Tuesday, 22 March 2016

MIỀN TÂY ĐIÊU ĐỨNG TRONG THIÊN TAI LỊCH SỬ (VnExpress)





Thứ năm, 17/3/2016 | 00:12 GMT+7

Ngoài việc đảo lộn đời sống hàng triệu dân vì không có nước ngọt, các chuyên gia lo ngại tốc độ xâm nhập mặn tiếp diễn như hiện nay sẽ khiến nền nông nghiệp ở miền Tây kiệt quệ trong 3 năm tới.

Sau tình trạng hàng nghìn tấn hàu của bà con huyện Bình Đại chết sạch, thiệt hại gần 50 tỷ đồng, hiện người nuôi nghêu ở huyện ven biển của tỉnh Bến Tre cũng đứng ngồi không yên. Mấy ngày nay ông Lâm Văn Khởi (45 tuổi, ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) và hàng trăm xã viên khác liên tục ra bãi nhặt xác nghêu đem bỏ.

"Cả mấy tuần rồi nắng gay gắt, độ mặn tăng cao chưa từng có khiến nghêu chết nhiều. Bà con góp vốn hàng chục tỷ đồng đổ vào đây. Hơn tháng nữa là thu hoạch mà gặp cảnh này ai cũng rầu", ông Khởi giọng buồn bã.

Giá rơm cho trâu, bò ăn ở Bến Tre từ 2.000 đến 2.500 đồng mỗi kg, bằng nửa giá lúa. Ảnh: Cửu Long

Cùng cảnh khổ, người nuôi trâu, bò ở Bến Tre đang lo "sốt vó" khi nguồn nước uống, thức ăn đang cạn kiệt. Hiện, 2 kg rơm có giá tương đương một kg lúa (4.000-5.000 đồng); nước giếng cho gia súc uống 100.000 đồng mỗi m3. Không có tiền nuôi, nhiều hộ phải bán trâu bò giá rẻ, lỗ cả chục triệu đồng một con.

"Hơn nửa tháng nay mỗi ngày tôi phải vượt gần 5 km đi mua nước ngọt về pha với nước mặn cho đàn bò uống cầm chừng, dù rất lo dịch bệnh xảy ra", nông dân Nguyễn Văn Đỗ, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, nói.

Theo ông Nguyễn Thành Lâm - Phó phòng Nông nghiệp huyện Ba Tri - địa phương có hơn 80.000 trâu bò, lớn nhất miền Tây. "Mỗi con cần hàng chục lít nước ngọt mỗi ngày. Nhưng ngay cả con người còn không có nước để sinh hoạt thì nói gì đến gia súc", ông Lâm nói
Tình trạng thiếu nước ngọt cũng khiến Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (lớn nhất Bến Tre) cả tháng qua phải xài nước nhiễm mặn. Bác sĩ Trần Văn Ân, Phó giám đốc bệnh viện cho hay, mỗi tháng đơn vị cần 16.000 m3 nước sạch phục vụ cho các khoa phòng, với sức chứa hơn 1.000 giường. Đặc biệt, hệ thống máy xét nghiệm và lọc thận buộc phải dùng nước ngọt hoạt động nhưng hiện nay nguồn cung cấp rất khó khăn.

"Chúng tôi đang rất lo ngại vì ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, sự an toàn máy móc cũng như sinh hoạt của bệnh nhân. Nhất là nguy cơ dịch bệnh xảy ra", ông Ân tỏ ra lo lắng.

Hiện, Bến Tre được đánh giá là địa phương thiệt hại nặng nhất trong trận thiên tai lịch sử. Có 162/164 xã, phường, thị trấn trong tỉnh bị mặn bủa vây. Toàn bộ gần 20.000 ha lúa đông xuân, hơn 500 ha cây màu và 100.000 cây giống của bà con nông dân bị mất trắng…
"Khó nhất là hơn 353.000 dân ở các vùng nông thôn thuộc 3 huyện ven biển đang thiếu nước ngọt nghiêm trọng; phải mua nước giếng hoặc các xe bồn chở từ tỉnh khác đến với giá 100.000-200.000 đồng/m3", ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay.

Các chuyên gia cho rằng, nếu diễn biến xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra như hiện nay, trong 3 năm tới nền nông nghiệp miền Tây sẽ kiệt quệ. Ảnh: Cửu Long

Trong khi đó, Trà Vinh là địa phương thứ 8 ở miền Tây công bố thiên tai. Hàng chục nghìn ha lúa đông xuân và tôm nuôi bị hư hại vì hạn mặn khốc liệt chưa từng có. Hộ ông Nguyễn Văn Thông (huyện Cầu Ngang) thả 400.000 con tôm giống được 2 tuần, giờ chết sạch vì nắng nóng và độ mặn quá cao.

