Wednesday, 23 March 2016

LÙM SÙM CHUYỆN VTV "CHÔM" BẢN QUYỀN & BỊ YOUTUBE "XÓA SỔ" (Người Việt Online)





Người Việt Online
Tuesday, March 22, 2016 4:41:13 PM 

HÀ NỘI (NV) - Phớt lờ khiếu nại của một người dân về việc vi phạm bản quyền, 'kênh YouTube' của Ðài Truyền Hình Việt Nam (VTV) bị khóa vĩnh viễn từ ngày 7 Tháng Ba, 2016. Cho đến nay, VTV cũng không nhận lỗi mà đùn đẩy trách nhiệm.

Vừa qua, truyền thông Việt Nam loan tin ông Bùi Minh Tuấn (35 tuổi), chủ tài khoản kênh YouTube “Yamaha Trung Tá,” ở Quảng Trị, người đã tố VTV ăn cắp bản quyền và làm lơ trước những khiếu nại của ông.

Ông Bùi Minh Tuấn điều khiển Flycam quay video clip. (Hình: Facebook nhân vật)

Theo ông Tuấn: “VTV đã rất coi thường tác giả, bởi vì tôi đã 4-5 lần gửi công văn tới tổng giám đốc VTV nhưng chưa bao giờ nhận được văn bản trả lời chính thức từ lãnh đạo đài. Cực chẳng đã tôi buộc phải báo cáo với YouTube.”

*VTV cố tình cắt 'logo nhắc nhở bản quyền'

Có lẽ đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam, một công dân đòi lãnh đạo VTV, ông Trần Bình Minh, ủy viên Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam, phải xin lỗi mình công khai trong chương trình thời sự. Ðồng thời, VTV phải tổ chức một buổi họp báo về vấn đề này “để khẳng định sự tôn trọng tác giả, nhắc nhở những người làm truyền hình không nên vi phạm bản quyền nữa.” Buổi họp báo này cũng phải do lãnh đạo VTV chủ trì. Nếu không, kênh YouTube của VTV sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn.

Ông Bùi Minh Tuấn đang là giám đốc một công ty tư nhân chuyên kinh doanh xe máy ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, và là người đam mê flycam, tự đầu tư thiết bị để thực hiện rất nhiều cảnh quay bằng flycam ở khắp Việt Nam và đăng các video này trên kênh YouTube với tên “Yamaha Trung Tá.”

Trên trang 'www.trungta.com.vn' của mình, ông Tuấn viết: “Tiến trình tìm lại công lý của tác giả: Sau nhiều lần liên lạc với Phòng Ðảm Trách Bản Quyền và Thương Hiệu từ VTV, ngoài việc không giải quyết được vấn đề và 'anh A có việc đi ra ngoài,' nhiều lần nghe xin lỗi nhưng vẫn tiếp tục sử dụng trái phép, tác giả đã viết đơn lên các bộ, cơ quan có thẩm quyền.”

Vẫn trên trang này, ông Tuấn cho hay, VTV tự ý cắt cúp xóa bỏ logo nhắc nhở bản quyền “Copyright by Yamaha Trung Ta” bên góc trái phía trên của video clip.

Biến tác phẩm của người khác thành sản phẩm của mình một cách trái pháp luật. Chưa kể, thông tin của tác giả tại kênh YouTube đầy đủ nhưng không chịu liên lạc và bỏ qua. Thêm vào đó, trong thời gian chờ giải quyết và phản hồi, VTV vẫn thản nhiên sử dụng liên tục tác phẩm “Việt Nam qua góc nhìn Flycam” trong các chương trình phát sóng.

Trong hơn một năm qua, ông Tuấn đã ròng rã gửi đơn tới tổng giám đốc VTV, Cục Bản Quyền của Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch, Bộ Thông Tin Truyền Thông để khiếu nại do phát hiện gần 20 lần vi phạm bản quyền trên các kênh sóng của VTV. Tuy nhiên, chưa một lần lãnh đạo VTV có công văn trả lời ông một cách chính thức.

