Tuesday 8 March 2016

LẢM NHẢM MÙNG TÁM THÁNG BA (Baron Trịnh)





08/03/2016

An-nam là xứ sở âm-tính. Đại bộ phận liền-ông xứ này có tư duy đái ngồi và xu hướng mua váy mà mặc.

Hình minh họa

Xứ sở này bị tác động nặng nề bởi chủ thuyết của Khổng Khâu. Thế nên liền-ông phần lớn đều mang phong-kiến-tính, họ luôn tự cho rằng họ phải là đại-trượng-phu, phải là trụ-cột gia đình.

Thế có nghĩa là những liền-ông âm-tính nó chả khác liền-bà cấp 1, còn liền-bà đích thực dĩ nhiên bị đẩy xuống thành liền-bà cấp 2.

Không phải là cay độc hay phỉ báng, mà thực tế là như thế.

Như tôi đã từng biên, liền-bà xứ sở này thuộc loại khổ nhất trên trái đất khi vớ phải những ông chồng âm-tính.

Họ luôn đầu tắt mặt tối với cuộc sống, nếu cơm lành canh ngọt con cái ngoan ngoãn còn đỡ, ngược lại thì tội vạ đều do liền-bà. Thậm chí ngay cả khi các liền-ông trụ-cột-gia-đình không kiếm tiền được để "xây nhà" thì trách nhiệm "xây nhà" lẫn "xây tổ ấm" đều được treo trên đôi vai gầy của liền-bà.

Hình minh họa

Đa phần liền-bà xứ này bị đối xử bất bình đẳng, nhưng phần lớn họ lại hạnh phúc bởi sự "hy sinh" đó. Sự âm-tính của liền-ông xứ này đã hình thành nên "tượng đài hy sinh" của liền-bà, như câu ca-dao "Ðương khi lửa tắt cơm sôi/ Lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem".

Chính vì thế sau những hy sinh, những vất vả thường nhật, họ được khen, được yêu một tý thì đó chính là hạnh phúc của cuộc sống. Mặc dù, sự khen yêu này là đặc quyền ban phát của liền-ông.

An-nam có 2 ngày dành riêng cho liền-bà. Những ngày này, đa phần liền-bà ngóng đợi quà và sự chia sẻ công việc của liền-ông.

Những liền-bà có quà, có sự chia sẻ tự cho đó là sự hạnh phúc mà họ được hưởng, và dĩ nhiên là họ khoe với mọi người để thể hiện sự hạnh phúc đó hehe...

Ngược lại những liền-bà không có quà và sự chia sẻ thì mặc nhiên là bất hạnh, là vớ phải loại liền-ông vô tâm, vô cảm, thiếu trách nhiệm...

Hình minh họa

Khi hết 2 ngày đó, liền-ông lại quay lại với điệp khúc "xây nhà". Họ lại nhậu nhẹt, lại không mó tay vào việc nhà, việc con cái, họ lại phong-kiến-tính với liền-bà của họ.

Và dĩ nhiên, liền-bà sẽ lại đầu tắt mặt tối với đặc tính "hy sinh" của họ.

Tôi không hiểu tại sao họ - cả liền-ông lẫn liền-bà - của xứ sở này lại như thế? Trong khi thế giới đã đi lên văn minh và phẳng mà họ vẫn giữ nguyên nếp cũ như cách đây trăm năm về trước. Mà có khi lại còn cho rằng đó là "đậm đà bản sắc dân tộc" nữa.

Tại sao liền-ông xứ này không xem ngày nào cũng là 8/3, là 20/10 để chia sẻ những vất vả lẫn sự yêu thương đối với liền-bà?

Tại sao liền-bà xứ này không xem ngày nào cũng là ngày của họ, ngày nào họ cũng nhận được chia sẻ và yêu thương của liền-ông?

Tại liền-ông? Hay tại liền-bà?

Hình minh họa

Thiết nghĩ, xứ sở này nên bỏ quách mấy ngày kỷ niệm nhạt thếch này đi. Cứ tưởng là hay, nhưng nó chỉ cho thấy não trạng phong kiến vẫn còn ăn sâu bám bền trong tâm thức phần lớn cần-lao xứ sở này.

Đồng thời nó cho thấy sự bất bình đẳng giới và sự mông muội của xứ sở này vẫn còn lớn lắm.

Và tôi chúc các bà, các mẹ, các chị, các em ngày nào trong năm cũng là ngày 8/3, là ngày 20/10.

Và thay bằng một năm trông đợi 2 ngày này để được tặng hoa, tặng quà, được đưa đi ăn nhà hàng, được chia sẻ công việc gia đình, con cái... thì họ xứng đáng ngày nào, tuần nào, tháng nào cũng được như vậy.

© 2016 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.




No comments:

Post a Comment

View My Stats