý trong mắt mọi người.
Từng nhạc sĩ sáng tác là một phong cách, là những
nhà viết nhạc có học thuật bên mình. Rất khác ngày hôm nay, một ca sĩ chỉ cần
hát u ê vào trong máy ghi âm, sẽ có người giúp viết lời và chép lại nốt nhạc.
Nhạc sĩ Thanh Sơn khi còn sống, kể rằng nếu ông thiếu một chữ đắc ý trong câu
hát, ông sẽ không dám cho ra mắt, bất luận là bao nhiêu, mặc dù lúc đó, giới âm
nhạc chưa có khái niệm “thảm họa”.
Mọi thứ đã xa lắm rồi, có thể bằng một kiếp người.
Nhưng ký ức về giai đoạn tân nhạc Việt Nam đó vẫn còn đầy sinh động trong mỗi
người. Nhạc sĩ Bảo Chấn nói khi ông bước vào phòng thu, tín hiệu bắt đầu luôn
mang lại một cảm giác xao xuyến. Nhiều thập niên trước, người ta phải lão luyện
với nghề, buổi thu không được dừng lại với sai sót. Bàn tay chạy trên đàn, tiếng
kèn cất lên... mọi thứ sẽ đi vào một thế giới khác không thể giả tạo, trang trọng
và êm dịu đi vào trí nhớ.
Tuấn
Khanh
No comments:
Post a Comment