Lần đầu tiên ông Tuấn thông báo với YouTube là ngày 2 Tháng Chín, 2015. Theo quy định của YouTube, sau khi nhận được báo cáo, YouTube sẽ gửi mail tới kênh YouTube của VTV để VTV rút các video vi phạm bản quyền. Lần thứ hai, ông Tuấn gửi báo cáo là vào Tháng Mười Một, 2015, và khi ông báo cáo đến lần thứ ba về vi phạm của VTV vào ngày 23 Tháng Hai, 2016, YouTube quyết định khóa kênh YouTube chính thức của VTV từ ngày 29 Tháng Hai.
Ngày 6 Tháng Ba, đại diện Ban Kiểm Tra của VTV đã hẹn làm việc trực tiếp với ông Tuấn để giải quyết những liên quan về vấn đề bản quyền, nhưng khi biết ông Tuấn muốn thu hình trực tiếp buổi làm việc thì VTV đã hủy cuộc hẹn.

Hình ảnh ông Bùi Minh Tuấn đưa ra chứng cứ tố cáo VTV “chôm” video của mình.

Lý do ghi hình buổi làm việc này, ông Tuấn cho hay vì có nhiều lời đồn thổi ông muốn kiếm tiền từ VTV và muốn nổi tiếng, do đó ông muốn nội dung làm việc phải công khai, minh bạch, và phải quay phim chụp ảnh, cũng như mời mọi người đến làm bằng chứng.

Tuy nhiên, vì VTV hủy hẹn, và đây là thời hạn cuối cùng trong hạn định bảy ngày, kể từ ngày kênh YouTube của VTV bị khóa kênh, nếu ông Tuấn không đồng ý gỡ khiếu kiện thì kênh này của VTV sẽ chính thức bị xóa vĩnh viễn trên hệ thống YouTube. Ðây là quy định được YouTube áp dụng trên toàn cầu và không có ngoại lệ trong bất cứ trường hợp nào.

*VTV đùn đẩy trách nhiệm

Ngày 10 Tháng Ba, ông Nguyễn Thành Lương, phó tổng giám đốc VTV, đã ký văn bản trả lời khiếu nại của ông Bùi Minh Tuấn.

Nội dung văn bản này cho hay, VTV đã xác minh có một số chương trình của VTV đã sử dụng hình ảnh của kênh YouTube Yamaha Trung Tá mà không đảm bảo các quy định của luật cũng như quy định của VTV về khai thác, sử dụng tác phẩm của tác giả khác. Ðiều này đã không đúng với các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và của VTV trong vấn đề thông tin tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

Theo giải thích của VTV, có ba nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm bản quyền tác giả nói trên, đó là: “Một số phóng viên đã không thực hiện đúng quy trình sản xuất và sử dụng nguồn tư liệu trong sản xuất chương trình, trong đó có cả lỗi vô tình và cố ý.”

“Một lý do khác, đó là một số chương trình VTV phát sóng nhưng do một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương cung cấp cho đài, hay hình ảnh, tư liệu được họ cung cấp cho đài, mà theo thỏa thuận, các chương trình này do họ phải chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền.”

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, một số phóng viên của đài đã liên hệ và được tác giả cho phép sử dụng trong một chương trình phát sóng nào đó trên đài, nhưng sau đó các đồng nghiệp khác vô tình nghĩ là đã có bản quyền và đã khai thác, sử dụng lại, dẫn đến sự vi phạm.

Về việc giải quyết khiếu nại, VTV đã trả lời như sau: “Do VTV có quy định phân cấp cho các đơn vị sản xuất nội dung chương trình phải chịu trách nhiệm về nội dung do đơn vị mình sản xuất. Các đơn vị sản xuất được thể hiện ở bảng chữ cuối của chương trình. Vì thế, từ trước tới nay, khi có khiếu nại các đơn vị sản xuất đã trực tiếp liên hệ và xin lỗi ông (Bùi Minh Tuấn) và đã được ông đồng ý một số trường hợp.”

Tuy nhiên, VTV đề nghị ông Tuấn: “Trong phản ánh vi phạm lần này, để giải quyết nhanh chóng, đề nghị ông làm việc trực tiếp với những đơn vị có chương trình mà ông phản ánh và các đơn vị liên quan để được đáp ứng các quyền lợi của pháp luật”.