"Toàn bộ vốn liếng cả trăm triệu đồng đổ vào đây, coi như mất hết rồi. Từ nhỏ đến giờ tôi mới thấy thời tiết lạ lùng như thế", lão nông 60 tuổi nói.

Sông cạn kiệt, đồng nứt nẻ, nhiều nông tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng rơi nước mắt khi phải bán đi phần lúa mới được gieo trồng trước khoảng 2 tuần tuổi cho những người có điều kiện hơn. "Tôi buộc phải bán 12/25 công lúa non khi đạt 15 ngày tuổi để lấy 4,5 triệu đồng đầu tư cứu phần diện tích còn lại", ông Hùng, ngụ xã Tân Hưng, nói.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Long Phú, mức độ thiệt hại đang tăng lên trên cả cấp số nhân. Toàn huyện xạ 6.300 ha lúa đông xuân. Cuối tháng 2, diện tích lúa bị mất trắng có 78 ha, nay tăng lên 1.000 ha; chiếm 1/4 toàn tỉnh.

Trước thiên tai nghiêm trọng này, các chuyên gia lo ngại ảnh hưởng nặng nề đến ngành nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa, trái cây, thủy sản lớn của cả nước. "Nếu tốc độ xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn như hiện nay, trong 3 năm tới nền nông nghiệp ở ĐBSCL có thể sẽ bị kiệt quệ", PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa (Đại học Cần Thơ) nhận định.

Theo ông Anh, khi đó, đất nông nghiệp, lương thực trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn. Diện tích đất nông nghiệp, đất trồng cỏ cho gia súc, ngành chăn nuôi sẽ sụt giảm mạnh, đồng thời tăng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi…

Tiếp nước cấp bách cho dân vùng hạn mặn

Toàn miền Tây có 155.000 hộ (gần 600.000 nhân khẩu) đang thiếu nước ngọt sử dụng. Nặng nề nhất là tỉnh Bến Tre, gần như toàn bộ diện tích bị nước mặn xâm nhập.

Công ty cấp thoát nước Bến Tre cho biết, nước sạch cung cấp cho người dân, các cơ quan đơn vị bị nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép (trên 250 mg mỗi lít). Để giảm thiểu tình trạng này, chính quyền địa phương cho đắp đập tạm chặn sông Cái Cỏ ngăn nước mặn từ dòng Hàm Luông vào.

Xe bồn đưa nước sạch về vùng nông thôn phục vụ người dân. Ảnh: A.X

Mỗi ngày trạm bơm Cái Cỏ lấy 35.000 m3 nước bị mặn 1‰ từ sông Tiền đưa về nhà máy nước Sơn Đông (TP Bến Tre) để pha loãng với nguồn nước lấy trên sông Hàm Luông (4-5‰) xử lý, cung cấp cho dân xài. Tình trạng này cũng diễn ra ở 3 trạm còn lại của tỉnh.
"Đối với các bệnh viên, chúng tôi ưu tiên dùng xe bồn qua Tiền Giang mua nước sạch từ nhà máy BOO Đồng Tâm về phục vụ, nhưng cũng chỉ đủ sử dụng cho các máy móc chuyên dụng", bà Nguyễn Thị Diễm Phượng, Tổng giám đốc Công ty cấp thoát nước Bến Tre cho biết.

Sắp tới, tình hình căng thẳng hơn, nhà máy sẽ đưa xà lan lên thượng nguồn sông Tiền lấy nước thô về xử lý cung cấp cho các bệnh viện. "Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi cố gắng tối đa và mong được người dân thông cảm, chia sẻ", bà Phượng nói. Ngoài ra, chính quyền các địa phương trong tỉnh đang huy động xà lan chở nước ngọt phục vụ người dân các huyện ven biển.

Trong khi đó, tỉnh Sóc Trăng cũng đang huy động xe bồn đưa nước về phục vụ miễn phí cho người dân 80 xã bị xâm nhập mặn. "Chúng tôi cố gắng bằng mọi cách phải đưa nước sạch đến tận tay người dân để ổn định cuộc sống cho họ; hạn chế tối đa tình trạng dịch bệnh xảy ra", ông Nguyễn Thành Dũng - Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, khẳng định.

Tỉnh Tiền Giang cũng đang triển khai phương án đắp đập tạm ngăn sông Sáu Hầu - Xoài Hột để lấy nước ngọt từ kinh Nguyễn Tất Thành cung ứng cho Nhà máy nước BOO Đồng Tâm, cách đó khoảng 500 m hoạt động, đảm bảo mỗi ngày cung ứng 70.000 m3 nước sạch. Ngoài ra, địa phương còn khoan giếng lấy nước ngầm phục vụ người dân, đặc biệt là vùng bán đảo Gò Công và huyện đảo Tân Phú Đông…

Cửu Long




No comments:

Post a Comment

View My Stats