*'Luật' YouTube, và 'luật' Việt Nam

Kênh YouTube Yamaha Trung Tá đã được cấp quyền và chứng nhận Content ID, quyền sở hữu và sáng tác của tác giả với tư cách: “Chặn sao chép trái phép tác phẩm toàn cầu.”

Theo chính sách của Google, chỉ cần 0.5 giây hình ảnh bị sao chép tác phẩm xuất hiện, video vi phạm đã bị chặn và bị phạt nặng. Không cần thông báo cho YouTube thì hệ thống Content ID cũng đã tự rà soát và xử lý. Tuy nhiên, do biết luật YouTube nên VTV đã tìm cách lách luật, cố tình tìm cách để qua mặt YouTube bằng các kỹ thuật can thiệp và xử lý hình ảnh.

“Luật” YouTube quy định: “Nếu bạn thấy video YouTube của mình trên một trang web khác mà không có sự cho phép của bạn, bạn sẽ phải thực hiện theo quy trình yêu cầu xóa video. Khi đó, bạn phải mô tả tác phẩm của bạn mà bạn cho là đã bị vi phạm: nhớ mô tả rõ ràng và đầy đủ nội dung có bản quyền mà bạn muốn bảo vệ.”

Ðồng thời, “khiếu nại của bạn phải chứa URL cụ thể của video mà bạn cho là vi phạm quyền của bạn, nếu không chúng tôi sẽ không thể xác định và xóa video đó. Thông tin chung về video, chẳng hạn như URL kênh hoặc tên người dùng, vẫn chưa đủ. Vui lòng bao gồm URL của video chính xác. URL phải ở định dạng sau: 'www.youtube.com/watch?v=xxxxxxxxxxx"

Còn “luật” Việt Nam, để chứng minh VTV vi phạm, phải thỏa đáng các điều kiện của Luật Sở Hữu Trí Tuệ. Hiện tại kênh YouTube của VTV bị tháo xuống vì vi phạm quy chế của YouTube, tuy nhiên khi chưa có phán quyết của tòa án thì không có nghĩa là VTV vi phạm pháp luật Việt Nam.

Theo đó, các clip được cho là của ông Bùi Minh Tuấn mà VTV lấy từ YouTube, bao gồm hình ảnh của đoạn video quay phim và bài nhạc được lồng vào. Clip này sẽ được bảo hộ với hình thức bản ghi hình. Như vậy, bản ghi hình được bảo hộ là quyền liên quan chứ không phải quyền tác giả.

Trong bản ghi hình này có một quyền tác giả phát sinh, đó là quyền tác giả bài hát “Việt Nam ơi.” Vì vậy, phải căn cứ vào thời điểm ông Tuấn hoàn thành clip, rồi “úp” lên YouTube, và thời điểm VTV sử dụng clip đưa vào chương trình của VTV thì ông Tuấn đã xin phép tác giả bài hát chưa?

Theo luật, việc xin phép tác giả bài hát sau này hoàn toàn khác với việc xin phép vào thời điểm hoàn thành clip. Do đó, nếu vào thời điểm hoàn thành clip, rồi úp lên YouTube mà ông Tuấn chưa xin phép, chưa được sự đồng ý của tác giả bài hát thì theo khoản 2 Ðiều 6 thì clip này không được bảo hộ quyền liên quan.

Nếu ông Tuấn đã liên lạc với tác giả trước khi lồng bài hát vào clip thì lúc này được bảo hộ theo khoản 2 Ðiều 6, lúc này ông Tuấn được bảo hộ quyền liên quan.

Khi đó, hành vi sử dụng clip của VTV có sai không, và nếu sai thì bị xử lý như thế nào? Ðiều 33 của luật này cho phép VTV được quyền sử dụng mà không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của chính phủ hoặc khởi kiện tại tòa án.

Trên trang web www.trungta.com.vn của mình, ông Bùi Minh Tuấn viết: “Bài hát 'Việt Nam ơi' được sử dụng trong video với sự cho phép của tác giả Minh Beta.” (Q.D.)





No comments:

Post a Comment

View My Stats